Tiếp nhận và chuyển hóa giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển nhân cách học viên sĩ quan


Tiếp nhận và chuyển hóa giá trị văn hóa truyền thống (GTVHTT) trong phát triển nhân cách học viên các trường sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam là quá trình tương tác biện chứng giữa các chủ thể. Điều này giúp học viên chủ động chấp nhận, chọn lựa, hấp thụ và tự nguyện chuyển hóa GTVHTT thành nhân tố nội tại, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các yếu tố cấu thành nhân cách học viên, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các trường sĩ quan.

Phát triển nhân cách học viên các trường sĩ quan trong quan hệ với GTVHTT là quá trình biện chứng, trải qua nhiều giai đoạn; trong đó, tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT là một khâu của quá trình đó. Tiếp nhận là cơ sở, tiền đề cho chuyển hóa, chuyển hóa để củng cố nhận thức ở cấp độ cao hơn và tạo động lực cho bước tiếp nhận tiếp theo. Thông qua tiếp nhận và chuyển hóa, các GTVHTT được “nội hóa” trong nhân cách học viên, tạo thành nhân tố nội tại, giữ vai trò là cơ sở, tiêu chí, động lực thúc đẩy, định hướng, điều tiết sự phát triển nhân cách học viên trong quá trình học tập, rèn luyện, công tác nhằm hướng đến mô hình nhân cách người sĩ quan cấp phân đội trong quân đội nhân dân Việt Nam. Kết quả quá trình tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT của học viên luôn có sự tác động, định hướng của các chủ thể giáo dục, của môi trường sư phạm quân sự ở các trường sĩ quan; đồng thời là kết quả của hoạt động nhận thức, chọn lựa, thẩm định, hấp thụ, chiếm lĩnh các GTVHTT của học viên nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Quá trình tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên luôn được thực hiện theo hai phương thức:

Tác động của các chủ thể giáo dục: là nội dung quan trọng để quá trình tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên có hệ thống, nhanh, bền vững, đúng hướng. Trong môi trường sư phạm quân sự ở các trường sĩ quan, giảng viên, cán bộ quản lý là những người trực tiếp thực hiện sự tác động, truyền thụ, giáo dục, được tổ chức chặt chẽ, nhằm định hướng cho học viên lựa chọn, hấp thụ, chiếm lĩnh GTVHTT một cách hiệu quả, khoa học thông qua chương trình, nội dung giáo dục đã được khai thác, kế thừa và chuẩn hóa; vừa đảm bảo tính hệ thống, pháp lý, vừa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các trường sĩ quan.

Hoạt động tự tiếp nhận, tự chuyển hóa GTVHTT của học viên: trực tiếp quyết định hiệu quả tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách của học viên. Từ phương diện này, học viên đóng vai trò là chủ thể, GTVHTT là khách thể cần tiếp nhận và chuyển hóa. Với tư cách là chủ thể, học viên luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT. Trên cơ sở tự tiếp nhận và tự chuyển hóa, những GTVHTT được học viên tiếp nhận, chuyển hóa, thẩm thấu thành những nhân tố nội tại của nhân cách, tạo cơ sở, động lực thúc đẩy sự phát triển nhân cách của chính họ.

Về thực tiễn tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên trong thời gian qua, với vai trò là chủ thể giáo dục, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các lực lượng tham gia vào công tác giáo dục ở các trường sĩ quan đã tổ chức, định hướng, giáo dục, tác động tích cực tới quá trình tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT của học viên. Chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục GTVHTT đã được quy định thống nhất, chuẩn hóa, pháp quy hóa. Những GTVHTT của dân tộc đã trở thành văn hóa ứng xử trong xã hội và mang tính phổ quát. Đa số học viên đã tích cực, chủ động, tự giác tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT một cách hiệu quả; có thái độ, ý chí quyết tâm cao trong tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT; tự tổ chức, thực hiện linh hoạt các hình thức, phương pháp tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT có chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số ít giảng viên và cán bộ quản lý chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên; việc nghiên cứu, thiết kế nội dung, khung chương trình chuẩn giáo dục GTVHTT cho học viên chưa chuyên sâu; việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục GTVHTT cho học viên chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, một số học viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT; thái độ, động cơ, ý chí tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT chưa cao; các hình thức, phương pháp tự tiếp nhận và tự chuyển hóa ở một số học viên chưa tích cực, chủ động, tự giác. Do đó, để nâng cao nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên hiện nay, các trường sĩ quan cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong giáo dục GTVHTT cho học viên

Giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường sĩ quan là người tổ chức huấn luyện, giáo dục và quản lý hoạt động học tập, rèn luyện của học viên. Do đó, để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cần: tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, lòng yêu nghề và tâm huyết với sự nghiệp dạy chữ, dạy nghềdạy người của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên phải thực sự gương mẫu về tác phong, lối sống, thống nhất giữa lời nói với việc làm, giữa bài giảng trên lớp với cuộc sống đời thường; có cơ chế quản lý chặt chẽ, đánh giá chính xác trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất của mỗi cán bộ, giảng viên và tập thể cán bộ, giảng viên; có chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần đối với lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục GTVHTT cho học viên nhằm phát triển nhân cách theo định hướng

Nội dung giáo dục GTVHTT quy định đến số lượng và chất lượng tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT cũng như chất lượng phát triển nhân cách học viên hiện nay. Do đó, nâng cao chất lượng giáo dục GTVHTT cho học viên các trường sĩ quan trước hết phải bắt đầu từ đổi mới nội dung giáo dục. Việc đổi mới nội dung giáo dục GTVHTT cho học viên phải bảo đảm tính hệ thống, tính cơ bản và được chuẩn hóa, thống nhất ở các trường sĩ quan; đồng thời, không ngừng bổ sung, phát triển, nâng tầm giá trị và tính thực tiễn của GTVHTT. Nghiên cứu, xác lập nội dung GTVHTT cần kế thừa, phát huy, bổ sung, phù hợp với mô hình nhân cách người sĩ quan cấp phân đội, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các trường sĩ quan; nghiên cứu, lồng ghép nội dung giáo dục GTVHTT trong các nội dung giảng dạy, đặc biệt trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đây vừa là yêu cầu có tính nguyên tắc, vừa là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên hiện nay.

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục GTVHTT cho học viên

Thường xuyên hoàn thiện, đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục GTVHTT cho học viên phù hợp với đối tượng và điều kiện cụ thể của từng nhà trường; kết hợp giữa hoạt động huấn luyện chính khóa và ngoại khóa; trong đổi mới phương pháp giáo dục GTVHTT cho học viên phải chú ý đến việc tìm tòi, lựa chọn và kết hợp giữa các phương pháp để tạo nên chất lượng tốt, hiệu quả.

Quá trình đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục GTVHTT phải bảo đảm tính định hướng về chính trị, tư tưởng của Đảng về “Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc” (1); đặt hình thức, phương pháp giáo dục trong mối quan hệ thống nhất với các yếu tố khác của quá trình giáo dục GTVHTT; đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp giáo dục. Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục GTVHTT phải bám sát sự phát triển của tình hình quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội; kết hợp kinh nghiệm thực tiễn với thành tựu của lý luận dạy học, giáo dục hiện đại; tổng kết kinh nghiệm ở các trường sĩ quan và đơn vị quân đội, xây dựng phương pháp đặc trưng của trường sĩ quan, tăng cường sử dụng các phương pháp kích thích tính tích cực, tự giác trong hoạt động nhận thức của học viên. Tăng hàm lượng thực tiễn trong các hình thức, phương pháp giáo dục, lấy các sự kiện thực tiễn để minh họa cho các nội dung lý luận, tổ chức cho học viên tham gia hoạt động thực tiễn ngay trong quá trình giáo dục GTVHTT.

Nâng cao nhận thức của học viên về vị trí, vai trò tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách chính họ

Với tư cách chủ thể tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT, học viên phải tự khẳng định và phát huy tính tích cực, tự giác để nhận thức sâu sắc và thực chất về phương thức tiếp nhận, chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách của chính họ. Để nâng cao nhận thức của học viên, các chủ thể giáo dục ở các trường sĩ quan cần: Thông qua hoạt động giáo dục làm cho học viên nhận thức được tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT là khâu đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở tiền đề không thể thiếu trong phát triển nhân cách của chính họ; học viên nhận thức đúng về thực chất tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT là quá trình tương tác hợp quy luật giữa khách quan và chủ quan, trong đó tính chủ thể học viên tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT là yếu tố quan trọng, phương thức cơ bản trực tiếp quyết định hiệu quả tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT của học viên

Năng lực tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhân cách học viên dưới tác động của GTVHTT. Để bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT của học viên hiện nay, các chủ thể giáo dục cần phải nâng cao trình độ tri thức chung, tri thức chuyên ngành và bồi dưỡng phương pháp, cách thức, thái độ trong tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT cho học viên. Mặt khác, cần tích cực tổ chức các hoạt động hướng dẫn học viên tự giáo dục, tự rèn luyện, nâng cao năng lực tự tiếp nhận và tự chuyển hóa GTVHTT bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong nội dung, biện pháp, đồng bộ giữa các chủ thể; tạo môi trường sư phạm quân sự để kích thích nhu cầu chiếm lĩnh và lan tỏa GTVHTT của học viên trong thực tiễn.

Bồi dưỡng, nâng cao trình độ tự chuyển hóa GTVHTT từ nhận thức, động cơ, ý chí thành hành động trong thực tiễn học tập, rèn luyện và công tác của học viên

Hành động tích cực, tự giác tiếp nhận và chuyển hóa GTVHTT trong phát triển nhân cách học viên có được trên cơ sở học viên chuyển hóa nhận thức, động cơ, ý chí thành những hành động tích cực, hiệu quả trong thực tiễn. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyển hóa GTVHTT từ nhận thức, động cơ, ý chí thành hành động của học viên trong thực tiễn cần: tích cực, chủ động tạo ra các điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực tự chuyển hóa GTVHTT thành hành động thực tiễn của học viên; rèn luyện học viên thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của nhà trường và quân đội; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyển hóa GTVHTT thành hành động thực tiễn cho học viên hiện nay cần gắn liền với việc định hướng giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa quân nhân, chuẩn giá trị văn hóa quân nhân cách mạng.

___________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.69.

2. Đinh Xuân Dũng (Chủ nhiệm), Nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

3. Tổng cục Chính trị, Định hướng giá trị nhân cách đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.

Tác giả: Hàn Duyên Hiếu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *