Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch văn hóa ở khu di tích danh thắng Ao Bà Om

1. Thực trạng khai thác du lịch văn hóa của tỉnh Trà Vinh và danh thắng Ao Bà Om

Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5km về hướng Tây thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, di tích Ao Bà Om còn gọi là Ao Vuông vì ao có hình gần vuông. Di tích Ao Bà Om được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích quốc gia. Đặc điểm của di tích Ao Bà Om là có sự kết hợp giữa thiên nhiên với bàn tay lao động của con người. Nằm trong vùng phụ cận, danh thắng Ao Bà Om còn có các điểm tham quan khác để liên kết, hoàn thiện chuỗi giá trị du lịch văn hóa – sinh thái tỉnh Trà Vinh như: Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, Khu di tích khảo cổ chùa Lò Gạch (mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo), chùa Âng – di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngoài giá trị vật thể hiện hữu mà di tích danh thắng Ao Bà Om cũng như các điểm liên kết khác mang lại, di tích Ao Bà Om còn là nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội Ok Om Bok – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể đánh giá thực trạng hoạt động du lịch và tài nguyên văn hóa của tỉnh Trà Vinh, cũng như tài nguyên du lịch tại khu di tích Ao Bà Om để khai thác du lịch.

Để đánh giá thực trạng khai thác du lịch ở Trà Vinh nói chung và khu di tích Ao Bà Om phục vụ cho đề tài “Phát triển du lịch văn hóa tỉnh Trà Vinh tại khu di tích Ao Bà Om”, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 100 cán bộ quản lý và những người công tác ngành Du lịch, 100 người dân địa phương có liên quan đến các địa điểm du lịch, 300 du khách đến tham quan ở Trà Vinh. Địa bàn khảo sát: đối với du khách và người dân địa phương khảo sát tại 4 địa điểm là thành phố Trà Vinh, Cầu Kè, Trà Cú, thị xã Duyên Hải; đối với cán bộ quản lý và những người công tác trong ngành Du lịch khảo sát tại các sở, ngành của tỉnh và các công ty du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Đối với đánh giá tiềm năng du lịch của tỉnh:

 

 

Kết quả trên cho thấy, trong thời gian qua, các di sản văn hóa của tỉnh Trà Vinh đã đóng góp tích cực trong việc khai thác phục vụ cho mục đích du lịch. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành Du lịch tỉnh, số lượng khách du lịch đến tham quan các di sản văn hóa của tỉnh chưa thật sự vượt trội với các địa điểm khác, cụ thể: nơi có lượng khách cao nhất là Biển Ba Động (năm 2018: 430.000 khách; năm 2019: 510.000 khách), tiếp đó là điểm du lịch Huỳnh Kha (năm 2018: 142.000 khách; năm 2019: 170.000 khách), Ao Bà Om (năm 2018: 98.000 khách, năm 2019: 115.000 khách)… và thấp nhất là Lưu Cừ II (năm 2018: 4.000 khách năm 2019: 5.300 khách).

Tuy nhiên, điểm di tích chỉ là nơi ghé qua, dừng chân của du khách, chưa thực sự là điểm đến. Điều đó cho thấy, việc khai thác các di sản văn hóa để phục vụ cho mục đích du lịch của tỉnh mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là ngoài các điểm di tích thì chưa có các dịch vụ khách phục vụ khách. Qua khảo sát ý kiến về điểm du lịch Ao Bà Om có 86% ý kiến của nhóm chuyên gia, 72% ý kiến của người dân và 69,33% du khách cho rằng thiếu khu vui chơi giải trí; việc xây dựng các tour du lịch, liên kết các chuỗi sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu tham quan, thưởng thức các di sản văn hóa của tỉnh với các loại hình du lịch khác chưa được thực hiện tốt. Ví dụ kết quả khảo sát tại Ao Bà Om cho thấy 55% ý kiến của nhóm chuyên gia, 61% ý kiến của người dân và 58% du khách cho rằng thiếu liên kết trong chuỗi các sản phẩm du lịch tại khu Ao Bà Om và các khu du lịch trong tỉnh.

Kết quả khảo sát về các khu di tích, lễ hội văn hóa truyền thống nào của tỉnh có thể khai thác hiệu quả thành những điểm về du lịch và lễ hội. Cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa hai nhóm đối tượng được khảo sát. Trong đó, Khu danh thắng Ao Bà Om, nhận được tỷ lệ ý kiến nhiều nhất (cán bộ quản lý 96% và người dân 86%), tiếp đó là Lễ hội Ok Om Bok (79% và 72%). Điều đó minh chứng, khu danh thắng và lễ hội Ok Om Bok là lựa chọn ưu tiên của cán bộ quản lý, chuyên gia ngành Du lịch và cả người dân để xây dựng điểm du lịch và lễ hội để khai thác du lịch của tỉnh Trà Vinh.

37,67% ý kiến nhận xét của du khách về đặc trưng, sự hấp dẫn của các điểm tham quan du lịch Trà Vinh là đặc trưng văn hóa dân tộc, lịch sử cảnh quan các ngôi chùa Khmer; 43% ý kiến cho rằng nhiều cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ; 6% ý kiến khác xoay quanh các nội dung: nhiều khu du lịch hoạt động tốt, người dân hiếu khách, thân thiện, cảnh quan đơn giản, gần gũi; còn lại không ý kiến.

Về việc lựa chọn, đánh giá của khách du lịch khi đến tỉnh Trà Vinh, kết quả khảo sát ở 3 nhóm đối tượng cho thấy, khu danh thắng Ao Bà Om luôn là địa điểm lựa chọn của khách khi đến du lịch Trà Vinh. Khi được hỏi về những lễ hội mà du khách muốn tham gia, 79% ý kiến cho rằng: lễ hội Ok Om Bok và lễ tết của người Khmer.

Mặc dù là điểm du lịch mà du khách quan tâm nhiều nhất khi đến Trà Vinh, tuy nhiên, vấn đề khai thác tài nguyên du lịch Ao Bà Om chỉ ở mức tương đối hợp lý, thậm chí có 29% người dân đánh giá là không hợp lý. Kết quả khảo sát cho thấy, vấn đề nổi lên ở khu du lịch Ao Bà Om là thiếu khu vui chơi giải trí và không có khu mua sắm hàng lưu niệm, thiếu sự liên kết trong chuỗi các sản phẩm du lịch tại khu Ao Bà Om và các khu du lịch trong tỉnh.

2. Giải pháp phát triển du lịch ở khu danh thắng Ao Bà Om

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 100 người dân và 300 du khách về các phương án xây dựng và phát triển Khu danh thắng Ao Bà Om thành khu du lịch văn hóa của tỉnh, kết quả như sau:

Từ kết quả khảo sát và qua nghiên cứu, để khai thác có hiệu quả khu danh thắng Ao Bà Om cần thực hiện một số giải pháp sau:

 

 

Tăng cường đầu tư, tôn tạo, khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh để phát triển du lịch gắn với tăng cường bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng các dân tộc theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Ao Bà Om theo hướng nạo vét lòng ao, trồng thêm sen dưới lòng ao, chăm sóc tốt cây xanh bờ ao, đầu tư đường nội bộ trong khu di tích.Tiếp tục quảng bá bằng nhiều hình thức về các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó chú trọng Ao Bà Om là điểm nhấn quan trọng.

Náo nức trong ngày hội Ol Om Bok

Đầu tư các phân khu chức năng xung quanh khu di tích Ao Bà Om, Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer. Có thể chia các phân khu bao gồm: xây dựng một phần khu vực là làng văn hóa các dân tộc Việt Nam; một khu vực làng văn hóa dân tộc Khmer, một phần khu vui chơi giải trí hiện đại.

Trong khu vực làng văn hóa các dân tộc kết hợp phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng theo hướng trải nghiệm thực tế; đan xen các gian hàng bán đồ lưu niệm, quà tặng, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh. Khu vực làng văn hóa dân tộc Khmer kết hợp với Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, có khu vực trải nghiệm một số làng nghề truyền thống của người Khmer. Khu vui chơi giải trí góp phần tăng thêm tính đa dạng cho các loại hình du lịch và giúp làm kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch, qua đó tăng nguồn thu cho điểm du lịch cũng như người dân xung quanh di tích.

Tập trung đào tạo trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ hướng dẫn viên du lịch trong khu di tích mang tính chuyện nghiệp cao. Bồi dưỡng, dạy nghề cho người dân địa phương để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân nhằm đẩy mạnh xã hội hóa du lịch.

Mời gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh mở các tour du lịch đến Trà Vinh, các tour tuyến kết nối các điểm du lịch trong tỉnh Trà Vinh.

Quản lý, kiểm soát chất lượng, giá cả các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch khác; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Tài nguyên du lịch văn hóa Trà Vinh khá đa dạng và phong phú, thuận lợi cho việc tổ chức và phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa. Trong đó, di tích danh thắng Ao Bà Om nổi tiếng trong vùng, là điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác danh thắng Ao Bà Om mang tính tự phát, sản phẩm du lịch của khu di tích còn nghèo nàn; thiếu các tour du lịch đến với các địa điểm du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử. Qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu để xây dựng một khu du lịch văn hóa tại danh thắng Ao Bà Om phù hợp với quy hoạch và nhu cầu của du khách và người dân trong tỉnh.

Tác giả: Trần Bình Trọng – Phan Thanh Đoàn – Lê Chí Quyết

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *