Tranh in thạch bản và sự ra đời của áp – phích thế kỷ XIX


Kỹ thuật in thạch bản, ra đời cuối TK
XVIII, được coi là phương tiện phát minh
đồ họa hiệu quả cho nhiều nghệ sĩ vĩ đại
nhất ở giai đoạn này. Trên con đường
hoàn thiện kỹ thuật, in thạch bản không
chỉ đảm nhiệm chức năng lưu giữ, thưởng
ngoạn, mà còn kích thích thị hiếu người
tiêu dùng, mở rộng những chức năng
khác của nghệ thuật nhờ sự ra đời của
loại hình áp phích (affiche/ poster) trước
khi bước sang TK XX sôi động. Phần lớn
các họa sĩ tiên phong của nghệ thuật hiện
đại đều sử dụng in thạch bản để sáng tác
và lưu giữ dấu ấn sáng tạo cá nhân.

Lịch sử tranh in đã chứng kiến sự dịch chuyển kỹ thuật in khắc gỗ từ phương Đông sang phương Tây, từ bản in Kinh Kim Cương sử dụng phương pháp in thủ công (TK IX, Trung Quốc) đến bản Gutenberg Bible do Johannes Gutenberg (1395-1468) sử dụng phương pháp in máy (TK XV, Đức); tiếp theo đó là in khắc kim loại gồm tranh khắc kim loại sử dụng phương pháp khắc nguội, khắc nóng (từ giữa TK XV, châu Âu) đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển tranh in.

Được phát minh bởi nhà viết kịch người Đức Alois Senefelder (1771-1834) tại Munich vào năm 1796, phương pháp in thạch bản ra đời, đến đầu TK XIX đã nhanh chóng phổ biến ở châu Âu chủ yếu sử dụng để in áp phích, nhãn mác quảng cáo, tranh châm biếm, đồ họa sách… nhờ khả năng nhân bản và hiệu quả kinh tế từ kỹ thuật in này mang lại. Trong TK XIX, phương pháp in thạch bản, dù rất khó để đối sánh với các phương pháp in khắc gỗ và in kim loại ra đời từ nhiều thế kỷ trước, đã trở thành phương tiện sáng tác hữu ích cho các họa sĩ đương thời và là cơ sở phát triển các kỹ thuật in ấn hiện đại, trong đó có in offset (planography), một phương pháp in sách, báo, tạp chí, quảng cáo, tờ rơi và bản đồ thịnh hành từ những năm 50 TK XX. Đây cũng là giai đoạn nghệ thuật hiện đại ra đời và chứng kiến những cuộc cách mạng về phương tiện và kỹ thuật đồ họa tranh in.

Phương pháp in thạch bản

In thạch bản còn gọi là in đá, in litho hay lithography, là phương pháp sử dụng đá làm khuôn in dựa trên nguyên lý lực đẩy giữa dầu và nước để tạo bản in. In đá thuộc kỹ thuật in phẳng. Khi chế bản, phần tử in và phần tử không in nằm trên cùng một mặt phẳng, khác với kỹ thuật in nổi (in khắc gỗ) và in lõm (in khắc kim loại). Trong cuốn Từ điển Mỹ thuật phổ thông, có định nghĩa về nghệ thuật đồ họa tranh in như sau: “Đồ họa tạo hình bao gồm đồ họa giá vẽ và đồ họa ấn loát, trong đó, đồ họa ấn loát gồm các thể loại như tranh in lõm (tranh khắc kim loại, khắc mika), tranh in nổi (tranh khắc gỗ, khắc thạch cao, khắc cao su, bìa giấy), tranh in phẳng (in đá và các kỹ thuật phái sinh từ in đá), tranh in xuyên (in lưới, in trổ khuôn), tranh in độc bản” (1). Trên thực tế, định nghĩa về từng loại tranh in phụ thuộc vào kỹ thuật sử dụng hoặc chất liệu như tranh in thạch bản hay kỹ thuật in thạch bản, tức là lấy chất liệu để làm tên gọi cho phương pháp hoặc kỹ thuật in.

 In thạch bản “nằm giữa phương pháp in nổi của khắc gỗ và in chìm của kim loại, tranh in đá thuộc loại in bằng. Đó là một kỹ thuật in nền thấp mà phần được in và phần không được in gần như nằm trên cùng một mặt phẳng. Nền in là giấy. Bản khắc là một phiến đá mịn (cẩm thạch hay một loại đá vôi nào đó) có độ hút cao” (2). Phương pháp này có ưu điểm là thao tác vận hành đơn giản của chất liệu và kỹ thuật, nên dù tác giả không có kỹ năng in vẫn có thể thực hiện tác phẩm được. Bên cạnh đó, trong quá trình chế bản, nếu hình vẽ bị lỗi thì tác giả cũng dễ dàng chỉnh sửa, điều mà ở phương pháp in ấn khác không thực hiện được.

Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật đồ họa tranh in, kỹ thuật in đồ họa phát triển rất đa dạng gắn liền với lịch sử phát triển của chất liệu và công nghệ nhưng mỗi loại đều mang đến những hiệu quả thẩm mỹ riêng biệt, từ in khắc gỗ, in khắc kim loại, in đá, sau này là in offset, in lưới, in độc bản… Tranh in cho phép sao chép một bản mẫu thành nhiều bản. Trong nhiều thế kỷ, những phương pháp in này cũng là cách duy nhất để sao chép những tác phẩm nghệ thuật hai chiều, cho phép hình ảnh được lưu hành theo cách tương tự với các văn bản chữ viết.

Theo nguyên lý in thạch bản, dầu và nước luôn có xu hướng tách rời nhau và đẩy nhau. Trên khuôn in, phác hình bằng sáp gốc dầu hoặc chì dầu (không hút nước), rồi sử dụng hỗn hợp gôm arabic và axit phủ trên bề mặt. Lớp dung dịch này chỉ bám trên bề mặt không dính dầu. Trong quá trình in, nước bám vào bề mặt phủ gôm arabic và bị đẩy lùi vì bề mặt có dầu, trong khi mực dầu dùng để in thì ngược lại, axít được phủ lên để dầu thẩm thấu trên bề mặt đá. Khi dầu đã ngấm, tiếp tục phủ gôm arabic để keo bám vào những chỗ chưa có dầu và ngăn dầu không thấm loang. Trong quá trình in, nước bám vào chỗ phủ gôm arabic, mực dầu bám vào những chỗ còn lại, tuy nhiên giấy in cần được làm ẩm (hoặc ủ nước) trước khi in để bắt màu tốt hơn.

Năm 1816, 20 năm sau khi Alois Senefelder phát minh ra phương pháp in thạch bản với kỹ thuật in đen trắng, Godefroy Engelmann (1788-1839), học trò của họa sĩ Jean-Baptiste Regnault, đã lập viện in thạch bản tại Paris, tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật in thạch bản màu (còn được gọi là color lithography hoặc chromolithography). Tuy nhiên, phải đến năm 1837, kỹ thuật in thạch bản màu của Engelmann mới được cấp bằng sáng chế và phổ biến ở Pháp, sau đó là Đức, Anh, Hoa Kỳ. Đầu những năm 1890, kỹ thuật in thạch bản màu đã đạt được những thành công nhất định gắn liền với sự ra đời của áp phích. Về cơ bản, kỹ thuật in thạch bản màu và đen trắng giống nhau, chỉ khác ở điểm: in thạch bản màu cần sử dụng nhiều khuôn in, mỗi màu là một tấm đá. Để thực hiện bản in màu có hai cách: in màu bằng khuôn in hoặc tô màu bằng tay, vì vậy, tùy vào điều kiện và sở trường, họa sĩ có thể lựa chọn cách in riêng để thể hiện tác phẩm.

Truyền thông đại chúng, công nghệ và sự ra đời của áp phích

Trong suốt TK XIX, lịch sử phát triển của tranh in thạch bản cho thấy rằng, các thợ in và nghệ sĩ đã không ngừng thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật phù hợp với tiến bộ của khoa học và thị hiếu thẩm mỹ đương thời. So với kỹ thuật in khắc gỗ và in khắc kim loại, in thạch bản linh hoạt và dễ thực hiện hơn nên được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, do khuôn in bằng đá thường nặng, khó bảo quản, tốn kém và không uốn cong xung quanh trục quay nên khuôn in kẽm (litho kẽm) và khuôn in nhôm (litho nhôm) ra đời để làm nhẹ và tăng kích thước bản in. Năm 1843, máy in thạch bản do Richard March Hoe (1812-1886), một người Mỹ, phát minh đã góp phần tăng tốc độ 8.000 tờ/giờ và tăng quy mô bản in cho các nhà xuất bản, công ty in ấn và đại lý quảng cáo. Trên thực tế, quảng cáo có lịch sử phát triển riêng gắn liền với sự phát triển của báo chí và truyền thông mặc dù về bản chất, quảng cáo ở bất cứ thời kỳ nào cũng giống nhau, chỉ có hình thức là thay đổi gắn liền với sự phát triển của công nghệ và thẩm mỹ đại chúng.

Nguồn ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Paris

Trong bối cảnh xã hội đó, in thạch bản là phương tiện truyền thông và tiếp cận công chúng hiệu quả và nhanh nhất, trước khi tạp chí và các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Âu và Mỹ đầu TK XX. Những phát minh về kỹ thuật và hiệu quả của in thạch bản TK XIX đã tạo thành hạt nhân của sự thay đổi văn hóa trong lịch sử truyền thông. Các nghệ sĩ có thể sử dụng phương pháp in thạch bản để in tranh chân dung, tranh biếm họa, tranh phong cảnh, sao chép họa tiết, bản vẽ thiết kế trang phục, áp-phích, nhãn mác… và chứng kiến những thành quả lớn lao của các thể loại nghệ thuật.

Jules Chéret (1836-1932), họa sĩ đồ họa người Pháp, học in thạch bản ở London trong khoảng thời gian 1859-1866. Ông được biết đến như là họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực minh họa báo và áp-phích hiện đại khi sử dụng phương pháp in thạch bản 4 màu kết hợp với hình tượng phụ nữ và nghệ thuật trang trí. Những bản in áp-phích thạch bản màu đầu tiên của Jules Chéret được thực hiện tại Anh năm 1858, quảng cáo cho vở opéra nổi tiếng Orphée aux Enfers của nhà soạn nhạc Jacques Offenbach, không chỉ thể hiện sự nhạy bén về bố cục, cách thức sử dụng màu sắc mạnh mẽ kết hợp với sự chuyển động của hình tượng mà còn thể hiện mối quan hệ giữa văn bản và hình ảnh; chính xác hơn là sự hiện diện của nghệ thuật chữ (typography) trong tác phẩm. Mặc dù, nghệ thuật chữ đã trở thành một hình thức trang trí không thể thiếu trong các sách tôn giáo thời kỳ Trung cổ, nhưng sự phổ cập của chữ đối với một sản phẩm truyền thông đại chúng kết hợp với hình tượng phụ nữ gợi cảm, tự tin quảng cáo cho các vở opera, trình diễn tạp kỹ, đua ngựa và các sản phẩm nước hoa, xà phòng, rượu, mỹ phẩm… thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nghệ thuật. Hình thức nghệ thuật này của Jules Chéret đã có những ảnh hưởng lớn tới nhiều họa sĩ đương thời như Henri de Toulouse-Lautrec, Pierre Bonnard, Georges de Feure, Marc Chagall, Fernand Léger, Henri Matisse, Joan Miró, Pablo Picasso…

Năm 1881, Pháp thông qua luật mới về quyền tự do báo chí, trong đó, xác định các quyền tự do, trách nhiệm của các phương tiện truyền thông và khuôn khổ pháp lý cho các ấn phẩm quảng cáo. Việc được phép quảng bá các ấn phẩm thương mại trong cộng đồng và không gian công cộng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy áp phích phát triển, tạo tiền đề cho loại hình đồ họa ứng dụng mới ra đời và đạt được những thành tựu rực rỡ trong TK XX.

Nhu cầu thị trường luôn gắn với quảng cáo, áp phích thương mại, poster văn hóa và thương hiệu. Năm 1859, người Pháp thiết lập hệ thống chính trị thuộc địa tại Sài Gòn – Chợ Lớn và thiết lập một thành phố Sài Gòn mới. Họ đắp đường, đào kênh thông nước, lắp điện tín, xây dựng nhà thờ, thành lập nhà in… Đến năm 1864, Chợ Lớn tách khỏi Sài Gòn, trở thành trung tâm thương mại, Sài Gòn là trung tâm chính trị và văn hóa, được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, để quảng bá du lịch và sản phẩm thuộc địa ở Đông Dương.

Năm 1865, Gia Định báo, tờ báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ được xuất bản, Sài Gòn trở thành cái nôi của nền báo chí Việt Nam. Các sản phẩm áp phích quảng bá du lịch Đông Dương và đấu xảo quốc tế được ấn hành cùng với sự thịnh hành của báo chí. Báo chí là sản phẩm văn hóa giúp người Việt Nam tiếp cận với thông tin và những tiến bộ khoa học khác, trong đó có chữ quốc ngữ, nghề in, xuất bản và quảng cáo… Có lẽ đây cũng là lý do để người Pháp, ngay sau khi thiết lập hệ thống các trường dạy nghề đào tạo đội ngũ thợ thủ công có chuyên môn cho người bản xứ, đã chú trọng tới đội ngũ thợ in.

Thay lời kết

Từ nhiều thế kỷ, tranh in được tạo nên bằng phương pháp ấn loát một bản thảo, tác phẩm từ bề mặt này lên một bề mặt khác, nơi hình ảnh đó được hiện ngược lại với bản mẫu. Số lượng bản in được sao từ bản gốc nhiều hay ít phụ thuộc vào sự ấn định của người nghệ sĩ, thợ in, nhà xuất bản và tốc độ hao mòn của mỗi phương pháp in. In thạch bản, từ vai trò là chất liệu và kỹ thuật trong sáng tác nghệ thuật (hội họa) chuyển sang chức năng giúp định hình sản phẩm thương mại mang tính đại chúng ở thời điểm mà ngôn ngữ thiết kế đồ họa chưa định hình. Bằng phương pháp ấn loát, in thạch bản không chỉ bổ sung những kỹ thuật, phương tiện và chất liệu quan trọng trong lịch sử đồ họa tranh in mà còn đảm nhiệm một vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thiết kế đồ họa trong việc định danh một hình thức nghệ thuật mới giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX.                          

_______________

1. Đặng Bích Ngân (chủ biên), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.54.

2. Nguyễn Trân, Nghệ thuật đồ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1995.

Tài liệu tham khảo:

1. Bolton Brown, Lithograpy for artist – A complete account of how to grind, draw upon, etch, and print from the stone (In thạch bản dành cho nghệ sĩ: một tường trình đầy đủ về cách mài, vẽ, khắc và in), Redgrove Press, 2007.

2. Michael Levey, Lịch sử nghệ thuật phương Tây, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2008.

3. Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010

Tác giả: PGS, TS Hoàng Minh Phúc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *