Thư viện và sinh viên thời công nghệ thông tin

Chưa bao giờ ngành công nghệ thông tin lại có bước đột phá, thăng hoa như TK XXI. Nó tác động đến tận ngóc ngách các lĩnh vực, trở thành công cụ thúc đẩy phát triển qua lại giữa những đối tượng, ngành nghề trong xã hội. Hiện nay, việc đọc sách của sinh viên cũng vậy, không còn bị bó hẹp trong những thư viện truyền thống, việc xuất hiện nhiều loại hình, công cụ thông minh giúp họ có thể tìm kiếm thông tin một cách đơn giản. Liệu thư viện truyền thống có còn là nơi tra cứu tài liệu và hành trình tiếp cận tri thức của sinh viên hay không khi thư viện điện tử ngày càng chiếm ưu thế.

1. Thư viện truyền thống đối với sinh viên

Đọc sách và nghiên cứu sách để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng tầm hiểu biết là phương pháp phổ biến nhất của việc tự học. Trong đó, thư viện được lựa chọn là nơi có không gian lý tưởng để sinh viên tự học. Đây được coi là trường học thứ hai của sinh viên, giúp họ tìm kiếm thông tin, kế thừa kiến thức, phát kiến của các thế hệ đi trước. Việc đến thư viện tự học sau giờ học hay trong những đợt ôn thi là việc quan trọng, ở thư viện, hầu hết mọi người đều giữ trật tự đến mức tối đa, sẽ không ai làm phiền đến việc đọc sách, nghiên cứu của ai, vì vậy mà hiệu quả tiếp nhận thông tin càng cao. Tuy nhiên, nhiều sinh viên hiện nay không có thói quen, thậm chí không có ý định lên thư viện để tìm tài liệu. Lý do đưa ra có thể là không có thời gian, nhà xa… hoặc cảm thấy không cần thiết vì chỉ cần một vài thao tác đơn gian trên điện thoại hoặc máy vi tính là có thể tìm ra chính xác nội dung mình muốn biết thay vì mất công sức, thời gian đến thư viện ngồi đọc hay làm làm thủ tục mượn về đọc.

Đối với thư viện truyền thống, việc đọc sách của sinh viên và phục vụ của cán bộ thư viện bắt buộc phải diễn ra trong không gian và thời gian nhất định. Tất cả các hoạt động nghiệp vụ thư viện đều thủ công, điều này trở thành rào cản làm thay đổi thói quen của sinh viên thời nay so với thế hệ sinh viên của các thập kỷ trước. Họ không còn phải phụ thuộc vào những tài liệu chỉ đến thư viện mới có, thay vào đó là nhiều nguồn thông tin được công khai đăng tải trên mạng, dễ dàng tìm thấy và sao chép.

Nền kinh tế phát triển chậm kéo theo sự thay đổi bộ mặt cho ngành thư viện ở các trường học tại nước ta cũng không hiện đại như nhiều nước phát triển trên thế giới. Từ những năm 90 TK XX, để tạo động lực, hứng thú cho sinh viên đến thư viện, nhiều quốc gia phát triển đã đầu tư xây dựng, cải tạo thư viện truyền thống có một không gian rộng rãi, đẹp đẽ, không ngừng tăng cường khối lượng tài liệu, bổ sung liên tục các đầu sách hay, quý hiếm và đặc biệt là đã bán tự động các hoạt động ngiệp vụ, việc mà những năm gần đây chúng ta mới bắt đầu triển khai. Nhiều loại hình thư viện xuất hiện như: thư viện điện tử, thư viện số, thư viện hybrid (thư viện lai). Ngoài những thiết bị truyền thống như bàn ghế, kệ sách… những thư viện trên thế giới còn trang bị cả hệ thống hạ tầng thông tin… đã thay đổi sắc thái của thư viện truyền thống, khoác lên mình một hình ảnh đầy mới mẻ và hấp dẫn sinh viên tìm đến. Tuy nhiên, theo ông Patricia Olyer, chuyên gia thông tin thư viện Hoa Kỳ trong một cuộc hội thảo về các dự án thư viện và trung tâm học liệu tại Huế nhận định: “Các trung tâm học liệu, thư viện, trung tâm thông tin được đầu tư xây dựng lớn với hạ tầng hiện đại mà không có chuyên gia được đào tạo tốt để quản lý và hỗ trợ giáo viên, sinh viên sử dụng chúng thì cũng chỉ là những tòa nhà”(1). Còn ông Nguyễn Minh Hiệp lại nói về hiện trạng thư viện Việt Nam: “Khi thư viện không được đầu tư thì thiếu thốn tất cả mọi thứ. Nhưng khi được đầu tư lớn, các thư viện xây dựng khang trang đẹp đẽ và có đủ thứ thì lại xuất hiện tình trạng các nhân viên thư viện không thể nào bắt kịp tốc độ xây dựng và mua sắm trang thiết bị thư viện”(2). Vì thế, cần lưu ý đến vấn đề đào tạo các chuyên gia thông tin ở Việt Nam nhằm tăng tốc việc sử dụng công nghệ mới và nâng cao trình độ quản lý thông tin.

Ngày nay, với sự thâm nhập ngày càng sâu của mạng internet, từ thương mại đến sản xuất, ngay cả việc để giữ gìn những giá trị truyền thống cũng cần đến sự can thiệp của công nghệ thông tin. Khái niệm thư viện truyền thống để nói đến sự tương phản với thư viện hiện đại. Tuy nhiên, những thành tựu của công nghệ thông tin đã đem tới những thay đổi bất ngờ cho thư viện truyền thống. Đó là số hóa toàn văn các bộ sưu tập với mục đích ban đầu là giảm thiểu tác động vật lý của người đọc vào tài liệu nhằm bảo tồn các bộ sưu tập được lâu dài. Quá trình số hóa tạo nên những bộ sưu tập số trực tuyến vừa lưu giữ vừa phục vụ người đọc. Ngoài ra, các thiết bị trợ giúp khác như máy kiểm soát độ ẩm, mã vạch trên cơ sở của ứng dụng công nghệ thông tin cũng xuất hiện trong thư viện và trợ giúp hiệu quả công tác bảo quản và an ninh tài liệu. Từ đó, xuất hiện những loại hình thư viện mới cũng như cách thức quản lý và phục vụ trực tuyến mới.

2. Lợi ích và hạn chế của thư viện điện tử đối với sinh viên

Thư viện điện tử là thành quả ra đời tất yếu của ngành công nghệ thông tin cũng như nhu cầu ngày càng cao của độc giả nói chung và sinh viên nói riêng. Nó phá vỡ mọi khoảng cách về không gian, thời gian, kể cả sự bất đồng về ngôn ngữ, dân tộc… Như vậy cho thấy, thư viện điện tử có khả năng tích hợp nhiều tính năng ưu việt, tạo điều kiện thuận lợi cho con người tiếp cận thông tin từ xa đến gần, từ bề rộng lẫn chiều sâu của một vấn đề quan tâm. Dù bất cứ ở đâu, thời điểm nào, chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet, sinh viên có thể tra cứu tài liệu cần thiết. Ngoài ra, tính năng tương tác cũng là một điểm mạnh của thư viện điện tử. Việc học, thảo luận nhóm cũng có thể diễn ra ngay cả khi sinh viên không gặp trực tiếp. Hay sinh viên và giảng viên cũng có thể trao đổi trực tuyến rất thuận tiện. Không những vậy, người đọc và cán bộ thư viện cũng có thể tương tác ở mọi lúc mọi nơi với nhau.

Khác với thư viện truyền thống khi sản phẩm chủ yếu là các sưu tập hữu hình, các loại ấn phẩm định kỳ, sách, báo, đĩa nhạc, băng hình… thư viện điện tử có thêm sưu tập số hoặc có khi chỉ có sưu tập số. Sản phẩm thư mục đa dạng gồm cả thư mục trực tuyến, ngoại tuyến hoặc in từ trực tuyến sang ngoại tuyến. Điều này giúp sinh viên có nhiều lựa chọn tiếp cận thông tin hơn rất nhiều. Không những thế, khi truy cập tìm kiếm thông tin muốn biết, hàng loạt các đường link tài liệu liên quan còn xuất hiện theo, những tài liệu đó có thể giúp bổ sung, giải thích chi tiết hơn cho vấn đề mà sinh viên quan tâm.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích to lớn của thư viện điện tử mang lại, nó cũng ẩn chứa một số mối nguy hại. Chẳng hạn, khi truy cập vào một thư viện điện tử không chính thống, thiếu uy tín, sinh viên có thể bắt gặp những quảng cáo, hình ảnh, đoạn video chứa thông tin thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức, pháp luật… gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức, nghiêm trọng hơn là tác động đến lối sống, hành vi trong cuộc sống thực. Nhẹ nhàng hơn là những link mời chơi game online, các cửa hàng mua sắm thời trang trực tuyến… làm mất tập trung, lôi kéo sự quan tâm của sinh viên khỏi mục đích ban đầu là tìm kiếm tài liệu học tập, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tiền bạc. Ngoài ra, việc nhìn quá lâu vào các thiết bị điện tử cũng gây ra những vấn đề về mắt như: mỏi mắt, khô mắt, tăng độ cận… Thế mới thấy, càng hiện đại bao nhiêu thì lợi ích nhiều bấy nhiêu nhưng tác hại mang lại cũng không nhỏ.


Một góc Trung tâm thư viện đại học Công nghệ Đồng NaiẢnh Đồng Thị Thanh Thoan  

3. Thư viện truyền thống và thư viện điện tử cùng song hành

Hiện nay, thư viện có hai xu thế phát triển. Một là, phát triển riêng rẽ thư viện điện tử hoặc các bộ sưu tập số. Hai là, lấy thư viện truyền thống làm hạt nhân để phát triển thư viện điện tử trên cơ sở tích hợp các thành tựu của công nghệ thông tin. Phần lớn các nước phát triển trên thế giới đều chọn phát triển theo xu hướng thứ hai.

Với xu hướng phát triển riêng rẽ thư viện điện tử, người ta cũng dựa trên nguyên tắc tổ chức và lưu trữ của một thư viện truyền thống hữu hình. Còn đối với xu hướng phát triển đồng thời cả hai loại hình thư viện, các thư viện hiện đại lấy thư viện truyền thống làm cơ sở để phát triển và hiện đại hóa thư viện của mình.

Với những ưu thế của thư viện điện tử, người ta lo ngại vai trò của thư viện truyền thống sẽ dần biến mất. Nhưng thực tế đã cho thấy, các tài liệu in đã không chết, thậm chí nhiều sinh viên đã chán ghét việc suốt ngày dán mắt vào điện thoại có xu hướng tìm đến những thư viện truyền thống để có một không gian yên tĩnh đọc sách, làm việc. Hơn thế, các tài liệu in là hiện hữu, không dễ dàng biến mất. Nếu có là do sự hủy hoại của tự nhiên và xâm hại cố ý của con người, nhưng quá trình này cũng diễn ra một cách từ từ. Ngược lại, các tài liệu số tuy hiện hữu nhưng chỉ ở dạng có thể đọc được mà không hữu hình, dễ mất đi do sự tấn công của virus hay vô tình click nhầm của người đọc, có thể bảo quản lâu hơn nhưng lại phụ thuộc vào công nghệ. Không những vậy, không gian ảo từ các trang mạng xã hội đã làm cho con người nói chung, sinh viên nói riêng dần dần trầm cảm, cô đơn trong chính thế giới của mình, dễ dẫn đến lệch lạc về hành vi. Người ta đã nhận thấy sự cần thiết phải có những tương tác trong không gian sống thực để nhận thức. Chính vì thế, các tài liệu in cho đến nay đang có xu hướng phát triển trở lại.

Tài liệu là đối tượng để thể hiện và lưu giữ nội dung. Trải qua thời gian dài, những tài liệu và các vật phẩm khác trong thư viện truyền thống trở thành tài sản vật thể của các nền văn hóa. Chúng phản ánh trình độ phát triển của các dân tộc, là một phần không thể thiếu được trong tinh hoa văn hóa dân tộc ấy. Vì vậy, để bảo tồn các bộ sư tập một cách tốt nhất theo thời gian, công nghệ chính là chìa khóa, là công cụ để cải biến, khiến chúng được sử dụng dễ dàng hơn, phục vụ tối ưu hơn nhu cầu của người đọc, như các mục lục trực tuyến, các bộ sưu tập số, quản lý thư viện trực tuyến… Công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản một số lĩnh vực trong thư viện truyền thống như sách từ dạng hữu hình (in) sang dạng ảo (số), từ phục vụ trong một không gian nhất định đã có thể phục vụ ở mọi nơi, mọi lúc thông qua các phần mềm thư viện và cổng thông tin tích hợp.

Thư viện điện tử được sản sinh ra từ sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, công nghệ ấy sẽ không phát huy triệt để khi không có đối tượng để cả biến như các tài liệu in, là công việc tương tác với độc giả, là bảo quản tài liệu in… Việc xây dựng một thư viện điện tử độc lập, tách rời khỏi thư viện truyền thống chỉ là sự mô phỏng nửa vời một thư viện truyền thống mà thôi. Những tương tác giữa người đọc và thủ thư luôn đơn điệu, là những có click giống như tương tác với bất kỳ máy tính nào. Một thư viện điện tử chỉ chú trọng hoàn toàn tới công nghệ và bộ sưu tập số, không chú trọng thư viện truyền thống thì thư viện đó cũng chỉ hoàn toàn thuần túy là một sản phẩm công nghệ thông tin, mất đi cái bản chất là thiết chế văn hóa. Một thư viện điện tử mà không trên cơ sở của một thư viện truyền thống là đã tự xóa bỏ quá khứ phát triển của mình và tương lai của nó chỉ giống như sự tồn tại của một sản phẩm công nghệ thông tin. Theo thời gian, sản phẩm ấy sẽ bị đào thải và không còn được sử dụng do lạc hậu về công nghệ. Một thư viện điện tử được phát triển trên nền một thư viện truyền thống, lấy thư viện truyền thống làm cốt lõi mới là sự phát triển bền vững. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa lâu dài và ngắn hạn. Công nghệ là công cụ để cải biến và thư viện truyền thống chính là đối tượng để cải biến. Chúng bổ sung cho nhau, tương hỗ nhau, thức đẩy nhau phát triển trong kỷ nguyên số và thông tin hiện nay.

Tóm lại, sự phát triển của thư viện điện tử không thể tách rời khỏi thư viện truyền thống. Thực tế cho thấy, có những giai đoạn thư viện truyền thống không thực sự được chú trọng, nhưng nó vẫn là nền tảng quyết định cho sự phát triển của thư viện điện tử. Quá trình thay đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử diễn ra nhanh chóng, chỉ từ khoảng giữa TK XX đến nay nhưng đã gặt hái được kết quả ngang với thành quả phát triển của hàng nghìn năm đã qua. Đó chính là nhờ vào thành tựu của công nghệ thông tin. Sự kết hợp giữa thư viện truyền thống với công nghệ thông tin đã tạo nên một sự phát triển mới và diện mạo mới cho các thư viện hiện đại ngày nay. Thư viện truyền thống và thư viện hiện đại tưởng như đối lập nhau nhưng chúng lại bổ sung cho nhau, kết hợp, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

4. Một số thư viện kiểu mẫu thu hút sinh viên ở Việt Nam

Thư viện Insprire Library của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM)

Có thể nói, đây là ngôi trường sở hữu thư viện đáng mơ ước của hầu hết sinh viên. Thư viện hiện đại Inspire Library mới được đưa vào hoạt động từ tháng 7-2017, đã trở thành địa chỉ thường xuyên tìm đến của sinh viên trong trường. Từ khi mở cửa, không gian thư viện luôn được lấp đầy các khoảng trống, sinh viên chăm chỉ lên thư viện học tập, nghiên cứu hơn nhiều so với trước đây.

Insprire Library được thiết kế theo mô hình không gian học tập chung gồm khu tự học qua đêm 24/7 và 7 tầng. Mỗi tầng có màu sơn riêng với 7 sắc cơ bản như: tầng 1 là nhẫn nại (indurance), tầng 2 là nỗ lực (nisus), tầng 3 là minh mẫn (sagacity), tầng 4 là tiến bộ (progress), tầng 5 là sáng kiến (initiative), tầng 6 là trách nhiệm (responsibility) và tầng trên cùng là ưu tú (excellence). Môi trường học tập, nghiên cứu của thư viện có thể phục vụ cho hơn 2.000 người sử dụng cùng lúc tại các khu chức năng. Mọi giao tiếp trong thư viện được khuyến khích, yêu cầu sử dụng tiếng Anh.

Đây là thư viện tiên phong ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, khai thác và phát triển, gồm hệ thống phần mềm ALEPH với tính năng nổi bật là phân hệ quản lý tài liệu theo khóa học cùng các ứng dụng đã triển khai tại thư viện các đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Oxford…

Thư viện trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Thư viện có bàn ghế, thảm và gối ôm không hiếm, thế nhưng được trang bị cả võng và ghế mát-xa cho sinh viên thì hẳn là có 1-0-2 tại thư viện trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sở dĩ nhận được sự quan tâm, yêu thích của sinh viên trong trường như vậy vì thư viện này có trang bị máy lạnh, quạt, máy vi tính, ipad, hàng ngàn đầu sách ở nhiều lĩnh vực, ghế salon sang trọng. Ngoài 500 chỗ ngồi, trong thư viện có diện tích 1.500m2 còn có khu thư giãn kết hợp nghỉ ngơi, phòng tự học, phòng dành cho những bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp, câu lạc bộ tiếng Anh…

Thế mới thấy, không phải sinh viên lười hay không thích đến thư viện học tập, mà do thư viện chưa đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của sinh viên. Tạo không gian mới mẻ, trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại… là những tiêu chí quan trọng để xây dựng một thư viện truyền thống mang trong mình yếu tố quan trọng của một thư viện điện tử, thu hút sự quan tâm, hình thành thói quen đọc sách tại thư viện của sinh viên.

_______________

1, 2. careerbuilder.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGÔ HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *