Tính hiện đại của màu sắc trang phục nữ truyền thống dân tộc pà thẻn

Không mang nghĩa ra đời trong giai đoạn hiện đại, cũng không hoàn toàn mang nghĩa hiện đại hình thành đối tượng về mặt sản xuất, tính hiện đại của màu sắc trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn được thể hiện thông qua việc lựa chọn, phối hợp màu sắc, cách bố trí có tính quy luật và hiệu quả thị giác, tính đồng điệu mang hơi thở xu hướng màu sắc trong đời sống đương đại.

1. Sự lựa chọn, phối hợp, bố trí màu sắc có tính quy luật

Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, của sự ấm no, hạnh phúc, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn lấy màu đỏ tươi là màu chủ đạo. Trong cuộc sống, màu đỏ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho sự sống, sức khỏe, sinh lực, sự hăng hái và tình yêu. Khi hạnh phúc hoặc đơn giản sức khỏe ở trạng thái tốt gương mặt chúng ta hồng hào. Ở nhiều nơi, người ta quan niệm rằng, những vật có màu đỏ mang lại sức khỏe và may mắn. Trong truyền thống của Thái Lan, mỗi ngày trong tuần được chỉ định một màu sắc cụ thể tương ứng với một vị thần đặc biệt. Màu đỏ là màu của chủ nhật đại diện cho thần mặt trời Surya – người được sinh ra vào ngày này. Đối với người dân thuộc các nước phương Đông thì màu đỏ thể hiện cho sự giàu sang phú quý và sự sung túc. Trẻ em ở Rome thường đeo một mảnh bùa làm bằng san hô đỏ, còn trẻ em Trung Quốc thì thường mặc đồ màu đỏ nhằm xua tan những điềm xấu.

Trong ngũ hành, quan niệm màu sắc thể hiện màu đỏ là hỏa (lửa). Tính thiêng của lửa được thể hiện độc đáo và huyền bí trong lễ hội nhảy lửa hết sức thiêng liêng của người Pà Thẻn. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày 16-10 âm lịch năm trước đến 15-1 âm lịch năm sau. Người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa – vị thần mang lại sự may mắn cho họ. Khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.

Có bằng chứng cho thấy sở thích màu sắc phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh. Dân tộc Pà Thẻn cư trú ở những vùng núi phía Bắc, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình cao lại có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra, vào mùa đông có gió bắc thổi mạnh, rất lạnh, có lúc nhiệt độ xuống dưới 0°C và có băng giá, đôi khi có tuyết rơi. Màu đỏ trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn có thể sẽ mang một ý nghĩa là màu sưởi ấm cho người dân nơi đây vào những ngày lạnh giá.

Cũng giống như một số dân tộc anh em khác ở vùng miền núi phía Bắc, có sử dụng màu đỏ trên trang phục, người Pà Thẻn dùng đỏ tươi là màu chủ đạo cho trang phục của mình trên nền núi rừng xanh lục. Tương quan này cho ta liên tưởng đến cặp màu bổ túc trong lý thuyết về màu sắc được các nhà khoa học nghiên cứu. Đây là cặp màu hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau, làm cho nhau trở nên hài hòa, tươi mới hơn. Ngoài ra, trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn với màu sắc chủ đạo là màu đỏ tươi sẽ thu hút cái nhìn, giúp cho ta dễ nhận biết khi nhìn từ xa.


 Trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà ThẻnẢnh chụp tại Bảo tàng Phụ nữ  

Sự lựa chọn những màu phụ trợ là đen và trắng trên trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn cũng rất độc đáo. Hai màu này đều là màu vô sắc hay còn gọi là màu trung tính, có thể kết hợp với bất cứ màu nào khác cũng đều tạo nên sự hài hòa. Trong trường hợp đứng cùng sắc đỏ chủ đạo này sẽ làm cho sắc đỏ dịu hơn và bớt đơn điệu. Sự lựa chọn này đã tạo ra một bảng màu rất đơn giản về màu cũng như về sắc. Một sự kết hợp tối giản về sắc, rất độc đáo mang lại hiệu quả thị giác ấn tượng, đảm bảo tinh thần văn hóa truyền thống nơi đây.

Có thể thấy rằng, người Pà Thẻn đã có tính trí tuệ, lôgic trong sự minh giải và màu sắc hóa trang phục của mình. Từ môi trường sống, văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm về sự ấm no hạnh phúc, người Pà Thẻn đã biểu tượng hóa màu sắc trang phục tạo nên một nét văn hóa vừa chung nhưng lại có sự kết hợp tạo nên nét độc đáo riêng, góp phần xây dựng nên một đời sống văn hóa phong phú, ngày một giàu có hơn.

Sự phối hợp, bố trí màu sắc trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn có những điểm tương đồng với một số dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc ở chỗ họ có những màu riêng lẻ cơ bản như đỏ, chàm, đen, trắng… thậm chí là cách tạo ra những màu đó cũng có những công thức giống nhau. Song điều không thể lẫn với các dân tộc khác – những nét rất riêng và giá trị thẩm mỹ cao lại thể hiện ở sự phối hợp chúng với nhau theo một tỷ lệ rất riêng, tạo ra sự khác biệt, độc đáo. Sự phối hợp mang tính cách của dân tộc, được thể hiện lặp đi lặp lại có tính quy luật chặt chẽ qua sự sắp xếp vị trí và liều lượng những màu sắc chính với màu sắc phụ trên trang phục. Tính quy luật đó chắc chắn là không hạn chế sự sáng tạo, độc đáo của mỗi người phụ nữ Pà Thẻn, trái lại nó giúp cho việc sáng tạo của mỗi cá nhân có sự kế thừa, hoàn thiện sản phẩm qua thời gian. Kết quả quá trình đúc rút sáng tạo không mất đi giá trị riêng biệt mà giữ lại những nét chính được nhận diện thành bản sắc riêng. Có thể xem đây là các hoạt động đổi mới, năng động; đặc điểm cá nhân hóa và duy lý hóa của tính hiện đại mà Marshall Berman đề xuất.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn đều được người mẹ truyền dạy cho kỹ thuật dệt, thêu, ghép, cắt, khâu vải … và từng công đoạn dệt. Trước khi về nhà chồng, họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới. Sự sáng tạo về màu sắc của mỗi cá nhân được thể hiện ở từng thao tác trong cả quá trình thực hiện và hoàn thiện sản phẩm. Điều chúng ta có thể thấy rất rõ là sự sáng tạo hoán đổi, điều chỉnh ở mức độ hợp lý trên mỗi sản phẩm của người Pà Thẻn. Sự sáng tạo đó không làm mất đi cái tổng thể đảm bảo, tuân thủ hòa sắc nóng, màu đỏ tươi là chủ đạo của trang phục. Sự kết hợp với tỷ lệ vừa phải của những mảng vải màu trắng và màu đen, xen kẽ những đường hoa văn nhỏ màu xanh, vàng… tạo nên bộ trang phục hài hòa mà không mất đi sắc đỏ rực rỡ – màu của lửa, của vị thần thiêng liêng của dân tộc.

Sự phối hợp giữa những mảng màu đỏ chủ đạo, những mảng màu đen, màu trắng, màu trung tính, vô sắc, một ít màu xanh, vàng… ở chỉ ghép biên giữa các mảnh vải hoặc hoa văn trên thổ cẩm cho thấy người Pà Thẻn đã có sự lựa chọn kết hợp rất sáng tạo. Tinh thần hiện đại ở đây còn là sự kết hợp rất đơn giản về sắc, mang tính mỹ cảm duy lý. Với số lượng sắc màu đỏ tối thiểu để có thể tạo nên một hòa sắc độc đáo, không phá vỡ cấu trúc màu sắc chung, tạo ra bảng màu riêng cho trang phục. Các mảng màu đen, trắng nhỏ trang trí tạo được sự cân bằng về màu sắc, không đơn điệu, vừa làm nổi bật màu vải được ghép cùng, vừa tiết chế màu đỏ.

Tỷ lệ màu rất quan trọng trong việc tạo ra hòa sắc, nhất là việc pha trộn này không thực hiện trên palets mà là sự pha trộn ở điểm cuối của võng mạc con mắt nhìn. Nó đòi hỏi khả năng cân bằng thị giác chính xác. Ở trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn có tỷ lệ màu đỏ chiếm tới 2/3 trang phục, 1/3 còn lại chủ yếu tập trung vào màu đen, một ít màu trắng và một lượng không đáng kể là màu xanh, vàng ở chỉ thêu, đường may… Đây là một tỷ lệ tạo nên một tổng thể hài hòa giữa màu chủ đạo và những màu hỗ trợ. Một tỷ lệ có biên độ lớn và nền tảng màu sắc chắc chắn, giúp cho sự sáng tạo riêng không làm thay đổi được hòa sắc chung của màu sắc trang phục người phụ nữ Pà Thẻn.

Cách bố trí những mảng màu đen ở những vị trí phía dưới của cánh tay áo, từ nách chạy xuống phía bàn tay, hay ở những vị trí kín, không chính diện tạo cảm giác chắc chắn, khoẻ khoắn. Ở một khía cạnh khác, màu đỏ theo quan niệm sẽ là màu nóng, màu sưởi ấm vào những ngày lạnh giá. Trong khi đó những mảng màu đen sẽ là màu thu nhiệt và giữ nhiệt rất phù hợp với cách bố trí trên.

2. Hiệu quả thị giác, tính đồng điệu mang xu hướng hiện đại

Ở Việt Nam xu hướng hiện đại trong nghệ thuật nói chung và trong thời trang nói riêng đã có những sự phát triển đáng kể và nó xuất phát phần lớn từ những ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật phương Tây sang. Xu hướng màu sắc hiện đại ngày nay chủ yếu vẫn là những ảnh hưởng quan điểm sáng tạo đề cao tính cách cá nhân từ những trào lưu văn học nghệ thuật ở các quốc gia phương Tây và Nam Mỹ, xuất hiện vào cuối TK XIX. Xu hướng hiện đại chủ trương cắt đứt với các truyền thống, cổ điển, lãng mạn trước đó, đưa ra những quan điểm và phương pháp sáng tác mới như chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa dada, chủ nghĩa vị lai… Một trong những xu hướng quan tâm phát triển đến hiệu quả của màu sắc dựa trên những lý thuyết về màu sắc là xu hướng ấn tượng. Khác với lối vẽ cổ điển trước đó, dùng màu nâu, đen để vẽ trong tối thì xu hướng ấn tượng dùng màu tươi nguyên để vẽ trong tối, họ sử dụng những cặp màu bổ túc để vẽ màu trong tối và ngoài sáng của đối tượng. Xu hướng ấn tượng chủ trương sử dụng những màu tươi nguyên không pha trộn đưa lên mặt tranh, họ quan tâm đến sự tươi mới của màu và cảm xúc của người vẽ. Tính chất tươi mới của màu sắc cũng là một trong những đặc điểm của xu hướng màu sắc hiện đại, điển hình là màu đỏ, cam, vàng và những màu có sắc lạnh với cấp độ mạnh. Điều này thể hiện rất rõ trên trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn qua cách pha trộn màu bằng cách đặt các mảng màu to, nhỏ khác nhau cạnh nhau để tạo ra một hòa sắc tươi nguyên. Màu đỏ tươi chiếm tỷ lệ lớn, những mảng trang trí màu đen, trắng vô sắc, những đường chỉ ráp biên nhỏ với màu sắc xanh, vàng giữ nguyên màu sắc tươi nguyên. Đó là nghệ thuật tạo sự cân bằng mà không mất đi độ tươi mới của màu.

Một số những xu hướng nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật, thiết kế hiện đại có nét tương đồng rất lớn về cách dùng màu so với màu sắc trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn. Trên các tác phẩm hội họa của Piet Mondrian màu sắc đã tiến tới sự đơn giản tối đa, những đường cong được thay thế dần bằng đường thẳng. Bởi vậy, tranh của ông bao gồm một hệ thống các đường thẳng ngang, dọc và sử dụng 3 màu sắc chính là đỏ, vàng và xanh. Theo ông, hội họa không nên chỉ tái hiện lại một cách thô thiển những đường nét của vật thể, mà phải thể hiện vật thể qua những đường nét cơ bản nhất cùng với linh hồn đã làm nên vật thể đó. Lý thuyết về trừu tượng của ông gây một ảnh hưởng sâu sắc về kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp.

Trong nghệ thuật đồ họa, các tác phẩm thuộc phong cách Neoplasticism – De Stijl cũng giới hạn về yếu tố hình học và màu sắc: chỉ sử dụng màu cơ bản (vàng, xanh, đỏ) làm màu chủ đạo cùng với màu vô sắc (đen, trắng, xám) bổ sung cho các màu cơ bản. Neoplasticism – De Stijl chủ trương trừu tượng hóa, khái quát hóa bằng cách giảm lược tối đa các yếu tố về hình thức và màu sắc – đây cũng là một yếu tố chủ chốt của xu hướng thiết kế tối giản hiện đại đang hướng đến.

Rất gần với những đặc điểm của xu hướng màu sắc hiện đại như: thu hút tầm nhìn, tạo cảm xúc, năng lượng, sôi nổi, truyền cảm hứng, cho cảm giác khỏe khoắn có tính kích động thông qua việc sử dụng màu hữu sắc là màu đỏ tươi với cường độ mạnh kết hợp với màu đen là màu vô sắc. Hai màu đỏ, đen có độ tương phản về nóng lạnh, sáng tối cao, bên cạnh lượng màu trắng nhỏ xen kẽ các mảng thổ cẩm cùng những đường ghép biên giữa các mảng vải bằng các chỉ màu trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn đã tạo ra một hiệu ứng, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.

Bảng màu đơn giản, ít màu cũng là một trong những đặc điểm của xu hướng màu hiện đại ngày nay. Màu sắc chủ yếu trên trang phục phụ nữ dân tộc Pà Thẻn là màu đỏ, màu hữu sắc. Những mảng màu đen, trắng là những màu trung tính hay vô sắc. Hai màu đen, trắng này khi đứng gần màu nào thì sẽ bị ảnh hưởng của màu đó và nó sẽ có nhiệm vụ tạo ra sự cân bằng đáng kể trong một tương quan màu. Sự kết hợp của những màu sắc trên tạo ra sự đơn giản kết hợp với cách bố trí mảng khoẻ khoắn, phẳng tạo cảm giác hiện đại.

3. Kết luận

Trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn đã được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những trang phục truyền thống dân tộc có tính sáng tạo, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao. Đó là sự kết tinh của thành quả lao động với đôi bàn tay tinh khéo và óc sáng tạo của mỗi con người và cả cộng đồng người Pà Thẻn. Sự sáng tạo đó mang nghĩa hiện đại bởi nó tạo ra giá trị thẩm mỹ, làm giàu cho kho tàng văn hóa mặc của dân tộc.

Màu sắc trên trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn thể hiện tính trí tuệ, mỹ cảm logic, sự minh giải và màu sắc hóa một cách rõ ràng trong việc lựa chọn, phối hợp màu sắc trên trang phục. Nó là giá trị trường tồn có tính biểu tượng sống với thời gian. Việc tìm thấy ở đó những đồng điệu mang hơi thở của màu sắc thời hiện đại sẽ làm cho giá trị của trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn được phổ biến hơn. Đặc biệt, hiểu được sự kết hợp màu sắc có tính quy luật, sáng tạo, một bảng màu đơn giản, độc đáo không kém phần hiện đại của mỹ thuật ứng dụng thời nay sẽ là nguồn cảm hứng quý trong việc sử dụng màu sắc cho mỗi người quan tâm tới những giá trị truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa mặc, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

_____________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Đức, Văn hóa trang phục từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

2. Đoàn Thị Tình, Tính dân tộc trong trang phục sân khấu, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2016.

3. Nguyễn Quân, Tiếng nói của hình và sắc, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1986.

4. Lê Huy Văn-Trần Từ Thành, Cơ sở tạo hình, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

5. Tạ Phương Thảo, Giáo trình trang trí, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.

6. baohagiang.vn

7. phebinhvanhoc.com.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : NGUYỄN PHƯƠNG VIỆT

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *