Tính cộng đồng trong các khu tập thể cũ ở Hà Nội


Ở Hà Nội, hình ảnh các khu nhà tập thể (KTT) phản ánh phong cách kiến trúc những năm 1960-1970 và kỹ thuật xây dựng của khối các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trước đây, đặc biệt là Liên Xô cũ. Loại hình nhà ở này chiếm một vị trí không nhỏ trong không gian đô thị, được giới truyền thông đề cập đến với hình ảnh cũ kỹ, xuống cấp. Hơn 30 KTT lớn nhỏ nằm rải rác trong nội thành Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua đã tạo nên một lối sống, văn hóa riêng của cư dân. Trong bối cảnh nhà tập thể đang dần biến mất, nhường chỗ cho các khu chung cư hiện đại với lối sống hoàn toàn khác biệt, bài viết nêu bật những giá trị làm nên tính cộng đồng của khu vực độc đáo này thông qua nghiên cứu một số trường hợp ở KTT cũ Hà Nội.

1. Tính cộng đồng tại đô thị

Tính cộng đồng

Khi nói về tính cộng đồng, người ta thường nhắc đến sự liên kết của nhiều cá nhân trong một không gian. Dưới góc nhìn xã hội – lịch sử, nghiên cứu quá trình tích tụ, hình thành, ổn định và phát triển mang tính bền vững của cả một dân tộc, học giả Phan Huy Lê đã chỉ ra tính cộng đồng – tính cá nhân thể hiện ở 3 mặt: lối sống (ăn, mặc, ở), nếp nghĩ (tư duy), lối ứng xử (quan hệ giữa người với người trong cộng đồng). Ông cho rằng, tính cộng đồng gắn với toàn bộ đời sống của người nông dân Việt Nam (1). Tương tự, tác giả Trần Ngọc Thêm và Trần Đình Hượu khi nghiên cứu về đời sống nông thôn, làng xã cũng chia sẻ quan điểm rằng, tính cộng đồng là một đặc điểm nổi trội của văn hóa Việt Nam (2).

Góc nhìn xã hội – văn hóa chỉ ra rằng, tính cộng đồng thể hiện rõ qua tinh thần đoàn kết để sinh tồn trước thiên nhiên, đoàn kết để chống ngoại xâm. Và sau đó, cộng đồng dân tộc lại trở về sống trong môi trường làng xã, tự cấp tự túc với một lý tưởng là hòa thuận, cùng vượt qua gian khó (3). Học giả Phan An, khi nghiên cứu làng người Việt ở Nam Bộ, đã khẳng định vai trò của phong tục, tập quán, cách cư xử của các thành viên trong việc hình thành tính cộng đồng (4).

Trong khi nhiều nghiên cứu đề cao tính cộng đồng, Zygmunt Bauman lại chỉ ra rằng, “cộng đồng” không lý tưởng như nhiều người vẫn suy nghĩ. Nó không phải là một nơi ấm áp mà chúng ta cảm thấy an toàn khi ở bên trong. Sự hy vọng về an nhàn và thanh thản như trong tưởng tượng về một cộng đồng thường rất cám dỗ, hấp dẫn. Tuy nhiên, nó sẽ biến mất hay tiêu tan mỗi khi người ta tuyên bố/ cho rằng, họ đã tìm thấy ngôi nhà chung. Một cộng đồng thực tế sẽ mang nhiều tính đối lập, chứa đựng những nỗi sợ hãi, sự mất an toàn. Nó sẽ khiến người ta phải canh chừng, cảnh giác; ngày qua ngày chống lại kẻ phản bội bên trong và sự xâm nhập của những kẻ bên ngoài cộng đồng. Và cuối cùng, thông qua sự xung đột, cảm giác ở trong cộng đồng mới có thể kéo dài hơn và bảo vệ chúng khỏi sự tan biến. Sự ấm áp như ở nhà chỉ có thể là sự kiếm tìm, ngày có ngày không, và luôn ở trong sự thay đổi (5).

Do đó, tính cộng đồng phải được xem xét như một quá trình và luôn được tạo thành, luôn biến chuyển.

Tiểu vùng văn hóa trong đô thị

Liên quan đến mối quan hệ nông thôn – đô thị, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng nông thôn hóa đô thị là một hiện tượng phổ biến. Tác giả Trần Ngọc Thêm chỉ ra rằng, sự chi phối mạnh của nông thôn khiến cho đô thị Việt Nam truyền thống luôn có nguy cơ bị “nông thôn hóa” (6). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính việc tạo ra những nét nông thôn trong đô thị đã tạo ra tiểu vùng văn hóa trong đô thị, góp phần làm đa dạng bộ mặt đô thị ở Việt Nam. Tác giả Nguyễn Văn Chính làm rõ tính chất “tứ chiếng” với dòng chảy liên tục các lớp cư dân khác nhau tới Thăng Long – Hà Nội (7). Do đó, thay vì cố truy tìm bản sắc văn hóa Hà Nội, tác giả chỉ ra tính đa dạng, đa chiều của bản chất văn hóa Hà Nội. Từ đây, có thể thấy, ở Hà Nội không chỉ có quá trình nông thôn hóa đô thị mà còn diễn ra quá trình ngược lại. Chính người nông thôn sau một thời gian sinh sống ở Hà Nội cũng đã tích hợp lối sống đô thị vào văn hóa của mình, mang về quê hương những tư tưởng về lối sống đô thị (8).

Văn hóa KTT cũ không chỉ là sự kết hợp của văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị, nó còn mang tính chất của hệ tư tưởng XHCN rất mạnh mẽ. Caroline Humphrey chỉ ra tính chất Xô viết của các KTT từ những năm 1920 ở Liên Xô. Theo Chủ nghĩa Mác, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và nhiệm vụ của các KTT là xây dựng nền tảng cơ sở cho các khuôn mẫu của một xã hội mới. Sau Cách mạng Tháng Mười, từ năm 1920, các KTT được thiết kế kỹ càng để xóa bỏ lối sống cá nhân và tiểu tư sản, dựa trên nền tảng của tư tưởng xây dựng con người XHCN (9). Carsten và Hugh Jones cho rằng những khu nhà tập thể vừa bao gồm lại vừa tạo ra tính xã hội cho những người sống bên trong chúng. Humphrey cho rằng: “Mục đích của nhà nước là sử dụng triệt để vật chất kiến tạo nơi cư trú để tạo nên những mô hình xã hội và giá trị đạo đức mới” (10). Điều này thể hiện qua cách Humphrey phân tích không gian cư trú, sinh hoạt và sân chơi của KTT giúp thúc đẩy kiến tạo con người mới XHCN ở Liên Xô.

2. Văn hóa cộng đồng trong KTT ở Hà Nội

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhiều nhà máy, khu công nghiệp được thành lập khiến cho nhu cầu nhà ở Hà Nội tăng cao. Vì vậy, từ 1958-1990, chính quyền thành phố đã cho xây dựng khoảng 30 KTT trên diện tích ước chừng 450ha. Mô hình nhà ở này đã cung cấp chỗ ở cho khoảng 140.000 người sinh sống theo mô hình chia sẻ như cùng sử dụng chung khu bếp, công trình phụ, cầu thang, hành lang…

Một cộng đồng nửa thành thị

Văn hóa người Việt mang nặng tinh thần làng xã từ nhiều thế kỷ nay. Chính vì vậy, khi xem xét cuộc sống của các cư dân trong KTT, ta vẫn thấy những nét thôn dã còn hiện diện. Tính nửa nông thôn, trước hết thể hiện ở những món ăn đồng nội, có thể khai thác được ngay tại nơi cư trú. KTT Kim Liên vốn được xây dựng cạnh làng Kim Liên nên thừa hưởng rất nhiều diện tích hoa màu, bãi cỏ của làng. Nhà văn Vũ Công Chiến nhớ lại những kỷ niệm gắn với bãi cỏ phía sân sau nhà B5, B8: “Những người dân ở cùng KTT coi nhau như hàng xóm, giống kiểu nhà quê, thân thiện chứ không sống tách bạch như các gia đình ngoài phố sau này. Vì thế, về sau có vài gia đình khác cũng cho trẻ con mang vợt đi vợt châu chấu. Bãi rộng, châu chấu nhiều, chả phải tranh giành gì” (11).

Những bãi đất trống giữa các tòa nhà được nhiều gia đình tận dụng để tăng gia sản xuất. Người dân ở KTT Kim Liên cuốc đất, làm cỏ, trồng khoai lang, sắn để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Việc khai thác này không phải chỉ là đặc quyền của những hộ dân ở tầng 1 mà các cư dân ở tầng trên cũng chủ động tìm những khoảnh đất trống để trồng rau. Chị Quỳnh – người dân ở KTT Kim Liên nhớ lại: “Hồi đấy, mọi người sống với nhau rất nhường nhịn, ai trồng thì trồng. Tất nhiên, những nhà ở đầu hồi thì trồng được nhiều hơn, cơi nới được nhiều hơn” (12).

Ngoài ra, nhiều người còn nuôi gà, chim cút, nuôi chuột và ngay cả heo trong khu bếp của gia đình. Khi viết về những ký ức ở khu nhà Kim Liên, nhà văn Vũ Công Chiến nhớ về câu chuyện vui của GS Văn Như Cương khi cán bộ ngành Y tế đến kiểm tra và lập biên bản mất vệ sinh. GS Cương khăng khăng đòi đổi cụm từ “GS Văn Như Cương nuôi lợn trên tầng hai” bằng “Lợn nuôi GS Văn Như Cương trên tầng hai”. Tuy biết rằng, nuôi lợn là mất vệ sinh, không ai muốn nuôi trong nhà, nhưng trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn, đây cũng là một trong những cách được cư dân KTT Kim Liên cũng như nhiều KTT khác áp dụng. Nhiều gia đình đặt thùng hoặc lu nước gạo ở chiếu nghỉ các tầng, xin nước gạo, cơm canh thừa của nhà hàng xóm để nấu cám cho lợn.

Vào thời kỳ đầu, khu công trình phụ gồm bếp và nhà vệ sinh mang lại một cảm giác mới lạ cho người mới dọn về ở. Nhà văn Vũ Công Chiến cũng như nhiều trẻ em và cả người lớn thời kỳ 1960 rất hạnh phúc khi được dùng bệ xí giật nước (hay còn gọi là “hố xí máy”). Thật vậy, sự tiện lợi trong không gian nhà vệ sinh đã khiến cho những cư dân mới hãnh diện, và cảm thấy mình được hiện đại hơn trong khi ngay cả trên những con phố lớn ở Hà Nội, người ta vẫn phải tự tay dội nước hoặc dùng hố xí “đổi thùng” như ở phố Bích Câu.

Có thể thấy, cuộc sống ở KTT mang lại nhiều cảm giác mới hơn so với cuộc sống nơi phố cổ hoặc phố Tây của Hà Nội. Những nhóm cư dân là công nhân viên chức nhà nước cấp trung trở lên đã tụ họp về KTT Kim Liên. Tuy nhiên, dù là viên chức ở Thủ đô, nhưng những nét sinh hoạt nơi thôn quê, làng xã vẫn hiện diện, góp phần mang lại một tinh thần cộng đồng làng xã nơi đô thị.

Một dạng thức cộng đồng ở đô thị

Mô hình KTT ở Hà Nội là một hình mẫu cho giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc một thời. Điều này không chỉ đúng ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố khác như Nam Định, Hải Phòng, Vinh… Những không gian chung đã tạo nên tính cộng đồng khác biệt so với một cộng đồng làng xã xưa kia. Nhìn vào mô hình KTT như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của kiến trúc lên lối sống tập thể, qua đó hình thành nên nét đặc sắc của những KTT này.

Trong KTT, không ai thắc mắc về việc hai gia đình phải sử dụng chung công trình phụ. Nhà B9 KTT Kim Liên là một ví dụ. Lên cầu thang, một tầng nhà rẽ hai phía, mỗi phía có 4 căn hộ. Cứ hai nhà chung nhau một cửa ra vào. Trong đó lại chung nhau nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Nhà văn Vũ Công Chiến nhớ lại: “Chỉ có hai nhà chung nhau như thế này, thật quá tuyệt vời so với những nơi ở cũ, cả chục, thậm chí hơn chục gia đình chung nhau mọi thứ, lúc nào cũng líu ríu, chật chội” (13). Trong khi ở Việt Nam lúc đó, các KTT được xây theo mô hình hai căn hộ có chung một khu phụ thì ở các nước XHCN khác, KTT lại hình thành căn hộ khép kín riêng biệt. Mặc dù thế, trong bối cảnh đất nước khó khăn thì đó cũng là điều đáng mơ ước.

Qua phỏng vấn cư dân KTT ở Hà Nội, nhiều người nhìn nhận cuộc sống trong KTT khiến mọi người trở nên gần gũi nhau: “Vì cuộc sống chung nhau hàng ngày từ vòi nước, nhà vệ sinh, bếp, sân chơi, nó tạo ra một văn hóa KTT buộc phải hòa đồng, thích nghi. Cứ Chủ nhật, mỗi nhà cử một người xuống để vệ sinh, quét lá, đường, hầm tăng-xê. Mọi người rất có ý thức, sống rất đơn giản” (14).

Cuộc sống ở tập thể có sự phân công rõ ràng, tạo nên trách nhiệm của cư dân đối với cộng đồng. Chỉ sau khi dọn về vài năm, các gia đình cùng hợp thành cư dân Kim Liên và đã tạo ra một nét riêng. Cư dân đối xử với nhau rất thân ái, sẵn sàng giúp đỡ, tối lửa tắt đèn có nhau. Nếp sống văn hóa của cư dân Kim Liên khác nhiều với các gia đình ở ngoài phố, nhà nào biết nhà đó. Ở đây, các gia đình trong cùng cầu thang gặp mặt nhau hằng ngày, biết rõ hoàn cảnh gia đình nhau.

Sân chơi chung là một sản phẩm độc đáo, khiến KTT khác biệt với khu phố cổ hay khu phố Tây của Hà Nội. KTT Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ đến nay vẫn giữ được một số sân chơi. Chính nơi này, trẻ con các gia đình gắn bó và hiểu nhau hơn qua các trò chơi dân gian. Những sự kiện lớn của gia đình như đám cưới, đám hiếu cũng sử dụng sân chung của KTT. Cư dân nơi đây vẫn nhớ về những buổi tổng vệ sinh cuối năm, hay việc xếp hàng hứng nước trong xô, chậu những ngày khó khăn. Gần đây, nhà nước lắp đặt các thiết bị tập thể thao đơn giản, cùng các thiết bị vui chơi cho trẻ nhỏ. Sáng sớm hay buổi chiều, rất nhiều trẻ em, người lớn tuổi dạo chơi, tập thể dục hay đẩy xe nôi cho các cháu ở sân chơi này.

Lựa chọn sống trong căn hộ KTT, những hộ gia đình ở đây buộc phải khép mình vào các quy định chung của cộng đồng. Mặc dù, bản thân họ muốn một không gian riêng tư, tiện nghi, nhưng trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, KTT là một mô hình phù hợp với tầng lớp lao động ở Hà Nội. Chính việc tuân thủ quy định chung như lịch phân công vệ sinh, đổ rác đúng giờ, văn hóa xếp hàng và tham gia các hội đoàn đã góp phần tạo nên tính cộng đồng ở các KTT.

Một cộng đồng không bền vững

Có thể nói, KTT ở Hà Nội là một cộng đồng nửa thành thị, nửa nông thôn. Tuy nhiên, KTT không phải là một cộng đồng bền vững theo đúng nghĩa như nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam nói về cộng đồng làng xã của người Việt.

Trước tiên, là một cộng đồng nửa thành thị, nửa nông thôn khiến cho những mối quan hệ trong cộng đồng không bền chặt như cộng đồng dòng họ ở làng xã. Cũng không có một vị thành hoàng làng chung để cộng đồng có thể cùng nhau thờ phụng. Tương tự như tác giả Nguyễn Văn Chính đề xuất về tính “tứ chiếng” của Thăng Long – Hà Nội, KTT phản ánh dòng nhập cư như hình ảnh của một Hà Nội thu nhỏ (15). Có người từ những miền quê xa như Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An… về Hà Nội công tác và được phân căn hộ ở đây. Có những người xuất thân từ nông dân hay thợ thủ công ở ven đô, trải qua học tập và đã được phân về những cơ quan chuyên môn ở Hà Nội. Lại có cả những người miền Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954. Chính vì thế, sinh hoạt trong không gian chung giúp những cư dân KTT biết nhau, có thể biết rõ về gia đình nhau nhưng không thật sự hiểu nhau. Có nhiều gia đình đang sinh sống, bỗng chuyển đi và không quay trở lại nữa. Ở Khu A Kim Liên, có những gia đình chuyên gia sống biệt lập, đóng cửa im lìm và không quan hệ với gia đình khác. Do đó, tính cộng đồng rất mong manh, chỉ dựa trên không gian cư trú chung mà thôi.

Thứ hai, tính không bền vững của cộng đồng KTT còn thể hiện ở những mâu thuẫn, xung đột trong bản thân cộng đồng. Các gia đình trong KTT, bên cạnh việc phải chia sẻ không gian chung còn phải chịu đựng vấn đề chất lượng nhà ở thấp. Đặc biệt, những gia đình tầng dưới nhiều lần phải chịu cảnh vỡ ống nước thải, vệ sinh của những căn hộ tầng trên. Bên cạnh đó, việc chạy nhảy của trẻ em tầng trên gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của những gia đình sống tầng dưới, đặc biệt là nhà có người già, trẻ nhỏ. Những hoạt động chung ở KTT thực tế không lý tưởng như cảm giác về một cộng đồng chia sẻ, trách nhiệm mà người ngoài nhìn vào. Rất nhiều KTT có những hộ gia đình, cá nhân không tuân thủ quy định chung về đổ rác, vệ sinh công cộng và gây ra những mâu thuẫn, xung đột nội khu. Hơn nữa, người ta thường nói về một KTT an toàn, nhưng thực tế, những vụ trộm cắp đã diễn ra. Vì vậy, không có một khái niệm cộng đồng với ý nghĩa nguyên bản dành cho cuộc sống ở KTT.

Tuy vậy, những ký ức về thời bao cấp như xếp hàng đổi tem phiếu, hứng nước sinh hoạt… mang lại sự ấm áp một thời; nhưng bản thân những người đã trải qua thời kỳ đó cũng chỉ muốn dừng lại ở ký ức. Nhà văn Vũ Công Chiến chia sẻ rằng: “Người ta không thể tưởng tượng nổi nhà ở tầng tư mà phải xách từng xô nước hứng dưới máy nước công cộng ở tầng một lên để dùng. Có người hỏi, làm sao mà vẫn sống được khi cái gì cũng thiếu?” (16). Người dân chia sẻ: “Văn hóa KTT có lẽ là sự chia sẻ với nhau, cả những lúc khó khăn như khi lấy nước lúc 3h sáng. Trẻ con đi xếp hàng mua gạo cho bố mẹ, mỗi gia đình cử người làm vệ sinh chung hàng tuần, ở sáu người trong một căn hộ 25m2… vui thì rất vui, nhưng nghĩ lại, thực sự sống bất tiện, đặc biệt là khi lập gia đình rồi” (17).

3. Kết luận

Bài viết đặt vấn đề mở rộng phạm vi khái niệm cộng đồng từ quy mô làng xã đến không gian KTT. Cuộc sống tại KTT thực sự là những mảnh ghép của những mảnh đời “tứ chiếng” vào một không gian đô thị. Trải qua hàng thập kỷ chung sống, cộng đồng cư dân ở KTT không chỉ có sự gần gũi trong cuộc sống, mà còn chia sẻ, gắn bó giữa người với người. Tuy nhiên, tính cộng đồng chỉ tồn tại một cách lỏng lẻo. Họ biết nhau, cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả, niềm vui trong cuộc sống, nhưng lại không thể hiểu nhau như trong không gian làng xã. Mô hình hoạt động của lối sống tập thể trong những năm tháng khó khăn là những ký ức không phai nhạt đối với cư dân nơi đây. Tuy nhiên, mô hình kiến trúc này không hẳn là lý tưởng cho bản thân những con người sống trong cộng đồng KTT. Sống vui vẻ, hòa nhã trong cộng đồng KTT, nhưng nhiều người vẫn hướng về không gian riêng tư với những giá trị của chủ nghĩa cá nhân (18).

______________

1. Phan Huy Lê, Vài đặc điểm liên quan đến tâm lý dân tộc trong thời kỳ trung đại, Thông tin Khoa học giáo dục, số 12, 1987.

2, 3. Nguyễn Diệu Hương, Tiếp cận tính cộng đồng: Những bàn luận và nghiên cứu về tính cộng đồng ở Việt Nam, Thông tin Khoa học Xã hội, số 7, 2016, tr.36, 37.

4. Phan An, Tính cộng đồng làng xã như một hệ giá trị Việt Nam và những hệ quả của nó, vanhoahoc.vn, 2015.

5. Bauman, Zygmunt, Community: Seeking Safcty in an Insecure World (Cộng đồng: Tìm kiếm sự an toàn trong một thế giới không an toàn), Cambridge, Polity, 2001, tr.17-18.

6. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

7, 15. Nguyễn Văn Chính, Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội, in trong Khoa Lịch sử: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.163-192.

8. Nguyễn Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Huy, Khu tập thể cũ – Một nét di sản văn hóa của Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 435, 2020, tr.23-26.

9, 10. Humphrey, Caroline, Ideology in Infrastructure: Architecture and Soviet Imagination (Hệ tư tưởng nằm trong cơ sở hạ tầng: Kiến trúc và sự sáng tạo của Xô viết), The Journal of the Royal Anthropological Institute (Tạp chí của Viện Nhân học Hoàng gia), số 11, 2005, tr.39-58.

11, 13, 16. Vũ Công Chiến, Kim Liên một thuở – Ký ức Hà Nội từ những khu nhà ở, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.48, 20, 263.

12, 14, 17. Tài liệu phỏng vấn, 2020.

18. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 602.08-2020.03.

TS NGUYỄN VŨ HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *