Tìm hiểu tục thờ bà chúa kho ở làng quả cảm


Bà Chúa Kho là một trong những truyền thuyết dân gian quen thuộc mang tính tôn vinh hình ảnh người phụ nữ, phản ánh khát vọng chinh phục thiên nhiên của người nông dân. Khát vọng sinh tồn đã khiến họ sáng tạo nên một nhân vật siêu trần, đúng hơn là nhập con người lịch sử vào con người thần thoại để phụng thờ. Nhân vật Bà Chúa Kho đi vào thế giới tâm linh của người Việt như là vị thần bảo trợ, che chở và ban phước lành…, được người dân ngưỡng vọng tôn thờ.

1. Việc phụng thờ Bà Chúa Kho là nhằm tôn vinh người đã có công với nước với dân và trở thành một hiện tượng tín ngưỡng dân gian. Tìm hiểu tín ngưỡng Bà Chúa Kho và diễn trình hình thành của nó qua một không gian tín ngưỡng cụ thể sẽ cho thấy rõ hơn tính đặc sắc của một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu.

Với mục đích tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc của tín ngưỡng dân gian này, chúng tôi đã tìm về quê hương của Bà Chúa Kho là làng Quả Cảm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Quả Cảm là một trong 6 làng ở Bắc Ninh – Kinh Bắc có sinh hoạt tín ngưỡng phụng thờ Bà Chúa Kho (1). Trong quá trình nghiên cứu tục thờ Bà Chúa Kho ở làng Quả Cảm, chúng tôi đã cảm nhận được mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và sự phân bố các nơi thờ Bà Chúa Kho vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc, cũng như các lớp văn hóa bồi tụ trong hiện tượng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng này.

2. Quả Cảm có tên cổ là Kẻ Gốm, được thành lập từ thời nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, thuộc vào bộ Vũ Ninh (2), nhờ kết quả của một quá trình lâu dài các thế hệ cư dân khai phá vùng đất trũng thấp ven sông Cầu. Quả Cảm là một trong 7 làng của xã Hòa Long (Đẩu Hàn, Xuân Ái, Hữu Chấp, Viêm Xá, Quả Cảm, Xuân Viên, Xuân Đồng) thuộc địa phận hành chính thành phố Bắc Ninh, xưa kia sống chủ yếu bằng nghề nông. Hiện nay, Quả Cảm vẫn là làng thuần nông. Trên cơ sở địa thế của đồng chiêm và vùng bãi ven sông Cầu, các thế hệ người làng Quả Cảm đã tạo ra một cơ sở kinh tế lúa nước để đảm bảo cuộc sống cho mình. Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, người dân làng Quả Cảm phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề phụ để tăng thêm thu nhập.

Những biến đổi trong đời sống kinh tế của làng được phản ánh trong đời sống văn hóa, xã hội, trong các sinh hoạt văn hóa dân gian và trong phong tục tập quán. Đời sống sinh hoạt văn hóa tình thần ở Quả Cảm phong phú, trong đó nổi bật là lễ hội Bà Chúa Kho tổ chức mỗi năm một lần, tại đền Bà, đình làng Quả Cảm và chùa Kim Sơn vào ngày 10 tháng giêng (ngày Bà mất).

Đền thờ Bà là di tích nằm trong cụm di tích đình, đền, chùa thôn Quả Cảm. Đền nằm ở phía đông núi Tượng, thuộc khu vực Bãi Miễu gần núi Chiêng, núi Trống và cánh đồng Bồ Quân. Đền không to lớn đồ sộ nhưng thoáng đãng, trang nghiêm. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Đinh. Bên ngoài là tòa tiền tế ba gian, hậu cung một gian, với kết cấu đơn giản. Bố cục bài trí trong ngôi đền với các ban thờ gồm: ban công đồng, ban thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Hậu cung có: một án thờ xây gạch, phía trên có tượng Bà ở tư thế tọa thiền, khuôn mặt thanh tú, phúc hậu. Bà lộng lẫy trong chiếc áo choàng màu vàng óng ánh, đầu đội khăn, uy nghi trong tư thế đĩnh đạc và đài các. Trong đền lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị thuộc các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn; các đồ tế khí, tám đôi câu đối, hai bức hoành phi, một bức đại tự, và những tư liệu quý, đó là một cuốn thần phả ghi sự tích Bà, một bài văn tế Nôm gọi là “Văn tế Bản đức”, dùng để đọc vào các ngày lễ hội kỵ Bà hàng năm, ba đạo sắc phong (một đạo đời vua Cảnh Hưng thứ 44 (1783), một đạo đời vua Gia Long thứ 9 (1810), một đạo đời vua Khải Định thứ 9 (1924)).

Bà được phong các mỹ tự: Hà Dương, Phương Khiết, Trai Trang Thục Thân Công Chúa. Trong văn tế Bà cũng ghi rõ tự hiệu, mỹ tự như trong sắc phong.

Sau khi đền được công nhận thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (đình, đền, chùa), nhân dân làng Quả Cảm và khách thập phương đã công đức tiền để xây lăng mộ Bà và xây hồ cảnh trước cổng đền nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn và lưu công danh của Bà cho các thế hệ muôn đời sau.

Lăng mộ Bà nằm ở sau đền, được xây dựng lại cùng thời với ngôi đền. Lăng được kết cấu bởi sáu cột trụ được chạm trổ công phu, nghệ thuật, mái cong nhị cấp, lợp ngói nam. Phần mộ được xây cao 5 bậc thềm, ốp đá. Đầu phần mộ là tấm bia ghi công trạng Bà gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Khung cảnh lăng tạo vẻ trang nghiêm và tôn kính.

Từ cổng đền, rẽ trái theo trục hương lộ khoảng 600m, nhìn phía bên tay phải là gặp khu nghĩa trang xã Hòa Long, ngay góc cận kề là lăng mộ song thân Bà. Địa giới của lăng được bao tường lửng, tạo thành khoảnh đất hình vuông rộng 70m2. Cổng ra vào được mở thẳng vào hai lăng mộ. Bước qua cổng, trong sân là một bức bình phong chắn ngang. Qua bậc tam cấp của khu lăng, hai ngôi mộ đặt song song kề nhau, ở giữa phía trên hai ngôi mộ là bệ xây thay hương án, khắc dòng chữ Trần Dương mộ chí bia và ghi rõ họ tên, ngày mất của thân phụ mẫu sinh ra Bà.

Cùng nằm trong cụm di tích của làng có đình làng và chùa Kim Sơn. Hiện nay, đình có lưu giữ tấm bia mộ của song thân Bà được chuyển về từ Chùa Kim Sơn, trên bia ghi dòng chữ “Tiên khảo tỷ Trần Dương mộ chí” (mộ chí của cha mẹ ông họ Trần và bà họ Dương). Bia có bốn mặt, khổ 50cm x 25cm, chất liệu đá xanh. Mỗi mặt có chín dòng, mỗi dòng có khoảng mười tám chữ Hán xen Nôm. Bia được dựng vào đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), nội dung bia nói về sự tích cụ họ Trần và cụ họ Dương là song thân của Bà Chúa (3). Mặc dù đình làng Quả Cảm thờ Đức Thánh Tam Giang, nhưng trong đình vẫn có bát hương thờ Bà, lễ hội lớn ngày kỵ Bà vẫn diễn ra ở cả đình, trong lễ hội Bà người ta cũng tấu trình Đức Thánh Tam Giang và rước kiệu Thánh. Điều này thể hiện vai trò của Bà đối với hai vị Thánh được thờ tại đình.

Chùa Kim Sơn (chùa Quả Cảm), theo đánh giá của các nhà khảo cổ, có từ TK VIII – IX, nghĩa là vào trước thời nhà Lý, khi đạo Phật du nhập vào Quả Cảm. Chùa làm theo kiểu nội công ngoại quốc. Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ và tượng mẹ Bà, tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao, theo khuôn mẫu chung nhà Phật và phong cách dân gian rất sinh động và gần gũi với đời sống.

Đình, đền, chùa, tuy là những di tích ở những không gian độc lập trong làng, nhưng tại mỗi di tích bên cạnh việc thờ các vị thần đều có thờ Bà. Chính vì vậy, trong lễ hội Bà do làng tổ chức, không gian linh thiêng của lễ hội đều diễn ra ở cả ba nơi này.

3. Xưa kia, năm nào làng Quả Cảm cũng tổ chức lễ hội truyền thống. Nhưng gần đây, từ tháng 1-1988, khi làng nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa và bằng Làng văn hóa cấp tỉnh năm 1995, theo chủ trương của chính quyền xã cũng như sự tán đồng của Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương, nhằm tránh lãng phí, nên 5 năm làng tổ chức lễ hội “lớn” một lần. Ngày tổ chức lễ hội lấy theo mốc ngày Bà mất. Năm tổ chức lễ hội lấy theo năm chẵn, tổ chức lễ hội 5 năm một lần, tính từ sau hai năm làng nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa (1990 – 1995 – 2000 – 2005 – 2010…).

Nói lễ hội tổ chức vào ngày 10 tháng giêng nhưng thực chất mọi hoạt động đã được bắt đầu từ ngày 9. Sáng ngày 9, cụ Tiên chỉ thắp hương, xin phép Bà làm lễ mộc dục, trang trí lại ngôi đền. Chiều tối ngày 9, tại đền thờ Bà tổ chức sinh hoạt văn nghệ, dân làng cùng các thôn anh em Thượng Đồng, Trung Đồng, Đại Tảo và các làng trong xã hát quan họ với nhiều hình thức như hát giao lưu, hát giải, hát kết bạn. Xã Hòa Long có 7 làng, nhưng duy nhất chỉ có Quả Cảm không phải là làng quan họ. Vì vậy, trong lễ hội, làng thường mời các đoàn quan họ ở các làng khác về hát cùng với một số thành viên của làng.

Ngày 10, từ 6 – 7 giờ sáng, dân làng tập hợp tại sân đền để làm lễ khai hội. Sau nghi thức khai mạc, cụ Tiên chỉ đọc bài văn tế Bà. Trong nghi thức linh thiêng, tất cả đều hướng niềm tin vào Bà. Đây là nghi thức rất ý nghĩa và có tính chất lịch sử. Sau khi bài văn tế kết thúc, các cụ cao niên trong làng dẫn đầu đoàn người ra lăng mộ Bà dâng lễ, và vào trong đền lễ. Cỗ cúng gồm cỗ chay có xôi, oản, hoa quả, và đặc biệt là bánh khúc, rượu nếp và cỗ mặn có các món xào nấu được chế biến từ thịt lợn, bò, gà. Vào giờ Thìn (khoảng 7 – 8 giờ sáng), đoàn rước kiệu (kiệu Bà và kiệu Thánh Tam Giang) tập kết và xuất phát từ đền, khởi hành theo trục đường chính của xã về đình. Trên đường tới đình, đoàn rước dừng lại ở lăng mộ song thân Bà trình và thắp hương. Ở đình người ta không làm cỗ mặn, mà chủ yếu là cúng hương hoa, oản quả. Sau cuộc hành lễ tại đình, người ta tiếp tục rước kiệu Bà và kiệu Thánh về chùa để làm lễ, và tại đây cũng làm nghi thức như vừa lễ ở đình. Sau đó, đoàn rước ngược theo đường cũ trở về đền. Trong đền, các mâm cỗ để chật ba gian. Mâm xôi có thủ lợn hoặc con gà ở trên, đặt ở gian giữa đền, bên cạnh đó là mâm bánh khúc và một hũ rượu nếp. Xung quanh là các mâm cỗ mặn, xôi, oản, quả của các gia đình mang ra cúng lễ. Việc dâng cúng được tiến hành đến chiều, tùy thuộc vào từng gia đình cúng trước, cúng sau. Chiều cùng ngày, ban tế của làng chính thức làm nghi thức tế lễ. Các đội tế nữ của các thôn anh em làm lễ dâng hương và cũng xin đăng ký tế tiếp sau ban tế của làng. Nghi thức tế kéo dài suốt buổi chiều ở sân đền. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các trò chơi dân gian như chọi gà, đập niêu, nhảy phỗng, đu quay…

Lễ hội kết thúc vào chiều tối ngày 10 tháng giêng, dân làng thường gọi là lễ giải y – giã hội, thường chỉ có các cụ cao niên của hai giới cùng ban tổ chức làm lễ. Sau lễ giải y, bánh khúc, rượu nếp, oản quả được phát cho các gia đình trong làng, để tất cả mọi người dân đều được thụ lộc của Bà. Việc duy trì tục lễ bánh khúc, rượu nếp không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, vật chất mà nó chứa đựng hàm nghĩa văn hóa tinh thần tâm linh sâu sắc. Những lễ vật này cũng chính là lòng thành của dân làng thể hiện lòng biết ơn Bà vì đã phù trợ, giúp đỡ họ làm nghề trồng lúa, phát triển mùa màng. Trong suy nghĩ của người dân làng Quả Cảm, Bà luôn là vị thần bảo hộ cho làng xóm và cuộc sống của dân làng.

Những sinh hoạt văn hóa trong lễ hội của người dân làng Quả Cảm vừa thể hiện tín ngưỡng vừa chứa đựng nhiều truyền thống văn hóa của người dân vùng Kinh Bắc. Theo cách nhìn nhận truyền thống về các lễ hội cổ truyền thì lễ hội Bà ở làng Quả Cảm không có gì khác. Thông qua lễ hội ở đây, từ việc chuẩn bị, rước xách, tế lễ đến các trò diễn, ta thấy những bước diễn biến bài bản, lớp lang. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy, không gian văn hóa của cụm di tích gắn với tín ngưỡng phụng thờ Bà ở Quả Cảm khác nhiều với nơi thờ Bà ở Cổ Mễ (nơi mà hàng năm thu hút hàng chục vạn khách thập phương đến lễ). Đó trước hết, là do điều kiện và hoàn cảnh xã hội. Ở Quả Cảm gần như giữ được nếp sinh hoạt văn hóa thuần nông, chưa bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và nhất là sự nảy nở các nhu cầu của kinh tế thị trường. Người dân Quả Cảm duy trì tín ngưỡng thờ Bà là để đáp ứng nhu cầu tâm linh, phục vụ mục đích tâm linh. Trong khi đó, người dân Cổ Mễ đã và đang có ý thức dung nạp nhiều nhân vật phụng thờ vào chung một không gian văn hóa tâm linh; điều này càng tạo nên sự linh thiêng của Bà và đã thu hút được nhiều thành phần du khách, tăng doanh thu cho các dịch vụ văn hóa, tạo ra được một nguồn lợi kinh tế to lớn cho làng. Khác với đền Bà ở Cổ Mễ, tại đền Bà ở Quả Cảm cũng đã có sự xâm nhập của đạo Tứ phủ vào tín ngưỡng thờ Bà, song lại rất có chừng mực. Chỉ có ban Công đồng ở nơi thờ tự là thấy có sự hội nhập này. Bên cạnh ban Công đồng, có một số vị thánh của Đạo giáo thâm nhập vào điện thần Tứ phủ như quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu. Tuy nhiên, việc phụng thờ Bà với tư cách là một nhân vật trong truyền thuyết lịch sử vẫn đậm đà sắc nét hơn cả. Tại đây, cũng có sự cúng bái theo kiểu các ban thờ Mẫu, cầu xin phước lộc, nhưng không có sự vay trả tiền vàng như ở đền Cổ Mễ. Đền ở đây gần như thuần túy là sự tôn vinh ngưỡng vọng một vị nữ thần nông nghiệp.

4. Tại đền Bà ở Quả Cảm còn lưu giữ thần phả, văn tế, sắc phong cho Bà, những tài liệu lịch sử quý để chúng ta hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp Bà. Và đặc biệt, Viện sử học Việt Nam, Ban Nghiên cứu lịch sử địa phương và Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã đối chiếu với tư liệu hiện có tại phòng Lưu trữ, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận diện tính hệ thống của các nhóm tư liệu, cho thấy “hệ thống sắc phong ghi rõ công trạng của Bà Chúa Kho đã được các triều đại ghi nhận và tôn thờ”(4).

Việc hiện tồn các bản sắc phong qua các thời điểm lịch sử của triều đại phong kiến đã chứng tỏ sự ảnh hưởng và vai trò của nhân vật được phụng thờ trong đời sống xã hội người Việt nói chung và các làng quê ở Bắc Ninh – Kinh Bắc nói riêng là rất lớn. Đó cũng là sự khẳng định của một thiết chế văn hóa theo xu hướng lịch sử hóa các nhân vật huyền thoại, chứng tỏ quyền uy của giai cấp thống trị và quan điểm sử dụng các đối tượng được phụng thờ để làm sức mạnh tinh thần, chế ngự, thu nạp dân chúng và vô tình góp phần tạo ra cơ sở bền vững cho truyền thống văn hóa tâm linh ở các làng quê, trong đó có các làng thờ Bà ở Bắc Ninh – Kinh Bắc.

4.1. Thông qua thần phả, thần tích, truyền thuyết ở làng Quả Cảm và đối chiếu với truyền thuyết ở Cổ Mễ, Thượng Đồng, Trung Đồng và Đại Tảo, cho thấy: Bà Chúa Kho ở các làng này là một, và là nhân vật huyền thoại được lưu truyền trong dân gian, là người có công với nước với dân “được tôn thờ ở trong vùng lưu vực sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê và sông Tiêu Tương xưa, trong đó trung tâm thờ tự là đền Bà Chúa Kho thuộc khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh”(5). Sự tích về Bà ở các địa phương này là những truyền thuyết dân gian, chứa đựng những tình tiết không giống nhau. Tuy nhiên, phần cốt lõi của truyền thuyết đều thống nhất ở chỗ: gốc tích xuất xứ của Bà từ vùng đất này chính là làng Quả Cảm. Các làng Cổ Mễ, Thượng Đồng, Trung Đồng, Hạ Đồng… đều được hình thành trên đất của Bà Chúa Quả Cảm và họ kết chạ với nhau, là anh em một nhà, trong đó người Quả Cảm được coi như bậc anh cả.

Hiện tượng phụng thờ Bà diễn ra trong một không gian văn hóa trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau và là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cư dân vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Qua dọc dài lịch sử, quá trình lịch sử hóa Bà đã diễn ra và hoạt động tín ngưỡng thờ Bà phản ánh khá đậm nét đời sống xã hội của cư dân trong vùng. Tuy đã có nhiều đổi thay, nhưng những địa danh này vẫn giúp chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa của việc phụng thờ này từ nguồn gốc ra đời cho đến sự vận động, phát triển và lan tỏa.

4.2. Tín ngưỡng Bà Chúa Kho vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc là sự dung hội của nhiều lớp tín ngưỡng dân gian trong diễn trình lịch sử, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa vừa mang sắc thái nghi lễ – tín ngưỡng vừa thể hiện nhận thức xã hội của con người kế tiếp nhau qua các thời đại. Do nhu cầu của mỗi thời đại mà hình ảnh của Bà cũng được thay đổi để phù hợp với vai trò mà bà đảm nhận. Qua thời gian, các lớp văn hóa được bồi đắp lên càng nhiều, những năng lực siêu phàm của Bà Chúa Kho cũng vì thế mà được tăng lên. Từ đó niềm tin vào Bà, cũng ngày một mạnh mẽ hơn.

Việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ Bà ở Quả Cảm cũng như ở năm làng Thượng Đồng, Trung Đồng, Đại Tảo, Cổ Mễ và Vệ An đều cho thấy rõ biểu hiện của tín ngưỡng thờ nữ thần nông nghiệp Việt cổ, sau được nhân ra diện rộng 72 làng trong vùng. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và điều kiện xã hội khó khăn đã làm nảy sinh nhu cầu tín ngưỡng về một vị nữ thần nông nghiệp của cư dân thời kỳ đó. Trong môi trường đó, người nông dân chỉ biết kêu cầu nữ thần che chở, giúp đỡ, phù hộ cho họ. Theo đánh giá của GS.TS. Ngô Đức Thịnh: “Những truyền thuyết thu thập được về Bà Chúa Kho cũng ít nhều liên quan đến tục thờ Mẹ lúa nguyên thủy”(6) của những cư dân trồng lúa nước ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, “Bà Chúa Kho vốn là một cô thôn nữ xinh đẹp, nết na, giỏi nghề nông, sinh sống ở vùng ven sông Cầu. Ban đầu, vùng này là đồng bãi ngập nước, lầy trũng, cư dân chưa biết trồng cấy, cô gái lấy trấu rắc tới đâu thì lúa mọc lên tới đó. Từ đó thóc lúa cứ ùn ùn như núi, mọi người phải xây kho để trữ lương thực, và tôn vinh cô gái dạy dân trồng lúa đó là Bà Chúa Kho”(7).

Qua việc dâng lễ tại Quả Cảm, dễ dàng nhận thấy sự hiện diện mang tính phổ biến của mâm gạo tẻ (hoặc nếp) được các làng mang sang góp giỗ mẹ. Đây là một sản phẩm gần gũi, gắn với vận mệnh người làm nghề nông (cơm tẻ mẹ ruột), họ phải lao động vất vả để làm ra những hạt thóc, hạt gạo. Và cạnh đó là những lễ vật mà dân làng Quả Cảm làm trong dịp lễ hội để dâng lễ như bánh khúc, rượu nếp… cũng đều được chế biến từ gạo. Những lễ vật này chính là lòng thành của dân làng thể hiện lòng biết ơn, tạ ơn Bà vì đã phù trợ, giúp đỡ họ làm nghề trồng lúa, phát triển mùa màng.

Bà đã giúp dân Quả Cảm, Cổ Mễ, Thượng Đồng, Trung Đồng, Hạ Đồng chiêu dân lập ấp, biến những vùng đất hoang thành những thửa ruộng trồng lúa, trồng màu, dạy dân cày cấy, làm ăn. Bà trở thành một hình tượng anh hùng văn hóa (hay chính xác hơn, mang dáng dấp của người anh hùng văn hóa) hiện thân cho công cuộc chinh phục và khai khẩn vùng đất trũng ven sông Cầu. Công trạng của Bà đã gắn kết với địa danh vùng Quả Cảm, Cổ Mễ, Thượng Đồng, Trung Đồng, Đại Tảo… Quá trình lịch sử hóa Bà thể hiện quan điểm và nhận thức về tín ngưỡng tâm linh của người Việt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đề cao người anh hùng văn hóa, đề cao và coi trọng vai trò của người phụ nữ trong công cuộc tạo dựng và xây dựng đời sống cộng đồng trong lịch sử.

Sự tác động của xâm lược phương Bắc trước đây cũng như sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đã tác động không nhỏ vào văn hóa Việt Nam nói chung và Bắc Ninh – Kinh Bắc nói riêng, dẫn đến nhu cầu tín ngưỡng thay đổi, làm biến dạng nguồn cội tín ngưỡng nông nghiệp ban đầu, tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng. Trong tình hình đó, nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian nói chung và nhiều thần Mẫu nói riêng đã nhanh chóng được lịch sử hóa, “trở thành những con người cụ thể, công trạng cụ thể, được Nhà nước phong kiến phong sắc,biên soạn thần tích để ghi nhận công trạng ban mỹ tự cho các nơi thờ phụngnhư những bậc danh thần”(8)… Hiện tượng Bà Chúa Kho từ lớp tín ngưỡng nữ thần mẹ Lúa, người anh hùng khai phá, rồi đến người anh hùng lịch sử chính là phản ánh xu hướng biến đổi ấy. Bà được phong là: Hà Giang công chúa thẩm mỹ tự đức vua Bà, Hà Giang phương khiết trai trang thục thận công chúa, Hà Giang công chúa nghiêm trang chính trực, Thượng đẳng tối linh, Chủ khố linh từ…

Cùng nằm trong dải đất ven sông Cầu, tại đền Cổ Mễ, tín ngưỡng Bà Chúa Kho trong quá trình tồn tại và phát triển đã diễn ra quá trình dung nạp, hòa nhập vào hệ thống thờ Mẫu Tam phủ. Trong ngôi đền này, tuy Bà Chúa Kho được thờ phụng chính, “nhưng tín ngưỡng Tứ phủ đã hội nhập khiến việc thờ cúng Bà Chúa Kho có vẻ như bị lấn át. Cùng với Linh từ Thánh Mẫu – Bà Chúa Kho là ban thờ tam tòa Thánh Mẫu, ban Công đồng, ban thờ Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bảy, ban thờ Bát bộ Sơn trang, ban thờ Cô, ban thờ Cậu…”(9). Tuy nhiên, thông qua tín ngưỡng phụng thờ Bà Chúa Kho ở đền Cổ Mễ, và với việc tên điện thần gắn với tên Bà là “đền Bà Chúa Kho” đã cho thấy sự phối tự trong đền thờ Bà không làm phai nhạt chân dung Bà. Hiện tượng hội nhập theo hình thức Mẫu hóa này không phải là hiện tượng cá biệt ở đền Bà Chúa Kho.

Trong xã hội nông nghiệp Việt cổ, vai trò của người phụ nữ được đề cao và coi trọng, do đó tín ngưỡng thờ thần Mẫu càng có điều kiện phát triển với các biểu hiện, biến thể khác nhau. Các thần Mẫu được hiện thân thành những Bà Chúa, giúp dân cấy trồng lúa màu, dạy dân làm gốm, ca hát… mà truyền thuyết đã nói lên điều đó. Từ sau thời kỳ đổi mới, do sự tác động của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của người dân và du khách thập phương tại đền Cổ Mễ thay đổi, do đó hình ảnh của Bà Chúa Kho cũng được thay đổi theo. Bà Chúa Kho “từ một vị thần lúa đến Bà Chúa Kho lương thực của cải, khi gặp nền kinh tế thị trường Bà Chúa Kho ấy đã trở thành chủ khố linh từ có thể cho vay tiền như một ngân hàng cho tất cả mọi người”(10).

Qua truyền thuyết, thần phả, sắc phong, di tích và lễ hội làng Quả Cảm, chúng ta đã xác định được: ngôi đền chính thờ Bà (Bà Chúa Kho) và quê gốc của Bà là ở làng Quả Cảm. Vậy nên chăng, nếu có đi lễ đền Bà Chúa Kho ở Cỗ Mễ, người dân cũng nên đến đền Bà Chúa Kho ở Quả Cảm – quê hương Bà để nhìn lại ngọn nguồn một hiện tượng.

_______________

1. Đó là: khu Cổ Mễ (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); làng Thượng Đồng (xã Vạn An, thành phố Bắc Ninh); làng Trung Đồng (xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); làng Đại Tảo (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh); phường Vệ An (thành phố Bắc Ninh) và làng Quả Cảm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Việc phụng thờ Bà Chúa Kho ở các làng này có nhiều điểm tương đồng, từ truyền thuyết, điện thần đến lễ hội…

2. Địa chí Yên Phong, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr.604.

3. Nguyễn Huy Thức, Góp phần tìm hiểu thêm về sự tích Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, Hà Bắc, Tạp chí Hán Nôm, 4-1993, tr.38-42.

4. Cội nguồn Bà Chúa, Tài liệu đánh máy, tr.23.

5, 8. Trần Đình Luyện, Hiện tượng Bà Chúa Kho và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh trong Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.161, 165.

6, 7. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng Bà Chúa Kho và sự biến đổi của xã hội Việt Nam trong Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, sđd, tr.151.

9. Nguyễn Chí Bền, Bà Chúa Kho trong tục thờ cúng các nữ thần của người Việt trong Văn hóa dân gian Việt Nam những phác thảo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.404.

          10. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa Thông tinViện Văn hóa, Hà Nội, 2008, tr.293.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Trần Thị Thủy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *