Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa)


So với các dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đơn giản hơn nhiều, song cũng có rất nhiều nét rất đặc trưng.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường hội tụ tất cả sự khéo léo của người con gái Mường, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, thêu thùa và dệt thổ cẩm. Qua trang phục truyền thống nữ dân tộc Mường, có thể thấy được vẻ đẹp duyên dáng mà thầm kín của người phụ nữ, cùng những giá trị văn hóa – lịch sử của đất và người Ngọc Lặc.

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường Ngọc Lặc gồm: áo (áo ngắn, áo dài), váy, thắt lưng, khăn đội đầu (khăn thùa). Đi kèm là bộ trang sức gồm có: hoa tai, vòng cổ, trâm cài đầu, quai nón, vòng tay, dây vắt (còn gọi là bộ xà tích). Riêng áo của phụ nữ Mường có nhiều loại (áo ngắn, áo chùng, áo khoác). Loại áo ngắn hay còn gọi là áo khóm, khi mặc vừa chấm eo, áo có thể dùng một hoặc 2, 3 màu vải (vải thân, tay, viền cổ) và thường là những gam màu nhẹ như: xanh lam, hồng, trắng, xanh lơ, màu vàng, màu nâu non… Áo chùng thì dài chấm gót và thường mặc trong lễ hội, ngày cưới. Áo khoác dài là loại áo chùng dài để khoác mùa đông khi trời lạnh, áo khoác mùa đông không điểm hoa văn cầu kỳ như áo chùng dùng trong ngày cưới và lễ hội. Áo chùng và áo khoác mùa đông đều là áo thả buông không có cúc, tạo nên sự mềm mại và duyên dáng của người phụ nữ Mường.

Váy của phụ nữ Mường nhìn chung rất giống nhau giữa các vùng Mường. Đó là đầu váy, thân váy và cạp váy. Trong đó, đầu váy là chi tiết cực kỳ quan trọng bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo của người dệt. Đầu váy được tạo nên bởi các họa tiết hoa văn rất tinh xảo không bị lệ thuộc vào các mẫu có sẵn mà do ý tưởng của người dệt. Các hoa văn trên đầu váy chủ yếu được thêu hình long, phượng và các khối hình khác nhưng nổi bật và mang tính phổ biến của sự ảnh hưởng văn hóa trên mặt trống đồng Đông Sơn. Thân váy bao gồm: păng, xép (thân váy có 2 xép, 1 păng) và gấu váy (gấu váy thường là miếng vải đỏ may phía trong chân váy). Cạp váy là phần từ hông trở lên, bao gồm những màu sắc hoa văn rực rỡ, gồm có các dải hoa văn được nối với nhau như: buôn, đang, lai (lai là phần nối tiếp thân váy).  Phần dây lưng (còn gọi tênh), là tấm vải lụa tơ tằm nhuộm màu xanh lá mạ, dài bằng hoặc hơn sải tay khi đã nối hai đầu lại. Tênh khi thắt vào đồng bộ cùng dây vắt làm cho sự duyên dáng của thiếu nữ Mường được nhân lên gấp bội. Thắt lưng để tua ngắn hay dài còn là sở thích của mỗi người. Qua bộ trang phục truyền thống xưa kia, cũng thể hiện rõ gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường.

Đặc biệt, trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường, chiếc khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng. Phần khăn đội đầu của phụ nữ Mường giống nhau và đều có thêu thùa hoa văn hình học ở hai đầu. Khăn có màu đen, hai đầu khăn được dệt màu xanh đỏ. Tùy từng vùng, từng công việc mà chít (thắt) khăn hay đội khăn (vấn khăn). Khăn không chỉ để che đầu khi mưa nắng, làm ấm khi giá lạnh, mà khăn còn là trang sức tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Mường.

Riêng đối với thiếu nữ Mường, bộ dây vắt (còn gọi là bộ xà tích) đi cùng bộ trang phục với 4 dây hoặc 8 dây bạc tết thành dây 4 cạnh dài hơn 1 thước tay, 2 đầu được móc vào 2 con bướm bạc, 1 đầu buộc vào dây thắt lưng, 1 đầu được buộc thêm ống đào, ống vôi, quả mây bạc với nanh hổ, móng hổ, dao nhíp… Bộ dây vắt vừa là trang sức, đồng thời nó cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Mường. Tất cả những đồ trang sức đều làm bằng bạc, từ dây vắt, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, trâm, xà tích, quai nón… Bộ trang sức này còn được coi là bùa hộ mệnh của mỗi người.

Ngày nay, nhờ sự đa dạng về chất liệu dệt, bộ trang phục dân tộc Mường cũng được sáng tạo may gọn nhẹ, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc bộ. Trong xu thế có quá nhiều sự lựa chọn trang phục thời trang như hiện nay, đa phần phụ nữ Mường ở Ngọc Lặc vẫn lưu giữ trang phục truyền thống, luôn chuẩn bị cho mình ít nhất một bộ để mặc trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *