Trào lưu nghệ thuật prepared guitar

Vào TK XX, nghệ thuật guitar đã có những bước phát triển lớn, đánh dấu một thời kỳ đầy sáng tạo trong cả sáng tác và biểu diễn. Với ngôn ngữ âm nhạc đa dạng, nhiều màu sắc, các khuynh hướng sáng tác cho guitar đương đại cũng như phong cách biểu diễn ấn tượng dần được định hình và phát huy. Prepared guitar là một trong những trào lưu đặc biệt của guitar đương đại, mang đến cho người sáng tác, người biểu diễn, người nghe những cung bậc đa dạng của âm thanh và giải phóng mọi giới hạn của tính năng nhạc cụ.

Việc thay đổi âm sắc của một nhạc cụ với sự bổ trợ của các vật dụng như bulông, ốc vít, cao su, giấy… là ý tưởng xuất phát từ nhạc sĩ John Cage (1912-1992). Khi đó, ông đã sáng tạo ra prepared piano, khai thác thêm các tính năng của piano, làm tăng mối liên hệ trực tiếp giữa phím đàn và dây đàn, phần nào thay đổi hệ thống dây đàn để tạo ra những hiệu quả nhất định của âm thanh (1). Hầu hết các vật dụng được gắn vào dây của đàn piano nên những nhạc cụ dây khác đều là đối tượng thuận lợi cho sự phát triển của trào lưu nghệ thuật này.

Tiếp thu một cách nhanh chóng từ trào lưu prepared piano, vào năm 1979 các nghệ sĩ guitar đã thể nghiệm bằng việc gắn, lắp các vật dụng vào dây đàn guitar làm thay đổi âm sắc. Từ một cây đàn guitar đơn giản, mộc mạc, các nghệ sĩ đã tạo ra những âm sắc và cao độ mới rất đa dạng, phong phú (2). Từ đó, nghệ thuật prepared guitar ra đời, trở thành một trào lưu nghệ thuật mới cho guitar vào cuối TK XX. Cho đến nay, nghệ thuật này đã được chắt lọc và những thủ pháp tiêu biểu nhất được giữ lại để tiếp tục phát triển.

Một vật dụng có thể được gắn vào dây đàn theo bốn cách cơ bản như: gắn vật dụng trực tiếp vào một dây đàn; mắc vật dụng trực tiếp vào hai, ba hay nhiều dây đàn; gắn vật dụng vào một phần của đàn và để nằm đối diện với dây theo chiều thẳng đứng; hoặc kẹp vật dụng vào giữa dây đàn và đầu cần đàn, ở vị trí phím đàn, ở phần lỗ thoát âm thùng đàn hay ở sát cầu đàn (3).

 Một số nguyên tắc cơ bản khi áp dụng prepared guitar

Độ cứng hay mềm của vật dụng gắn vào dây đàn sẽ làm thay đổi âm thanh được tạo ra. Những chất liệu cứng, rắn như kim loại, gỗ sẽ tạo nên những âm thanh cao, đanh và âm sắc sáng sủa. Còn những vật liệu mềm như vải, cao su sẽ tạo ra những âm thanh trầm, đục và âm sắc tối. Kích thước lớn nhỏ, dài ngắn của vật dụng sẽ ảnh hưởng đến cao độ và độ rung của dây đàn. Vật liệu càng to, dài thì cao độ càng giảm, độ rung dây đàn càng chậm và ngược lại.

Bên cạnh đó, cách kết nối lỏng hay chặt của vật dụng vào dây đàn cũng tạo ra những âm thanh khác nhau. Vị trí gắn vật dụng trên dây đàn không những ảnh hưởng đến âm sắc mà còn đến cách gảy dây đàn. Một vật dụng được gắn ở gần cầu đàn thì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nốt ở dây đó.

Hiệu quả âm thanh được tạo ra sẽ khác nhau giữa việc gắn vật dụng vào dây trầm hay dây cao. Điều này sẽ phụ thuộc vào quy định của mỗi tác phẩm. Cả dây nylon và dây sắt đều có thể là đối tượng cho prepared guitar (4), tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến đàn guitar tiêu chuẩn lắp dây nylon.

Một số vật dụng có chất liệu khác nhau tạo nên âm sắc mới của nghệ thuật prepared guitar

Chất liệu kim loại, gồm những vật liệu như bu lông, đinh vít, cặp tóc, kẹp ghim, kẹp sắt, kim băng, nắp chai thiếc… Những vật liệu này có thể được gài vào giữa một dây hoặc nhiều dây đàn để tạo ra tiếng trống thép, cồng, chiêng, chuông, hay tiếng đàn sitar của Ấn Độ.

Chất liệu gỗ, gồm những vật liệu như tre hay nút bấc, được gài vào dây đàn để tạo ra âm thanh giống tiếng đàn kalimba (một nhạc cụ của người châu Phi).

Chất liệu cao su và nhựa, gồm những vật liệu như tẩy cao su, ống tuýp nhựa, ống cao su, móng gảy đàn guitar, cao su bọt, xốp… khi được gài vào dây đàn sẽ tạo ra những âm thanh đa dạng như tiếng trống, tiếng bộ gõ hay tiếng đàn kalimba.

Các tác phẩm prepared guitar có rất nhiều sự thay đổi về cấu trúc. Nhạc sĩ kết hợp nhiều hình thức lại với nhau để tạo nên tác phẩm, thậm chí có những tác phẩm còn không xác định được hình thức, nghệ sĩ biểu diễn phải thể hiện trên cơ sở các câu nhạc, đoạn nhạc.

Luật nhịp của các tác phẩm guitar đương đại có sự thay đổi liên tục, đa tiết tấu. Nhịp điệu sôi động, nhiều ô nhịp tương phản nhau và nhiều tiết tấu khác nhau được thể hiện cùng lúc bởi các bè hoặc các nhạc cụ khác nhau.

Đến TK XX, các tác giả đã khai thác, sử dụng khá nhiều luật nhịp mà trước đây ít được sử dụng cho tác phẩm guitar như: 5. 6. 7. 2. 5. 7. 8. 10. 14. 11…

    4′ 4′ 4′ 8′ 8′ 8′ 8′ 8′    8′ 15  (5).

Trong tác phẩm Three African Sketches (1996), ở chương I và chương III, Dusan Bogdanovic đã sáng tạo âm thanh mới qua sử dụng nghệ thuật prepared guitar bằng việc lắp thêm kẹp giấy vào ba dây cao của đàn, tạo ra âm thanh gần giống tiếng đàn sitar.


 

Dây đàn guitar được lắp thêm kẹp giấy

(chuẩn bị cho tác phẩm Three African Sketches của Dusan Bogdanovic)

Một số tác phẩm prepared guitar sử dụng hình thức ký âm trên hệ thống tablature, số lượng dòng kẻ để ghi nốt nhạc tương ứng với dây đàn. Tablature cho guitar gồm 6 dòng, đại diện cho 6 dây đàn. Khi đó, số thứ tự được ghi lên dây biểu thị cho những phím bấm trên cần đàn. Điển hình là tác phẩm độc tấu Vortex của Peter Yates được viết trên hệ thống tablature.

 

Hình thức ký âm trên hệ thống Tablature trong tác phẩm Vortex của Peter Yates (nhịp 1 – 4)

Tác giả yêu cầu nghệ sĩ khi biểu diễn tác phẩm này phải gắn thêm một số vật dụng vào những vị trí nhất định của dây đàn để tạo ra hiệu quả âm thanh mới. Những chỉ dẫn này được đưa ngay vào trong sáng tác.

             1. Nắp chai thiếc2. Mảnh cao su hoặc tẩy cao su

3. Kẹp sắt (kẹp quần áo)

4. Cục chì cần câu

5. Kim băng

6. Móng gảy đàn guitar

7. Kẹp sắt (kẹp quần áo)

8. Dây cách điện (phần vỏ dây điện)

9. Mảnh xốp

 

            Chỉ dẫn cách gắn thêm một số vật vào những vị trí nhất định của dây đàn (Vortex)

 Tác phẩm Snack Shop cho song tấu guitar của Matthew Elgart cũng sử dụng hình thức ký âm trên hệ thống tabulature. Trong tác phẩm này, kỹ thuật prepared guitar cũng được thể hiện thông qua một bảng chỉ dẫn cách gắn vật dụng vào dây đàn để tạo hiệu quả âm thanh mới khi biểu diễn.


 

 

Hình thức ký âm trên hệ thống tabulature trong tác phẩm Snack Shop của Matthew Elgart (nhịp 1 – 2)

Với tác phẩm Piece with Clocks, Nikita Koshkin đã sáng tạo âm thanh mới bằng việc cài que diêm vào các dây đàn. Trong bản nhạc, tác giả đã vẽ sơ đồ cách gắn que diêm vào dây „, …, †, tạo nên âm thanh của tiếng chuông rền. Trong khi đó, dây , ‚, ƒ vẫn gảy kỹ thuật harmonic để tạo âm thanh tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ.

 

Sơ đồ cài que diêm vào các dây đàn (Piece with Clocks)

Cũng trong tác phẩm này, tác giả sử dụng miếng bọt biển gắn vào 6 dây phía gần cần đàn để tạo tiếng guitar câm. Âm thanh câm rất hiếm khi được sử dụng trong nghệ thuật biểu diễn guitar, nó rất nhỏ và độ ngân của tiếng đàn rất ngắn. Âm thanh này gần giống với âm thanh của kỹ thuật pizzicato nhưng có thể biểu diễn ở các cao độ, các ngón gảy khác nhau và có thể biểu diễn cả hợp âm bằng kỹ thuật gảy thông thường (6).

 

         Sơ đồ gắn bọt biển vào dây đàn (Piece with Clocks, III.Andantino, nhịp 1 – 4)

Bên cạnh đó, prepared guitar vẫn được dùng phối kết hợp với các kỹ thuật khác. Đó là kỹ thuật mở rộng, dùng ngón 1 tay trái gảy hợp âm theo kiểu búng lên ba dây ở đầu cần đàn tạo ra những âm thanh rất cao.

 

Kết hợp kỹ thuật mở rộng với sáng tạo âm thanh mới prepared guitar (Piece with Clocks, III.Andantino, trang 18)

Qua phân tích sơ lược một số tác phẩm, có thể thấy phần nào những nét độc đáo của trào lưu nghệ thuật prepared guitar. Giai đoạn nửa sau TK XX được xem là giai đoạn phát triển tiêu biểu cho nghệ thuật guitar đương đại với sự xuất hiện của một số khuynh hướng, trào lưu mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của nghệ thuật guitar TK XXI. Nghệ thuật prepared guitar là một trong những trào lưu tiêu biểu phát triển nở rộ vào nửa cuối TK XX, đã phản ánh được một khía cạnh nhất định của sự ngôn ngữ nghệ thuật guitar đương đại. Khi đưa những kỹ thuật prepared guitar vào thể nghiệm, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã sáng tạo ra những âm sắc và cao độ mới rất đa dạng, phong phú trên cây đàn. Trong các tác phẩm guitar đương đại có nhiều sự thay đổi về các phương tiện biểu hiện âm nhạc như cấu trúc tác phẩm, giai điệu, hòa thanh, điệu tính, tiết tấu phức tạp và luật nhịp thay đổi liên tục. Ngoài khai thác, sử dụng các loại luật nhịp mới, các nhạc sĩ còn chú ý đến việc khai thác tối đa tính năng nhạc cụ, các kỹ thuật mở rộng, thủ pháp diễn tấu mới nhằm sáng tạo những âm thanh mới. Prepared guitar là một trào lưu đặc biệt trong các xu hướng phát triển của nghệ thuật guitar đương đại. Nó mở ra không gian mới cho sự sáng tạo và mang đến những thanh âm đa dạng không giới hạn chỉ từ một cây đàn guitar đơn giản, mộc mạc.

_______________

1,6. Bart Hopkin & Yuri Landman, Nice Noise – Modifications and Preparations for Guitar, Experimental Musical Instruments, 2012, p.7, 11.

2,3,4. Peter Yates and Matthew Elgart, Prepared Guitar Techniques, California Guitar Archives, 1990, p.1-2, 4, 5.

5. Cao Sỹ Anh Tùng, Nghệ thuật guitar đương đại nửa sau TK XX trong đào tạo guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2015, tr.35-36.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : CAO SỸ ANH TÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *