Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người mông lào cai


 

1. Vài nét v người Mông Lao Cai

Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới; diện tích tự nhiên 6.357,08 km2; tổng dân số 55,7 vạn ngư­ời với 25 dân tộc sống đan xen nhau, trong đó có 24 dân tộc thiểu số với 39 vạn ng­ười, chiếm 64,8%, cư­ trú ở 142 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trong số các dân tộc thiểu số thì dân tộc Mông có số lượng đông nhất, gồm 22.126 hộ, 131.306 khẩu, chiếm tỷ lệ 22,21% dân số toàn tỉnh. Theo các nhà nghiên cứu, người Mông ở Lào Cai là một trong những dân tộc thiểu số có mặt muộn hơn các dân tộc khác trong tỉnh (1).

Người Mông ở Lào Cai có bốn ngành chính, Mông Hoa (Mông Lềnh) là ngành có số dân đông nhất, chiếm tới 70%, cư trú ở 8 huyện nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa pa, Bảo Thắng, Bảo Yên. Mông Đen (Mông Đú) cư trú rải rác tại Bát Xát, Sa pa. Mông Xanh (Mông Chúa) cư trú tập trung tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn. Mông Trắng (Mông Đư) ở Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa pa, Si Ma Cai. Tuy phân biệt thành bốn ngành khác nhau nhưng trừ ngành Mông Xanh, ở Văn Bàn còn có 3 ngành Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đen, về ngôn ngữ văn hóa cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa cá nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ. Trong ngôn ngữ, hơn 93% từ vị, cách phát âm của các nhóm Mông là giống nhau.

Người Mông Lào Cai thường cư trú ở những sườn núi sơn nguyên có độ cao trung bình từ 700 – 1800m. Địa hình người Mông cư trú chủ yếu là hai dãy núi cổ chạy song song với nhau theo hướng tây bắc – đông nam , dãy núi Con Voi ở phía đông và dãy núi Hoàng Liên ở phía tây. Dãy Hoàng Liên có các đỉnh cao: Phan Xi Păng (3143m), Tả Giành Phình (3090m), Phu Luông (2983m) và các bề mặt san bằng cổ nằm ở các bậc độ cao khác nhau (1350m, 1450m, 1700m…). Dãy Hoàng Liên là vùng núi đồ sộ có nhiều đèo hiển trở như đèo Ô Quý Hồ, Khau Co… ở miền đông, người Mông cư trú tập trung ở sơn nguyên cổ Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương thuộc khối vòm nhô sông Chảy nằm ở phía đông bắc dãy núi Con Voi. Đó là các khối sơn nguyên phân bậc không rõ ràng và phân bố, phân tán thành những khối nhỏ xen kẹp với các khối núi sót. Trên bề mặt sơn nguyên bị cắt xẻ bởi hệ thống máng trũng có cả dạng đồi, đỉnh bằng nhiều lũng khô và các lòng chảo cổ.

Do không có địa vực cư trú tập trung, càng không có một nền tảng kinh tế thống nhất, nên sức mạnh cố kết của tộc người này chỉ tập trung ở chính tâm thức của họ mà sự liên kết của các mối quan hệ xã hội là một biểu hiện điển hình. Xã hội truyền thống của người Mông có cấu trúc khá thống nhất. Đó là xã hội phụ quyền rất mạnh với sự đề cao vai trò, quyền lợi cũng như trách nhiệm của người đàn ông. Cấu trúc xã hội ấy được xây dựng trên cơ sở của các tế bào xã hội: gia đình, dòng họ và làng.

Khái niệm gia đình được người Mông gọi là ziv hay ziv nênhs đều có nghĩa chỉ tập hợp người cùng sống chung, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu dưới một mái nhà. Nó thường gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái. Theo quan niệm ấy, cộng đồng gia đình của người Mông phải từ hai người trở lên và nếu đàn ông không có vợ, đàn bà không có chồng, dù ở nhà cao cửa rộng bao nhiêu cũng không được coi là ziv nênhs với đúng nghĩa của nó.

Sau kết cấu gia đình thì đến dòng họ. Dòng họ ở người Mông có một vị trí vô cùng quan trọng, đó là những yếu tố cốt lõi cấu thành lệ xã hội Mông và thể hiện bản sắc dân tộc của họ. Nói cách khác, dòng họ là nền tảng cho sự tồn tại của xã hội Mông truyền thống và chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày của cả cộng đồng. Người Mông gọi dòng họ là xêng. Ở Việt Nam, tộc người này có khoảng 20 tên xênh khác nhau, đó là các dòng họ: Vàng, Giàng, Sùng, Lý, Thào, Mùa, Cháng, Lù, Vừ, Vì, Hờ, Hạng, Dinh, Cứ, Hầu…

Cuối cùng là đến làng. Làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất ở dân tộc này. Người Mông gọi làng là jaol hay jol, jêz jol – đều có nghĩa là ổ hay tổ, tức chỉ một cộng đồng cùng chung sống trong khu vực địa lý nhất định. Làng Mông được hình thành trên sự tụ cư của những nhóm người có hay không có mối quan hệ huyết thống. Bởi vậy, mối quan hệ cộng đồng làng thực chất là mối quan hệ của các thành viên cùng dòng họ và giữa các dòng họ cùng địa vực cư trú. Nói cách khác, mối quan hệ láng giềng của họ được hình thành và phát triển thông qua sự ứng xử giữa các dòng họ khác nhau. Thông thường, mỗi làng Mông gồm vài ba dòng họ với vài chục nóc nhà, có họ lớn, họ bé. Song, những điều đó không ảnh hưởng đến sự cố kết của họ. Từ rất lâu, ý thức cộng đồng láng giềng ở tộc người này đã được hình thành và phát triển bởi một thực tại sớm tối có nhau và cùng chung một quá khứ lịch sử khó quên.

Do sự di cư vào Việt Nam khá muộn, tộc người này chỉ có sự lựa chọn duy nhất là cư trú trên các dải núi cao, sống gắn bó với rừng và đất rừng cho dù họ có nguồn gốc là cư dân lúa nước. Hoàn cảnh đó làm cho nông nghiệp nương rẫy trở thành nền tảng kinh tế vô cùng quan trọng của người Mông. Hiện nay, nền kinh tế tự cung tự cấp đó biến mỗi gia đình Mông trở thành một đơn vị kinh tế độc lập. Dưới mỗi nóc nhà, họ tự làm ra mọi thứ thiết yếu phục vụ cho cuộc sống của mình trừ muối, dầu… và không biết từ bao giờ, người Mông nổi tiềng với nghề thủ công như: đan lát, xe lanh dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong, rèn đúc… với các sản phẩm vừa có chất lượng cao, vừa mang đậm yếu tố nghệ thuật, tính nhân văn và thể hiện bản sắc văn hóa tộc người.

2. Tín ngưỡng th cúng t tiên ca người Mông Lào Cai

Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông ở Lào Cai có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người khác. Sự khác biệt thường bộc lộ ở một số loại hình và ít chịu ảnh hưởng của tam giáo như một số tộc người láng giềng như Dao, Tày, Nùng. Trong các hình thức tôn giáo truyền thống của người Mông, việc thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là Saman giáo tương đối phát triển. Những hình thức tôn giáo sơ khai như vật linh, tô tem giáo, các loại ma thuật… vẫn tồn tại ở dạng tàn dư và đóng vai trò quan trọng. Tôn giáo, tín ngưỡng đã hòa quyện với sinh hoạt đời sống hàng ngày tạo nên những sắc thái phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần người Mông.

Người Mông cho rằng trong vũ trụ có hai thế giới chính cùng tồn tại. Đó là thế giới trên mặt đất, nơi con người sinh sống và thế giới trên trời, nơi có ông trời và các vị thần của người Mông. Đồng thời ở một góc nào đó trên trời là nơi tổ tiên của họ sinh sống. Những người già Mông kể lại rằng, bầu trời và mặt đất là do ông Chày bà Chày tạo ra, còn người Mông được sinh ra từ lòng đất. Xưa kia họ vốn sống hạnh phúc vĩnh viễn ở trên đời, chẳng bao giờ biết đến cái chết. Cuộc sống vĩnh hằng của người Mông đã làm cho ông trời tức giận bởi ông ta không thể chấp nhận con người có thể tồn tại ngang cùng trời đất. Ông trời quyết định mang cái chết đến với người Mông, từ đó người Mông mới phải chết.

Đồng bào Mông cho rằng, khi ai đó trút hơi thở cuối cùng, có nghĩa là đã hoàn thành phận sự ở thế giới mặt đất để trở về với tổ tiên. Để người chết có thể về được với thế giới tổ tiên, người Mông làm lễ chỉ đường đưa hồn người chết đi qua những địa danh đã cư trú về đến tận vùng đất tổ Quý Châu (Trung Quốc), rồi từ đó mới lên trời tìm về với tổ tiên. Thày cúng phải lấy con gà trống hoa dẫn đường cho hồn người chết và dặn người chết cách trả lời khi gặp thần nhà trời và nhờ nhà trời chỉ đường về với tổ tiên. Thế giới tổ tiên của người Mông mới là nơi có cuộc sống vĩnh hằng.

Người Mông cũng cho rằng, để có thể tồn tại được trên trần gian, luôn có các vị thần giúp đỡ họ, dạy họ cách làm ăn, làm uống, cách ứng xử trong nội, ngoại tộc… Họ luôn ghi nhớ ông Chơ Nghĩa dạy đàn, nhị, kèn, sáo, ca múa và giúp họ xây dựng đường lý, đường lẽ trong ứng xử, ông Lias Lư định ra luật cưới xin, bà Niav Ngâul Chơ dạy cách thêu thùa, ông Xyz Zi cứu họ khỏi bệnh tật và cái chết, ông Sâuz chỉ bảo cho họ giải quyết những điều vào thời điểm khó khăn nhất… Những vị thần đó được người Mông coi là những ông tổ đã có công xây dựng nền móng cho hệ thống văn hóa mưu sinh và ứng xử của tộc người này, đồng thời giúp họ có đủ sức mạnh chống lại áp bức, chống lại sự đe dọa của thiên nhiên, bảo vệ sự sống còn của cộng đồng.

Vậy người Mông quan niệm về tổ tiên là tất cả những người đã khuất thuộc các thế hệ, mà chủ yếu từ thế hệ cha ông trở về trước. Đó là những người đã làm nên sự nghiệp để lại cho con cháu, giám sát con cháu tổ chức thực hiện đường lý, đường lẽ của cộng đồng. Tổ tiên cũng là người luôn phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi… Bởi vậy, bất cứ người Mông nào cũng ghi nhớ công lao của tổ tiên và lập nơi thờ cúng tổ tiên.

Người Thái quan niệm, tổ tiên (ma nhà) chỉ là thế hệ cha của chủ nhà. Người Tày quan niệm tổ tiên gồm 4 đời (cha, ông, cụ, kỵ). Người Mông quan niệm tổ tiên là những người đã chết trong ba đời trở lại (cha, ông, cụ). Quan niệm này thể hiện trong các bài khấn mời tổ tiên (cúng năm mới, cúng ma trâu…), chủ nhà hoặc thày cúng đều gọi tên tuổi những người thuộc ba thế hệ đã khuất trở về ăn tết với con cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn. Trong một bản người Mông thường có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một ông tổ đã chết mà người già ở thế hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ được.

Các thành viên trong dòng họ gắn bó chặt chẽ với nhau bởi cùng một phả hệ dòng nam do một ông tổ sinh ra. Thông thường nếu tính từ thế hệ con lên đến ông tổ là ba đời. Trong dịp làm ma bò (ma trâu) nhu đa, tất cả các thành viên trong dòng họ phải tới dự. Đồ cúng bày theo đúng quy cách, số lượng cụ thể của từng dòng họ, nhưng thông thường bát cúng thứ nhất mời tổ tiên, bát cúng thứ hai mời cha mẹ đã mất, bát cúng thứ ba mời những người đã khuất cùng thế hệ cha mẹ, bát cúng thứ tư trở đi mời những người đã khuất trong dòng họ, mời ma nhà, ma rừng, ma suối, ma núi… Trong lễ cúng, ông trưởng họ thường kể về sự nghiệp của tổ tiên, các quy ước kiêng kỵ của dòng họ. Mỗi lần cúng như vậy, hình ảnh của tổ tiên lại được khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi thành viên.

Khác với người Việt, người Tày, bàn thờ tổ tiên thường đặt ở vị trí gian giữa, nhiều dòng họ Mông không lập bàn tờ tổ tiên riêng. Nơi thờ cúng tổ tiên chỉ là một miếng giấy hình chữ nhật kích thước 20 x 30cm gần nơi thờ xử ca ở trên bức vách hậu gian giữa. Một số dòng họ như Vừ, Lầu, Và… ở Bảo Yên có lập bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được đóng vào chính giữa gian cúng, cách mặt đất khoảng 1,2 m đến 1,5m. Trang trí trên bàn thờ chỉ là mảnh giấy bản và cắm ba ống hương thờ ông bà, bố mẹ, cha ông, cụ, chú bác, những người anh em cùng thế hệ. Nơi đặt bàn thờ là nơi thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ tiên, chỉ có con trai mới được đến gần bàn thờ. Người Mông chỉ cúng tổ tiên vào dịp năm mới, lễ cơm mới hoặc khi cầu cúng chữa bệnh… Đối với hồn các cha, ông, cụ… ở thế giới bên kia, con cháu phải tổ chức các lễ cúng theo tục lệ tang ma: lễ tiễn đưa hồn, lễ sửa mồ mả, lễ ma khô… Tổ tiên thuộc loại ma lành phù hộ cho con cháu. Tuy nhiên, không thờ cúng cẩn thận, tổ tiên cũng có thể bắt phạt, làm cho con cháu ốm đau. Hoặc đôi khi tổ tiên đói còn về đòi trâu, lợn… Thế giới bên kia có một nơi dành cho tổ tiên ở. Nơi cư trú của tổ tiên, cũng giống như nơi cư trú của con cháu ở dưới trần gian, theo dòng họ.

Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nhiều tộc người ở Lào Cai. Nhưng hình thức cũng như quan niệm thờ cúng tổ tiên của người Mông có những đặc điểm khác các dân tộc láng giềng.

Để so sánh, chúng tôi tiến hành điều tra và đối chiếu đối tượng thờ cúng của các tộc Kháng, Khơ Mú, Hà Nhì, Phù Lá, Thái Đen, Tày, Nùng, Dáy.

Đối tượng

Người Mông

Người Tày

Người Dao

Người Kháng

Người Phù Lá

Quan niệm về tổ tiên

Ba thế hệ bố, ông, cụ

Bốn thế hệ

Chín thế hệ

Bố, mẹ

Bố, anh em trai của bố

Địa điểm thờ cúng

Không có bàn thờ, khi cúng thì kê ở vách

Có bàn thờ đặt ở giữa nhà

Có bàn thờ ở gian giữa

Không có bàn thờ, khi cúng làm bàn thờ bằng ba liếp ghép

Có bàn thờ cố định

Thời gian thờ cúng

Cúng vào ngày lễ, tết

Cúng vào các ngày lễ, tết

Cũng vào các ngày lễ, tết

Cúng ba năm một lần vào dịp tết

Cúng vào ngày lễ, tết

 

Bên cạnh thờ cúng những thành viên trong gia đình, người Mông còn thờ cúng những người trong dòng họ. Đối với người Mông, cộng đồng dòng họ hoàn toàn không phải là những người chỉ cùng tên họ. Đồng bào cho rằng, cộng đồng đó phải là các thành viên có chung một tín hiệu được thể hiện trong tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc này và họ gọi tín hiệu chung ấy là cùng ma (thôngx đangz hay thôngx đaz). Trên bình diện của hệ thống thân tộc, những người cùng ma không phải là toàn bộ khối cộng đồng trôngs mà chỉ bao gồm cộng đồng chêl và phạm trù dòng họ được đề cập ở đây chính là khối người cùng họ cùng ma.

Trong giai đoạn hiện nay, người Mông được đánh giá là một tộc người còn giữ được trọn vẹn bản sắc dân tộc của mình. Thực tế cho thấy hiện nay đa số các gia đình người Mông sống ở nơi xa xôi, hẻo lánh, đời sống kinh tế xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp nên bị kẻ xấu lợi dụng.

Đến nay mặc dù đại đa số các xã có tộc người Mông sinh sống đã có những thay đổi căn bản trong tang ma, cúng lễ, đã tổ chức các hội nghị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ người Mông để ký cam kết cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh…, tuy nhiên, những hủ tục, tiêu cực trong đời sống của người Mông Lào Cai hiện nay vẫn diễn ra khá phức tạp và vẫn là gánh nặng với đồng bào. Mặt khác, tình hình hoạt động tôn giáo ở vùng đồng bào người Mông Lào Cai vẫn còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo nhằm khắc phục những hủ tục lạc hậu, đưa hoạt động tôn giáo tuân thủ đúng chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

_______________

1. cuocsongviet.com.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013

Tác giả : Trần Thị Phương Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *