Tín ngưỡng thờ mẫu ở khánh hòa, từ góc nhìn du lịch văn hóa

Tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa là bức tranh sinh động và đa sắc về đối tượng thờ tự như lớp thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tứ phủ. Tín ngưỡng thờ mẫu nảy sinh, tích hợp các giá trị về tâm linh, sáng tạo và bảo tồn văn hóa nghệ thuật, gắn kết cộng đồng, phát triển du lịch văn hóa. Bài viết nhằm diễn giải các giá trị tín ngưỡng thờ mẫu trong phát triển du lịch văn hóa ở Khánh Hòa hiện nay.

1. Giá trị tâm linh

Tín ngưỡng thờ mẫu là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh với đặc trưng nghi thức hầu đồng và múa bóng. Nghi thức hầu đồng là quá trình thần thoại hóa, bí ẩn và tâm linh hóa thế giới thực tại. Trong thời gian thực hành nghi lễ, tín đồ biểu hiện niềm tin tuyệt đối vào thế giới tâm linh thông qua giá hầu các vị thánh. Họ tin thánh sẽ ban sức mạnh, niềm tin thông qua thực hành nghi lễ để vượt qua những khó khăn, đau khổ của cuộc sống thường nhật. Do vậy, chủ thể thực hành tín ngưỡng thờ mẫu được dựa trên niềm tin vào các vị thánh. Khi thực hành những nghi lễ trên, con người được thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý. Trước đó, thanh đồng phải thực hiện các nghi thức trong tín ngưỡng thờ mẫu như lễ đội bát hương, trình đồng, hầu tạ… Đây là những nghi thức thiêng liêng của thanh đồng khi trở thành ông đồng hoặc bà đồng. Khi thực hành nghi lễ lên đồng, các ông đồng, bà đồng đã có thay đổi về ý thức, chủ động tự đưa mình vào ngây ngất. Đó là trạng thái tự ám thị về tồn tại của thần linh và mong muốn được thông quan với thần linh để cầu xin che chở, giúp đỡ. Chẳng hạn, cô đồng L cho biết: “trước đó cô làm y sĩ trong bệnh viện Khánh Hòa. Cô có bệnh chữa trị đông tây y mãi không khỏi. Một hôm, bà cụ hàng xóm nói cô có đồng. Bà cụ dẫn cô đồng L đến đền Sòng Sơn và làm nghi thức đội bát nhang năm 1984. Cô khỏe mạnh trở lại và lập gia đình. Năm đó cô đi Mỹ, cô cầu nguyện 3 năm ở xứ người mà được sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc, công việc thuận lợi thì về trình đồng. Những điều cô đồng L cầu xin đều đúng như tâm nguyện. Năm 1988, cô làm lễ trình đồng tại đền Sòng Sơn, số 46 Võ Trứ, Nha Trang. Từ đó đến nay cô đồng L thực hành nghi lễ đều đặn. Tháng 3 và tháng 8 âm lịch hàng năm cô đồng L nhớ quê, nhớ mẫu lắm. Có một năm, cô không có ý định về Việt Nam. Song, cô không về hầu thì cơ thể đau ốm trở lại, tiền tài mất hết, tốn kém hơn là về… Mỗi lần cô về dâng hương, hầu mẫu thì sức khỏe bình thường, làm ăn ổn định và vui lắm. Khi hầu đồng xúc cảm được khai mở, tinh thần sung sướng, được mạnh khỏe, tâm an lạc. Đạo này kỳ lắm, huyền bí, chữa trị bệnh. Mẫu dạy nhiều thứ hay lắm, như cúng kính, lễ nghi, hầu mẫu, hầu thánh như thế nào, mắt thường mọi người không nhìn thấy nhưng mà cô thấy…”(1).

Hiện nay, chủ thể thực hành nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa chiếm phần nhiều là phụ nữ. Từ góc nhìn nhân học, người ta đã lý giải về việc phụ nữ tham gia lên đồng nhiều hơn nam giới: “Nghi thức lên đồng giúp đỡ người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thay vì coi họ như những người ở tầng lớp thứ hai, thứ yếu trong xã hội. Lên đồng trong quan niệm của những người theo đạo Mẫu đã giúp họ ý thức về bản thân mình, khiến họ thấy tự tin hơn và có thể giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề trong cuộc sống, và có khả năng thay đổi mình và thay đổi người khác”(2). Lên đồng không chỉ là diễn xướng tâm linh, mà còn tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và lịch sử hóa những vị thánh có công với đất nước. Song, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa biến đổi theo những chiều hướng khác nhau do tác động của nhiều nguyên nhân như kinh tế thị trường, nhu cầu, sự hiểu biết của chủ thể văn hóa…

Như vậy, trong cuộc sống, ngoài những nhu cầu về đời sống vật chất, còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng, trong đó có niềm tin tín ngưỡng. Tín ngưỡng thờ mẫu với các nghi lễ, lễ hội đã góp phần làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người. Đó là cuộc đời thứ hai, trạng thái thăng hoa từ đời sống thường nhật. Giá trị tâm linh này được thể hiện sinh động trong nghi thức hầu đồng, hò bá trạo, trò diễn xướng dân gian, múa bóng trong lễ hội tháp Bà, chùa Suối Đổ, cầu ngư, am Chúa và trong các điện thần mẫu.

2. Giá trị sáng tạo và bảo tồn văn hóa nghệ thuật

Tín ngưỡng thờ mẫu không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn là môi trường sáng tạo các giá trị văn hóa của cộng đồng như truyền thuyết, nghi lễ, lễ hội, tạo lập hệ thống điện thần, ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, trang phục, nghệ thuật tạo hình và các hình thức diễn xướng dân gian. Tín ngưỡng thờ mẫu còn được biểu đạt thông qua những biểu tượng văn hóa. Chẳng hạn, nghệ thuật hát văn trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa là sự song hành chầu văn Bắc Bộ và chầu văn Huế. Lối hát và âm nhạc trong nghi thức hầu đồng thờ mẫu tứ phủ Bắc ở Khánh Hòa vẫn theo truyền thống. Cung văn tứ phủ Bắc là những người Việt đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội. Chầu văn Bắc đa dạng, phong phú về thể loại, thay đổi tiết tấu, chuyển cung và làn điệu liên tục theo từng giá hầu. Do vậy, khi những ông đồng, bà đồng thực hành hầu đồng tứ phủ Bắc thường mời cung văn hát theo truyền thống Bắc Bộ. Những người tham dự nghi lễ hầu đồng tại điện thần mẫu tứ phủ Bắc thường thích nghe văn Bắc. Họ không thích theo lối hát văn Huế do khó nghe và buồn. Ngược lại, ông đồng, bà đồng thực hành lên đồng theo Thiên Tiên Thánh giáo lại thường mời cung văn hát theo lối Huế. Người tham dự là những con nhang đệ tử theo Thiên Tiên Thánh giáo. Tuy nhiên, những bài văn chầu Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo và ngày càng phát triển trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa.

Âm nhạc, chầu văn và lên đồng trong văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu vừa phong phú, đa dạng biến đổi theo không gian và thời gian, vừa chịu tác động bởi những yếu tố kinh tế, chính trị, giao lưu và hội nhập. Sự biến đổi này phản ánh tính sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh và môi trường mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng. Mặt khác, sáng tạo giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ mẫu mang tính đặc thù, tính kế thừa. Ví dụ, múa bóng dâng mẫu của người Chăm xưa được truyền dạy cho người Việt ở Khánh Hòa thực hành phổ biến trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Thiên Y thánh mẫu hiện nay. Song, người Việt không tiếp thu một cách thụ động mà có sự biến đổi phù hợp với văn hóa truyền thống của mình. Thông qua hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu mà những phong tục như hát văn, hầu đồng, trò chơi dân gian của người Việt và các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của người Chăm đều được tái hiện. Đặc biệt là những loại nhạc cụ, trang phục, nghi lễ cúng các vị thần của người Chăm xưa được trình diễn trong dịp lễ hội. Như vậy, tín ngưỡng thờ mẫu không chỉ là tấm gương phản chiếu văn hóa vùng miền, địa phương, mà còn là môi trường để bảo tồn, làm giàu và phát huy sắc thái văn hóa của Khánh Hòa.


 Tượng Thiên Yana ở Tháp Bà, Nha Trang. Ảnh Minh Bình 

3. Giá trị gắn kết cộng đồng

Tín ngưỡng thờ mẫu như sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh. Họ cùng có niềm tin mẫu sáng tạo ra đất, nước, cây trồng, truyền dạy nghề truyền thống và mang lại cuộc sống bình an. Vì thế mọi sinh hoạt văn hóa dân gian thường ca ngợi và nhớ đến công lao của các nữ – mẫu thần. Hơn nữa, tín ngưỡng thờ mẫu còn gợi nhớ về cội nguồn của dân tộc. Đó là nguồn cội tự nhiên nơi con người sinh ra, nguồn cội cộng đồng như dân tộc, làng quê, tổ tiên và nguồn cội văn hóa. Điều này được phản ánh thông qua những sinh hoạt văn hóa tâm linh tại các điện thần mẫu ở Khánh Hòa. Người dân thường hội tụ theo nhóm tại các điện thần mẫu tứ phủ Bắc và tứ phủ Huế để tham dự nghi lễ hầu đồng. Đặc biệt, lễ hội tháp Bà là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa cộng đồng Việt – Chăm. Tín ngưỡng thờ mẫu không chỉ là môi trường sinh hoạt, gắn kết cộng đồng, mà còn trao truyền kiến thức lịch sử và văn hóa, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó thiên tai… Nói cách khác, tiến trình lịch sử, quan hệ cộng đồng được củng cố bền vững hơn, là một phần giá trị của tín ngưỡng thờ mẫu.

Như đã biết, từ giữa TK XVII, cùng những biến cố lịch sử, mối quan hệ bất hòa giữa các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn với vương triều Chămpa, nên cộng đồng người Chăm đã rút lui và mang theo nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar về thờ ở đền Pô Inư Nưgar làng Hữu Đức (Ninh Phước, Ninh Thuận). Một thời gian dài, cộng đồng người Chăm không quay trở lại tháp Bà Nha Trang. Song, gần đây, số lượng người Chăm đến tham dự lễ hội tháp Bà Nha Trang ngày càng đông hơn. Hiện nay, lễ hội Thiên Y A Na thánh mẫu do người Việt tổ chức. Tuy nhiên, từ ngày đầu tháng 3 âm lịch, từng đoàn người Chăm lần lượt hành hương về tháp Bà. Những ngày diễn ra lễ hội tháp Bà, người Chăm cùng ăn uống, trò chuyện, nằm ngủ dưới chân tháp. Không những thế, họ còn trình diễn văn hóa dân gian như múa bóng, quạt, chèo thuyền, múa lu… Thời gian diễn ra lễ hội tháp Bà còn là dịp cộng đồng Việt – Chăm trò chuyện, giao lưu, hòa hợp để cùng nhau sáng tạo văn hóa. Chẳng hạn, ban tổ chức lễ hội tháp Bà đã bố trí không gian bếp của người Việt và người Chăm chung với nhau. Bếp ăn của người Chăm là không gian chuẩn bị, chế biến lễ vật cúng mặn để dâng lên mẫu. Còn bếp của người Việt là không gian chuẩn bị, chế biến các đồ ăn chay phục vụ miễn phí cho khách hành hương. Như vậy, tín ngưỡng thờ mẫu là môi trường gắn kết cộng đồng người Việt, người Chăm với cộng đồng khác trên vùng đất Khánh Hòa và vùng văn hóa lân cận.

4. Giá trị phát triển du lịch văn hóa

Khánh Hòa là vùng đất hội tụ những điều kiện tự nhiên, con người, văn hóa… trở thành một trong những trung tâm du lịch quan trọng và phát triển trong cả nước. Những lợi thế về điều kiện tự nhiên như biển đảo, khí hậu là cơ sở cho phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa. Đặc biệt, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng Thiên Y A Na như truyền thuyết, hệ thống điện thần, nghi lễ, lễ hội, diễn xướng dân gian… được coi là nguồn lực nhân văn trong phát triển du lịch ở Khánh Hòa. Do vậy, phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa có mối quan hệ mật thiết. Nó không những mang lại nguồn lợi kinh tế, mà còn bảo tồn văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu. Người dân đến với điện thần mẫu không chỉ là khách tham quan, mà còn là chủ thể trong sáng tạo và bảo tồn văn hóa. Du khách tham dự lễ hội thờ mẫu có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Trong các sản phẩm du lịch, giá trị văn hóa tinh thần của tín ngưỡng thờ mẫu được phát huy cao độ. Đó là du lịch lễ hội gắn với lễ hội thờ mẫu. Đến với lễ hội, du khách được nghe về truyền thuyết và hiểu được vai trò của Thiên Y A Na trong đời sống văn hóa ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, là những truyền thuyết về tam tòa thánh mẫu, thưởng nhận nghi thức hầu đồng, hát văn tại điện thần tứ phủ… Du khách được thưởng thức trình diễn nghệ thuật và nghề truyền thống Chăm tại di tích tháp Bà như múa quạt, múa lu, kèn saranai, trống basanưng, trống ginăng, dệt thổ cẩm, sản xuất gốm… Mặt khác, giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu còn được phát huy thông qua sự kiện văn hóa du lịch và kinh doanh khách sạn, nhà hàng như: festival biển Nha Trang, nhà hàng Ponagar, nhà hàng Champa Island, tắm bùn tháp Bà… Đặc biệt là múa dân gian Chăm được người Việt kế thừa và thường xuyên biểu diễn trong hoạt động kinh doanh du lịch ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, du khách được tìm hiểu giá trị văn hóa vật thể thông qua nghệ thuật tạo hình trong điện thần mẫu ở Khánh Hòa, mà tiêu biểu nhất là di tích tháp Bà. Du khách có thêm kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm, hay quá trình tiếp biến văn hóa Chămpa – Ấn Độ, Việt – Chăm thông qua tín ngưỡng thờ Thiên Y thánh mẫu.

Ngoài tháp Bà, Khánh Hòa còn nhiều điểm tham quan khác như điện thần mẫu tứ phủ trong gia đình người Việt ở Khánh Hòa: Sòng Sơn Vọng từ, Định Phước điện… Điện thần mẫu tứ phủ trong gia đình người Việt ở Khánh Hòa gồm hai dòng tứ phủ Bắc và tứ phủ Huế. Điện thần mẫu tứ phủ là không gian tâm linh, lưu giữ nghệ thuật tạo hình và bài trí tượng thờ các vị thánh của người Việt. Hệ thống tượng, tranh thờ mẫu tứ phủ, Thiên Tiên Thánh giáo ở Khánh Hòa là sự hỗn dung văn hóa Chămpa – Ấn Độ, Việt – Chăm, Việt – Hoa. Như vậy, sự kết nối những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa thông qua con đường du lịch là quy luật tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay.

Du lịch văn hóa Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế dịch vụ quan trọng cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của nước ta từ nay đến năm 2030. Do vậy, các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa góp phần hoàn thành mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đã đề ra.

________________

1. Tư liệu phỏng vấn tại đền Sòng Sơn, Cứu Thế điện và chùa Pháp Tánh của tác giả.

2. Vũ Thị Tú Anh, Nghi thức lên đồng: phương thức trao quyền lực của người phụ nữ theo đạo Mẫu, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 340, 2012, tr.21.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN BỐN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *