Thế giới đang nói bằng biểu tượng. Đó là khẳng định của Jean Chevalier trong lời mở đầu cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Biểu tượng hút vào trong nó tất cả các ngành khoa học nghệ thuật, trong đó có văn học, như là cách để mã hóa thế giới theo một ý tưởng nhất định. Nhất là với thế giới hiện đại, thế giới mang đặc tính “chân lý tuyệt đối duy nhất phân rã thành mớ chân lý trái ngược” như nhận xét của M.Kundera thì việc biểu đạt nó bằng hệ thống biểu tượng sẽ là cách để nhà văn đối thoại với độc giả. Trong thế giới không còn chân lý tuyệt đối, nhà văn không phải là người tìm ra câu trả lời cho hiện thực được phản ánh, cái quyền ấy được trao cho độc giả.
Về quan niệm này, Tạ Duy Anh đã phát biểu: “Tiểu thuyết hiện đại không nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó, đưa ra một bài học có thể đóng khung. Tôi muốn có một sự giải mã từ phía người đọc mà chỉ họ mới có câu trả lời làm thỏa mãn họ” (1). Đặc điểm này của tiểu thuyết hiện đại được thể hiện khá rõ trên phương diện ngôn ngữ. Điều đó lý giải vì sao hầu hết ngôn ngữ tiểu thuyết lại dồi dào biểu tượng. Việc nói bằng biểu tượng làm cho tiểu thuyết có sức chứa lớn trong một dung lượng đang có xu hướng nhỏ…
Biểu tượng có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ: tâm lý, văn hoá, ngôn ngữ, văn học… Trong văn học, biểu tượng được xem là một sáng tạo nghệ thuật. Đó là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan. Từ một biểu tượng được lựa chọn sẽ cho thấy quan điểm thẩm mỹ của tác giả, rộng hơn của cả một thời đại, dân tộc, một nền văn hoá. Hệ thống biểu tượng là một phương thức tư duy nghệ thuật đặc trưng của nhà văn. Nó thường trở đi trở lại trong tác phẩm nhưng lại không nói lên một điều gì rõ ràng, cụ thể. Nó mang tính đa nghĩa, mơ hồ, tính khái quát. Khi tham gia vào cấu trúc văn bản, biểu tượng trở thành một dạng mã hoá tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Thiên sứ được xây dựng với một rừng biểu tượng (chữ dùng của Baudelaire), trong đó Thiên sứ pha lê là một biểu tượng vừa có tính tôn giáo vừa có tính dân gian, một biểu tượng mà trong cảm quan nghệ thuật đầy nữ tính, Phạm Thị Hoài muốn được gửi xuống trần gian với khao khát ban phát nụ cười và môi hôn. Tính huyền thoại của biểu tượng Thiên sứ – bé Hon thể hiện từ lúc còn trong bụng mẹ, cho đến lúc chào đời. Nhưng huyền thoại hơn cả đó là sự hiện hữu của một tình yêu thánh thiện, hồn nhiên giản dị trong một thế giới hỗn tạp, lộn xộn, đổ vỡ. Tình yêu thương có thể gắn kết những con người trong một gia đình mà các mối quan hệ đã trở nên cứng nhắc, lạnh lùng, rạn vỡ – thông điệp của sứ giả pha lê cũng là đích đến của mỗi chúng ta trong xã hội hiện đại. Từ những biểu tượng nghệ thuật, Phạm Thị Hoài đã khơi gợi được liên tưởng bất ngờ nơi người đọc. Bởi vậy đọc Thiên sứ cũng là quá trình đi tìm lời giải cho những biểu tượng.
Những biểu tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tạ Duy Anh giúp nhà văn phát triển hai luận đề chính: lời nguyền và tội ác, từ đó đề nghị một lối thoát, cũng chính là tìm ra con đường bước qua sự trừng phạt, bước qua tội ác để tạo một viễn cảnh sống mà ở đó tình yêu không bị vùi dập, được ươm mầm. Biểu tượng cái bào thai trong Thiên thần sám hối có ý nghĩa cảnh tỉnh, tự vấn lương tâm. Theo thống kê của chúng tôi, hình ảnh bào thai xuất hiện 49 lần trong tác phẩm với những biến thể từ vựng khác nhau (thai, thai nhi, bào thai, cái bọc, bọc,…) mang những sắc thái biểu cảm khác nhau, ám ảnh dai dẳng. Bào thai ở đây vừa là biểu trưng của sự sống khôi nguyên lại vừa là hậu quả của những dục vọng toan tính từ thế giới người lớn, biểu trưng cho ghánh nặng nghiệp chướng. Hầu hết biểu tượng trong tác phẩm Tạ Duy Anh là những biểu tượng nghệ thuật huyền thoại, tạo nên một cấp độ hiện thực mới – hiện thực siêu thực, không làm người ta tin mà khiến người ta nghi ngờ, ngẫm ngợi.
Việc xây dựng biểu tượng, ngoài ý nghĩa về nội dung mà nó gợi ra trong một dung lượng tiểu thuyết ngày càng có xu hướng thu hẹp, với việc kiến tạo cấu trúc tiểu thuyết, còn có tác dụng vừa tạo ra những khoảng trống cần có, vừa kết nối những mạch ngầm ẩn giấu, những mảnh vỡ tự sự của một cốt truyện phân rã. Bởi vậy có thể khẳng định, trong nghiên cứu tiểu thuyết, nhất là những tiểu thuyết có dung lượng ngắn, việc tìm hiểu cấu trúc hệ thống biểu tượng là một công việc vô cùng lý thú, giúp giải mã để đi tới đồng sáng tạo cùng nhà văn.
Nếu bỏ qua cách đọc biểu tượng, cách khám phá những chi tiết, sẽ khó mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, thế giới đan xen hiện thực và ảo huyền, ánh sáng và bóng tối,… thế giới mà mỗi cá thể phải tự đấu tranh quyết liệt, chí ít cũng phải suy tư ngẫm ngợi. Ý tưởng đó được cụ thể hóa qua những biểu tượng đầy ám ảnh. Ở Thoạt kỳ thủy, biểu tượng trở đi trở lại nhiều lần và ám ảnh nhất là trăng. Trăng gắn chặt với cuộc đời Tính (nhân vật chính) như hình với bóng. Vừa chào đời, Tính đã bị ám ảnh bởi trăng “Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên xiết” (2). Có một nỗi sợ hãi vô hình từ thứ ánh sáng trong suốt lạnh lẽo đó. Từ đó, theo suốt cuộc đời Tính, trăng ám ảnh như một định mệnh. Trăng trong Thoạt kỳ thủy đã vượt lên sức biểu đạt của một hình tượng để trở thành một biểu tượng, biểu tượng cho sức mạnh kỳ bí, man dại của cõi vô thức siêu hình. Nó là phần nguyên thủy trong con người, là nơi chứa đựng sự vô thức và cái huyền ảo. Nếu biểu tượng có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ thì từ góc độ tâm lý, mối quan hệ của trăng và Tính cũng chính là sự giằng co giữa vô thức và ý thức, giữa ẩn ức và hiện thực. Trong đó cái vô thức, cái ẩn ức là một nguồn lực, đủ xung năng để bung phá, sẵn sàng nhấn chìm ý thức.
Thế giới của Trí nhớ suy tàn lại được Nguyễn Bình Phương gợi mở từ những biểu tượng bàng bạc chất thơ. Biểu tượng cây điệp vàng là một biểu tượng chứa đầy cảm xúc, gợi nhiều suy tưởng. Hòa điệu với không khí thơ của tác phẩm, sắc vàng của hoa điệp là chuỗi ký ức miên man theo dòng suy tư của một trí nhớ đang suy tàn. Nếu biểu tượng cần được nhìn nhận trong cấu trúc chỉnh thể của văn bản thì biểu tượng cây điệp vàng không chỉ đồng điệu với chất thơ mơ mộng của tác phẩm, nó còn là sợi dây để níu giữ mạch truyện trong một cốt truyện gần như bị phân rã hoàn toàn. Trí nhớ là nỗi ám ảnh của nhân vật, còn sắc vàng hoa điệp biện minh cho hành trình suy tàn của trí nhớ. Trí tưởng tượng của độc giả không dừng lại ở đó. Nó còn được mở rộng biên độ từ những biểu tượng khác. Hình ảnh người đàn bà điên canh giữ gốc điệp vàng như một sự phân thân từ em. Em sợ sắc vàng hoa điệp, sợ người đàn bà ấy hay sợ chính cái tôi khác đang tiềm ẩn trong em. Hình ảnh biểu trưng được xây dựng từ góc nhìn tâm lý, đậm màu vô thức đã giúp Nguyễn Bình Phương khai thác thành công góc khuất nội tâm và nhân cách của nhân vật. Với việc lựa chọn biểu tượng cây điệp vàng, những trang viết như mơ màng, giàu chất thơ cho thấy sự tinh tế trong cảm quan nghệ thuật của cây bút tiểu thuyết này.
Sử dụng yếu tố kỳ ảo như một cách thức làm nhòe ranh giới của hiện thực, Nguyễn Bình Phương coi trọng việc xây dựng biểu tượng, xem biểu tượng như một ký hiệu siêu ngôn ngữ, giúp biểu đạt những điều mà lời nói không thể biểu đạt hết. Ở tiểu thuyết Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng một biểu tượng khá độc đáo, vừa cho thấy tâm thế, vừa là khát vọng của nhà văn khi thai nghén đứa con tinh thần của mình. Đó là biểu tượng tràng tiếng mõ, gõ đều đều, chậm rãi, tưởng như vô can nhưng lại hối hả một sự thúc giục. Tràng tiếng mõ là hình ảnh biểu trưng cho cánh cửa vào thế giới tâm linh, cũng là tượng trưng cho nơi chốn an lành của mỗi cá thể trong cuộc đấu tranh quyết liệt với chính mình. Tiếng mõ như sự ngự trị của đấng siêu hình quyền năng, sự hiện diện của Phật giáo, vô hình, tượng trưng nhưng lại có thể dẫn dắt con người vượt qua những thử thách, cám dỗ để tiến tới một sự khải minh. Không chỉ là tiếng gọi vô thức từ quá khứ, trong những miên man của nghĩ suy hiện tại, những lúc nhân vật rơi vào trạng thái bất an, tràng tiếng mõ lại vang lên. Biểu tượng tràng tiếng mõ, dù là hư ảo, không biết vang lên từ đâu, chính là biểu trưng sự thức nhận bên trong của con người. Ngồi, tĩnh toạ, con người sẽ ngộ ra những điều khuất lấp. Đó phải chăng là cái đích hướng tới của Nguyễn Bình Phương trong việc lựa chọn hình ảnh biểu trưng? Mỗi người khi đọc tác phẩm ở một tâm thế, cách thế khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau từ biểu tượng này. Tính đa nghĩa, mơ hồ vốn là đặc trưng của biểu tượng nghệ thuật. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho lối viết ngắn, tỉnh lược, hầu hết đều cố gắng biểu đạt trong một lượng câu chữ cô đọng và nhiều hơn cả là nói bằng hình ảnh biểu trưng. Không ôm đồm, mỗi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đều dung chứa trong nó những biểu tượng với một cảm quan nghệ thuật của riêng nhà văn, những biểu tượng mang tính siêu thực, gợi chiều sâu suy tưởng, mang ý vị triết học.
Mang tính tự truyện, tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng rưng rưng thương cảm trong chính câu chuyện đầy cảm thương, cách kể chuyện tự nhiên, giọng kể bình dị mà xa xót… và biểu tượng bàn tay, một bàn tay thì đầy. Xuất hiện không nhiều (chủ yếu ở những trang đầu và cuối) nhưng lại được gợi ra ngay từ tựa đề tiểu thuyết, biểu tượng này ám ảnh người đọc ở chính cội nguồn hình thành của nó. Mang đậm màu sắc dân gian của mẫu gốc (từ hàm ý của câu thành ngữ: một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi) và triết lý Phật giáo (ý nghĩa bàn tay Phật) biểu tượng nghệ thuật này đã gợi lên sống động cuộc đời, số phận, tính cách nhân vật chính – người phụ nữ tên Xinh. Đọng lại sau tập sách mỏng là giá trị nhân văn, là triết lý tình thương mà nhà văn muốn hướng đến, nhất là qua hình tượng bàn tay, một bàn tay thì đầy. Xét ở khía cạnh xây dựng biểu tượng, Hoàng Việt Hằng đã thành công. Đặt trong cấu trúc tác phẩm, biểu tượng này đã gắn kết những dòng hồi ức chắp nối cho câu chuyện, bề nổi là số kiếp long đong của một người phụ nữ, bề sâu là câu chuyện về đạo lý, tình yêu thương, lòng nhân ái – những cái giúp con người “vượt qua những chông chênh” để trụ vững trong cuộc bể dâu.
Không chỉ những nhà văn giàu trải nghiệm mới khám phá và biểu hiện sự vật ở chiều sâu biểu tượng. Một số cây bút trẻ, trong sáng tác của mình, cũng có cách suy tư về cuộc sống qua hình ảnh biểu trưng, những biểu trưng mang sắc trẻ. Tiểu thuyết ngắn Những giao diện ẩn của Thiên Di (tác phẩm đoạt giải Tư giải Văn học tuổi 20, lần thứ IV, năm 2010) hút người đọc bởi sự khác lạ đến từ cách đặt tên chương, cách dẫn chuyện, cách tạo không khí thực – ảo đan xen và cả cách gửi gắm thông điệp của người viết qua biểu tượng nghệ thuật. Hình ảnh giao diện (xuất hiện trên màn hình máy tính) là biểu tượng lúc ẩn, lúc hiện nhưng gần như xuyên suốt tác phẩm. Biểu tượng này gắn với thời đại của số hóa, của văn minh ký trị, của thế hệ @, chẳng liên quan gì đến mẫu gốc, đến cội nguồn dân gian, đến văn hóa dân tộc. Thiên Di đã thật dũng cảm khi mượn nó để chuyển tải ý tưởng đầy tính nhân văn, man mác ý vị triết học của tiểu thuyết: cuộc đời như những giao diện thay đổi liên tục, giao diện này xuất hiện thì giao diện khác ẩn đi còn ước mơ của con người, nhất là những người trẻ, chưa bao giờ nguội tắt. Một giao diện của Microsoff dù quen thuộc, dễ thương với đồng cỏ xanh mướt mắt “gợi lên cả những câu thơ Lá cỏ thật buồn của Whitman” cũng có thể sẽ được thay thế bằng những giao diện khác. Vẫn là chuyện về những người trẻ nghĩ suy, hành động trong nhịp sống hiện đại, nhưng vượt lên nó, câu chuyện cứ hư thực và gây được ám ảnh để hơn 100 trang sách không dừng lại ở một chuyện kể. Một phần sức mạnh níu kéo người đọc đến từ biểu tượng.
Biểu tượng, như một thành tố quan trọng trong cấu trúc văn bản, có tác dụng tạo dựng bầu không khí tiểu thuyết, mã hóa tư tưởng chủ đề tác phẩm và đặc biệt thể hiện tư duy mang màu sắc triết lý của nhà văn. Trong tính hoàn thiện để ngỏ của tiểu thuyết, biểu tượng như những mạch ngầm ẩn giấu những thông điệp mà nhà văn muốn hướng tới. Với những tiểu thuyết dung lượng hạn chế, biểu tượng sẽ rất hữu dụng để giúp nhà văn “tạo được chiều sâu của những suy tưởng triết học và độ vang mở sâu xa trong tinh thần người đọc” (3). Chính ý tưởng triết học và độ vang mở sâu xa từ hệ thống biểu tượng là cách thức giản lược bớt câu chữ, tiểu thuyết sẽ ngắn lại trong sự cô đọng, hàm súc. Với ý nghĩa đó, trong xây dựng ngôn ngữ tiểu thuyết, nhà văn luôn có ý thức để sáng tạo biểu tượng. Tính biểu tượng trở thành một trong những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ tiểu thuyết đương đại.
_______________
1. Tạ Duy Anh, Thiên thần sám hối, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006, tr.166.
2. Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.15.
3. Văn Giá, Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam những năm gần đây, evan.com.vn, 18-11-2004.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : HOÀNG THỊ HUỆ
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài