Toàn cầu hóa và việc bảo tồn văn hóa truyền thống


         1. Toàn cầu hóa kinh tế

Toàn cầu hóa kinh tế (TCHKT) là xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội. Theo quan niệm chung, TCHKT là sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng lên giữa các nước trên toàn thế giới. Điều đó là do tăng nhanh khối lượng và sự đa dạng của những chuyển dịch có tính xuyên biên giới về hàng hóa dịch vụ, các luồng vốn quốc tế cũng như sự phổ biến công nghệ ngày càng rộng rãi)(1).

Các tổ chức kinh toàn cầu cũng như các quốc gia hiện nay đang chuyển dịch và gắn kết với nhau thành một hệ thống kinh tế hoàn chỉnh. Chất liệu để gắn kết họ với nhau là thông tin với công nghệ lưu truyền thông tin ngày càng phát triển.

Theo OCDE (Trung tâm phát triển thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) thì nhân loại đã trải qua 3 đợt TCHKT.

TCHKT lần thứ nhất diễn ra trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đặc trưng của nó là sự phát triển mạnh mẽ trao đổi mậu dịch quốc tế, sự di cư có tính liên lục địa và hình hành phương pháp sản xuất theo dây chuyền – phương pháp Taylo. Đây là phương pháp tổ chức sản xuất có tính khoa học. Tuy nhiên sự dịch chuyển mậu dịch hàng hóa, các luồng vốn đầu tư quốc tế còn ít và chậm chạp.

TCHKT lần thứ hai xuất hiện vào cuối thập kỷ 50 TK XX. TCHKT lần này đã có Trung tâm điều hành kinh tế và chính trị thế giới TBCN, đó là Hoa Kỳ – một cường quốc kinh tế quốc phòng và công nghệ. Phương pháp sản xuất Taylo từ Hoa Kỳ đã phổ biến lan tỏa gần như khắp hành tinh. Kết quả của TCHKT lần này đã mang lại những thành tựu về năng suất lao động và phát triển thông tin hiện đại. Tuy nhiên TCHKT lần thứ hai cũng có những hạn chế, như phương pháp sản xuất Taylo với mặt trái của nó đã gây ra sự trì trệ trong tốc độ đổi mới công nghệ, tính khu biệt, cục bộ giữa hai hệ thống kinh tế TBCN và XHCN. Chính sự khu biệt này đã tạo ra sự khác biệt về ý thức hệ, làm suy yếu sự phát triển nền kinh tế thế giới và ý nghĩa TCHKT cũng chưa trọn vẹn.

TCHKT lần thứ ba xuất hiện từ thập niên 80 TK XX đến nay, được thúc đẩy và phát triển bởi 6 tác nhân chính có quan hệ phụ thuộc, qua lại với nhau. Đó là giải điều tiết, công nghệ cao, toàn cầu hóa thị trường tài chính, sự thay đổi quan niệm và tư duy trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, động lực cạnh tranh mới nhằm chi phối thị trường và bùng nổ cách mạng thông tin số hóa.

Giám đốc điều phối OCDE Charles Oman nhận định về TCHKT lần thứ ba như sau:

Có sự gia tặng mạnh mẽ việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giữa các nước thuộc khối OCDE, bao gồm cả việc gia tăng, hợp tác liên kết sản xuất – thương mại giữa các nước trên thế giới, đặc biệt vào giữa thập niên 90 TK XX. Các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới ra đời bằng việc mua, sáp nhập hay thôn tính các công ty, doanh nghiệp khác. Điều này đã mang lại lợi thế rất lớn về kinh tế: Ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hàng hóa phong phú có chất lượng cao và đổi mới liên tục. Hòa nhập thị trường, giảm đối thủ cạnh tranh mà tăng liên kết, hợp tác, tạo ra chất lượng lao động mới do giảm việc làm và chi phí biến đổi của việc thay đổi cơ cấu tổ chức.

Do có công cụ truyền dẫn số liệu mà thông tin được thu nhận kịp thời để thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa thị trường (không chỉ là thị trường tài chính mà còn là khoa học công nghệ, sức lao động…).

Sự xâm nhập lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế quốc gia. Số lượng các tác nhân kinh tế tăng mạnh đã tác động làm biến đổi nền kinh tế các nước.

Khối lượng trao đổi và luân chuyển vốn tăng mạnh về lượng và phương thức luân chuyển.

Phổ biến nhanh chóng các mối liên minh chiến lược giữa các công ty và doanh nghiệp trong sản xuất và hoạt động marketing.

Rõ ràng TCHKT ngày nay có sức mạnh lớn lao, ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn bộ hoạt động của loài người trên thế giới, trong đó đặc biệt là văn hóa.

2. Sự tác động của TCHKT tới văn hóa

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế đương đại vừa là tác nhân quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển, đồng thời vừa là nguy cơ đối với việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các quốc gia trên thế giới. Những biến đổi kinh tế là một quá trình nhiều mặt có liên quan với nhau, trong đó sự tăng trưởng kinh tế xét đến cùng, có liên hệ chặt chẽ tới những thay đổi của các yếu tố văn hóa.

TCHKT là tác nhân quan trọng để phát triển văn hóa.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thế giới đương đại, đã hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là yếu tố quyết định việc tạo ra sản phẩm hàng hóa văn hóa đa dạng, phong phú và các công cụ, phương tiện thưởng thức giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa nghe nhìn, đọc.

Toàn cầu hóa làm phát triển tự do hóa trao đổi văn hóa và các dịch vụ văn hóa (mở rộng thị trường văn hóa). Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chuyển tải những giá trị văn hóa trong đó phản ánh những sáng tạo của cá nhân hay cộng đồng dân tộc được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng để giao lưu, phát triển nền văn hóa tiên tiến cho các quốc gia chậm phát triển, đồng thời tạo điều kiện kết giao thân thiện, gần gũi giữa các nước và là động lực để phát triển các lĩnh vực hoạt động khác của mỗi quốc gia.

Mahatma Gandhi, lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, danh nhân văn hóa thế giới đã nói: “Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị ngăn cách bốn bề và tôi không muốn cửa sổ nhà tôi bị bịt kín. Tôi muốn các nền văn hóa trên mọi miền đất nước của thế giới thoải mái thổi qua căn nhà tôi. Nhưng tôi từ chối không để cho bất cứ cái gì thổi bay tôi đi”(2). Lời tuyên bố trên thể hiện sự khát khao giao lưu văn hóa với các cộng đồng và quốc gia trên thế giới, song cũng là lời khẳng định cái tôi, cái dân tộc riêng biệt mang tính bản sắc của mỗi quốc gia cần phải được giữ gìn và bảo tồn, phát triển theo phong cách của mình.

Toàn cầu hóa là nguyên nhân cơ bản để phát triển và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Vì thế con người có khả năng tiếp biến văn hóa và sáng tạo văn hóa nhằm phát huy những giá trị truyền thống đã được tích lũy trong lịch sử, và không ngừng phát triển những giá trị văn hóa hiện đại của dân tộc và thế giới. Điều này có tác động đến việc”… chống lạc hậu, lỗi thời, phong kiến, những tập tục xấu, lề lối cũ…” được nhấn mạnh trong nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa. Việc nỗ lực để khắc phục chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phát huy chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, tích cực, làm cho nó trở thành tình cảm thoáng đạt, tinh thần bác ái thương yêu và học hỏi lẫn nhau là mục tiêu của toàn cầu hóa.

Những mặt trái của TCHKT đối với văn hóa

Tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ và khoảng cách lớn lao giữa các tầng lớp người giầu và người nghèo; giữa thành thị và nông thôn; giữa đồng bằng và miền núi. Kinh tế toàn cầu đã tạo cơ hội cho cá nhân nhóm người có năng lực và sinh sống trong môi trường thuận lợi phát triển nhanh chóng. Họ trở thành những người có vị thế và nắm giữ một khối lượng lớn giá trị kinh tế của quốc gia cũng như được thưởng thức những giá trị văn hóa của quốc gia và thế giới. Trong khi đó số đông người lại không có được điều kiện như vậy, đời sống vật chất và tinh thần khó khăn, chật vật. Nhu cầu văn hóa của lớp người này thấp kém đời sống nghèo nàn và lạc hậu.

Tạo ra sự xung đột giữa văn hóa ngoại quốc và văn hóa quốc gia. Trên thực tế hiện nay văn hóa ngoại quốc có sức hấp dẫn và thu hút rất mạnh bởi tính mới lạ, tính hiện đại của nó. Chính yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu của công chúng về văn hóa thế giới trên mọi loại hình văn hóa nghe, nhìn, đọc và các hành vi khác. Tư tưởng “sính ngoại”, “mode” và “sành điệu” đã và đang ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống của một bộ phận lớn người trong xã hội. Vì thế mà các thế lực, các quốc gia đã lợi dụng cơ hội TCHKT để tuyên truyền về chế độ xã hội, quan niệm về giá trị và lối sống của họ, làm ảnh hưởng tới định hướng giáo dục của chúng ta.

Tạo ra sự xung đột giữa văn hóa hiện đại và văn hóa truyền thống của dân tộc. David Pearle Snyder, biên tập viên tờ The Futurist (Hoa Kỳ) cho rằng: “Hiện đại hóa văn hóa sẽ tiếp tục tấn công các nền văn hóa truyền thống của thế giới, khuấy động những bất ổn về chính trị, căng thẳng về tâm lý và xung đột xã hội khắp nơi”.

Phải thừa nhận rằng, do sự phát triển của kinh tế, khoa học, công nghệ, các nước phương Tây đã có khả năng tạo ra các sản phẩm văn hóa siêu hiện đại có giá trị thưởng thức và giá trị trí tuệ cao, hấp dẫn và thú vị. Các sản phẩm văn hóa này đã chiếm vị trí lớn trên thị trường thế giới, nó xâm nhập vào tất cả các quốc gia làm cho các sản phẩm truyền thống bị xem là “lạc hậu”, “không tiện lợi”, giá trị thẩm mỹ và giá trị trao đổi thấp. Vì thế mà không ít các ngành nghề truyền thống, văn hóa nghệ thuật truyền thống đã phải điêu đứng hoặc mất hẳn.

Mặt khác, văn hóa hiện đại xâm nhập vào đã làm cho các quan niệm về lối sống, phong cách và hành vi đạo dức của bộ phận không nhỏ người trong xã hội có sự xuống cấp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Những quan niệm cổ truyền có xu hướng bị lãng quên, những chuẩn mực và hành vi đạo đức xã hội đã có sự thay đổi. Đây là nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội, làm nhức nhối và là sự cản trở việc chúng ta thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong bối cảnh TCH

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa đã trở thành hàng hóa (ở cả mặt vật thể và phi vật thể). Tuy nhiên hàng hóa văn hóa không thể chỉ được đối xử như các hàng hóa thông thường mà phải có ngoại lệ. Điều này đã được thể hiện rõ trong Công ước về bảo tồn và phát triển đa dạng văn hóa của UNESCO. Bài học từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi ký hiệp định mậu dịch tự do với Mỹ, họ đã giữ được những ngoại lệ cho một số lĩnh vực văn hóa ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… Việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ bản sắc của dân tộc. Phát triển văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, TCHKT nhưng không để cho dân tộc bị chìm ngập trong hình ảnh của dân tộc khác. Đồng thời không để cho các nguyên tắc thị trường, tự do hóa thị trường xảy ra đối với văn hóa. Vì thế mỗi quốc gia cần có chính sách văn hóa đầy đủ, phù hợp, nhằm hỗ trợ văn hóa trên mọi góc cạnh.

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được quan tâm đặc biệt. Trong đó, nổi bật là những chính sách, sự nỗ lực để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài và giữ gìn bản sắc của các dân tộc thiểu số trước sự lấn át của các dân tộc đa số.

Tất cả đều thể hiện quan điểm, định hướng rõ về văn hóa và khuyến khích việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, như:

Đầu tư để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, có công lao bảo tồn và giữ gìn cũng như truyền dạy nghề mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

Tập trung để khai thác và hỗ trợ phát triển văn hóa ở các vùng dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa của đất nước nhằm làm cho mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền được hưởng thụ văn hóa, sáng tạo văn hóa và có trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy sử dụng các di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh của đất nước.

Có những chính sách để phát triển các sản phẩm truyền thống, giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống thông qua việc cấp kinh phí và các chế độ khuyến khích khác.

Với sự định hướng và quan tâm cụ thể của Nhà nước, trong bối cảnh TCHKT hiện nay, về cơ bản chúng ta đã tiếp thu được giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới để làm giàu cho nền văn hóa đất nước và bảo tồn, phát huy được văn hóa truyền thống nước nhà.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế đã có ảnh hưởng tới văn hóa không chỉ ở mặt tích cực mà còn có mặt tiêu cực. Ở đâu đó, dưới khía cạnh nào đó chúng ta vẫn chưa hài lòng về việc ứng xử với văn hóa truyền thống. Song trong quá trình phát triển đi đến hoàn thiện thì văn hóa là lĩnh vực nhạy cảm nhất, bị tác động mạnh nhất, nên những điều đang diễn ra âu cũng là lẽ thường tình. Muốn giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều, mà phải có quá trình với những biện pháp đồng bộ nhưng hợp lý. Trong đó, cần coi trọng đặc biệt giáo dục ý thức, trách nhiệm cho mỗi người dân và cần nghiên cứu kỹ hơn để có chính sách đầu tư cho văn hóa, có biện pháp quản lý văn hóa hữu hiệu.

_______________

1. Thông tin số hóa, Viện Thông tin Khoa học xã hội xb, Hà Nội, 2001. tr.113.

           2. Nguyễn Văn Dân, Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện Thông tin Khoa học xã hội xb, Hà Nội, 2006, tr.125.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Phạm Thị Thanh Tâm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *