Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: Phong trào phục dựng nhạc lễ Chầu văn

Nhạc lễ Chầu văn – yếu tố quan trọng bậc nhất trong nghi thức hành lễ lên đồng

Nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa ra nhận xét về nghệ thuật hát Chầu văn như sau: “Hát Chầu văn là một thể ca nhạc phù pháp (incantation) tuy đóng góp vào sự tôn thờ thần thánh của người Việt (đa số là phụ nữ) nhưng chỉ có mục đích thôi miên người lên đồng bằng âm điệu, nhịp điệu và lời ca”. Quả thực, thứ âm nhạc này có sức mạnh thôi miên ghê gớm như nhận định của GS Ngô Đức Thịnh: “Chầu văn là một trong những yếu tố quan trọng kích thích người lên đồng đạt được trạng thái thăng hoa, ngây ngất”.

Để chứng minh cho sự tác động không nhỏ tới tâm lý ông, bà đồng của Chầu văn, TS Barley Norton đã làm một thử nghiệm nhỏ là tiến hành một vấn hầu đồng vo, tức là hầu không có âm nhạc. Tuy nhiên, vấn hầu đó vẫn có người hát là những người tín đồ dự lễ chứ không phải cung văn chuyên nghiệp. Thử nghiệm này đã minh chứng rằng, Chầu văn và lên đồng là một bộ phận thống nhất không thể nào tách rời. Một số ông, bà đồng nhận xét rằng “phi văn chầu bất thành hầu thánh”, tức là hầu thánh mà không có âm nhạc Chầu văn thì nghi lễ không thể tiến hành được. 

Với những loại hình Shaman của các dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới như: Vu thuật (Trung Quốc), Then (Tày – Nùng), Mudang (Hàn Quốc), Pháp sư (Mông Cổ)… yếu tố âm nhạc cũng rất được coi trọng. Tuy nhiên, những người thực hành nghi lễ hay các pháp sư, ông bà đồng phải tự mình chơi các nhạc cụ để tự ám thị và đạt tới trạng thái thăng hoa tinh thần, trạng thái của thần linh giáng nhập vào cơ thể họ. Còn trong nghi thức Lên đồng – Hầu thánh của người Việt thì yếu tố âm nhạc đã được tách biệt hoàn toàn với hoạt động diễn xướng của các ông, bà đồng và phát triển theo chiều hướng riêng để đạt tới sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao độ.

Điểm khác biệt nhất của âm nhạc Chầu văn với các loại hình âm nhạc dân gian khác là ở nhịp phách. Nhịp phách Chầu văn phân làm 3 loại nhịp chính: nhịp một, nhịp đôi và nhịp ba. Trong mỗi loại nhịp, còn phân ra những thể loại phức tạp hơn như: nhịp đơn, nhịp dóc và nhịp kép. Người cung văn khi biểu diễn tùy thuộc vào trạng thái tâm lý hưng phấn của người ngồi đồng mà sóc phách, đảo phách. Đảo phách là một kỹ thuật độc đáo ở nhịp phách Chầu văn, một yếu tố âm nhạc tác động sâu sắc và trực tiếp vào các cung bậc cảm xúc của người hành lễ. Khi thánh thần giá ngự vào cơ thể thanh đồng để thụ hưởng vật phẩm hiến cúng và thưởng văn, người cung văn đột ngột đảo phách chuyển làn điệu trên đàn và trong câu hết sẽ làm cho thanh đồng đạt được trạng thái ngây ngất đến tột độ. Mỗi một loại nhịp phách ứng với một loại làn điệu Chầu văn khác nhau như: Nhịp một thường dành cho các làn điệu Xá, Bỏ Bộ; nhịp đôi ứng với làn điệu dọc, cờn; nhịp ba dung trong các làn điệu phú… Theo phân chia của TS Barley Norton, mỗi làn điệu trong Hát văn lại biểu hiện đặc trưng cho một hoặc một nhóm các vị thần phân chia theo giới tính hoặc thứ bậc. Ví dụ: Các điệu hát Xá (Xá Thượng, Xá Ngự, Xá Vào Làn, Xá Tố Lan, Xá Quảng) dành cho các Thánh Chầu, các Cô trên Thượng Ngàn, đặc trưng về nữ giới; Làn điệu Cờn (Cờn Oán, Cờn Xuân, Cờn Luyện) hay hát trong các giá các Thánh Chầu, Cô thuộc Thoải Phủ, đặc trưng dành cho nữ giới; Hát Phú (Phú Nói, Phú Bình, Phú Chênh) dành cho hàng các Quan và ông Hoàng, đặc trưng về nam giới. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền nhận xét rằng: “Về bản chất nhịp phách trong âm nhạc Chầu văn chỉ là nhịp một, các nhịp đôi, nhịp ba vẫn chỉ là biến thể và lối chơi phức tạp hóa của nhịp một mà thôi. Nhịp một có đặc trưng là rất dễ thu hút sự chú ý và lôi cuốn người nghe hòa theo tiết tấu của nó rồi đột ngột đảo phách tạo ra một hiệu ứng hụt hẫng về cảm xúc. Thứ nhịp ma quái này của Chầu văn chính vì nó dễ sử dụng nên lại có thêm một đặc điểm nữa là cũng dễ dàng thu hút các làn điệu âm nhạc dân ca khác tích hợp vào nó khiến cho thực trạng âm nhạc Chầu văn hiện nay rất đa dạng, phong phú về làn điệu và phương thức biểu diễn”.

Những lưu trữ về thực hành nhạc lễ Chầu văn

Hiện nay, chúng ta rất khó để hình dung ra nguyên dạng của nhạc lễ Chầu văn trong quá khứ được thực hành như nào, hay tiến trình hình thành và phát triển của Chầu văn ra sao? Hát văn là âm nhạc nhưng các bản văn Chầu bản chất lại là những văn bản văn học. Do đó, nó mang đầy đủ các đặc tính của văn bản văn học. Trước khi chữ Quốc ngữ được sử dụng phổ biến, những lưu trữ về nhạc lễ Chầu văn được ghi chép bằng tư liệu Hán Nôm. Trong kho tàng thư tịch Hán Nôm được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi đã thống kê được có khoảng 14 văn bản Chầu văn hoặc có liên quan đến loại hình âm nhạc này.

Nhìn chung, các văn bản đều có niên đại hình thành muộn vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu đến thế kỷ XX, hoặc được khắc in hoặc chép tay. Tuy nhiên, những văn bản này không chỉ lưu trữ văn chầu mà còn lưu trữ những thực hành nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chúng ta có thể hình dung được nghi thức lên đồng và nhạc lễ Chầu văn trong quá khứ.

Tới giai đoạn chữ Quốc ngữ chính thức được sử dụng năm 1919 cũng xuất hiện văn bản Chầu văn được ghi chép bằng chữ Quốc ngữ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sưu tập được một văn bản mang tên văn Chầu – các bài văn Chầu đủ các vị xuất bản năm 1929 do Tao Đàn Thư Quán ở Hà Nội ấn hành, gồm 22 bản văn Chầu. Sau khi tiến hành so sánh – đối chiếu chúng tôi thấy các bản văn Chầu được in trong sách rất giống với nội dung các bản văn Chầu ghi chép bằng thư tịch Hán Nôm.  Do đó, có thể suy đoán, đây là một trong những bản dịch Quốc ngữ đầu tiên của các bản văn Chầu ghi chép bằng văn tự Hán Nôm. Tới thập niên 60 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những bản văn Chầu bằng chữ Quốc ngữ do lão nghệ nhân Hát văn Phạm Văn Khiêm sưu tầm và biên soạn. Mặc dù đây là khoảng thời gian mà chúng ta cấm đoán thờ Mẫu và lên đồng nhưng nghệ nhân Phạm Văn Khiêm vẫn có thể kín đáo tham gia thực hành tín ngưỡng. Ông được đi rất nhiều đền, phủ trên khắp các địa phương ở miền Bắc, đây là điều kiện thuận lợi để ông thu thập sự tích các vị thánh thần và các bản văn Chầu lưu truyền trong dân gian. Sau đó, bằng tài năng văn chương của mình, ông Khiêm đã biên soạn lại thành những bản Chầu văn mà chúng ta đang sử dụng rộng rãi hiện nay. Công lao của cố nghệ nhân Phạm Văn Khiêm đối với loại hình âm nhạc này là rất lớn. Có thể nói, ông là người đầu tiên cố định một cách có hệ thống các văn bản văn Chầu bằng chữ Quốc ngữ. Tập văn Chầu do ông soạn đã được GS Ngô Đức Thịnh và nhà nghiên cứu Phạm Văn Ty giới thiệu trong chuyên khảo Đạo Mẫu Việt Nam.

Một nguồn lưu trữ các bản văn chầu khá quan trọng nữa là lưu trữ trong ký ức của cộng đồng tín đồ và những người thực hành nghi lễ. Trên thực tế, các cung văn thường truyền dạy cho nhau theo lối truyền khẩu là chủ yếu. Điều này không phải là do họ không thể sử dụng văn tự để truyền thừa mà là vì người ta thường truyền dạy cho những bản văn chầu này trong thực tế tiến hành nghi lễ, bởi “Học tam niên không bằng kiến đàn nhất dạ”. Một cung văn có thời gian khởi nghiệp từ rất sớm, cùng làm nghề với những vị sư phụ, sư huynh của họ và chính trong những khoảng thời gian cùng nhau trau dồi nghề nghiệp đó, họ mới dạy cho nhau những ngón đàn, lời ca sở trường của riêng họ. Hiểu được vấn đề phải học tập trực tiếp với các nghệ nhân dân gian, vào đầu những năm 1990, khi bắt đầu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, giáo sư Ngô Đức Thịnh và nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành phỏng vấn sâu rất nhiều nghệ nhân dân gian gạo cội như Phạm Văn Khiêm, Lê Bá Cao, Lê Văn Phụng, Phạm Quang Đạt, Nguyễn Đức Đan… để sưu tầm, thu thập các bản văn Chầu làm tư liệu nghiên cứu. Ngoài ra, còn một số bản văn Chầu khác thuộc sở hữu tư của các đền hoặc một số ông, bà đồng. Những ông, bà đồng là người trực tiếp thực hành nghi thức diễn xướng thường xuyên nên “chất Chầu văn, chất nhịp phách” ngấm vào tâm thức họ từ lúc nào không hay. Một số thanh đồng tư chất văn chương rất cao, bằng chất liệu văn học dân gian, thần tích, thần phả… họ tự sáng tác Văn chầu để sử dụng khi hầu thánh. Đây cũng là một nguồn lưu trữ các bản Chầu văn quan trọng, nó thể hiện sự đối thoại hay hồi ứng giữa những người tiếp nhận với các văn bản này. Sự tương tác qua lại giữa người đọc và văn bản sẽ chứng minh cho sức sống mãnh liệt của loại hình âm nhạc độc đáo này.

Như vậy, tổng kết lại, chúng ta có tất cả 3 nguồn lưu trữ các văn bản Chầu Văn. Đây sẽ là những nguồn tư liệu quan trọng và là nguồn động lực để tạo nên phong trào phục dựng nhạc lễ Chầu văn trong những năm gần đây.

Phong trào phục dựng nhạc lễ Chầu văn những năm trở lại đây – những điều đáng lưu ý

Phong trào phục dựng nhạc lễ Chầu văn thực ra không chỉ mới bắt đầu từ mấy năm trở lại đây khi chúng ta xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những manh nha đầu tiên của phong trào này đã xuất hiện từ cuối thập niên 1980 của thế kỷ XX, khi mà đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ cải cách, mở cửa về kinh tế, chính trị, văn hóa. Song song với trào lưu cải cách này thì những vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng cũng được nhìn nhận đúng đắn hơn. Thêm nữa, đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, đời sống người dân ngày càng được nâng cao – điều kiện thuận lợi để người ta khôi phục lại những nét văn hóa tín ngưỡng đang dần bị mai một. Tuy nhiên, thời bấy giờ, người ta vẫn còn rất e ngại sau một thời gian dài bị cấm đoán nên những sự kiện khôi phục nhạc lễ Chầu văn chỉ được tổ chức trong nội bộ một vài bản hội hoặc ở những ngôi điện tư nhân chứ chưa được tổ chức quy mô lớn ở các cơ sở thờ tự công do Nhà nước quản lý. Sau một thời gian dài vận động, tới năm 2008, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam được thành lập. Hoạt động của Trung tâm nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia sinh hoạt các hoạt động một cách tự do và theo hướng xã hội hóa. Trung tâm còn là đơn vị bảo trợ hàng đầu cho các hoạt động nghiên cứu, phục dựng thực hành văn hóa tín ngưỡng của người Việt trong đó có nghi thức diễn xướng Hầu đồng và nhạc lễ Chầu văn. Năm 2012, Trung tâm thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam, quy tụ được rất nhiều cung văn, thanh đồng và các nhà nghiên cứu cùng sinh hoạt, trao đổi thông tin liên quan đến loại hình âm nhạc này. Cùng thời điểm đó, một số Câu lạc bộ Hát văn phong trào khác cũng lần lượt ra đời như: Câu lạc bộ Hát văn Việt Nam, Câu lạc bộ Hát văn Hải Phòng, Câu lạc bộ Hát văn xứ Đoài… Các câu lạc bộ thường giao lưu với nhau để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và đặc biệt là phục dựng lại các lễ nhạc Chầu văn đã mai một. Hoạt động của các câu lạc bộ có sự đóng góp không nhỏ tới quá trình hình thành hồ sơ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sau 2 năm được công nhận, chúng tôi thấy phong trào thực hành nhạc lễ Chầu văn có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, quy mô tổ chức diễn xướng Hầu đồng và lễ nhạc Chầu văn  ngày càng lớn và có xu thế phát triển liên địa phương. Trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng ta có thể điểm ra rất nhiều sự kiện diễn xướng Hầu đồng gắn với phục dựng nhạc lễ Chầu văn ở quy mô cấp địa phương và cấp vùng. Trước kia, các bản hội thờ Mẫu thường bó hẹp trong không gian sinh hoạt ở địa phương mình nhưng sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận thì các bản hội địa phương có xu thế phát triển tới các vùng miền khác mạnh mẽ hơn và quy tập được nhiều nơi tham gia tổ chức.

Thứ hai, có sự đoàn kết hơn giữa các đền phủ; giữa các ông, bà đồng với nhau và với giới pháp sư, cung văn. Tín ngưỡng thờ Mẫu được nhìn nhận là một dạng tôn giáo cá nhân. Mỗi tín đồ tự khẳng định bản sắc tôn giáo của mình trong cộng đồng và tự chứng hội cho mình điều mặc khải của thánh thần. Do đó, mỗi thanh đồng lại có cách thực hành tín ngưỡng khác nhau và không công nhận cách thực hành tín ngưỡng của người khác. Sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận, cộng đồng tín đồ đã chuyển từ xu thế cạnh tranh sang đối thoại để cùng hướng tới một mục tiêu chung phụng sự Thánh Mẫu. Điều này mang lại sự thống nhất giữa các quan điểm tôn giáo của cộng đồng tín đồ thờ Mẫu. Những pháp sư, cung văn trước thường bất đồng trong quan điểm thực hành nhạc lễ và mang tính cục bộ, địa phương giờ nhờ sự phát triển của các câu lạc bộ Hát văn mà họ có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi và giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp. Đây là tín hiệu đáng tự hào cho cộng đồng tín đồ thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung, giới thực hành âm nhạc Chầu văn nói riêng.

Thứ ba, rất nhiều nghi thức hành lễ cổ không được thực hành hoặc bị thất truyền trong một thời gian dài đã được khôi phục như lễ: Kiều năm quan, Hát văn thi, Hát văn thờ, Thi đồng… Chúng ta chỉ mới được biết đến Hát văn chủ yếu qua nghi thức diễn xướng Hầu đồng nhưng Hát văn còn những dạng thức biểu diễn khác nữa. Hát văn thờ gắn với các nghi thức cúng thỉnh Phật Thánh, ca ngợi công đức hay kể lại hành trạng của các vị thánh thần. Nhưng vì nghi thức này mất khá thời gian nên trong thời kỳ cấm đoán tín ngưỡng tôn giáo, đã bị tỉnh lược đi khi hành lễ. Rất nhiều bản văn thờ độc đáo do không được sử dụng nên đã thất truyền cả về nội dung lẫn phương thức biểu diễn. Sau khi được công nhận, người ta mới hiểu được giá trị của những văn bản này và tiến hành phục dựng nghi thức hát văn thờ. Về nghi thức hát văn thi, lần cuối cùng tổ chức hội Hát văn thi tại Sòng Sơn Vọng từ năm 1994, tới nay đã hơn ¼ thế kỷ chưa tổ chức lại. Từ năm 2017 đến 2018, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội xây dựng kế hoạch khôi phục lại hội Hát văn thi sau hơn 70 năm thất truyền. Sự kiện đầu tiên của hoạt động này mang tên Hát văn thi – một thời vang bóng được tổ chức tại đền Lưu Phái tháng 10 năm 2018. Trong tương lai, giới nghiên cứu cũng như giới thực hành tín ngưỡng đang có kế hoạch khôi phục lại lễ Thi đồng để phổ cập cho đông đảo tín đồ được hiểu rõ những thực hành nghi thức của tín ngưỡng này trong quá khứ.

Tác giả: Bùi Quốc Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *