Tín ngưỡng thờ mẫu và lễ hội phủ giày


 

       Xã Kim Thái, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có 3 thôn: Tiên Hương, Vân Cát và Báng Già. Phủ Giày, nằm trong không gian, cảnh quan điển hình của vùng châu thổ Bắc Bộ, là một quần thể di tích với nhiều công trình kiến trúc tâm linh:

Đình thôn Tiên Hương, Kim Thái thờ Khổng Minh Không (gọi nôm là ông Khổng)(1) tương truyền là một thiền sư, sống ở thời Lý đã được huyền thoại hóa thành thần làng (thành hoàng làng). Thôn Báng Già trước đây có đình Hát (đình Pheo) thờ vua Trần Minh Tông và tướng Lữ Gia, là những nhân vật lịch sử được huyền thoại hóa trở thành thần linh che chở, bảo hộ cho nhân dân.

Chùa Tiên Hương (thôn Tiên Hương), chùa Long Vân (thôn Vân Cát), chùa Báng (chùa Cao) (thôn Báng Già) ở Kim Thái, ngoài các ban thờ Phật, thờ thánh hiền, thờ tổ thì chùa Báng, chùa Tiên Hương còn có ban thờ Mẫu.

Đền thôn Tiên Hương và Vân Cát đều thờ Lý Bí, vị vua xưng đế đầu tiên ở nước ta. Ngoài ra, đền Tiên Hương còn thờ Đức thánh Trần và ban thờ tam tòa thánh Mẫu. Có lẽ, từ tư duy vạn vật hữu linh, nên ở Phủ Giày có mật độ đền thờ đậm đặc, như: đền thờ vua Lý Nam Đế, đền thờ tả sơn thần, đền thờ mẫu thượng ngàn, đền Giếng, đền thờ hữu sơn thần, đền thờ thần sấm (Tả lôi công là vị tướng của Lý Bí tên là Đinh Lôi) (2); đền Khâm Sai thờ chầu đệ tứ (nguyên là người phụ nữ họ Trần); đền Cây Đa Bóng (thờ Liễu Hạnh và các tiên nữ)…

Phủ: gồm 2 phủ là Tiên Hương và Vân Cát. Phủ Tiên Hương là một quần thể kiến trúc gồm 19 tòa nhà quay theo hướng tây – nam, với 81 gian. Toàn bộ phủ nằm trên khu đất rộng hơn 1000m2, địa thế đẹp, có núi che chắn, có nước sinh tồn. Từ hướng tây, đi vòng qua một hồ nước là ba tòa phương đình, sau phương đình là hồ bán nguyệt. Nơi thờ tự là các tòa nhà nối tiếp nhau thành 4 lớp, nhỏ dần vào phía trong gọi là phương du. Hai bên tả hữu phương du là hai dãy nhà dài nối liền nhau, một bên có lầu cô, một bên có lầu cậu. Cả ba tòa nhà và nhà bia, nhà khách, nhà bếp đều nằm theo hàng ngang quay ra hồ bán nguyệt. Ba tòa nhà này đều có kết cấu kiến trúc hai tầng tám mái, theo kiểu truyền thống với mái đao cong, hay những chạm khắc tinh xảo hình hoa lá, cây, cỏ, chim… Từ ngoài vào trong, các lớp kiến trúc nối tiếp nhau tạo ra các cung (gồm 4 cung), chính là những điện thờ quan trọng gắn liền với các thần mẫu thiêng liêng.

Điện thờ là các cung được bố trí như sau: ngoài cùng là cung đệ tứ có ban thờ tứ phủ công đồng, các quan cận thần của Ngọc Hoàng. Kế tiếp là cung đệ tam, có ban thờ tam tòa quan lớn. Dọc theo cung đệ tam là cung đệ nhị, nhỏ hơn có ban thờ tứ vị chầu bà. Trong cùng là cung cấm đệ nhất, có cửa gỗ ngăn với cung đệ tam đặt ban thờ tam tòa thánh mẫu. Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ ngồi giữa, bên phải là mẫu thoải mặc áo trắng, bên trái là mẫu thượng ngàn mặc áo xanh. Phía ngoài cung đệ tứ, hai bên tả hữu là lầu cô, lầu cậu. Ngoài ra, bên phải của điện thờ hay các cung là ban thờ vương mẫu, vương phụ và đức thánh Trần Hưng Đạo. Động Sơn Trang nằm ở phía sau cung cấm.

Phủ Vân Cát tương truyền là nơi sinh mẫu Liễu Hạnh, nằm ở phía bắc phủ Tiên Hương. So với phủ Tiên Hương thì phủ Vân Cát được xây dựng trên diện tích nhỏ hơn (gần 650m2). Phía ngoài phủ Vân Cát là hồ bán nguyệt có nhà phương du – nơi để khách tham quan xem hội. Hai bên đầu hồi phương du có cầu đá nối với đường đi. Kiến trúc nhà phương du có kết cấu vì kèo truyền thống, bốn góc có mái đao cong, cột đỡ mái bằng gỗ lim to. Trang trí các bức tường là những khóm trúc, mai và hai con voi đá chạm khắc tinh xảo trên. Thành hồ được kè đá, trang trí hoa văn cây cỏ. Qua hồ bán nguyệt là ngũ môn cao ba tầng rất bề thế. Dưới các cổng vòm có các văn bia ghi sự tích Liễu Hạnh giáng sinh, các tín chủ đã phát tâm công đức cho đền, phủ. Kiến trúc chính của phủ Vân Cát là tòa nhà lớn, 2 tầng 8 mái có đầu đao cong, đỡ mái ở phía trước là sáu cột hiên bằng đá vững chắc. Cũng như phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát gồm có 4 cung. Cung đệ tứ ở phía ngoài rộng thoáng có bàn thờ ngũ vị tôn quan, công đồng tứ phủ, quan đệ nhị (giám sát). Cung đệ tam có ban thờ tam tòa thánh mẫu, ban thờ Nam Tào và Bắc Đẩu. Cung đệ nhị nhỏ hẹp hơn hai cung đệ tam, đệ tứ, đặt ban thờ tứ vị chầu bà, tam tòa Quan lớn và hai bên tả, hữu có hai ban thờ nhỏ hơn, thờ Quan Hoàng Ba, Quan Hoàng Mười. Cung đệ nhất có ban thờ tam tòa thánh mẫu. Chính giữa là mẫu Liễu Hạnh, bên phải là mẫu thoải bên trái là mẫu thượng ngàn. Chính giữa điện, có ban thờ Bà Cai bản mệnh, bên phải có ban thờ ông Hoàng Mười và cô Chín. Phủ Tiên Hương, Vân Cát là hai công trình tâm linh có kiến trúc đẹp, hài hòa, trang nghiêm nhưng rất gần gũi với thẩm mỹ và tâm hồn người Việt.

Lăng thánh mẫu Liễu Hạnh nằm giữa cánh đồng thôn Tiên Hương trên một khu đất cao ráo, rộng hơn 600m2. Lăng được bao bọc bởi 5 lớp tường thành vuông vức. Vòng tường ngoài lớn, các vòng trong nhỏ dần, bốn phía đông, tây, nam, bắc của 5 vòng thành đều có cửa. Mộ Thánh Mẫu xây hình bát giác ở trên cao, có bát nhang đặt ở bốn hướng. Khu lăng có hai ngôi nhà đặt ban thờ Thánh Mẫu và văn bia.

Phủ Giày được coi là thánh địa đạo Mẫu tứ phủ. Toàn bộ quần thể thánh địa này có kiến trúc đẹp, hài hòa, trang nghiêm với những tòa nhà bề thế và dày đặc công trình thờ tự của nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể nói Phủ Giày là vùng địa linh của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm bản sắc Việt Nam. Bản chất người Việt mang tính mở, nên trong giao lưu văn hóa họ tiếp nhận, hỗn dung các yếu tố văn hóa ngoại lai, đồng thời biến đổi nó, Việt hóa nó thành cái đặc thù của riêng mình. Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ là một trong những biểu hiện rõ nhất về tính mở của người Việt. Trong quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ đã hỗn dung yếu tố của cả Phật, Nho và Lão giáo. Hay nói cách khác, để tồn tại và phát triển trong đời sống Việt, bản thân Phật giáo, Nho giáo hay Lão giáo đều phải dung hòa với đạo Mẫu. Tính dân tộc của đạo Mẫu được thể hiện từ hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Trước điện thờ Mẫu, các vị thần linh cho ta cảm thấy sự gần gũi chứ không xa lạ, sợ hãi như các tôn giáo khác. Thần điện của đạo Mẫu đôi lúc được coi là sự khái quát của cung vua, phủ chúa trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nên nó gần với cái thực, đời sống thực. Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ là một bộ phận của tín ngưỡng thờ thần (nữ thần) của người Việt nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong quá trình hình thành, từ tín ngưỡng thờ nữ thần gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp đến tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ. Đạo Mẫu đã biến đổi, phát triển thành một hệ thống thần linh có các cấp bậc khác nhau. Cùng với sự phát triển này, các nghi thức thờ cúng trong đạo Mẫu cũng diễn ra bài bản, chặt chẽ hơn.

Ngay từ thời cổ đại, trong tâm thức người Việt đã tôn thờ người mẹ (mẫu). Điều này đã được Trần Quốc Vượng khái quát thành nguyên lý mẹ – vợ trong văn hóa Việt truyền thống. Hay, truyền thuyết kể về mẹ Âu Cơ đã dẫn 50 người con lên núi, gây dựng cơ đồ. Vì vậy ta có thể khẳng định, hình ảnh mẹ Âu Cơ có thể được coi là bà mẹ xứ sở trong tâm thức người Việt. Nói cách khác, mẫu Âu Cơ (một xạ ảnh khác là mẫu Thiên Ya Na, bà Đen) là hóa thân tuyệt đối (3) của hàng trăm vị nữ thần, thánh mẫu (gồm cả nhân thần lẫn nhiên thần) được tôn thờ ở khắp mọi miền đất nước ta. Từ sự kính trọng đến sự tôn thờ người mẹ trong tâm thức người Việt là sự tiếp nối liền mạch – xuất phát điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu là biểu tượng của trời, đất, rừng núi, sông biển. Mẫu huyền bí thiêng liêng, nhưng lại gần gũi, thân thương với con người. Mẫu có đạo đức của Nho, pháp thuật của Đạo và cũng theo Phật tu hành.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ nữ thần. Trên bình diện phổ quát thì chúng ta có thể đồng nhất nữ thần với các mẫu (tức các bà mẹ, hoặc mang yếu tố âm, nữ tính). Tuy nhiên, xét trên phương diện khoa học, thì không phải nữ thần nào cũng là mẫu hay được coi là mẫu. Có thể coi mẫu là những nữ thần được tôn vinh, xếp cao hơn nữ thần. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được hệ thống hóa, bài bản hóa và chặt chẽ hơn các tín ngưỡng thờ nữ thần khác. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sự phân loại hay quy định phân loại tương đối chặt chẽ. Mẫu tam phủ, tứ phủ hay còn gọi là tam tòa thánh mẫu gồm: thượng thiên, địa, thoải, thượng ngàn. Theo dân gian mẫu Liễu Hạnh hóa thân vào các mẫu nên mẫu tứ phủ là tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ đã được bổ sung nhiều các vị thánh, thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ mang tư duy tổng hợp về vũ trụ luận, lịch sử, huyền thoại lịch sử với hệ thống các vị thánh, thần là nhân vật lịch sử, nhân vật lịch sử – huyền thoại, thiên thần.

Hàng năm, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước hành hương về phủ Giày, để trẩy hội. Người dân ở phủ Giày cùng với nhân dân cả nước tổ chức cúng tế mẫu Liễu Hạnh với nghi thức như một quốc lễ vào ngày 3-3 âm lịch. Trong tâm thức dân gian luôn vang vọng câu ca: Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. Cha là đức thánh Trần Hưng Đạo, mẹ là đức thánh mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội phủ Giày gắn liền với huyền tích về thánh mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam (4).

Người dân nơi đây chuẩn bị cho lễ hội rất cẩn trọng, công phu, với sự tập dượt của một đội trai tráng khỏe mạnh được lựa chọn kỹ lưỡng. Khoảng 30 người ăn mặc chỉnh tề theo trang phục dân tộc cổ truyền, tay cầm gậy cuốn bằng giấy màu. Đây là nhóm người được chọn phục vụ cho nghi thức của lễ hội. Trong lễ hội phủ Giày thường có nhiều trò diễn như: kéo chữ, múa rồng, múa lân, cờ người, đấu võ, đấu vật… Đáng chú ý nhất là trò kéo chữ, “trò được tổ chức quy mô, đẹp mắt, có đến hàng nghìn người tham gia, mỗi người vào kéo chữ được coi là phu cờ, mặc áo vàng, quần trắng, tay cầm gậy cờ quấn giấy xanh đỏ, cán dài, do một ông tổng cờ điều khiển. Mờ sáng, họ tập trung ở bãi rộng trước đền, chia thành 4 điểm rồi múa lượn, kéo nhau vào sân bái đường. Cả nghìn người chuyển động theo phép tắc, lề lối, sắp thành nét, thành chữ để làm lễ. Thông thường họ sắp thành 4 chữ Hán Mẫu nghi thiên hạ (đức mẹ của muôn dân)”(5). Thần tích và thần phả ở phủ Giày có ghi bà (tức Liễu Hạnh) có công giúp vua Lê đánh giặc, nên được sắc phong mỹ tự là Chế Thắng đại vương. Thời Nguyễn, bà được sắc phong mẫu nghi thiên hạ. Qua cách gọi, ta thấy rõ được tấm lòng thành kính của dân gian đối với thánh mẫu Liễu Hạnh.

Trong dịp lễ hội, những người có nguyện vọng cầu sức khỏe hoặc gặp nhiều may mắn trong lao động sản xuất, làm ăn buôn bán, hay trong tình duyên… thường tập hợp nhau lại, mời con đồng, cung văn và người phụ giúp đến phủ thờ bà để cầu cúng, tế lễ. Những người đi lễ, cầu cúng được gọi là tín chủ có thể tự mình đến đền, phủ phúng lễ. Những người không đi lễ có thể gửi lễ qua người khác để phúng lễ.

Lịch trình lễ hội phủ Giày được tiến hành như sau: ngày 3 tháng 3 tế quan. Ngày 5-3 rước mẫu từ phủ Vân Cát lên chùa Dần và rước Mẫu từ phủ Tiên Hương lên chùa Gội; ngày 6-3 thỉnh kinh; ngày 7, 8 và 9-3 kéo chữ ở sân hai phủ Tiên Hương và Vân Cát. Chơi cờ người, quân cờ là những cô gái ăn mặc theo ký hiệu chữ Hán (trong bộ cờ tướng) là nét độc đáo của lễ hội phủ Giày. Ngày xưa, khi hội phủ Giày diễn ra, quan lại địa phương và có khi cả quan triều đình cũng tham gia. Song song với các trò kéo chữ, cờ người hoạt động ngoài sân phủ, thì trong điện rộn ràng câu hát chầu văn và điệu múa hầu đồng. Cùng với hàng vạn người tới dự hội, tế lễ, hội phủ Giày còn có nhiều đồng cô, đồng cậu và cung văn đến đua tài nhảy múa, đàn hát để có được những giây phút thăng hoa siêu phàm. Ngày hội vừa tưng bừng, náo nhiệt vừa là những ngày người ta tìm thấy cái hư vô, huyền diệu của tâm linh.

Nghi thức trong lễ hội phủ Giày rất bài bản, trang trọng nhưng nó lại phản ánh về hành động bày tỏ sự cung kính của người con đối với cha mẹ, mà không phải với cái gì đó xa vời, siêu thực. Phải chăng dân gian gắn cho mẫu Liễu là tiên, vua cha Bát Hải đại vương (dòng rồng) xuất phát từ ý thức dân tộc là con rồng, cháu tiên. Múa lên đồng và hát chầu văn là hai loại hình nghệ thuật đặc sắc được trình diễn trong lễ hội.

Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày nói riêng là một trong những thành tố quan trọng của đời sống tâm linh Việt Nam.

_______________

1. Về nhân vật Khổng Minh Không, đang còn nhiều quan điểm nghiên cứu khác nhau. Có người cho rằng, ông chính là Nguyễn Minh Không, người khác cho rằng ông là Dương Không Lộ. Dân gian lại cho rằng hai ông kia chính là một và được gọi bằng cái tên Khổng Minh Không. Cho đến nay, dân gian thường tôn vinh Nguyễn Minh Không (hay Khổng Minh Không) là ông tổ của nghề đúc đồng ở Việt Nam. Vẫn còn nhiều nghi vấn khoa học đối với những nhân vật lịch sử này.

2. Có lẽ đây là một nhiên thần được lịch sử hóa để trở thành một thần linh mang tư cách nhân thần, một hiện tượng phổ biến đối với các vị thần linh dân gian Việt Nam.

3. Miền Bắc có mẫu Âu Cơ của người Việt, miền Trung có mẫu Thiên Ya Na của người Chăm, miền Nam có bà Đen,bà chúa Xứ của người Khơme. Đây chính là bà mẹ xứ sở. Tuy nhiên, ở những vùng miền khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nên các mẹ được gọi bằng những tên khác nhau.

4. Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người việt gồm có: Tản Viên sơn thánh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và thánh mẫu Liễu Hạnh.

5. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên), Vân Cát thần nữ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Nguyễn Duy Hùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *