Tiêu việt, một chặng đường

Bước vào thời kỳ khoa học công nghệ phát triển, văn hóa giữa các nước không còn là một khoảng cách quá lớn, sự tiếp xúc, giao lưu đã góp phần nâng cao vị thế của văn hóa, trong đó có nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật. Trong quá trình hội nhập, âm nhạc truyền thống đã có nhiều sự biến đổi đáng kể từ tác phẩm, kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật phối khí… Những công trình cải tiến nhạc cụ ra đời, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vần đề liên quan đến thẩm mỹ nghệ thuật. Tiêu biểu như công trình cải tiến đàn tranh của nhạc sư Vĩnh Bảo về mở rộng âm vực, giảm độ cong của mặt đàn để thuận tiện khi trình diễn các âm cao, độ vang…; đàn tam thập lục được nghệ sĩ Hồ Nga chế thêm pedal ngắt tiếng; sáo trúc thay đổi từ 6 sang 10 lỗ…


Bên cạnh đó, còn một loại nhạc cụ ít xuất hiện trên sân khấu biểu diễn, đó là tiêu, nó có màu âm trầm ấm, lúc sâu lắng, lúc gay gắt… Khoảng thời gian gần đây, tiêu – sáo trở lại như một phong trào, người ta cũng đưa ra nhiều hình thức cải tiến có tính ứng dụng, giúp tiêu đến gần với công chúng hơn nữa.

Cải tiến nhạc cụ là việc không đơn giản, nhà sản xuất không những phải am hiểu sâu sắc về mặt âm học, vật liệu… mà phải diễn tấu được chúng. Theo thời gian, tiêu đã được những người đam mê thay đổi về hình dáng, cấu tạo, nguyên vật liệu… để phù hợp với thời đại. Quá trình hình thành và phát triển đầy thăng trầm, cùng sự cởi mở trong tiếp thu tinh hoa từ các nước trên thế giới đã tạo nên dáng dấp của tiêu Việt như hiện nay.

Tiêu là một nhạc cụ truyền thống thuộc bộ hơi, được chế tác từ trúc, với cấu tạo đơn giản, gồm 6 lỗ bấm, thổi dọc trên lỗ bán nguyệt. Hiện nay, chưa có tài liệu nào ở Việt Nam nói rõ về nguồn gốc của nhạc cụ này, chỉ thấy nhắc tới trong công trình của nhà khảo cổ học Louis Bezacier cách đây khoảng 70 năm. Ông đã phát hiện những tảng đá vuông kê chân cột ở chùa Phật Tích, mỗi cạnh dài 0,72m, cao 0,21m, trên đó có chạm khắc cả một dàn nhạc vui tươi và sống động, gồm 10 nhân vật: 8 nhạc công, 2 vũ nữ, chia thành hai nhóm nghệ sĩ hát múa, đánh đàn từ hai bên, hướng vào một chiếc lá bồ đề lớn, tượng trưng cho Phật giáo. Những tảng đá kê chân cột này cho ta biết, ở thời Lý đã có đại nhạc của cung đình và tiểu nhạc của quần chúng với trống to, trống cơm, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn 7 dây, đàn tỳ bà, tiêu, sáo ngang, phách (khoảng TK IX-XI).

Miệng tiêu là một hình bán nguyệt, hứng làn hơi của người thổi, 6 lỗ bấm và 1 lỗ định có vai trò tạo ra những cao độ khác nhau. Tiêu có nhiều kích cỡ, tương ứng với các tone như tiêu rê, tiêu đô, tiêu si giáng, tiêu la (1)… Hiện nay, người ta thường sử dụng tiêu đô, có độ dài trung bình từ 60 – 65cm, đường kính lòng ống khoảng 1,8 – 1,9cm (có ống lên đến 1,95 – 2cm nhưng rất hiếm), đường kính lỗ bấm khoảng 0,7cm.

 

                                   Nhìn trực diện    Nhìn từ phía trên    Nhìn ngang

Theo Trần Văn Sơn (2), “Tiêu đã có từ lâu, có hệ lỗ bấm riêng, không giống Dongxiao của Trung Quốc, thường sử dụng tiêu rê để chơi các bản Oán trong nhạc tài tử”. Như mô tả, tiêu Việt cấu trúc theo hệ lỗ 5 – 1, trong đó, 5 lỗ bấm phía trên, 1 lỗ bấm phía dưới (dành cho ngón cái), ống tiêu không quá dài. Ở tiêu Việt, lỗ thứ nhất sẽ được dùng ngón tư thay vì ngón út như hệ tiêu bát khổng của Trung Quốc.

       x                                                          5       4         3        2              1             0   


                                                                               6

Cấu trúc hệ lỗ 5 – 1

    x                                                        5         4                2                1             0 


    6                              3 

Cấu trúc hệ lỗ 4 – 2

       0: lỗ định âm               x: lỗ thổi      1, 2, 3, 4, 5, 6: lỗ bấm

 

Khoảng năm 1976, NSƯT Trần Thanh Trung (3) đã thay đổi vị trí bấm số 3 xuống phía dưới, tiêu lúc này được gọi là hệ 4 – 2, nghĩa là 4 lỗ bấm phía trên, 2 lỗ bấm phía dưới. Ông đã dùng nguyên liệu gỗ khác thay cho trúc, bởi màu âm sẽ ổn định hơn, độ vang của tiêu tốt hơn. Việc chuyển lỗ bấm số 3 xuống phía dưới sẽ tiện cho việc cải tiến tiêu 6 lỗ thành 10 lỗ. Như vậy, tiêu các ngón tư, ngón trỏ, ngón cái ở hai tay có nhiệm vụ bấm các lỗ chính, ngón út, ngón giữa bấm các lỗ phụ. Các nốt biến âm sẽ sử dụng các lỗ phụ, như nốt đô thăng mở ngón út tay phải, nốt mi giáng mở ngón giữa tay phải, mở ngón út tay trái sẽ cho ra nốt fa thăng, mở ngón giữa tay trái sẽ cho ra nốt la giáng. Có thể nói, tiêu được thay đổi qua kiểu bấm này có thể chơi được nhiều nốt hơn, đặc biệt, sẽ chơi được chromatic. Tiêu ở giai đoạn này vẫn chưa được hoàn chỉnh về màu sắc, độ vang, tầm âm tiêu vẫn chưa được mở rộng (c1 – g3), các nốt ở quãng  thứ 3 thổi khá nặng. Đôi nốt si giáng quãng 8 thứ 2 với thế bấm thông thường sẽ thổi không ra mà phải chuyển sang thế bấm khác.

     10       9                     8             7        

Tiêu Việt 10 lỗ

          7: lỗ  đô thăng        8: lỗ mi giáng

          9: lỗ fa thăng          10: lỗ la giáng

Vào những năm 2006 – 2009, nhóm Damsan được thành lập, gồm những bạn có niềm đam mê đặc biệt với tiêu sáo. Một số người trong nhóm nổi tiếng về việc thay đổi màu sắc, độ vang, tẩm cử âm của tiêu sáo mà không cần nhờ một vật dụng bổ trợ nào khác. Có nhiều nhà sản xuất đã thay đổi vật liệu khác hy vọng có sự thay đổi về màu âm, độ vang như thời điểm đó những đều chưa đạt độ cần thiết… Những thay đổi này xuất hiện đầu tiên trong nhóm Damsan được cho là những thành công ban đầu, bước đệm cho những công trình cải tiến tiêu tiếp theo. Có thể nói, trong thời gian đó, tiêu đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự ổn định về thế bấm, cao độ.

Sau thời gian này, một thành viên khác tiếp tục công trình cải tiến trên nền sáng tạo trước đó. Anh đã thử chuyển đổi sang một loại trúc khác, đó là trúc tím. Theo anh, khi chuyển sang loại trúc này tiêu dễ bắt âm hơn, dễ thổi lên những nốt cao, ngoài ra lòng trong ống còn được tráng thêm một vật liệu nữa, nhằm bịt kín những lỗ nhỏ li ti, gia tăng độ di chuyển làn hơi. Lúc này tiêu được làm khá dài, gần giống Bắc tiêu của Trung Quốc (4), có đến 5 lỗ định âm, 12 lỗ bấm, có tầm âm đạt từ c1 – c4. Đặc biệt, lỗ thứ 5, 6, được chuyển thành lỗ kép (2 lỗ nhỏ) để khắc chế si giáng 2 thổi không ra tiếng và nốt si 3, đô 4 đúng cao độ. Gần đây, tiêu được làm khớp nối để tiện cho việc mang đi, đồng thời cũng mở rộng âm vực đến rê thăng 4.

  La lỗ kép                      10                4                                 Si lỗ kép       La lỗ kép             10                        4  


                


    Mặt trước                                                                                Mặt sau

Tiêu 12 lỗ

  4: lỗ bấm chính (nốt son)       10: lỗ bấm phụ (la giáng)

 

Cũng trong nhóm Damsan, thời gian này, anh Hảo (biệt danh Bamboo flute) đã phá vỡ quan niệm phải thêm các lỗ phụ mới có thể lên được đầy đủ nốt ở quãng 8 thứ 3. Với 6 lỗ bấm cơ bản, anh đã mở rộng tầm cử âm tiêu Việt, tìm ra được quy luật khắc chế lỗi nốt mi 3 cao, điều chỉnh sao cho xuất hiện nốt la 3, si 3… Hiện nay, tiêu Việt do anh chế tác đã đạt sự hoàn thiện về mặt màu âm (5), độ vang và tầm cữ (c1 – d4). Nếu đúng theo giả định, tiêu sẽ lên được đến g4, nghĩa là âm vực của tiêu Việt sẽ ngang với flute của phương Tây. Tiêu được chế tác ở 3 dòng: thứ nhất, phần đuôi rất dài; thứ hai, phần đuôi có lỗ định âm; thứ ba, phần đuôi cũng chính là lỗ định âm (thường gọi là tiêu không lỗ định âm). Trong đó, dòng tiêu không lỗ định âm là khó nhất.

Hiện nay, công trình nghiên cứu mở rộng tầm cữ tiêu của tôi đã vào giai đoạn cuối, được tiếp nối từ ý tưởng trên và đặt nhạc cụ sakuhachi của Nhật Bản để so sánh. Tiêu Việt hiện tại đã đạt ngưỡng từ c1 đến f#4, độ vang, màu âm của nhạc cụ đã được hoàn thiện.

Có thể nói, những công trình cải tiến nhạc cụ đã mang đến những thay đổi về nhận định, tính thẩm mỹ và hệ giá trị của chúng. Để tự hào sánh với nhạc cụ của nước bạn, chúng tôi cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa từ các nhà quản lý văn hóa, nhà chuyên môn…, tạo điều kiện để những sản phẩm này đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Những cải tiến này sẽ là yếu tố đầu tiên phá vỡ mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa hiện đại và truyền thống, giữa phương Đông và phương Tây… trong quá trình hội nhập.

_______________

1. Lấy tên nốt thấp nhất của nhạc cụ định tên cho tiêu.

2. Giáo viên giảng dạy sáo trúc và đàn kìm tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai.

3. Giảng viên bộ môn Sáo trúc tại Nhạc viện TP.HCM

4. Tiêu Trung Quốc được phân làm 2 phái, đó là Bắc tiêu và Nam tiêu. Hệ lỗ của chúng không thay đổi nhưng miệng thổi của Bắc tiêu giữ nguyên phần mắc trúc, có phần đuôi khá dài. Còn Nam tiêu có phần đuôi ngắn, mắc trúc ở miệng tiêu đã phá vỡ hoàn toàn (dòng tiêu này được lan sang Hàn Quốc với tên gọi Danso hoặc Tungso, đến Nhật Bản được gọi là Shakuhachi).

5. Màu âm được lý giải theo ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN KIM PHƯỚC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *