Điện ảnh thái lan, một khám phá bất ngờ


Như một thần kỳ, lịch sử điện ảnh Thái Lan bắt đầu chỉ vài năm sau khi nghệ thuật thứ bảy ra đời tại Pháp. Nếu buổi chiếu phim đầu tiên trong đời sống nhân loại được tiến hành ngày 25-12-1895 tại Paris, với phim tài liệu Tan tầm ở các nhà máy ánh sáng của những người khai sinh điện ảnh, hai nhà khoa học kiêm công nghiệp Pháp Auguste và Louis Lumière, thì năm 1897, vua Thái Lan Chulalongcorn sang thăm TP Berne nổi tiếng của Thụy Sĩ và chuyến đi đã được bất tử hóa qua những thước phim của Francois Louis Lavancy Clarke. Bộ phim này được mua về Thái Lan, chiếu trước hết cho triều đình xem. Vua quan nức lòng và không ít nhà kinh doanh Thái Lan liền nhập khẩu trang thiết bị và phim nước ngoài về phục vị nhân dân mình. Do các phim đều câm, dân Thái Lan gọi chúng là các trò múa rối ngoại quốc, vì múa rối từ bao đời vẫn gần gũi với họ. Thậm chí cho tới nay, đi xem phim, người ta vẫn bảo là đi xem múa rối. Công nghiệp điện ảnh Thái Lan chính thức được khởi động từ 1920, đa phần là các ngành nghề truyên truyền cho cái hay cái đẹp của mình. Các ngành ấy dĩ nhiên đóng vai trò nhà sản xuất, còn việc làm phim vẫn là của các nhà chuyên môn mà chính yếu là nhà biên kịch, kỹ thuật in tráng phim và đạo diễn. Bộ phim đầu tay của Thái Lan, Lễ hội hoành tráng được cử hành tưng bừng ở miền Bắc, do Công ty đường sắt hoàng gia Thái Lan sản xuất, ra mắt năm 1922, ca ngợi thú vui đi tàu hỏa và vẻ đẹp muôn màu mà đường sắt hiến tặng. Phim thành công vang dội, khích lệ mạnh mẽ những ai thực tâm hiến mình cho nghệ thuật thứ bảy. Xin lưu ý, ngay từ thời ấy, Hollywood đã “ngửi thấy hơi đồng” từ Thái Lan. Phim hợp tác đầu tiên giữa hai bên, Hoa hậu Swanna của Siam, chấn động dư luận. Tiếc rằng, phim ấy hiện đã thất lạc. Cảm thấy đã vững vàng với các thể loại tài liệu và phóng sự, điện ảnh Thái Lan tự tin đi vào phim truyện, thử thách hóc búa và quyến rũ không cưỡng nổi. Năm 1927, Hãng Anh em Wasuwat Băng cốc cho ra lò phim truyện đầu tiên Người may mắn vì hai lẽ, do một thành viên ban lãnh đạo, Manit Wasuwat, dàn dựng. Một hiện tượng điện ảnh khác cùng năm là phim truyện thứ hai ra mắt ít lâu sau, Chuyện bất ngờ, cũng do một hãng phim tư nhân, Tai Phapphayon Thai, sản xuất. Từ 1927 đến 1932, công chúng Thái Lan được thưởng thức 17 phim truyện cây nhà lá vườn. Do nhiều nguyên nhân, tới giờ, không phim nào còn nguyên vẹn. Hầu hết chỉ có tên trong lịch sử nghệ thuật thứ bảy của xứ sở nụ cười, bên cạnh một đôi cảnh hiếm hoi, gợi lên nuối tiếc và xót xa đến nhói lòng. Tổn thất ấy càng nghịch lý, khi mà những phim tài liệu do Hollywood thực hiện thời ấy tại Thái Lan, chủ yếu là ở vịnh Siam, vẫn như mới được làm hôm qua.

Từ năm 1928, phim nói của nước ngoài bắt đầu được nhập khẩu vào Thái Lan, trong khi phim Thái Lan vẫn là phim câm. Để thu hút khán giả đến với phim nội địa, các nhà kinh doanh phim Thái Lan phải nhờ tới các náo hoạt viên vừa như thuyết minh vừa gây không khí cho buổi chiếu, đồng thời mời các dàn nhạc truyền thống Thái Lan tấu nhạc kèm. Vài năm sau, phim nói nước ngoài hoàn toàn áp đảo. Dù muốn dù không, người Thái Lan buộc phải làm cho được phim có lời. Thế là, anh em nhà Wasuwat, chủ nhân Hãng Anh em Wasuwat Băng cốc, đã tung ra Đi lạc, bộ phim nói đầu tiên của Thái Lan vào ngày 1-4-1932. Giàu chất suy tư về thời thế và cuộc đời, phim được đón chào nồng nhiệt hầu như ở khắp nước. Thành công ấy khích lệ một số người tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy mạnh dạn đầu tư vào thế hệ phim mới này. Đáng hoan nghênh nhất trong các hãng phim mới thành lập sau 1932 là Công ty Sri Krung phim ở Bang Kapi. Hãng này sản xuất mỗi năm 3-4 bộ phim nói, nhìn chung rất được hâm mộ. Hãng phấn đấu đuổi kịp thế giới ở loại hình phim màu. Và ngay năm 1933, bộ phim màu thứ nhất của Thái Lan, Kho báu của các phụ huynh của Som, đã ra mắt đầy ấn tượng. Cứ như thế, cho tới khoảng năm 1942, điện ảnh Thái Lan không hề lép vế trên sân nhà trước Hollywood và điện ảnh ngoại nhập. Những năm từ 1932 tới 1942 ấy được coi là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật thứ bảy Thái Lan. Giai đoạn vàng hẳn vẫn tiếp tục nếu đất nước không bị gò vào ách gông cùm của nhà độc tài Phibul Songram. Bị chế độ độc tài o ép, các nhà sản xuất phim đều phải thực hiện những bộ phim xưng tụng chủ nghĩa dân tộc. Đáng mừng là các lực lượng chống độc tài vẫn cất dược tiếng nói chính nghĩa trong một số tác phẩm điện ảnh gan ruột, chẳng hạn Nhà vua con voi trắng. Bộ phim, công chiếu từ 1940, nói toàn tiếng Anh để thế giới có cơ hội hiểu biết tình hình Thái Lan bị quân phiệt hóa ngày một nghiêm trọng. Ngụ ý của phim bộc lộ ngay ở cốt truyện: chỉ khi bị tấn công, nhà vua Thái Lan mới nhất quyết ra trận diệt thù.

Phim nói ngoại quốc nhập khẩu đặt ra vấn đề dịch thuật cho khán giả Thái Lan. Lúc đầu, người ta dịch trước rồi khi chiếu phim thì thuyết minh tại rạp. Có một cách khác có vẻ đỡ tốn kém là một người ngồi ở cuối rạp, dịch đuổi theo tiến trình của bộ phim. Nếu người thuyết minh nhạy cảm với các nhân vật trong phim, sự diễn cảm và sức hút của phim tăng lên nhiều. Lồng tiếng đi vào phim trường từ đấy. Không ít người lồng tiếng yêu quý nhân vật tới mức hóa thân vào nhân vật và khán giả có thể rung động bởi tiếng nói hơn là bởi điệu bộ của nhân vật. Từ đấy, họ được công chúng suy tôn như những diễn viên thực thụ và hơn nữa, những ngôi sao điện ảnh. Khác diễn viên lồng tiếng ở nhiều nước, họ được trọng vọng đặc biệt, thường được thu nhận vào các công ty sản xuất lừng lẫy. Diễn viên lồng tiếng đầu tiên vươn tới vinh quang ấy là Sin Sibunrung thường gọi là Tit Khiaw. Làm việc cho Hãng phim Siam. Tài năng của họ khiến một số nhà sản xuất tiếp tục làm phim câm, nhằm tết kiệm chi phí mà vẫn đạt doanh thu cao. Những diễn viên lồng tiếng lừng danh thường lôi kéo đông đảo khán giả. Chuyện này là hy hữu, hầu như chỉ tồn tại ở Siam, tên cũ của Thái Lan, đất nước của những con người tự do. Cho tới rất gần đây, loại phim Thái Lan lồng tiếng Thái Lan vẫn được hâm mộ, nhất là khi chiếu ở các vùng sâu vùng xa hẻo lánh hay chiếu ngoài trời. Ví như Chiếc thu âm bán dẫn Momak, 2000 hoặc Bangkok Loco, 2004.

Đến đây, ta thấy việc làm phim tiết kiệm là một đặc điểm của điện ảnh Thái Lan. Trải qua bao nhiêu năm trong một thời gian dài, người ta vẫn chỉ sử dụng loại phim 16 mm, vừa dễ kiếm vừa dễ điều khiển. Song chỉ như thế thì phim ảnh không thể phát triển và sẽ mau chóng tụt hậu. Những nhà điện ảnh có tầm nhìn xa trông rộng không thể bằng lòng với xu hướng làm phim kiểu con nhà nghèo, xu hướng không những không nên tự hào mà còn đáng xấu hổ. Họ phát động phong trào cách tân nghệ thuật thứ bảy, bắt đầu từ chuyện dùng phim 35 ly, để nâng cao chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật của phim. Một trong những nhà tiên phong của công cuộc đổi mới điện ảnh Thái Lan là Rattana Pestonji. Ông không tiếc tiền, nhất định thực hiện tác phẩm bằng phim 35 ly. Số phim ông làm được không nhiều, nhưng tới nay phần lớn đều được công nhận là kiệt tác. Trong những kiệt tác ấy, Sariti Weena đi vào lịch sử nghệ thuật thứ bảy như bộ phim Thái Lan đầu tiên được chọn tranh giải ở một LHP quốc tế 1955 – đó là LHP Đông Nam Á được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Sáu năm sau, một phim khác của ông giành vinh quang tương tự: ấy là Lụa đen, tại LHP Berlin, 1961. Suốt đời ông phấn đấu bền bỉ và không mệt mỏi để góp phần đưa điện ảnh Thái Lan lên những tầm cao mới và để quảng bá hữu hiệu trên thế giới cho nền điện ảnh độc đáo này.

Những năm 70 và 80 TK XX, điện ảnh Thái Lan đặc biệt dấn thân với sự tập trung cao độ vào các vấn đề xã hội. Ý thức dân tộc thức tỉnh mạnh mẽ từ một cú hích lịch sử từ phía chính quyền, đó là việc nhà nước Thái Lan đánh thuế rất nặng phim nhập khẩu. Các nhà làm phim Thái Lan phấn khởi, tập trung sáng tác và cống hiến càng nhiều càng tốt những tác phẩm gần gũi với nhân dân mình. Thông thường mỗi năm , họ sản xuất 100 bộ phim. Có năm, 1978, tới 150 bộ. Song đáng tiếc, sự vội vã đã hạn chế chất lượng phim. Nhiều nhà phê bình đã cảnh báo về sự hời hợt, vấn nạn sẽ giết chết điện ảnh, mà kỹ xảo dù cao siêu đến đâu cũng không cứu vãn nổi. Tiếng nói tâm huyết kịp thời ấy đã có tác dụng điều chỉnh sự nôn nóng của một số nhà điện ảnh Thái Lan mơ ước đưa nghệ thuật thứ bảy nước mình mau chóng vươn tới tầm thế giới. Không ít nhà điện ảnh Thái Lan, thông qua tiếng nói ấy, càng kiên trì quan điểm thiết thực: phim Thái Lan trước hết hãy phục vụ thật tốt công chúng Thái Lan. Làm sao để công chúng Thái Lan hâm mộ và hài lòng về sáng tạo của mình, đó mới là lý tưởng của họ. Hai đại diện của khuynh hướng dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn là Chatrichalerm Yukol và Vichit Kounavudhi. Trên thế giới hiếm thấy một nhân vật quyền quý quan tâm thực sự tới đồi sống nhân dân như Chatrichalerm Yukol, một hoàng thân đáng kính từng du học Hoa Kỳ. Ông đề cập tới những bất công mà dân lao động phải gánh chịu (thể hiện trong nhiều phim từ đầu những năm 1970), những bất ổn của xã hội Thái Lan, như tệ tham nhũng, đặc biệt nhức nhối trong giới quân sự (Tiến sĩ Karn), những cạm bẫy vô hình và hữu hình giăng ra cho giới trẻ, nhất là phái đẹp (Thiên thần khách sạn)… Được thừa nhận là một trong những tác phẩm điện ảnh Thái Lan hút hồn nhất, Tiến sĩ Karn khi mới chào đời suýt nữa bị chế độ quân sự đương thời Thanon Kittikachorn cấm phổ biến, vì nó như gián tiếp chống lại chế độ hiện tại. Tên tuổi của ông còn lừng lẫy hơn từ những phim lịch sử, như một mảng ôn cố tri tân đáng ngạc nhiên và đáng gờm trong vũ trụ tri thức khôn cùng mà ai cũng muốn chinh phục thật nhiều. Nhân dân Thái Lan đã được ca ngợi xác đáng qua những sự kiện lịch sử cốt tử của đất nước trong Suriyothai (2001) của ông, bộ bách hoa toàn thư bằng hình ảnh số một và bản anh hùng ca đậm đà bản sắc dân tộc, bộ phim Thái Lan kinh phí cao nhất của mọi thời đại.

Gương mặt sáng giá thứ hai thời kỳ những năm 1970 và 1980, tuy đồng điệu về nhân dân và đất nước với vị Hoàng thân vừa nói, nhưng có một cách nhìn nhận và biểu hiện các vấn đề xã hội độc đáo, Vichit Kounavudhi được yêu mến vì những phim hành động đầy ưu tư và trăn trở về những vấn nạn xã hội và thế thái nhân tình. Trong những phim hay nhất của ông, Vợ cả, xới lên xúc động chuyện lấy chồng chung với bao giọt nước mắt đắng cay ê chề mà đời không trông thấy; Tên nàng là Boonrawd (1985) vẽ lại nhức nhối nạn mại dâm được tổ chức quá ư bài bản xung quanh một căn cứ quân sự Mỹ suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt. Một nét riêng nổi bật của nghệ thuật làm phim của Vichit Kounavudhi là chất phóng sự đậm đặc, khiến cho nhiều phim của ông được coi như phim tài liệu hay phim tài liệu kết hợp phim truyện. Xét trên mặt này, đỉnh cao tác phẩm của ông là Người miền núi, chuyện một đôi vợ chồng trẻ vùng cao vật lộn để sống lương thiện, để sống cho ra cái giống người; Đứa con trai vùng đông bắc, cuộc sống đủ mùi vị cay đắng ngọt bùi nhưng thật đẹp của một gia đình làm nông ở Isan những năm 1930. Bên cạnh hai tác giả vừa nêu, công chúng điện ảnh Thái Lan suy tôn thêm một đạo diễn không kém phần tầm cỡ. Ấy là Yuttana Mukdanasit với Bướm và hoa (1985), một hiện tượng, lần đầu tiên ghi rõ nhất dấu ấn điện ảnh Thái Lan trong nghệ thuật thứ bảy toàn cầu. Phim lay động mãnh liệt xúc cảm và tư duy người xem qua những khốn khó đồng quê trong xã hội Thái Lan được phát hiện vô cùng chân thật. Song nó trở thành một hiện tượng chủ yếu vì đã gợi lên đầy ám ảnh mối quan hệ thời sự giữa Phật giáo và đạo Hồi. Mối quan hệ này được nhìn nhận và xử lý có lý có tình trên nền tảng tôn trọng quyền con người – đấy là lý do khiến Bướm và hoa đoạt giải phim xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Hawai.

Từ đầu những năm 1980, Hollywood lại bắt đầu cho phim thâm nhập vào thị trường Thái Lan. Mặt khác, như ở mọi miền thế giới, truyền hình sáng lên ở mọi nhà, tạo nên một nền văn hóa đại chúng đa dạng, phong phú, gần gũi, dễ tiếp cận và hưởng thụ. Hai sự kiện ấy tác động xấu tới điện ảnh Thái Lan, khiến nền điện ảnh này dù muốn dù không cũng rơi vào tình trạng bối rối và thụ động. Sản lượng phim sụt giảm trông thấy. Những năm 1990, mỗi năm Thái Lan chỉ sản xuất trung bình 10 phim. Trong những năm tháng ngắc ngoải đó của một nền nghệ thuật thứ bảy đã có khá nhiều thành tựu, nhiều nhà điện ảnh Thái Lan tâm huyết âm thầm tìm giải pháp thoát khỏi trì trệ. Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á đang hoành hành dữ dội, ba nhà làm phim quảng cáo chia sẻ ý tưởng điện ảnh Thái Lan phải làm mới mình nhằm lôi cuốn đồng thời công chúng và các nhà đầu tư đã mở ra một đột phá khẩu bất ngờ. Trào lưu ấy khởi đầu từ năm 1997 và được đồng nghiệp bên ngoài suy tôn là trào lưu Làn sóng mới của Thái Lan. Nonzee Nimibutr, Penek Retanaruang và Wisit Sasanatieng cụ thể hóa ngay tức khắc ý tưởng cách mạng của họ trong những tác phẩm thứ thiệt. Theo lối bình ngoại rượu nội, họ vận dụng những thể loại phim thời thượng dễ hút khách, nhưng nội dung là chuyện riêng có của xứ sở nụ cười. 2 phim trinh thám hình sự đầu tiên, một của Nonzee Nimibutr, Dang Bireley và những tên cướp trẻ, một của Penek Retanaruang, Quán ba karaoké Fun, thu hút đông đảo khán giả trên nhiều miền đất nước và được khen ngợi ở các LHP ở nước ngoài năm 1997. Một phim kinh dị, kiểu phim ma, của Nonzee Nimibutr, Nang Nak, 1999, thành công hơn phim trước của ông, đạt doanh thu cao nhất thời bấy giờ. Năm 2000, Wisit Sasanatieng tung ra Nước mắt của con hổ đen, theo kiểu phim cao bồi miền tây của Mỹ. Chấn động phim trường trong nước, nó là bộ phim Thái Lan thứ nhất được chọn giới thiệu tại LHP Cannes. Xin ghi nhận thêm đóng góp đáng kể vào sự hồi phục điện ảnh Thái Lan của hai nhà làm phim gốc Hong Kong, Oxyde và Danny Pang, với những phim gây tiếng vang lớn, Đôi mắtBangkok nguy hiểm.

Có điều, dù không quên những giá trị cơ bản của văn hóa đất nước và nỗ lực duy trì những giá trị ấy, trào lưu Làn sóng mới của Thái Lan ngay từ thuở lọt lòng đã mang một sứ mệnh thương mại. Bị chi phối bởi “sứ mệnh” này, Làn sóng mới nói riêng và phim trường xứ sở nụ cười nói chung đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết và vì vậy, chưa thực sự đạt tới tầm vóc mà điện ảnh Thái Lan có khả năng đạt được. Dù sao, không thể phủ nhận, chất thương mại theo kiểu Hollywood đã kích thích phim ảnh của đất nước của những con người tự do đua nở muôn hồng ngàn tía. Quả là trên hành tinh chúng ta ít có nền nghệ thuật thứ bảy quốc gia nào nhộn nhịp và hài hòa như nền nghệ thuật thứ bảy Thái Lan này. Các thể loại phim đều phát triển thoải mái và gặt hái nhiều thành tựu, từ phim ngắn, phim tài liệu cho tới phim dành riêng cho một giới như phim tuổi vị thành niên hay phim đồng tính và chuyển đổi giới tính. Dường như khó tin, ở Thái Lan, các thể loại đều nở rộ và phim kinh dị, phim trinh thám vui vẻ chung sống cùng phim hoạt hình, phim ca nhạc và phim lịch sử. Chất hài hay phim hài hiện diện ở hầu như mọi thể loại và tác phẩm. Bên cạnh phim hành động, công chúng Thái Lan thích nhất phim lịch sử, nhất là kiểu anh hùng ca, và phim hài ca nhạc. Dĩ nhiên, các nhà điện ảnh Thái Lan không nhắm mắt làm theo các hình mẫu phim hành động nước ngoài. Họ cố gắng thể hiện những cảnh và người thân thuộc của nhân dân Thái. Gần đây, họ chú ý nhiều tới võ thuật dân tộc và cống hiến nhiều phim lừng danh trên toàn thế giới, như Vinh dự của rồng. Một đặc sản khác lạ của xứ sở nụ cười là phim hài hành động, được quảng đại dân chúng si mê. Phim lịch sử thì không chỉ tái hiện quá trình tồn vong và phát triển của đất nước, mà còn ghi lại những sự kiện lịch sử riêng biệt của một thời kỳ hay một địa chỉ. Cùng với Suriyothai, hai thành công ngoạn mục nhất của phim lịch sử Thái Lan là Khúc dạo đầu, kể chuyện đời một nhạc sĩ vương giả từ năm 1800 tới năm 1940 và Mỏ thiếc, cuộc sống ở một khu mỏ những năm giữa thế kỷ trước. Phim hài ca nhạc Chuyện tình kỳ diệu nơi thôn dã, 1970, độc chiếm các rạp trên toàn đất Thái 6 tháng liền.

Công cuộc đổi mới điện ảnh vẫn tiếp tục. Chìa khóa của cuộc cách mạng lần này là phim ảnh phải tự giải thoát khỏi sự nô lệ vào đồng tiền. Một loạt các đạo diễn trẻ, chẳng hạn Pramote Sangsorn, Thunska Pansittivarakul, Sompot Chidgasornpongse và bản lĩnh nhất là Apichatpong Weerasethakul, nỗ lực tự chủ về kinh phí làm phim, mở đường cho dòng phim độc lập. Sau LHP Cannes hồi tháng 5 vừa rồi, Apichatpong Weerasethakul đã giành về cho điện ảnh Thái Lan Cành cọ vàng đầu tiên, với phim Cậu Boonmee, người hồi tưởng những cuộc đời thuở trước, và qua đó vinh danh điện ảnh Thái Lan trên toàn cầu. Khá đông người bên ngoài Thái Lan ngỡ như mình vừa khám phá một nền điện ảnh lớn. Apichatpong Weerasethakul thì lập tức trở nên biểu tượng kỳ lạ của Nghệ thuật thứ bảy của đất nước những người tự do, và được suy tôn là nhà điện ảnh trẻ tầm vóc nhất hành tinh hiện thời. Đi sâu tìm hiểu, chính giới chuyên môn cũng sửng sốt về quan niệm sống và làm phim, lao động nghề nghiệp và phương pháp sáng tạo của anh. Sinh năm 1970 ở Bangkok, anh theo ngay gia đình về sống và lớn lên ở Khon Kaen, thuộc miền đông bắc Thái Lan. Từng theo đuổi ngành kiến trúc, khi bước vào đại học, nhưng anh thay đổi ý định và sang Hoa Kỳ học điện ảnh, đạt được học vị thạc sĩ ở Đại học tổng hợp Chicago. Anh ham sách và nghiện phim ảnh. Từ nhỏ, anh đã luôn bị giằng xé giữa học vấn cao sâu và vị thế một ông chủ trang trại. Thừa hưởng nhiều đất đai của cha mẹ để lại ở Khon Kaen, anh có thể đàng hoàng mở một trang trại lớn và ung dung với một cuộc đời dễ chịu muốn gì được nấy. Cho tới bây giờ, trong quá trình dàn dựng một bộ phim, nhiều lần anh vẫn thầm ước ao được từ bỏ tất cả để về quê hương trồng và chăm bón những vườn rau xanh rờn. Ước nguyện ấy càng thôi thúc mỗi khi chuyện hợp tác với các nhà sản xuất phim và các cộng sự gặp rắc rối hay trục trặc. Anh là một người có linh cảm phi thường, chọn các nhà sản xuất coi trọng nghệ thuật hơn tiền bạc và không bao giờ để họ dắt mũi hay áp đặt bất cứ chuyện gì. Lúc nào cũng vậy, anh là chúa tể suốt cả tiến trình hình thành một tác phẩm điện ảnh, nhất là trên trường quay thường khá căng thẳng. Căng thẳng không phải vì tính khí thất thường hay tật dễ nổi cáu của đạo diễn mà chủ yếu từ phía các diễn viên bất đắc dĩ. Diễn viên của Apichatpong Weerasethakul đều là người dân thường, không qua trường lớp, mà anh gặp gỡ ngẫu nhiên, rồi thẩm định trực tiếp và tuyển chọn không do dự. Song điều kinh khủng là anh buộc họ phải sống trong không gian điện ảnh riêng của anh, nghĩa là triệt để hóa thân vào nhân vật, tự nghĩ ra những câu thoại vừa ý đạo diễn và được ghi lại tức thì. Gặp trường hợp một diễn viên nào đó lao tâm khổ tứ quá vất vả, anh thấy mình có lỗi với người ấy và lại thầm mong quay về với vườn rau cả đời mơ ước.

          Thế nhưng, phim ảnh cuốn hút anh chẳng kém gì ma túy đối với dân nghiện cố tật, nên, anh vẫn không cưỡng được những thước phim sắp hiện hình. Và với anh, nghệ thuật thứ bảy mãi là một nghiệp chướng đầy ma lực. Bao năm tháng rồi, anh vẫn thầm khóc mỗi khi xem những bộ phim thứ thiệt, số phim anh đã và đang xem là không thống kê nổi. Phim của chính anh, vào giai đoạn hậu kỳ, anh duyệt lại và chỉnh sửa hai hoặc ba mươi lần không chán. Điều ít ai ngờ tới là anh luôn tự nhủ không được đánh giá thấp sức tưởng tượng của khán giả, nhất là ở Pháp, nơi có LHP Cannes mà anh là một trong những thượng khách thân thiết mấy năm rồi. Anh tâm niệm nhà làm phim phải được tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Từ đó, anh đi tới cùng ngay trong những cảnh xác thịt mà anh biết là hiện thực tối đa về ý nghĩa. Khi bị kiểm duyệt cắt bỏ, anh kiên quyết phản đối và đòi giữ lại bằng được những cảnh khiến người xem toát mồ hôi lạnh. Với anh, mỗi bộ phim phải là một hồi ức không thể thay thế cho công chúng. Không ai có thể sống tách đồng loại. Vì vậy, phim của anh, anh xin được xem như một công cụ giao lưu với hai nhiệm vụ: phép chữa trị hữu hiệu bệnh tinh thần và lời xin lỗi chân tình. Học xong tại Mỹ, anh về Thái Lan, mở một công ty điện ảnh riêng, bắt đầu bằng phim ngắn và phim tài liệu. Từ năm 2002, anh viết kịch bản và dàn dựng phim truyện dài đầu tay, Những người thân của anh hạnh phúc tột cùng. Sau đó là phim tài liệu Hội chứng và một thế kỷ, một thành công đáng nể. Cũng như phim truyện đầu tay, hai phim truyện tiếp theo, Bệnh nhiệt đới, 2004 và Cậu Boonmee, người hồi tưởng những cuộc đời thuở trước, 2009, đều được chọn tranh tài ở Cannes và đều đoạt giải. Phim đầu, giải Một góc nhìn. Phim thứ hai, giải Ban giám khảo. Và phim thứ ba, Cành cọ vàng. Phim thứ ba được khen ngợi như một tổng hòa thể loại, đa tầng ý nghĩa và nghĩa nào cũng thâm trầm mới mẻ, về triết học, xã hội, tâm linh, khoa học, nhân tình thế thái, tình yêu, gia đình, hạnh phúc… Nó như mở đầu cho một thể loại phim mới của thế kỷ này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Trần Bích Nga – Trần Nam

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *