Tìm hiểu văn hóa đón xuân của một số dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng


Dân số tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 1,3 triệu người; trong đó, các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24% dân số toàn tỉnh (314.100 người). Đặc biệt, có 3 DTTS Tây Nguyên sống lâu đời nhất (Cơ ho, Mạ, Chu ru) chiếm khoảng 15%. Bởi có nguồn gốc lâu đời nên hiện nay, nhiều phong tục độc đáo mang nét văn hóa riêng của 3 tộc người bản địa này còn lưu giữ khá nguyên vẹn, có tính bền vững. Mùa xuân là thời điểm các phong tục, lễ hội văn hóa truyền thống của 3 tộc người bản địa này được tái hiện, diễn ra sôi nổi, sinh động nhất.

Do chịu tác động nhiều chiều của cuộc sống đương đại, một số lễ hội truyền thống của các DTTS bản địa Lâm Đồng bị mai một, lãng quên; lớp trẻ tỏ ra không mấy mặn mà với văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, đã là văn hóa truyền thống nên các giá trị tốt đẹp vẫn được lớp người cao niên trong cộng đồng người Mạ, Cơ ho, Chu ru lưu giữ như vật báu, thậm chí linh thiêng của tổ tiên họ.

Ở các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (vùng sinh sống lâu đời của người Mạ thuộc huyện Bảo Lâm), bên cạnh những căn nhà xây kiên cố, khang trang, hiện đại, vẫn còn đó những căn nhà dài truyền thống của người Mạ, hiện đang được bảo tồn. Điều này đã khẳng định rằng từ thiết kế nhà ở đến duy trì các lễ hội hay trong trang phục truyền thống, người Mạ nói riêng, các tộc người DTTS bản địa ở Lâm Đồng nói chung vẫn tồn tại.

Lễ hội Văn hóa cồng chiêng mừng năm mới

tại 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng

Ảnh: Thanh Dương Hồng

Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc Mạ ở huyện còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Người Mạ có nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt, một số lễ hội dân gian gắn với nông nghiệp, vòng đời được tổ chức hằng năm như: lễ mừng lúa mới, lễ xem rừng xem đất, lễ xin thần linh giúp cho hạt lúa lên đều, trổ nhiều bông, lễ xin tuốt lúa, lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh… Người Mạ lưu giữ, phát triển các lễ hội văn hóa cồng chiêng, đàn đá B’Đạ, kho tàng chuyện cổ tích, sử thi Mạ, dân ca…

Còn đối với người Chu ru (sống tập trung tại các xã của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) ngày nay cũng còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống khá phong phú: lễ mừng lúa mới, lễ mừng được mùa, lễ cúng các vị thần mương nước, thần lúa… Đặc biệt, trong di sản văn hóa của người Chu ru còn lưu giữ vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú, nổi bật là những bài hát, điệu ca, kể chuyện cổ; trong đó, Ơ Khan là chuyện kể có tính kết nối cộng động rất cao, có nội dung giáo dục con cháu, khuyên dạy thế hệ sau phải nhớ đến cội nguồn, tổ tiên, phải biết nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, ứng xử có đạo lý. Điệu Ơ Khan do các già làng kể cho con cháu nghe trong những đêm hội làng, trong các dịp Tết, lễ hội mừng năm mới của buôn làng.

Dù phong tục, tín ngưỡng có khác nhau, song, trong hệ thống các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống của dân tộc Mạ, Chu ru, Cơ ho đều có nét chung khá tương đồng, thậm chí giống nhau. Bao đời nay, 3 tộc người này đều sống gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy, núi rừng, đều canh tác nông nghiệp; do đó, các lễ hội của 3 tộc người này tổ chức vào đầu năm mới, tập trung vào các nghi thức nhằm tạ ơn trời, thần nông nghiệp đã cho họ cái ăn, cái mặc, mùa màng bội thu, xua đuổi thú dữ, bảo vệ nương rẫy, bảo vệ con người, giữ ấm cho mỗi ngôi nhà, làng buôn.

Cùng với các lễ hội truyền thống được lưu giữ, tổ chức hằng năm, hiện nay các làng nghề, nghề truyền thống các DTTS bản địa ở Lâm Đồng đang được bảo tồn, phát triển khá mạnh, trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch. Đó là các làng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, trồng dâu nuôi tằm, các nghề truyền thống: làm nỏ, bầu hồ lô, đan lát, đúc nhẫn bạc… Việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống các DTTS bản địa được gắn kết với phát triển du lịch, dịch vụ theo chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 33 làng nghề truyền thống, hàng trăm nghề truyền thống của các DTTS được đầu tư, xây dựng đã, đang trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Điều đáng ghi nhận là bên cạnh bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, các tộc người bản địa Lâm Đồng cũng đã biết tự xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu đi ngược xu thế phát triển của thời đại mới; loại bỏ những lễ hội xưa cũ phản cảm, thiếu tính nhân văn.

Vào những ngày cuối năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, các buôn làng của người DTTS đều trở nên nhộn nhịp, tưng bừng với nhiều lễ hội được tổ chức… Đặc biệt, trong số đó là lễ bắt chồng của thiếu nữ đến tuổi cập kê.

Nói về lễ bắt chồng thì cần đề cập về phong tục hôn nhân của đồng bào DTTS ở các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng. Họ quan niệm, mùa xuân là mùa cây lá đâm chồi, nẩy lộc, mùa con ong đi hút mật, mùa trai gái trao duyên, quả cà phê đã chín mọng được hái, phơi khô chất trong kho chờ người mua để bán, lúa trên nương đã được gặt, đưa vào bồ… Thời điểm này, người dân, trai gái trong làng rảnh rang, hẹn nhau đi chơi, dự các lễ hội để làm quen, tình tự. Do vậy, từ bao đời nay, như luật bất thành văn, mùa xuân trở thành mùa bắt chồng của thiếu nữ các DTTS gốc Tây Nguyên.

Phong tục bắt chồng chẳng ai còn nhớ có tự khi nào, các già làng chỉ biết từ thời xa xưa được truyền lại cho đến tận hôm nay. Theo chế độ mẫu hệ, khi con gái Cơ ho, Chu ru đến tuổi lấy chồng thì sẽ tự đi tìm người mình thích, ngỏ lời cầu hôn để bắt chàng trai về làm chồng. Nếu người con trai đồng ý, chấp nhận lễ vật nhà trai thách cưới, gia đình nhà gái sẽ đến gặp nhà trai bàn chuyện hôn nhân cho đôi trẻ, đám cưới sẽ diễn ra vui vẻ cả buôn làng. Còn nếu không đồng ý, chàng trai sẽ từ chối (có thể thách cưới thật nhiều tiền, chum ché, trâu, bò…, cốt để cô gái vì không có đủ lễ vật đành từ bỏ người con trai này, đi tìm chàng trai khác).

Theo già làng, trước đây tục thách cưới chỉ là nghi thức trong hôn nhân của người DTTS bản địa, nhưng 10 năm trước, nhiều gia đình người Cơ ho lợi dụng hôn nhân để đòi nhà gái trả nhiều tiền, lễ vật. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, giáo dục, vận động, đến nay tục lệ nặng nề, phiền toái này đã giảm đáng kể. Mới đây, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã tổ chức phục dựng lễ bắt chồng xưa của thiếu nữ Cơ ho nhằm trả lại sự lành mạnh trong hôn nhân của người DTTS bản địa, xóa bỏ tục thách cưới biến tướng, mang theo nhiều hệ lụy.

Trong nghi thức, việc tổ chức hôn nhân của các DTTS bản địa ở Lâm Đồng, có lẽ người Mạ có sự tiến bộ nhất về nhận thức, tư duy, nếp sống khá hiện đại. Con cái người Mạ khi đến tuổi lập gia đình, tự do tìm hiểu, yêu nhau (giống người Kinh). Khi hai trẻ thích nhau, sẽ về thưa với cha mẹ, nhờ người mai mối, đặt vấn đề hôn nhân. Đám cưới, các nghi thức cưới hỏi của người Mạ ít rườm rà như các DTTS khác, nhất là tục thách cưới gần như đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Đám cưới của người Mạ tổ chức tại nhà gái, thường vào đầu năm mới. Ngày cưới, cô dâu, chú rể mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất với nhiều hoa văn, mang đặc trưng văn hóa Mạ, đeo những đồ trang sức như vòng tay, đeo ở cổ là những chuỗi cườm ngũ sắc rất đẹp. Điều thú vị trong lễ cưới của người Mạ là nghi thức chạm trán của cô dâu, chú rể. Đôi trai gái đến trước bàn thờ tổ tiên để chủ hôn bôi máu con vật hiến tế lên trán cô dâu, chú rể nhằm cầu mong sự may mắn cho đôi vợ chồng trẻ. Sau đó, cô dâu, chú rể quỳ gối, đối mặt với nhau để chủ hôn trùm lên người tấm thổ cẩm. Cặp vợ chồng trẻ trong tấm đắp phải chạm trán với nhau 7 cái. Theo quan niệm của người Mạ, điều này thể hiện sự tâm đầu ý hợp, nghi thức thiêng liêng, lời thề thủy chung của đôi trai gái trước sự chứng kiến của thần linh, dòng họ.

Sau phần nghi lễ chính, họ hàng, người thân, bạn bè của hai gia đình tặng quà cho đôi trẻ, chung vui với rượu cần, thịt trâu, thịt lợn nướng, các món ăn đặc trưng của người Mạ, đánh chiêng, nhảy múa, ca hát mừng hạnh phúc của đôi trẻ.

Đặc biệt, đạo lý thủy chung trong đời sống hôn nhân của người Mạ được xem là danh giá nhất. Bởi vậy, việc bỏ nhau, ly hôn, nhất là ngoại tình đối với người Mạ được cho là sự xấu hổ, xúc phạm danh dự lớn nhất. Hiện nay, trong hôn nhân của người Mạ vẫn tồn tại tục lệ phạt tội ngoại tình, đây là nét độc đáo nhằm khuyên răn vợ chồng phải tôn trọng nhau, cùng nhau giữ gìn hạnh phúc. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nét độc đáo trong hôn nhân của DTTS Mạ ở Lâm Đồng có nhiều điều thú vị khiến chúng ta cần suy ngẫm.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *