Thực hiện tự chủ và quyền tự chủ đối với các cơ sở đào tạo đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao


     ​​​​​​​Cùng với quá trình toàn cầu hóa, không chỉ giới hạn ở phương Tây, nhiều quốc gia châu Á hiện nay cũng đã nhận thức được yêu cầu phải đổi mới quản trị giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh và thích ứng với đòi hỏi của thị trường giáo dục quốc tế. Hình thức quản lý tập trung tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu, hạn chế khả năng phát triển năng động của hệ thống giáo dục. Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Á cũng đã tiếp nhận làn sóng cải cách mới theo hướng phi tập trung hóa và tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Ngày 19-11- 2018, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học (GDĐH), trong đó tập trung quy định về quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học ở Việt Nam. Các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao cũng cần thực hiện những chuyển đổi mới này theo quy định của luật.

 

     1. Về trách nhiệm giải trình

     Trách nhiệm giải trình đi cùng với tự chủ đại học như hai mặt của một đồng xu. Trong cơ chế thực hiện tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình đôi khi trở thành một thuật ngữ bị đơn giản hóa và hình thức hóa, trở nên rất gần nghĩa với báo cáo. Nếu đi theo hướng này, rất có khả năng trách nhiệm giải trình sẽ chỉ làm tăng gánh nặng hành chính với những thủ tục, báo cáo chồng chất cho các bên liên quan.

     Theo Joseph C. Burke, trách nhiệm giải trình là “sự bắt buộc hoặc sự sẵn sàng nhận trách nhiệm và trả lời cho hành động của mình”. Như vậy, trọng tâm của khái niệm này đó là trách nhiệm và khả năng giải thích, chứng minh. Burke cho rằng trách nhiệm giải trình đặt ra 6 yêu cầu cơ bản cho tổ chức, bao gồm: phải cho thấy rằng những gì họ làm là phục vụ cho nhu cầu của công chúng; phải chứng minh được rằng họ đang làm việc để hoàn thành những sứ mệnh/những mục tiêu ưu tiên được đặt ra; phải chứng minh được rằng họ sử dụng quyền lực của mình một cách chính đáng; phải chứng minh được tính hiệu quả và hiệu suất trong hoạt động của mình, đòi hỏi tổ chức phải tính toán cân nhắc giữa nguồn lực sử dụng và kết quả tạo ra; phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm/dịch vụ cung cấp; tổ chức phải báo cáo về kết quả hoạt động của mình một cách công khai, rõ ràng, minh bạch. Theo đó, 5 yếu tố đầu nhằm giải thích thế nào là trách nhiệm, yếu tố cuối cùng liên quan đến việc chứng minh tổ chức đã hoàn thành trách nhiệm đó như thế nào.

     Theo tác giả Ninh Ngọc Trâm (2018), vấn đề được đặt ra là, trách nhiệm giải trình có đồng nghĩa với báo cáo hay không, trách nhiệm giải trình trong tiếng Việt dễ khiến người đọc, người nghe liên tưởng đến bổn phận/nghĩa vụ giải thích và trình bày và do đó dẫn đến cách nhìn chưa chính xác – nhấn mạnh quá nhiều vào báo cáo. Trong khi đó, báo cáo thực chất chỉ là một phần nổi của tảng băng. Và phần chìm của tảng băng chính là trách nhiệm, được hiểu là sự đáp ứng nhu cầu công chúng, là sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức, là hiệu quả, hiệu suất và chất lượng.

     Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của công chúng càng quan trọng, không chỉ ở khía cạnh người thụ hưởng thụ động. Thực chất, như đã đề cập ở phần trên, trách nhiệm của nhà trường đã bao hàm trong đó yêu cầu phải đáp ứng nhu cầu của công chúng, do đó đòi hỏi sự tham gia của công chúng và sự kết nối giữa nhà trường với xã hội. Trách nhiệm giải trình vì vậy càng phải được nhìn nhận một cách đầy đủ và linh hoạt hơn, chứ không thể chỉ gói gọn ở nghĩa vụ báo cáo của nhà trường với Nhà nước.

     Như vậy, tự chủ đại học nhằm giúp các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình và phản ứng tốt hơn trước tác động của thị trường và những yêu cầu của xã hội. Tự chủ đại học thường được thể hiện chủ yếu trên 3 nhóm nội dung lớn, gồm học thuật, tổ chức – nhân sự, tài chính. Trao quyền tự chủ sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển GDĐH.

     2. Những quy định về tự chủ đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH 2018

     Quyền tự chủ của cơ sở GDĐH được quy định trong Luật Giáo dục từ năm 1998, 2005 và tiếp tục được quy định tại Luật GDĐH năm 2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc thực hiện tự chủ đại học chưa thực sự đem lại hiệu quả.

     Hệ thống GDĐH Việt Nam có 236 cơ sở, trong đó, có 19 cơ sở chuyên nghiệp về văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Các cơ sở này chịu sự quản lý bởi các bộ chủ quản, hoặc UBND các tỉnh, thành phố, trừ hai đại học quốc gia chịu sự quản lý của Chính phủ. Tất cả các cơ sở GDĐH phải thực hiện quy định quản lý nhà nước về giáo dục do Bộ GDĐT làm đầu mối, nhưng về nhân sự và tài chính thì theo sự quản lý của cơ quan chủ quản là các bộ, ngành hoặc UBND các tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam được phân loại theo phương diện quản lý thông qua cơ chế bộ chủ quản. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH tập trung quy định về quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Theo đó, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và trong thời gian tới, tự chủ đại học sẽ được thực hiện đồng bộ trên các phương diện về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản. Cụ thể:

     Về quyền tự chủ trong công tác tổ chức, nhân sự: các cơ sở GDĐH có quyền tuyển dụng, sử dụng, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh giảng viên. Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật; thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường…

     Về quyền tự chủ trong tuyển sinh, hoạt động đào tạo: các cơ sở GDĐH được giao quyền tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải thực hiện việc kiểm định; nếu không thực hiện việc kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu thì không được tiếp tục tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó. Cơ sở GDĐH tự chủ mở ngành khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật thì bị đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành trong thời hạn nhất định kể từ khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở GDĐH được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH; đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội; được tự chủ lựa chọn đối tác liên kết, xây dựng chương trình liên kết, tổ chức đào tạo liên kết phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng được quy định. Cơ sở GDĐH phải công bố công khai các thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam.

     Về tự chủ tài chính, tài sản: các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

     Như vậy, luật đã quy định cơ chế tự chủ nhằm tạo động lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng nền GDĐH, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

     3. Giải pháp thực hiện tự chủ và quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao triển khai Luật GDĐH sửa đổi

     Để xác định những vấn đề cần hỗ trợ các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao thực hiện tự chủ, cần chú trọng một số điều kiện mang tính giải pháp để thực hiện tự chủ và quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH.

     Thứ nhất, phải được kiểm định chất lượng và có chính sách đảm bảo chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của Nhà nước

     Các trường đại học được thực hiện tự chủ khi đáp ứng các yêu cầu theo Điều 32 của Luật GDĐH. Như vậy, để thực hiện các quyền tự chủ, các trường đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao sẽ cần được kiểm định, cần có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của Nhà nước cùng với các điều kiện khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm định đối với các trường đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó, để các trường xây dựng được chính sách bảo đảm chất lượng thì cần biết các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định là như thế nào, vì hiện nay các quy định cho GDĐH vẫn là những quy định dựa trên nền tảng các trường hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung hơn là dựa trên cơ chế tự chủ đại học.

     Thứ hai, thực hiện tự chủ về hoạt động chuyên môn

     Các quy định cụ thể về tự chủ đối với hoạt động chuyên môn như mở ngành đào tạo cho thấy nếu cơ sở GDĐH đáp ứng điều kiện quy định về mở ngành đào tạo của Luật GDĐH và đáp ứng các điều kiện tự chủ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học. Tuy nhiên, các quy định của Luật GDĐH về điều kiện để mở ngành đào tạo gồm các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất… và chương trình đào tạo phải đáp ứng quy định về chuẩn đầu ra của chương trình phải phù hợp với khung trình độ quốc gia, đảm bảo quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Vấn đề đặt ra là chuẩn chương trình là gì và nếu có sẽ được quy định ở các văn bản dưới luật nhưng nếu từ 1-7-2019 luật có hiệu lực thì các trường vẫn chưa thể thực hiện được khi chưa có các quy định dưới luật. Bên cạnh đó, chuẩn chương trình nếu được quy định cũng cần xem xét tính đặc thù của các ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Tương tự như vậy, về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải phù hợp với khung trình độ quốc gia nhưng Nhà nước chưa có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về thực hiện khung trình độ quốc gia như thế nào.

     Thứ ba, thực hiện tự chủ về tổ chức nhân sự

     Theo quy định của luật GDĐH, để thực hiện tự chủ đại học, mỗi cơ sở GDĐH cần thành lập hội đồng trường đại diện cho chủ sở hữu và cho các bên có lợi ích liên quan. Như vậy, công tác quản trị của cơ sở GDĐH được củng cố và tăng cường với một hội đồng trường thực quyền. Cơ sở GDĐH có quyền chủ động về tổ chức, nhân sự để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về nhân lực cùng các thách thức mới về kỹ năng và công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định như vậy sẽ thúc đẩy các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao hoạt động hiệu quả hơn vì sẽ giúp cho việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giảng viên phù hợp hơn với tính đặc thù của các chương trình đào tạo trong lĩnh vực này. Điều đó cũng cho phép giảng viên vừa tiếp cận thực tiễn, vừa đa dạng hóa hình thức hợp tác với bên ngoài, gắn kết đào tạo, nghiên cứu với thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ xã hội đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực của cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các quy định về viên chức, công chức trong các cơ sở GDĐH cũng cần được điều chỉnh để giúp các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ về cơ cấu tổ chức, bộ máy và nhân sự theo đúng nghĩa cái gì thuộc quyền tự chủ của các trường thì cho phép các trường quyết định thông qua cơ chế hội đồng trường; còn Nhà nước xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cho từng nội dung, lĩnh vực cần quản lý.

     Thứ tư, thực hiện tự chủ về tài chính

     Theo quy định của Luật, các cơ sở GDĐH có thể có cơ hội tăng nguồn thu từ học phí và các nguồn thu hợp pháp khác, trong đó có thu từ dịch vụ để đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Người học có thể chi trả học phí tương xứng với dịch vụ đào tạo (kể cả dịch vụ công do cơ sở đại học công lập cung cấp). Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH được chủ động sử dụng hiệu quả tài sản đáp ứng yêu cầu của thị trường, công khai, minh bạch, bảo tồn và phát triển vốn, nâng cao chất lượng đào tạo. Điều đó cũng giúp cho cơ sở GDĐH nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

     Tuy nhiên, việc các cơ sở GDĐH được tự chủ về mặt tài chính cũng không tránh khỏi mặt trái của nó là có thể mức đầu tư cho một sinh viên trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao sẽ cao so với các ngành, lĩnh vực khác, dẫn tới có thể có những sinh viên có năng khiếu không đủ điều kiện theo học ngành mình muốn. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này khi các trường thực hiện tự chủ đại học. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về phân bổ kinh phí cho GDĐH cũng như chính sách về đặt hàng, các quy định về khung giá đối với các chương trình do Nhà nước đặt hàng và/ hoặc các chương trình không sử dụng ngân sách nhà nước để các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ đại học nhưng cũng phải bảo đảm sự ổn định và phát triển cơ sở GDĐH.

     4. Kết luận

     Các chính sách mới về tự chủ đại học cho thấy Chính phủ đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng quyền tự chủ đại học (Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW), tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy năng lực trong việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, thực hiện tự chủ đại học cũng góp phần tạo môi trường thông tin minh bạch về GDĐH, đảm bảo sự giám sát của Nhà nước và xã hội trên cơ sở thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Việc phân tích một số vấn đề về điều kiện thực hiện tự chủ và quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho thấy Chính phủ cần quy định rõ hơn về cơ chế tự chủ và ban hành các giải pháp đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ hiệu quả, đảm bảo phù hợp thực tiễn đang triển khai về tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

____________

     Tài liệu tham khảo

     1. Bộ Giáo dục và đào tạo, Thống kê giáo dục và đào tạo, 2017.

     2. Luật Giáo dục 2005.

     3. Luật Giáo dục đại học 2012.

     4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

     5. Ninh Ngọc Trâm, Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Hà Nội, 2018.

     6. Estermann, Thomas, Terhi Nokkala, and Monika Steinel, University autonomy in Europe II, The Scorecard. Brussels: European University Association, 2011.

     7. Wang, Li., Higher education governance and university autonomy in China, Globalisation, Societies and Education 8.4 (2010): 477-495.

     8. Joseph C. Burke, The Many Faces of Accountability.

 

Tác giả: Lê Thị Thu Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *