Tình hình thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới

Theo kết quả rà soát chuyên ngành, hiện có 5 nhóm văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp các hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư, bao gồm: các văn bản pháp luật về xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa (Nghị định số 122/2018/ NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” và các văn bản liên quan); các văn bản về quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư (Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản liên quan); các văn bản về thực hiện nếp sống văn minh (Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và các văn bản liên quan); các văn bản về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và các văn bản liên quan; các văn bản về quản lý thiết chế văn bản cơ sở (Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030 và các văn bản liên quan).

Hệ thống các văn bản điều chỉnh lĩnh vực văn hóa nêu trên đã và đang được triển khai thực thi tại cộng đồng dân cư và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát huy tốt vai trò của văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, tạo môi trường ổn định, đoàn kết để phát triển kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới.

Tuy nhiên, tình hình thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, về quản lý các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, công tác quản lý hoạt động văn hóa tín ngưỡng còn chưa đi vào nề nếp, điển hình như có nơi, có lễ hội vẫn còn xuất hiện hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi. Các tệ nạn khác như đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, mê tín dị đoan, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ vàng mã vô tội vạ tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán công khai thịt động vật hoang dã, chèo kéo du khách hành hương…; việc thông báo hoạt động tín ngưỡng hằng năm còn chưa được thực hiện thường xuyên, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng còn hạn chế do có nhiều lễ hội.

Thứ hai, thực thi các quy định về các danh hiệu văn hóa, một số nơi có hiện tượng chạy theo thành tích, chưa chú trọng đến chất lượng trong việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Các tiêu chí: “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, có nơi thực hiện chưa nghiêm. Việc tổ chức đăng ký, bình xét, khen thưởng ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa kịp thời hoặc đã làm nhưng còn thiếu nghiêm túc, mang tính ước lệ như: không tổ chức đăng ký, số lượng người tham gia họp bình xét không đảm bảo theo quy định. Một số nơi chưa có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, chưa tạo được động lực hấp dẫn để thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thực hiện. Nguồn kinh phí khen thưởng cho các gia đình đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” còn hạn hẹp, từ đó chưa tạo động lực thúc đẩy động viên, cổ vũ công tác này. Ở nhiều nơi, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa cao, nhưng các biểu hiện tiêu cực, tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, tội phạm… không giảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hướng xấu đến thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, thực thi các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, hiện tượng thương mại hóa việc cưới, tổ chức đám cưới mời khách tràn lan, kéo dài nhiều ngày đã xuất hiện trở lại ở khu vực đô thị và trong cán bộ, công chức. Đặc biệt, xuất hiện những đám cưới khủng, siêu sang, linh đình, phô trương của một số quan chức và các đại gia mới giàu, thích chơi trội, gây bức xúc trong dư luận. Một số gia đình khi tổ chức cưới còn vi phạm hành lang an toàn giao thông như: dựng lán, bạt lấn chiếm lòng lề đường, mở loa đài quá giờ quy định với công suất quá lớn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình xung quanh. Hiện tượng mê tín trong xem ngày, giờ còn khá phổ biến, thậm chí nhiều gia đình còn tổ chức rước dâu hai đến ba lần, gây tốn kém, lãng phí. Một số nơi, nhất là vùng nông thôn, nông nghiệp chưa coi trọng việc thực hiện nếp sống văn minh, còn uống nhiều rượu, bày thuốc lá mời khách; có nơi vẫn còn duy trì tập tục cổ hủ, mặc dù đời sống kinh tế không còn quá khó khăn như trước đây. Hiện tượng rải vàng mã trên đường đưa tang gây mất an toàn cho người tham gia giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Thứ tư, thực thi các quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong tự quản cộng đồng thôn, làng. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc. Thực tế vẫn còn tình trạng hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật. Việc thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước của một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng, có tình trạng thẩm định, phê duyệt không đúng thẩm quyền hoặc bỏ qua khâu này mà thực hiện ngay hương ước, quy ước. Hương ước, quy ước ở một số địa phương còn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao mặc dù nội dung hương ước, quy ước đã khá đầy đủ và rõ ràng.

Thứ năm, thực thi các quy định về quản lý các thiết chế văn hóa, một số địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng, có nơi còn tình trạng dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác. Cơ sở vật chất trung tâm văn hóa cấp tỉnh cũ kỹ, xuống cấp chưa được nâng cấp kịp thời, không đủ sức mạnh để thu hút người dân tham gia. Việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức làm việc tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu. Khi tham mưu xây dựng quy hoạch triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trình Thủ tướng Chính phủ các Thông tư về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc khi địa phương triển khai thực hiện phát sinh những tình huống cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp như: điều chỉnh tiêu chí về quy hoạch đất và quy mô xây dựng của trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn ở vùng miền núi và đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế. Ở các xã vùng cao, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, khi xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn về diện tích đất quy hoạch và quy mô xây dựng các công trình văn hóa, thể thao đáp ứng theo yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động, do trong khu công nghiệp, khu chế xuất không còn quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân. Một số nhà văn hóa lao động được chuyển đổi địa điểm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặc dù tỉnh đã đền bù xây dựng nhà văn hóa lao động ở vị trí khác nhưng vị trí mới cách xa trung tâm, khu dân cư, xa khu công nghiệp, không thuận tiện về giao thông nên khó hoạt động, khó thu hút công nhân lao động và nhân dân đến sinh hoạt.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên trong thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới, trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp tăng cường thực thi: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư; hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao thực thi pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới; tăng cường nguồn nhân lực thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí và của người dân đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tác giả: Vụ Pháp chế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *