Thực trạng và xu hướng phát triển của sân khấu Việt Nam hiện nay


Trên con đường hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã lựa chọn mô hình phát triển kinh thế thị trường định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình triển khai thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước đã từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đơn vị nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, sân khấu là lĩnh vực nghệ thuật có tính đặc thù. Bởi vậy, cùng với việc chuyển đổi cơ chế hoạt động, cần xác định rõ xu hướng phát triển phù hợp cho sân khấu Việt Nam giai đoạn hiện nay.

1. Khái quát thực trạng đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập

Về hệ thống đơn vị nghệ thuật: Theo thống kê, hiện nay cả nước có 128 đơn vị nghệ thuật biểu diễn sân khấu công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, 101 đơn vị trực thuộc Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, 15 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Trong 128 đơn vị nghệ thuật có 8 đơn vị kịch nói, 15 đơn vị cải lương, 5 đơn vị tuồng, 14 đơn vị chèo. Số còn lại là các đơn vị ca múa nhạc, ca múa dân gian, dân tộc, xiếc, rối…

Như vậy, có 42 đơn vị nghệ thuật sân khấu chủ lực trong hoạt động biểu diễn gồm tuồng, chèo, kịch nói, cải lương đang hoạt động nghệ thuật theo đúng danh xưng. Đây là những đơn vị sự nghiệp có thu, quản lý, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

Bên cạnh các đơn vị trên còn có 35 đơn vị thuộc nhóm ca múa nhạc tổng hợp – hình thức nghệ thuật có số lượng đông đảo nhất trong hệ thống đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, hoạt động nghệ thuật theo hướng “tổng hợp”, thành phần biểu diễn có thể gồm cả ca múa nhạc – dân ca, kịch, chèo… Một số đơn vị tiêu biểu như: Đoàn nghệ thuật Ca múa kịch Lạng Sơn, Đoàn Nghệ thuật Yên Bái, Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa, Đoàn Ca múa kịch Thái Bình…

Đây là kết quả của việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật từ những năm cuối TK XX đầu TK XXI. Việc sáp nhập đơn vị nghệ thuật ở một số tỉnh nhằm giảm bớt đầu mối, tinh giản biên chế, giảm bớt gánh nặng về kinh phí, nhưng mặt khác khiến cho cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động nghệ thuật mất đi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, chất lượng nghệ thuật ngày càng giảm sút. Không ít đơn vị đang rơi vào tình trạng nghiệp dư hóa.

Cùng với 32 đơn vị ca múa nhạc tổng hợp còn có 27 đơn vị nghệ thuật thuộc nhóm nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân gian, dân tộc, hoạt động trong lĩnh vực ca – múa – nhạc, có thể biểu diễn cả ca kịch, song tiết mục chủ đạo là dân ca, dân vũ mang yếu tố văn hóa vùng miền. Hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động biểu diễn còn rất thấp. Sản phẩm nghệ thuật chưa phong phú, chất lượng chưa cao, tiết mục ít được đầu tư, nâng cấp. Thực tế cho thấy, nhóm đơn vị ca múa nhạc dân gian, dân tộc không có thế mạnh để cạnh tranh, nhưng gánh vác một trách nhiệm không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa vùng miền.

Với nghệ thuật rối, đặc biệt là rối nước, từ sau năm 1990 đến nay, ở miền Bắc, ngoài ba đơn vị rối công lập là: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long và Đoàn rối Hải Phòng, còn có 17 phường rối của làng nghề. Cả nước có 5 nhà hát nghệ thuật múa rối, trong đó có 3 nhà hát múa rối của tư nhân là: Nhà hát Múa rối cố đô Huế, Nhà hát Múa rối nước Nha Trang, Nhà hát Múa rối nước Rồng vàng (TP.HCM); 2 đơn vị công lập là: Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ngoài ra còn có 5 đoàn rối: Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật Múa rối Đắk Lắk, Đoàn nghệ thuật Múa rối TP.HCM (nằm trong cơ cấu của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam), Đoàn nghệ thuật Múa rối Nón lá, Đoàn nghệ thuật Múa rối Phú Quốc.

Tiết mục Hề chèo – Nhà hát Chèo Việt Nam

Sự hồi sinh, phát triển của rối nước có vẻ như là bức tranh tươi sáng, nhưng thực tế cũng giống như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, rối nước cũng gặp không ít bất cập. Là di sản văn hóa Việt Nam, nhưng khán giả của rối nước chủ yếu là du khách nước ngoài. Vì lẽ đó, chỉ một số đơn vị rối nước ở những trung tâm văn hóa lớn và địa phương phát triển du lịch là hoạt động có hiệu quả. Đáng báo động là nhiều tiết mục rối nước dân gian đã thất truyền, nghệ thuật tạo hình quân rối và kỹ thuật chế tác bộ máy điều khiển cũng đang mai một.

Về nhân lực: Nguồn nhân lực sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang thiếu hụt trầm trọng. Phổ biến ở nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống, diễn viên có độ tuổi trung bình trên 30, thậm chí trên 40 tuổi. Tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống khu vực miền Trung như: Nhà hát nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), lớp diễn viên lành nghề đã trên dưới 50 tuổi. Những nghệ sĩ được xem là trẻ, tài năng cũng trên dưới 40 tuổi.

Với các đơn vị nghệ thuật ở miền Bắc, tình trạng cũng không khá hơn. Diễn viên trẻ có tài ở địa phương thường ra đi, đầu quân cho nhà hát ở trung ương hoặc xin thôi việc, ra ngoài làm ăn.

Nhà hát Chèo Thái Bình, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hưng Yên đều là nhà hát ở những địa phương có thế mạnh về chèo nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu diễn viên. Đội ngũ diễn viên chủ chốt của ba nhà hát này đều ở tuổi trên dưới 40. Trong số đó có nhà hát đã từng không thể dựng vở tham gia hội diễn vì thiếu diễn viên.

Cùng với sự thiếu hụt đội ngũ diễn viên là các thành phần nghệ thuật khác như: đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhạc sĩ… Vì thiếu nhân lực nên trong các liên hoan, hội diễn sân khấu có những đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ phải “chạy xô” cho năm, bảy đơn vị nghệ thuật.

Trong khi các đơn vị nghệ thuật luôn thiếu người thì công tác tuyển sinh, đào tạo ngành kịch hát dân tộc cũng hết sức khó khăn. Hồ sơ đăng ký dự thi diễn viên ở các cơ sở đào tạo trung cấp cũng như đại học đều giảm mạnh. Nhiều năm, số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào và đầu ra ngày càng kém. Một số cơ sở đào tạo ở địa phương phải giải thể vì không có người học.

Về hoạt động nghệ thuật: Nhìn chung, hoạt động biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập không tươi sáng. Ngoài tác động của những yếu tố khách quan khiến cho sân khấu vắng khách, hiện nay, sân khấu đang trong tình trạng thiếu kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên giỏi, thiếu kinh phí… Với hàng chục đơn vị nghệ thuật sân khấu, nhưng đội ngũ tác giả quá ít, nên tìm được kịch bản hay dường như là một thách đố. Hằng năm, mỗi đơn vị dàn dựng từ 1-2 vở mới, nhưng do không đáp ứng được yêu cầu trên nên chất lượng nghệ thuật của đa số vở diễn chỉ dừng lại ở mức trung bình khá. Không ít vở sau khi tổng duyệt đã lập tức chết yểu, song nhiều đơn vị vẫn phải dựng để giải ngân, hoàn thành kế hoạch.

 Một số đơn vị có nhà hát riêng như: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… còn có điều kiện tổ chức biểu diễn hằng tuần phục vụ du khách và khán giả “truyền thống” của đơn vị, nhưng thu nhập kinh phí từ hoạt động này không đáng kể. Ngoài nguồn kinh phí được Nhà nước cấp để thực hiện kế hoạch biểu diễn hằng năm, nguồn thu của các đơn vị chủ yếu dựa vào hợp đồng biểu diễn với địa phương trong các dịp lễ hội, nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho đêm diễn, mà không có tích lũy.

Nhiều liên hoan, hội diễn sân khấu được tổ chức ngay tại Hà Nội cũng không có khán giả. Nguyên nhân dẫn đến sự thưa vắng khán giả thì nhiều, song không thể phủ nhận là chất lượng nghệ thuật sân khấu chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Điều đó cho thấy sân khấu đang rơi vào bế tắc.

2. Xu hướng phát triển của sân khấu

Nhận thức chung: Để có thể xác định xu hướng phát triển của sân khấu Việt Nam hiện nay, trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ hai vấn đề: nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng là loại hình giải trí; xu hướng phát triển của sân khấu Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do yêu cầu lịch sử, hàng trăm đơn vị nghệ thuật sân khấu đã được thành lập trên cả nước, hình thành nên đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và nền nghệ thuật sân khấu cách mạng. Cùng với các hình thức văn nghệ nói chung, sân khấu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 Kể từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã và đang đồng hành với quá trình hội nhập, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình toàn cầu hóa giúp cho nhân loại xích lại gần nhau hơn. Việc thưởng thức nghệ thuật không còn bị giới hạn ở tầm quốc gia mà phổ cập trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, giải trí trở thành mục đích chính của con người khi thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo điều kiện cho khán giả có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn hình thức giải trí. Điều này cũng có nghĩa là ngày nay, chất lượng nghệ thuật luôn phải đặt lên hàng đầu. Không đáp ứng được nhu cầu giải trí thì sân khấu không có khán giả. Không có khán giả đồng nghĩa với tất cả những gì tốt đẹp mà chúng ta muốn gửi gắm qua tác phẩm sân khấu sẽ trở nên vô nghĩa.

 Để tồn tại, nghệ thuật sân khấu Việt Nam buộc phải vươn lên, khẳng định mình bằng chất lượng nghệ thuật mang tầm khu vực và quốc tế. Mỗi tác phẩm sân khấu cần được quan tâm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, nếu không nói rằng giải trí là mục tiêu hàng đầu mà mỗi tác phẩm nghệ thuật phải nhắm tới.

Về cơ chế: Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/ NĐ-CP. Những Nghị định trên xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm từng bước xóa bỏ bao cấp, tiến tới tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tạo sự công bằng, phát triển xã hội. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đã mang lại nhiều thành quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hai Nghị định trên đều chưa tính đến những đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng. Do đó, việc triển khai các nghị định đối với đơn vị sân khấu đến nay còn nhiều bất cập.

 Mặc dù vậy nhưng chúng ta không thể phủ nhận, tự chủ tài chính là xu thế tất yếu đối với các đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng có nghĩa là về cơ chế, xu hướng phát triển của sân khấu Việt Nam là tự chủ tài chính. Chỉ có cơ chế tự chủ tài chính, tiến tới tư nhân hóa mới có thể giải quyết tốt các vấn đề về đơn vị sự nghiệp biểu diễn công lập nói chung, đơn vị nghệ thuật sân khấu nói riêng. Tự chủ tài chính mới đảm bảo sự công bằng giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và một nền nghệ thuật phát triển đúng nghĩa.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị nghệ thuật công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP lại không khả thi bởi những bất cập ngay trong Nghị định. Do đó, chỉ có thể thực hiện cơ chế tự chủ tài chính bằng biện pháp cổ phần hóa, hoặc điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định, áp dụng cơ chế tự chủ khi xem xét tính đặc thù đối với từng loại đơn vị nghệ thuật.

Về nghệ thuật: Trong khoảng 50 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung đã xuất hiện một trào lưu “mới” – trào lưu nghệ thuật đương đại. Đến nay, trào lưu đương đại đã trở nên phổ biến trong sáng tạo nghệ thuật ở hầu hết các nước trên thế giới.

 Những năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL tổ chức một số Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế. Liên hoan sân khấu đã tạo cơ hội cho nghệ sĩ Việt Nam giao lưu, tiếp xúc với nghệ sĩ trong khu vực, thế giới và tiếp cận sân khấu đương đại. Một số nghệ sĩ trẻ đã nắm bắt được tinh thần của nghệ thuật đương đại và sáng tạo phù hợp. Nhiều tác phẩm sân khấu của các nước tham dự và của nghệ sĩ Việt Nam đã minh chứng một điều, trào lưu sân khấu đương đại đang hình thành, phát triển tại Việt Nam, chiếm được cảm tình của khán giả, đặc biệt là lớp khán giả trẻ.

Để hội nhập cùng sân khấu thế giới và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thưởng thức sân khấu của nghệ sĩ và khán giả Việt Nam, nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam không thể không nhập cuộc với sân khấu đương đại. Với tinh thần đó, về nghệ thuật, sân khấu Việt Nam cần triển khai biện pháp sau:

Thứ nhất, bảo tồn phát huy sân khấu truyền thống là điều bắt buộc, bởi sân khấu truyền thống không chỉ là hình thức nghệ thuật mà còn là di sản văn hóa chứa đựng những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Bảo tồn sân khấu truyền thống là bảo tồn cốt cách, cấu trúc hình thức và biện pháp nghệ thuật của các yếu tố cấu thành nghệ thuật đó. Nếu sân khấu truyền thống không còn thì nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng coi như xóa sổ. Tuy nhiên, bảo tồn không đồng nghĩa với việc bảo tồn tất cả các đơn vị nghệ thuật truyền thống theo cách mà chúng ta đang làm. Cần có những dự án ở tầm quốc gia để bảo tồn sân khấu truyền thống một cách bài bản, quy mô, khoa học, gắn bảo tồn với môi trường văn hóa và hoạt động du lịch.

Thứ hai, khuyến khích phát triển sân khấu đương đại đi đôi với việc duy trì những hình thức sân khấu mà nền tảng lý thuyết của nó đến nay vẫn được các quốc gia trên thế giới và Việt Nam ứng dụng.

Mặc dù ở Việt Nam, sân khấu đương đại còn khá mới lạ, song đây là hình thức sân khấu thuộc về trào lưu nghệ thuật đương đại. Nó có khả năng giải phóng năng lực sáng tạo ở mức cao nhất, đồng thời mở ra sự kết nối vô hạn giữa người sáng tạo và người thưởng thức. Bởi vậy, bên cạnh những trường phái sân khấu đã có, xu hướng phát triển nghệ thuật của sân khấu Việt Nam hiện nay cần tiếp nhận, phát triển trào lưu sân khấu đương đại – trào lưu nghệ thuật mà bản chất của nó là không chấp vướng và tồn tại ở cả 3 thì: quá khứ – hiện tại – tương lai.

PGS, TS ĐINH QUANG TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *