Tình quân dân trong tác phẩm giặc đốt làng tôi

Tình quân dân là một trong những đề tài được nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam quan tâm khai thác, đặc biệt là các họa sĩ trong thời kháng chiến, những người có lý tưởng lớn lao, có tinh thần dân tộc sâu sắc. Với bức tranh Giặc đốt làng tôi, Nguyễn Sáng đã gây chấn động vì tính chất bi hùng của tác phẩm. Bức tranh thể hiện cuộc gặp gỡ giữa đoàn quân tham gia chiến dịch với những người dân chạy giặc, một khoảnh khắc dù ngắn ngủi nhưng họa sĩ đã lột tả được toàn bộ hiện thực cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.


Trải qua hai cuộc trường chinh của dân tộc, đã có không biết bao nhiêu câu chuyện về tình quân dân được thể hiện thông qua những tác phẩm hội họa. Trong đó không thể không kể đến Bát nước của Sĩ Ngọc, Tiếng đàn bầu của Sĩ Tốt, Con đọc bầm nghe của Trần Văn Cẩn, Gặp gỡ của Mai Văn Hiến… và đặc biệt tác phẩm Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng, một trong những bức tranh tiêu biểu làm nên tên tuổi lừng lẫy của ông. Họa sĩ Nguyễn Sáng được đào tạo bài bản theo chương trình của hội họa phương Tây nhưng ông đã thể hiện rất rõ quan niệm tạo hình, quan niệm thẩm mỹ của người Việt trong các tác phẩm của mình, đặc biệt với tác phẩm Giặc đốt làng tôi.

Nguyễn Sáng (1923 – 1988) là một trong những tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sinh ra tại Mỹ Tho, sau khi học xong Trường Mỹ thuật Gia Định, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và học khóa 1941 – 1945. Với quan điểm “có tổ quốc mới có nghệ thuật, mất nước, mất tự do là mất tất cả”, cùng tinh thần của tuổi trẻ đầy khát khao cháy bỏng phục vụ tổ quốc, ông đã tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, chiến khu Việt Bắc và sáng tác rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông được biết đến là một người gai góc, sống bộc trực và chân thành. Đối với nghệ thuật, quan điểm của Nguyễn Sáng cũng rất rõ ràng. Ông từng nói: “Nếu không vì nghệ thuật, rải tiền đầy đường tôi cũng dẫm lên mà đi. Nếu còn vì nghệ thuật, tôi sẵn sàng kiếm từng đồng xu để sống”. Nguyễn Sáng là một trong những người đầu tiên vẽ tem và tiền giấy của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Sáng đã để lại rất nhiều báu vật cho thế hệ sau, trong số đó phải kể đến Giặc đốt làng tôi, Thanh niên thành đồng, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Nghỉ trưa… Thành quả công tác của ông được khẳng định bởi Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Là một họa sĩ tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Nguyễn Sáng trực tiếp tham gia và tận mắt thấy, tai nghe những câu chuyện về người chiến sĩ vệ quốc, về những người dân công tham gia góp sức và ông cũng thấu hiểu sức mạnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc kiên cường đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược không phải do sức mạnh vũ khí mà nhờ sức mạnh của một truyền thống yêu độc lập, hòa bình được hun đúc qua hàng nghìn năm. Thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ và cả đế quốc Mỹ sau này có lẽ cũng không thể lý giải được tại sao trứng lại có thể chọi với đá, nhưng người Việt, mỗi chúng ta đều biết quân đội ta từ nhân dân mà ra, được nhân dân che chở yêu thương và dân ta cũng được anh bộ đội cụ Hồ sẵn sàng không tiếc gì máu xương để chiến đấu và bảo vệ. Tình quân dân ấy được khắc sâu trong tim mỗi người dân Việt.


 Tranh: Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng 

Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Sáng đã vẽ tác phẩm Giặc đốt làng tôi (1954) bằng chất liệu sơn dầu, đây cũng là thời kỳ sung mãn nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nội dung bức tranh cùng với tiêu đề Giặc đốt làng tôi như một lời tố cáo sự bạo tàn của kẻ thù. Làng tôi, đại từ nhân xưng mà tác giả dùng, là đại diện cho hàng ngàn làng bản đang ngập trong khói lửa, bao nhiêu người dân đang chịu cảnh bom đạn bỏ nhà cửa, quê hương đi lánh nạn, lê bước trong cảnh đói khổ đau thương. Giặc đốt làng tôi, lời tố cáo ấy đã được gửi đến đúng chỗ, gửi đến nơi họ tin tưởng nhất, anh bộ đội cụ Hồ. Hình ảnh những người chiến sĩ đang thần tốc chân đạp núi rừng, lòng đầy căm phẫn sẵn sàng hy sinh gian khổ, không tiếc máu xương để bảo vệ đồng bào của mình.

Cùng đề tài về tình quân dân, Nguyễn Sáng cũng đã từng vẽ tác phẩm sơn mài lộng lẫy Nghỉ trưa, khi những kỷ niệm ở rừng thời trai trẻ trở về. Nghỉ trưa như một bức tranh hiện thực thần thoại, tả cảnh, tả tình giữa dân công và bộ đội bên cánh rừng có nắng vàng rực rỡ, lùm tre đổ bóng xuống núi rừng Việt Bắc mộng mơ. Dáng những anh lính nằm ngủ, đứng ngồi hay vui đùa đều rất sinh động. Phút giờ yên tĩnh với màu xanh ngọc trong suốt, kỳ ảo mà theo lời Nguyễn Sáng, ông dùng cả thuốc ký ninh vàng chống sốt rét pha chế vào, làm cho màu sắc bức tranh sơn mài thêm đậm âm hưởng cổ tích. Tuy nhiên, với đề tài này, đến Giặc đốt làng tôi, với bút pháp hiện thực đã tạo một dấu ấn đặc biệt đáng nhớ. Bức tranh thể hiện sự kiện gặp gỡ của hai tuyến nhân vật đi ngược chiều; một bên là bà con người Thái bỏ buôn làng chạy giặc và một bên là đoàn quân đang thần tốc hướng về chiến trường. Ở trung tâm bức tranh là điểm nhấn chính cho nội dung của tác phẩm, người phụ nữ đang kể tội ác tàn bạo của giặc khiến dân làng phải bỏ đi lánh nạn với vẻ mặt vừa chứa đựng hận thù, một tay giữ đứa con, một tay chỉ về nơi đang xảy ra bạo tàn. Đối diện với người phụ nữ là hình ảnh anh bộ đội đang hỏi han, lắng nghe, lộ rõ sự căm phẫn trên khuôn mặt. Họa sĩ đã miêu tả cả hai nhân vật chính một cách hiện thực song vẫn đầy tính khái quát, cho thấy được bối cảnh chung của đất nước khi đó. Tâm trạng căm phẫn còn được thể hiện qua thế đứng, động tác tay nắm chắc tay súng đầy giận dữ. Bên cạnh là hình ảnh con ngựa lồng lên hành động. Hỗ trợ cho hình ảnh trung tâm là khuôn mặt bà cụ buồn bã, em gái bước đi vội vã, nét mặt buồn vô định của cậu bé phía góc tranh ngoái đầu ngơ ngác, ngây thơ nhưng cũng đủ nói lên cuộc sống cơ cực đói rách, thân hình gầy gò. Đó là sự thật của hiện tại. Họa sĩ đã khéo léo thể hiện nhân vật đứa con thơ của người phụ nữ ngồi trên lưng mẹ vẫn đang được che chở dù hoàn cảnh đang vô cùng khốc liệt. Đây cũng có lẽ là một biểu tượng của tương lai với những hứa hẹn của ngày mai tươi sáng. Phía sau đoàn quân vẫn tiến bước như thúc giục cần hành động ngay vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Phía xa hơn là không gian miền núi rừng nơi đang diễn ra chiến dịch trường kỳ gian khổ.

Bố cục tranh chặt chẽ, các nhân vật dù chuyển động theo hai hướng đối lập, song lại như hòa quyện vào nhau. Khoảng đặc dồn dập với những mảng hình chen chúc tương phản với khoảng trống có chủ ý được sắp xếp hết sức tài tình, mở ra khoảng đất quê hương trống trải tạo sự liên tưởng và suy ngẫm đối với người thưởng thức. Gam màu chủ đạo nhuộm sắc chàm trầm hùng mang hơi thở vùng cao Tây Bắc. Nét bút khoáng đạt, lướt dài, xao xác làm cho không khí càng thêm thúc giục.

Cùng đề tài và có một phần tương đồng về cách chọn hướng cho các nhân vật, khiến người xem liên tưởng đến ngay tác phẩm Gặp gỡ của Mai Văn Hiến. Tác phẩm cũng có bố cục đông người nhưng hoạt động náo nhiệt, nét mặt tươi tỉnh, vui vẻ. Gặp gỡ kể về cuộc gặp tình cờ giữa một chiến sĩ súng quàng vai, ba lô, bao đạn quấn quanh người và một cô gái dân công tiếp tế đạn dược cho chiến trường, quang gánh còn ở trên vai. Họ là người làng của nhau, bất chợt họ gặp nhau trên một bãi nghỉ chuyển quân. Trong cái không khí nhộn nhịp này, họ nhận ra nhau vội vàng, hối hả. Những cử chỉ của anh chiến sĩ, cô dân công cho chúng ta thấy trong sự vội vàng, cả hai vẫn bộc lộ rõ sự cảm động, sung sướng và đôi chút ngượng nghịu của cả hai khi gặp nhau ở chỗ đông người. Bạn của chàng trai, cô gái đều hướng về họ, nụ cười tủm tỉm trên những đôi môi chiến sĩ, bạn gái thì có cái nhìn vẻ tế nhị, cảm thông. Ta còn thấy cái vội vàng của đôi bạn khi nhận ra nhau trên đường hành quân vội vàng, chốc lát ở cử chỉ, dáng điệu, động tác. Cái giỏi của Mai Văn Hiến là tài quan sát, cộng thêm tình cảm sâu nặng, hóm hỉnh, đầy ắp tình người. Qua nhiều năm tháng, Gặp gỡ vẫn là một tác phẩm ấn tượng nhất trong các sáng tác của Mai Văn Hiến. Cùng với không khí dịu dàng, ngọt ngào về tình quân dân trong khuynh hướng này còn phải kể đến Nguyễn Sỹ Tốt với tác phẩm bột màu Đan mũ, vẽ năm 1966.

Còn rất nhiều những tác phẩm cùng thời với Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng, mỗi tác giả có những góc nhìn khác nhau về tình cảm quân dân trong thời chiến. Nếu như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Sỹ Ngọc chọn hình ảnh yên bình, quấn quýt, gần gũi thì họa sĩ Nguyễn Sáng lại thể hiện với một sự kiện lớn hơn, kịch tính hơn và mang tư tưởng lớn lao để phản ánh bao quát về tình quân dân trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh vệ quốc, một trong những tình cảm thiêng liêng làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh khiến quân và dân ta đánh thắng mọi kẻ thù hung tàn. Họa sĩ Nguyễn Sáng đã khái quát được một hình ảnh đẹp, vừa phản ánh rõ ràng về tính chất của cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại thực dân Pháp vừa bày tỏ được sự gắn bó keo sơn như cá với nước của tình quân dân, một biểu tượng đẹp của truyền thống dân tộc. Tác phẩm không chỉ cho thấy tài năng của họa sĩ dưới góc độ xử lý tạo hình mà còn cho thấy tư tưởng lớn lao, tinh thần dân tộc sâu sắc của ông đối với cách mạng, đối với nhân dân. Giặc đốt làng tôi đã gây được tiếng vang lớn khi mới ra đời, trở thành một tác phẩm đẹp trong lòng công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Sức sống của tác phẩm sẽ còn vang mãi, là một giá trị đẹp cùng với tấm gương sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho cách mạng, cho nhân dân của Nguyễn Sáng. Cuộc đời và sự sáng tạo nghệ thuật của ông giúp cho thế hệ sau soi chiếu vào con đường sáng tác nghệ thuật của chính họ.

Qua hai cuộc kháng chiến, Nguyễn Sáng đều có những tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tác phẩm một thời để nhớ, để yêu kể trên vẫn là dấu son chói lói của tuổi thanh xuân kỳ diệu, bản anh hùng ca lãng mạn mà không phải họa sĩ cùng thời nào cũng vẽ được. Những khám phá trong xử lý chất liệu sơn dầu, sơn mài, nhưng trên hết là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ với chủ đề xã hội rộng lớn, khó khăn mà ông thể hiện nhuần nhuyễn trong tác phẩm vang dội của mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN XUÂN TẤM

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *