Tín ngưỡng thờ Mẫu, nơi lưu giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ, đó là công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, phòng chống thiên tai khắc nghiệt. Hoàn cảnh lịch sử đó đã sản sinh, tôi luyện nên những người con người kiệt xuất, tiêu biểu cho khát vọng của nhân dân lao động. Những câu chuyện dân gian được lịch sử hóa cho hay những hình tượng có thật gắn liền với chiến công, sự hy sinh, đóng góp của người phụ nữ, đã được nhân dân gìn giữ, lưu truyền trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ Mẫu trở nên thân thuộc đối với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, thể hiện sự thành kính, biết ơn của con người đối với công lao, đóng góp của người Mẹ; đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là Mẫu tam phủ, tứ phủ là hình thức thờ cúng người Mẹ, đại diện cho từng miền trong vũ trụ (trời, đất, sông nước, rừng núi). Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành, phát triển từ tín ngưỡng thờ nữ thần, là một bộ phận của ý thức xã hội, bắt nguồn từ chế độ thị tộc mẫu hệ, tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng. Qua hình thức tín ngưỡng này, con người gửi gắm niềm tin về sự che chở, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên, cụ thể là những vị nữ thần sáng tạo, sản sinh và che chở cho cuộc sống của con người. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng tồn tại và phát triển. Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự tích tụ, hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Trong cuốn Các nữ thần Việt Nam, tác giả Đỗ Thị Hảo, Mai Thị Ngọc Chúc đã thống kê, Việt Nam có tới 75 nữ thần. Và trên thực tế, mỗi cộng đồng dân cư có niềm tin và cách thờ cúng khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương mình.

Trong tiềm thức của mỗi người dân, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với những sự tích, câu chuyện, nhân vật được dân gian truyền miệng, như: truyền thuyết mẹ Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân sinh ra bọc “trăm trứng”, truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, truyền thuyết về Mỵ Châu – Trọng Thủy, Thánh Mẫu Nguyên phi Ỷ Lan, Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Mỗi sự tích, câu chuyện, nhân vật đều gắn liền với những giai thoại lịch sử, chứng tích khác nhau, diễn ra ở những môi trường, điều kiện lịch sử cụ thể, phản ánh công cuộc chinh phục thiên nhiên, khai hoang, mở cõi, xây đắp thành lũy của nhân dân Việt Nam. Đồng thời là sự khẳng định ý thức độc lập chủ quyền, bảo vệ giang sơn đất nước trước nạn xâm lược của ngoại bang. Những hình tượng thờ Mẫu đó đã trở thành biểu tượng của ý thức cố kết cộng đồng dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng chế ngự thiên nhiên, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của con người. Mặc dù là những câu chuyện mang tính dân gian được hư cấu thành sự tích nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết con người, khẳng định ý chí tự lực, tự cường rất cao của dân tộc. Đây là hình thức tín ngưỡng không chỉ phản ánh bức tranh văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng mà còn khẳng định những tâm nguyện, ước muốn của người phụ nữ muốn được góp công sức vào cuộc đấu tranh chống lại những tai ương của số mệnh, chống lại những biến đổi của thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam như là niềm tin, lẽ sống để mỗi người không ngừng phấn đấu vươn lên, từng bước hoàn thiện bản thân. Các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cụ thể như: lên đồng, hát văn, diễn xướng… luôn thu hút được đông đảo mọi người tham gia. Nó không chỉ tái hiện lại một giai đoạn, thời kỳ lịch sử của dân tộc với những cách thức, phương pháp mà người xưa đã làm để giữ gìn bờ cõi đất nước mà còn phản ánh tâm nguyện của xã hội hiện nay, mong muốn cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Có thể kể đến một số giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua tín ngưỡng thờ Mẫu, như: lòng vị tha, nhân ái, khoan dung, độ lượng; sự tinh tế trong cuộc sống; giàu đức hy sinh, luôn quan tâm, chăm lo đến gia đình; đầy nghĩa khí, vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt thiên chức của người phụ nữ. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy phụ nữ thời xưa rất lộng lẫy, trang nghiêm, chú trọng đến ăn, mặc, lễ, nghi, mong muốn khẳng định được khả năng của mình trước những vấn đề xã hội. Trong thời gian vừa qua, việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đã được quan tâm, chú trọng. Các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình khi tham gia vào các hoạt động lễ hội; tăng cường xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, thần thánh hóa, tiến hành các hoạt động mê tín dị đoan ảnh hưởng đến giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, UNESCO đã ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ VHTTDL đã công bố Chương trình Hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt giai đoạn 2017-2022.

Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số nơi đã có những biến tướng nhất định, không còn giữ được nét tôn kính, linh thiêng trong quá trình giữ gìn và phát triển. Đó là hiện tượng chen lấn, xô bồ nơi lễ hội, mua thần, bán thánh, cầu mong nữ thần ban phước, che chở những điều phi thực tế như làm ăn phát tài, phát lộc, cầu gì được nấy; một số lễ hội thì thủ tục, nghi thức rườm rà; các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để tuyên truyền những tư tưởng phản động, phi văn hóa, đi ngược lại bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc; nhất là hiện tượng hầu đồng gây lãng phí, tốn kém, lôi kéo nhiều người tham gia. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao thoa, tiếp biến của các nền văn hóa khác nhau; đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa, phát triển kinh tế, nhu cầu thưởng thức, tìm sự bình yên, an lành của con người tăng cao; trong lúc này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nô nức phấn khởi chào mừng thành công đại hội các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu là rất thiết thực, cụ thể. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tự do tín ngưỡng. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý ở các địa phương, nhất là cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu; cùng với đó từng địa phương có tín ngưỡng thờ Mẫu phải cụ thể hóa, thể chế hóa thành những quy định, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm cho các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chuyên trách quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là trong thời gian diễn ra các hoạt động lễ nghi, diễn xướng, biểu diễn; làm tốt công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu ở các địa phương bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, ý nghĩa; nghiêm cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để mưu lợi cá nhân, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến những người thành kính, thành tâm hành hương về với tín ngưỡng thờ Mẫu; ban hành các quy chế, quy định cho những cơ sở thờ tín ngưỡng thờ Mẫu phải bảo đảm mỹ quan, không được chèo kéo du khách ở các địa phương khác, hoặc có hành vi “chặt chém” người từ địa phương khác. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu để mọi người biết, đề cao tinh thần cảnh giác, không để cho những đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của người dân để thực hiện các hành vi trộm cắp, lừa đảo.

Hai là, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Biện pháp này có mục đích nâng cao trình độ nhận thức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật… Từ đó nhằm phân biệt cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở để tự giác loại bỏ những hiện tượng tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực của tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay. Khi đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng cao thì tức khắc sự cuồng tín của con người đối với tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ giảm đi. Theo đó, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là dự án về xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, sống và làm việc theo pháp luật, quy định của địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh Chương trình 135 của Chính phủ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội đối với những hộ gia đình chính sách, không để khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực diễn ra quá xa, gây sự bất bình đẳng trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử; đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền trong nhân dân về các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, như chấp hành nghiêm các quy định do ban tổ chức lễ hội đặt ra, tính hướng thiện của con người; tình yêu thương của con người với con người, sự chân thành, lòng vị tha; phải sống có tình, có nghĩa, trọng nghĩa hơn tiền bạc, ở hiền gặp lành; giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh tại các công trình tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo đó, chính quyền các cấp phải xây dựng những quy chế, quy định cho cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu bảo đảm tính trang nghiêm, đúng phong tục truyền thống địa phương; những thủ tục rườm rà, lễ nghi cầu kỳ chưa phù hợp nên loại bỏ, không để ảnh hưởng đến thời gian hành hương thành kính của người dân. Trong quá trình tổ chức lễ hội, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố: tính tín ngưỡng, tính văn hóa và tính nhân dân; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu hướng về cội nguồn, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng đối với du khách; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, giới thiệu, quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu ra bên ngoài, thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan tiến hành quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là hoạt động hầu đồng có đúng tôn chỉ mục đích của ban quản lý lễ hội không; xử lý nghiêm minh hoạt động mê tín dị đoan ở các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu, chấn chỉnh, xóa bỏ hiện tượng nhếch nhác, chèo kéo khách xung quanh tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo đảm tính thẩm mỹ, giáo dục, đem lại cho du khách sự an lành, bình yên, nhẹ nhõm trong tâm thức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân nơi có tín ngưỡng thờ Mẫu để cùng nhau tu bổ, xây dựng, bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị tốt đẹp ra bên ngoài, tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Chúng ta phải đầu tư nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra của tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay, từ đó đưa ra những quan điểm rõ ràng, thống nhất về một số hiện tượng của thờ Mẫu, như hầu đồng, diễn xướng, các lễ nghi tưởng nhớ thánh Mẫu… Cần mở nhiều lớp học ngắn hạn để cập nhật thông tin, cung cấp kiến thức về tín ngưỡng cho người làm công tác về tín ngưỡng, tôn giáo; biên soạn những tài liệu có tính chất tham khảo về loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu, đưa sách và các tài liệu có liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu xuống đến địa phương, tránh sự tùy tiện gây khó khăn, phức tạp cho việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã thâm nhập vào tâm hồn, lối sống của người Việt Nam và đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Nó có nguồn gốc, bản chất giống như nhiều loại hình tín ngưỡng khác, song có sắc thái riêng với những dấu ấn của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, trong đó phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Theo dòng thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn đồng hành cùng nhân dân trong hành trình dựng xây, kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1).

_________________

1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 9-6-2014.

Tác giả: Ngô Thị Phương Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *