Câu hỏi quan trọng nhất của mỹ học cũng đồng thời là câu hỏi khó trả lời nhất, đó là: nghệ thuật là gì? Rất nhiều học giả đưa ra quan điểm nhưng cũng không thể định nghĩa được. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này hàng ngày, đặc biệt dùng để tranh luận về mối quan hệ giữa mỹ học và đạo đức. Trong luận điểm về cặp đôi tính chất của nghệ thuật, Adorno đề cập đến vấn đề này. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nghệ thuật và xã hội đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc mỹ học của Adorno nói riêng, trường phái lý thuyết phê phán nói chung. Bài viết nhằm phân tích phê phán quan điểm của Theodor W. Adorno thông qua cách tư duy của ông trong tác phẩm Lý thuyết mỹ học.
1. Nguồn gốc của nghệ thuật
Phương pháp của Adorno trong tư duy mỹ học mang tính lịch sử, triết học văn hóa. Ông phản đối phương pháp bản thể vì giải thích nguồn gốc nghệ thuật phi lịch sử, nằm bên ngoài lịch sử. Đối với Adorno, nghệ thuật cũng bắt đầu bằng sự bắt chước. Nghệ thuật không biểu tả thực tế mà tách khỏi thực tế, khỏi môi trường kinh nghiệm. Trong quan hệ với kinh nghiệm thực tế thì nghệ thuật vượt lên siêu phàm, nguyên tắc tự bảo tồn trở thành lý tưởng mang tính tự thân cho các sản phẩm. Người ta vẽ một bức tranh chứ không vẽ cái mà nó thể hiện.
Adorno coi lý tính cổ đại là một nghịch lý. Tính chất bóc lột, bộ mặt thống trị đã có ngay từ trong bản anh hùng ca, thần thoại. Ngay trong thần thoại gốc đã có thời điểm của sự gian trá. Hiến dâng người là một dạng lý tính đẫm máu. Sự thiếu thốn cổ xưa, nỗi sợ hãi trước lương tâm của mình buộc phải trang trí hành động ăn thịt người bằng các nghi lễ. Nguyên tắc thay mặt, thế mạng người bị hiến tế là biểu hiện của sự tự dối mình của thánh thần.
Nếu Adorno cho rằng lý tính đã có từ những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, nghệ thuật ngay từ đầu đã phục vụ các lợi ích thực tiễn thì sự đối lập của Kant và Freud là sự đối lập tính hình thức, thú tính trong mỹ học lại trở nên khiên cưỡng. Adorno phê phán phân tích của Kant khi đánh giá về gu thưởng thức. Trong khi coi mỹ học của Kant là chủ nghĩa khoái lạc bị thiến, Adorno cho rằng sức mạnh của tưởng tượng trong các tác phẩm nghệ thuật dưới con mắt của trường phái phân tích tâm lý được đánh giá quá cao, vô giá trị. Mở khóa những cái tưởng là hiện tượng nghệ thuật qua phân tích tâm lý thì bỏ lỡ tính khách quan, sự kết nối bền bỉ, trình độ hình thức, nhấn mạnh phê phán, mối quan hệ với thực tế không tâm lý, nói chung là ý tưởng về lẽ phải trong tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, những phân tích hình thức này không vươn tới được hiện tượng thực thụ của nghệ thuật.
Cái mà Adorno không đề cập đến là một tác phẩm nghệ thuật, cái chỉ trở thành nghệ thuật trong mối quan hệ với nghệ sĩ và thưởng thức, một vật thể nhân tạo, trước hết là một sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ, sở hữu nghệ thuật sáng tạo của nghệ sĩ trước khi nó là một sản phẩm nào đó của xã hội, mang tính giai cấp tính tư tưởng chính trị hay bất kỳ tính cách nào khác. Nhưng phải làm thế nào để lý giải được ý nghĩa, nội dung của tác phẩm nghệ thuật mà không chú ý đến hình thức, cái biểu hiện chính nội dung, ý nghĩa ấy? Trong khi đó, nếu điều tác phẩm nghệ thuật muốn nói chỉ có thể được xác định bằng ý tưởng của nghệ sĩ, ý thức cũng như vô thức thì phân tích tâm lý mở đường để quan sát một cách chi tiết tác phẩm qua lực thúc giục của sáng tác trong con người nghệ sĩ. Phê phán của Adorno nhằm vào tác phẩm, Freud thì chỉ sử dụng tác phẩm để mở đường đi vào tác giả. Phê phán này vì vậy không có cơ sở. Tốt hơn là nhằm phản biện tính luôn đúng của phân tích tâm lý, khi tất cả đều được quy về các trải nghiệm của quá khứ. Hơn nữa, nếu cứ theo phân tích tâm lý thì tác phẩm nào cũng mang tính cách tự truyện, hồi ký. Như vậy hiểm nguy sẽ không đến từ sức mạnh vô địch của tưởng tượng mà từ các hậu quả với tâm hồn, thể xác của nghệ sĩ trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và thực tế.
2. Cặp đôi tính chất của nghệ thuật
Tuy chưa trực tiếp đề cập, nhưng cặp đôi tính chất của nghệ thuật được nhắc đến là hiện tượng biện chứng trong mỹ học, luận điểm trung tâm của tư duy Adorno. Nghệ thuật có tính chất đôi vì vừa tự trị, lại vừa mang tính xã hội, phủ nhận xã hội nhưng lại không thờ ơ với các vấn đề của xã hội. Tác phẩm nghệ thuật là nhân tạo, sản phẩm của lao động xã hội, phải giao lưu với kinh nghiệm. Nội dung của nghệ thuật được rút ra từ thực tế. Tuy nhiên, vì mang tính tự chủ nên thái độ này của nghệ thuật luôn mang tính phản biện. Bản ngã của mỹ học trợ giúp các bản thể không có bản ngã. Nghệ thuật là mô hình phản biện xã hội, từ chối kinh nghiệm. Tuy là sự kiện xã hội nhưng tính xã hội của nghệ thuật không nằm trong phương thức tạo dựng, nơi các biện chứng của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tập trung, cũng không bắt nguồn từ gốc tích xã hội, nơi khai thác chất liệu nội dung. Có chăng thì nó trở thành bản thể xã hội qua vị trí chống đối với xã hội, vị trí được hiểu là tự trị.
Nếu nghệ thuật có một chức năng xã hội thì nó phải là chức năng vô chức năng. Mâu thuẫn này được đạo diễn Polanski minh họa khi báo chí hỏi các tác phẩm của ông chuyển đến thông điệp gì. Câu trả lời là: “Làm gì có, tôi không phải là nhân viên bưu điện”. Chức năng của nghệ thuật được định nghĩa là vô chức năng, trong xã hội cuối cùng chỉ có thể xác định được qua thái độ, sự thôi thúc sáng tạo của nghệ sĩ. Chính vì trạng thái tự trị, chỉ tuân theo luật lệ của mỹ học, nghệ thuật mới có sức mạnh đặc biệt để vạch mặt sự dối trá của thực tế, phản bác nó, qua đó xây dựng nên mô hình đối lập. Thế giới không có phê phán, đặc biệt không có sự phản bác của nghệ thuật thì sẽ rơi vào sự đồng hóa vô bờ bến (lời cảnh báo của nhà triết học Pháp Jean Baudrillard). Tính phản kháng trong trường phái âm nhạc vô điệu tính của Berg và Schoenberg sâu sắc đến nỗi tới nay, người ta vẫn chưa giải mã được trọn vẹn. Nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật không có trách nhiệm cung cấp các giải pháp cho vấn đề xã hội con người. Chúng luôn là các câu đố vì cái không phải nghệ thuật chính là cái khi được thưởng thức sẽ mở ra hết. Adorno cho rằng, tính mục đích của tác phẩm nghệ thuật là sự thiếu vắng các mục đích khẳng định ấy. Chỉ khi nó không phán xét thì nghệ thuật mới phán xét. Nghệ thuật không có trách nhiệm gì với xã hội vì nếu thế, nó không còn mang tính tự trị nữa.
Trong chừng mực nào thì nghệ thuật có thể tham gia vào công tác xã hội để không trở thành vô nghĩa nhưng mặt khác lại vẫn không bị xã hội hóa? Nếu nghệ thuật lơi là sự tự trị thì sẽ rơi vào guồng máy của xã hội hiện hành. Nếu nó kiên quyết đứng một mình thì cuối cùng vẫn bị hội nhập dưới dạng một phân môn tầm thường. Mâu thuẫn nan giải nằm ở chỗ, tác phẩm nghệ thuật luôn là sản phẩm của xã hội. Chỉ trong một xã hội cụ thể nó mới có quyền tồn tại, tuy quyền này không định nghĩa được. Đồng thời, nghệ thuật lại phải tự trị, có lãnh thổ riêng, nơi nó vừa ra luật, vừa thi hành luật. Chính vì vậy, cái lãnh thổ này và xã hội kia không thể hòa hợp với nhau được. Nếu cứ giữ cặp đôi tính chất này thì nghệ thuật sẽ bị đe dọa từ hai phía, bị trung gian hóa vì trạng thái tự trị của bản thân, bị thôn tính vì một thế giới bị quản lý hành chính. Đây chính là trung tâm của tư duy biện chứng phủ định của Adorno. Mối mâu thuẫn này không thể giải quyết được. Nếu giải quyết được thì mỹ học trở nên vô nghĩa. Biện chứng mang tính phủ định vì sau mệnh đề, phản đề không có tổng hợp đề. Muốn tìm hiểu mỹ học nghệ thuật thì không tránh được mâu thuẫn, biện chứng phủ định này.
3. Cái đẹp tự nhiên đối với Kant
Với cách hiểu về khái niệm tự nhiên, cùng với cái đẹp tự nhiên, Kant đã gói phần ân xá tự nhiên, sửa đổi chính tư duy của mình về vị trí của vật lý, hình học từng được ông gọi là khoa học tự nhiên thuần túy. Ông lập luận từ một vị trí nằm giữa kinh nghiệm luận cực đoan và lý trí luận đơn thuần. Trong triết học tiên thiên với các lý lẽ nằm giữa logic và bản thể học, với sự ngờ vực vào tư thế một môn khoa học của siêu hình, Kant đã xây dựng một khái niệm nhân quả mới, nhân quả của tự do. Ông gọi là nhân quả của đạo đức, chỉ áp dụng trong môi trường con người chứ không có giá trị ở tự nhiên, nơi các quy luật nhất thiết thống trị. Đạo đức tuân theo quy luật của tự do vì đối nghịch với tự nhiên, nó có cơ sở ở siêu nhiên, ở các hiện tượng không nắm bắt được bằng kinh nghiệm. Đây là lúc khái niệm tự do ra đời, đối nghịch với khái niệm tự nhiên, dùng để giải thích nguồn gốc của đạo đức luôn mang tính không mục đích nhưng đồng thời lại tôn trọng tự nhiên. Tuy cho rằng lý tính là điều kiện của khả năng hiểu biết nhưng con đường đi từ lý tính đến thông minh hiểu biết thì Kant chưa bao giờ tìm ra.
Tại sao khi tách khái niệm tự nhiên ra khỏi đạo đức, Kant lại ân xá tự nhiên? Kant ân xá tự nhiên bằng cách giải thích nó mang tính mục đích tuy chỉ là giả định. Bước thứ nhất (khách thể), ông cho rằng người ta không thể hiểu được tự nhiên nếu không giả định rằng có một mục đích đằng sau tất cả các hiện tượng tự nhiên. Bước thứ hai (chủ thể), quan trọng hơn, các đánh giá mỹ học cũng được xây dựng mang tính mục đích tương tự. Không thể dùng nguyên nhân ảnh hưởng để giải thích sự hài hòa của thiên nhiên, sự cao quý của cái đẹp tự nhiên. Nó phải tự do, mang tính ngẫu nhiên. Sự khâm phục của thưởng thức con người với nó chỉ có thể được giải thích bằng một tính mục đích, một nguyên nhân cuối cùng, một nhân quả của tự do. Phải thích thú thì mới thưởng thức được cái đẹp. Bên cạnh đó, đạo đức luôn mang trong mình lợi ích cao nhất. Vậy đạo lý và mỹ học hòa đồng với nhau. Trong cái đẹp tự nhiên, với giả thiết tính mục đích không có mục đích của tự nhiên, mâu thuẫn giữa trách nhiệm và sở thích được giải quyết. Chính luận điểm này của Kant được coi là khởi thủy cho chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa duy tâm với yếu tố cực đoan của một Reinhold, Fichte, Schelling hay Hegel.
4. Cái đẹp tự nhiên đối với Hegel
Adorno cho rằng Hegel là người từ chối tự nhiên, cùng với chủ nghĩa lý tưởng đã tàn phá mỹ học. Hegel hy sinh cái đẹp tự nhiên để tôn thờ lý trí bản thể. Triết học của ông thất bại với cái đẹp vì ông đồng hóa, đặt bằng nhau lý tính và thực tại, thiết lập sự thay thế tất cả tồn tại bằng chủ quan mang tính tuyệt đối, cái không danh tính trở thành gông xiềng của chủ thể. Ông cũng không xác định kinh nghiệm mang tính mục đích của bản thể mỹ học để giải phóng chính nó. Cái bản thể giành quyền lực bằng đảo chính lật đổ, biến tự nhiên thành nô lệ. Quan điểm mỹ học của Hegel vì vậy cũng phản động như thái độ của Bacon đối với tự nhiên trong khoa học. Vì tự nhiên phải đứng dưới trí tuệ nên Hegel vứt bỏ cái đẹp tự nhiên ra khỏi mỹ học, là triết học nghệ thuật, cũng như triết học nghệ thuật cái đẹp nói chung. Hegel cực đoan hóa khái niệm tự do của Kant, nâng vị trí của cái đẹp nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ, cái đúng, cái hiểu biết tất cả, cái cao cả, lên trên cái đẹp tự nhiên. Cực đoan vì Hegel coi nghệ thuật nói chung là thực hơn là thực tế. Thượng đế đối với Hegel là trí tuệ. Với trí tuệ, con người là thể truyền thông, các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo ra bằng trí tuệ vận động thì mang tính cách của chúa trời hơn là sản phẩm của tự nhiên, mặc dù trong đó cũng có bàn tay của chúa. Sự khác biệt giữa ý thức của trí tuệ và vô thức của tự nhiên là yếu tố quyết định cho sự ưu việt của trí tuệ đối với tự nhiên. Nếu, theo Kant, cái đẹp tự nhiên còn là chỗ để trách nhiệm, sở thích hòa đồng được với nhau thì với Hegel, quan hệ giữa đạo lý và mỹ học chỉ còn có ở bản thể.
5. Cái đẹp duyên dáng và phẩm giá theo đánh giá của Schiller
Nếu Hegel đã lịch sử hóa khái niệm tự do của Kant, qua đó cực đoan hóa nó thì Schiller tuyệt đối hóa bản thể tự trị bằng khái niệm cái đẹp duyên dáng. Adorno cho rằng sự tự do của bản thể lúc này trở thành phi sự thật vì nó trở thành không tự do cho tất cả cái khác.
Đối với Schiller, mâu thuẫn giả định này hiện lên vì một bên tự nhiên có những cái đẹp nhất định theo quy luật nhất thiết, trong khi đó trí tuệ lại đánh giá cái đẹp theo các điều kiện của tự do. Trong khi lý tính đòi hỏi sự thể hiện của đức hạnh thì đôi mắt đòi hỏi liên tục cái đẹp. Đây là lúc Schiller tạo dựng bước ngoặt khi mở ra con đường vào đạo lý thông qua mỹ học. Cách giải quyết mâu thuẫn nằm ở sự hài hòa. Con người hòa đồng cảm thụ tự nhiên với lý tính, hài hòa với chính mình. Đây chính là khu vực của cái đẹp duyên dáng. Trong cái đẹp này, lý tính và cảm thụ giác quan tương đồng với nhau. Ngược lại, khi chỉ có trí tuệ thống trị thì không thể có khả năng cảm nhận cái đẹp mà sự ham muốn đơn thuần sẽ biến con người thành con vật. Chỉ khi lý tính không đứng lên trên cảm thụ giác quan và ngược lại, cảm thụ không lãnh đạo lý tính thì điều kiện để cái đẹp nhảy múa mới được tạo ra. Điệu nhảy hài hòa này lại chính là cái Schiller hiểu là tự do trong hình ảnh thể hiện. Trách nhiệm và sở thích hòa đồng vào nhau. Con đường đi tới đạo lý này đưa mỹ học nghệ thuật lên tầm quan trọng của sức mạnh kiến tạo quan điểm sống. Một trách nhiệm cao quý hơn trong xã hội thì mỹ học không thể nào có được. Mối tương đương với chính trị là rõ ràng. Trong một nhà nước tự do tốt đẹp thì không có ý chí của người lãnh đạo thống trị chống lại sở thích của công dân, cũng không có sự khẳng định sở thích của người dân đè lên ý chí của người lãnh đạo. Trong một tâm hồn tốt đẹp thì có sự hài hòa của lý trí và cảm nhận, trách nhiệm và sở thích. Sự hài hòa của chúng mang tính quyết định đối với cuộc sống con người, là một hiện tượng mỹ học và cho đức hạnh nói chung. Rõ ràng có sự gần gũi trong tư duy của Schiller với Platon, đồng thời nhận thấy phê bình của Adorno là thiếu cơ sở. Theo Adorno, với Schiller thì cái đẹp duyên dáng được hiểu là sự thống lĩnh tàn bạo của lý trí chiến thắng cái bản năng chưa đi đến trung tâm của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa lý tưởng của Schiller, khác với của một Reinhold, Schelling hay Hegel. Tổng hợp của cái đẹp duyên dáng và nhân phẩm, trong sự tiếp cận đạo lý thông qua mỹ học là nơi tìm thấy tư tưởng lãng mạn, lý tưởng chủ nghĩa của Schiller.
6. Cái đẹp tự nhiên đối với Adorno
Vì coi chủ nghĩa lý tưởng của Hegel là những bóng tối phá hủy cái đẹp tự nhiên nên Adorno tự đặt nhiệm vụ cho lý thuyết mỹ học của mình là mang trở lại cho khái niệm cái đẹp tự nhiên một cái không danh tính, phản đối các khả năng được miêu tả thể hiện, phản chiếu bằng hình ảnh, đưa cái đẹp tự nhiên trở lại với bản chất phản đề. Là phản đề thì cái đẹp tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật phải dựa vào nhau. Lý thuyết nghệ thuật không thể tồn tại nếu không quay lại cái đẹp tự nhiên. Cặp đôi tính chất của cái đẹp tự nhiên thể hiện ở chỗ, nếu không có cảm nhận thì cũng không có thể hiện khách quan. Tính chất này không rút ngắn thành bản thể được. Cái đẹp tự nhiên không xác định, không định hình được. Vì nghệ thuật bắt chước cái không xác định nên cần triết học để dịch giải. Nhưng thật nan giải vì một mặt triết học phải nói lên được điều mà nghệ thuật không nói được. Mặt khác nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi nó không nói lên điều gì. Nghịch lý của mỹ học chỉ đạo từ đối tượng không xác định được, luôn mang tính phủ định. Khi kêu gọi cái không danh tính của tự nhiên, Adorno phản đối sự tưởng tượng của một thế giới quản lý hành chính được lý tính hóa, thể hiện ngay từ những truyền thuyết cổ đại. Nếu danh tính thể hiện qua đồng đều hóa, cùng một lúc, thống nhất thì vô danh tính là cá biệt, ngẫu hứng, là tự do. Nếu Kant coi trọng cái đẹp tự nhiên hơn cái đẹp của nghệ thuật thì Adorno nhấn mạnh tính không xác định của cái đẹp tự nhiên. Mục đích của hai nhà tư tưởng giống nhau: tạo điều kiện cho một cái nhìn không mục đích vào các vật thể của tự nhiên, vào chính tự nhiên. Phê phán gián tiếp phê phán cái đẹp tự nhiên của Hegel, Adorno muốn cứu rỗi cái đẹp tự nhiên khỏi sự thống trị của trí tuệ. Khái niệm tự do không trở thành mất tự do cho người khác, vật khác, vì vậy trở thành phi sự thật đối với chính bản thể. Chỉ trong cái tự trị của tự nhiên thì mới ý thức được cái tầm thường của bản thể. Adorno sử dụng khái niệm siêu phàm của Kant một cách gián tiếp mà không cần đến cái tự nhiên cao cả hùng vĩ. Trong sự chuyển hóa của cái siêu phàm cũng nhận thấy tính không tưởng của tư duy Adorno. Nó chứa đựng hai hình thức của giải phóng: giải phóng bản thể khỏi kìm kẹp của đòi hỏi thống trị tự nhiên và giải phóng chính tự nhiên. Thiên nhiên tự do đứng đối diện với bản thể tự do mà không bên nào chinh phục bên nào. Không tưởng vì nó đi ngược lại các hiểu biết cổ điển của biện chứng. Vì không đồng ý với bất kỳ gán ghép bó cứng cái đẹp tự nhiên vào một khái niệm không đổi, Adorno sử dụng khái niệm vũ điệu của Kant. Không phải là sự rõ ràng trong quan hệ mà là sự thay đổi. Nếu lãng mạn lý tưởng của Schiller nằm ở chỗ đạo lý là điều kiện của mỹ học thì tư tưởng của Adorno không tưởng vì nó vượt qua một bảo vệ thiên nhiên đơn thuần. Tự nhiên không phải chỉ được bảo vệ dưới các tiêu chí của bảo vệ môi trường sinh thái. Nó không phải chỉ cần được bảo vệ vì con người. Nó phải được tiếp tục tồn tại, là một cái không xác định, không danh tính và không mục đích. Tư tưởng này được thể hiện trong việc ân xá cái đẹp tự nhiên mà kết quả là đạo lý hài hòa với mỹ học, trách nhiệm hòa đồng với sở thích.
Trong tư duy của Adorno, phê phán sự thống trị tự nhiên của con người gắn liền với phê phán một thế giới bị quản lý hành chính. Trong khi những lập luận về khoa học của Harbemas mang tính thực tiễn, có nhiều khả năng được sử dụng trong cải tổ thì Adorno triết lý về nghệ thuật, không tin vào khả năng khai sáng xã hội. Đây chính là yếu tố phản biện trong tư duy Adorno. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và xã hội không thể dịch giải một cách rõ ràng. Giống như tự nhiên, nghệ thuật phải nói lên được nhiều hơn là cái mà nó hiện diện.
Chính vì sự bất hòa giữa trí tuệ và tự nhiên, giữa sự thúc giục bản năng và lý trí mà kinh nghiệm mỹ học và phản ứng đạo đức hòa đồng được với nhau. Mệnh đề tổng hợp này là một sự nhất thiết. Nghệ thuật thật sự đặt ra câu hỏi về cuộc sống đúng đắn. Kinh nghiệm đạo đức rút ra được từ cảm nhận giác quan, cơ thể. Nhìn nhận như vậy thì sự hài hòa của đạo lý và mỹ học là một trường hợp tối ưu. Nó cần phải như vậy, tuy nghệ thuật và thực tế, tính tự trị của nghệ thuật và tính cách xã hội của nó rất khó giảng hòa với nhau. Tư duy về vấn đề này vì vậy mang tính chất của một lời hiệu triệu. Tư tưởng của Adorno sử dụng cái đẹp tự nhiên và ân xá khái niệm tự nhiên cuối cùng phải hiểu là một viễn tưởng hơn là một lối thoát thực sự. Đây là lời kêu gọi thực sự đối với nghệ thuật trong thời đại mà tất cả như đã trở thành thông tin, số hóa, xử lý, truyền dẫn được, khi nghệ thuật và kỹ thuật, khoa học, giải trí hòa trộn vào nhau, khi thực tế ảo tạo nên cảm nhận ảo và với nó tất cả trở thành ảo giác và sản phẩm của ảo giác. Đây chính là nơi nghệ thuật với tính nước đôi là một sự tự trị, đồng thời là một bản thảo đối nghịch với xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : NGUYỄN CAO THANH
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata