Trên đất nước hoa dâm bụt nghĩ về du lịch việt nam


Những ngày đầu tháng tư 2009, tôi đã có dịp đến thăm Kuala Lumpur, thủ đô của đất nước Malaysia, quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, đất nước tươi đẹp Malaysia thu hút số lượng lớn khách du lịch tới tham quan và khám phá. Đến thiên đường nghỉ dưỡng này, bạn sẽ có những giờ khắc không thể nào quên. Những ngày ở đây, bạn có cơ hội được đến những điểm tham quan thú vị đã góp phần mang lại danh tiếng cho ngành du lịch Malaysia và khiến đất nước này đạt được một thành quả mà bất cứ nước nào trong khu vực cũng mong muốn, đó là nước thu hút khách quốc tế nhiều nhất trong Đông Nam Á.

Malaysia được biết đến với nhiều danh thắng nổi tiếng như Kuala Lumpur với cột cờ cao nhất thế giới tại quảng trường Merdeka, nhà thờ hồi giáo quốc gia, tháp truyền hình cao thứ tư thế giới, tòa tháp đôi Petronas cao nhất thế giới hay Genting, thành phố giải trí hàng đầu khu vực và Malacca, thành phố cổ nhất Malaysia. Thời gian ở thăm KualaLumpur không nhiều, song cũng đã để lại trong du khách những kỷ niệm đẹp về một đất nước Malaysia tươi đẹp và mến khách.

Hoa dâm bụt được coi là quốc hoa của Malaysia. Trong những ngày chúng tôi lưu trên nước bạn, đi đến đâu cũng thấy hình ảnh của tháp đôi Petronas, biểu tượng của Kuala Lumpur, và bên cạnh đó là hình ảnh của hoa dâm bụt. Thậm chí các cây đèn đường ở thủ đô Kuala Lumpur cũng được tạo hình thành những bông hoa dâm bụt. Người dân Malaysia rất thân thiện và mến khách. Selamat Datang – đó là lời chào dành cho du khách khi đến thăm Malaysia. Đằng sau lời chào đó là cả một ngành công nghiệp không khói mang thương hiệu châu Á thực sự – Truly Asia rất đáng học tập. ( Malaysia Truly Asia – Malaysia – đích thực châu Á là slogan của ngành du lịch Malaysia, cũng như slogan của du lịch Việt Nam là Vietnam the hidden charm: Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn)

Malaysia không có tới tận 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận như nước ta. Thế nhưng số lượng du khách đến Malaysia vẫn đông gấp nhiều lần Việt Nam. Và điều đáng nói hơn, không chỉ du khách đến đông hơn mà lượng du khách quay lại cũng nhiều hơn, tới 40% trong khi có đến gần 90% du khách đến Việt Nam chỉ duy nhất một lần và không quay lại. Trong những ngày ở thăm Malaysia, chúng tôi đã chứng kiến sự đông đúc của khách du lịch quốc tế tại các điểm du lịch nổi tiếng của nước bạn như Động Batu (Batu Caves), khu vui chơi giải trí trên cao nguyên Genting (Genting Highlands) là một khu nghỉ mát trên đỉnh đồi gần Kuala Lumpur, nổi tiếng nhờ các casino (sòng bạc) và những khách sạn lớn nhất thế giới. Khu vực này có thể nhìn thấy từ trung tâm Kuala Lumpur vào ngày trời quang cũng như mỗi đêm.

Kuala Lumpur là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Malaysia, là một trong ba lãnh thổ của Liên bang Malaysia, nằm trong đất của bang Selango, nằm ở miền trung, phía tây của bán đảo Malaysia. Dân Malai gọi tắt tên thành phố này là KL. Putrajaya là thành phố vệ tinh của KL và là trung tâm hành chính liên bang mới. Đây là nơi đóng trụ sở các bộ của chính phủ. Các tòa nhà hành chính đã được xây hai bên con đường lớn, theo phong cách hiện đại. Tại đây có văn phòng Thủ tướng, trung tâm hội nghị quốc gia và thánh đường Hồi giáo quốc gia là những công trình kiến trúc đẹp và rất hiện đại.

Với sự hoàn thành xây dựng thành phố mới Putrajaya vào cuối những năm 90 TK XX, vai trò thủ đô hành chính và tư pháp của Kuala Lumpur đã được chuyển cho thành phố mới này tuy một vài cơ quan tư pháp vẫn còn đặt ở KL. Quốc hội Malaysia vẫn hoạt động ở KL, do đó, thành phố này vẫn là thủ đô lập pháp của Malaysia. Kuala Lumpur hiện tại có diện tích 243,65 km2, dân số 1.479.388 người. Sau khi độc lập năm 1957, Kuala Lumpur đã được chọn làm thủ đô của Liên bang Malaya và tiếp tục là thủ đô của Liên bang Malaysia được đổi tên năm 1963. Để cử hành lễ tuyên ngôn này, một sân vận động lớn được xây dựng – Stadium Merdeka (sân Độc lập), nơi thủ tướng đầu tiên của Malaysia đọc tuyên ngôn độc lập trước đám đông dân chúng.

Động Batu là một điểm thu hút khách du lịch nằm ở một đồi đá vôi phía Bắc Kuala Lumpur. Nơi đây có một loạt hang động và các đền trong hang động. Đây là nơi thờ phụng linh thiêng của người theo đạo Hindu ở Malaysia. Trước cửa vào động Batu có tượng thần Murugan cao 42,7m. Bức tượng này được ghi vào sách kỷ lục là tượng thần ngoài trời lớn nhất thế giới. Có 272 bậc thang dẫn đến đền thờ trong động. Mỗi năm một lần, hàng triệu người mộ đạo Hinđu và du khách đến động và kỷ niệm lễ hội Thaipusam.

Tháp Petronas Twin Towers là tháp đôi cao nhất thế giới và là các tháp đơn cao thứ 3 thế giới. Trong lòng tháp, từ tầng 1 đến tầng 6 là một mê cung siêu thị mà bạn không thể đi hết trong một buổi tham quan. Đây là một trong những trung tâm mua sắm bận rộn nhất ở Malaysia. Từ tầng 7 trở lên là các văn phòng làm việc của cơ quan dầu khí quốc gia Malaysia. Hình ảnh tòa tháp đôi nay có mặt ở khắp mọi nơi và là sản phẩm du lịch bán chạy nhất. Giá cả ở Kuala Lumpur không hề rẻ. Mô hình một tòa tháp đôi loại nhỏ có giá 10 ringit tương đương với 50.000 VNĐ bán khá chạy vì ai cũng muốn có món quà kỷ niệm của Kuala Lumpur. Còn loại to hơn được bán với giá 60 ringit. Hình ảnh tòa tháp đôi được coi như biểu tượng của Malaysia, được đưa vào in trên tất cả những vật kỷ niệm khác như áo phông, móc chìa khóa, đồ gia dụng… ở thủ đô Kuala Lumpur có tháp viễn thông cao thứ 5 thế giới, tọa lạc trên đồi Bukit Nanas. Những công trình kiến trúc của thủ đô Malaysia đều để lại những dấu ấn độc đáo. Nó hòa trộn giữa hiện đại và cổ kính. Những ngôi chùa mang phong cách Trung Quốc hay những thánh đường Hồi giáo đứng bên cạnh các công trình của người ấn độ giáo càng làm cho Kuala Lumpur thêm đa dạng về đặc sắc văn hóa đa sắc tộc. Và đó chính là điểm mạnh cũng như sự khác biệt của du lịch Malaysia, để họ có thể níu kéo sự quay trở lại của du khách khắp nơi trên thế giới.

Một trong những điểm tạo nên sự khách biệt đó có lẽ nằm ở khâu quảng cáo về du lịch. Với câu slogan: “Malaysia – Truly Asia”, ngành du lịch Malaysia đã biết cách đánh bóng để mình trở thành một châu Á thu nhỏ, một châu Á đích thực. Mặc dù trên thực tế, Malaysia có thể vẫn chưa hẳn phải là Truly Asia nhưng với mật độ xuất hiện trên những kênh truyền hình quốc tế cùng với những video quảng cáo thực sự ấn tượng, du khách khó có thể không in vào trí nhớ mình câu slogan du lịch rất hay và những hình ảnh giới thiệu gợi cảm của du lịch Malaysia. Không chỉ riêng truyền hình, ngành du lịch Malaysia đã biết tận dụng sức mạnh tối đa của các phương tiện truyền thông. Tại sân bay, những nhân viên với dòng chữ: “Tôi có thể giúp bạn được không? (May I help you) sẵn sàng đưa ra những thông tin thực sự cần thiết và bổ ích khiến du khách không hề thấy bỡ ngỡ khi đặt chân đến một vùng đất mới. Ngoài ra còn có cả một hệ thống ấn phẩm sách báo, tranh ảnh, bản đồ giới thiệu đầy đủ, chi tiết về tất cả 13 bang của Malaysia ở các quầy thông tin du lịch. Và tất cả đều miễn phí. Tất cả đều được trả lời và giúp đỡ với một nụ cười thường trực trên môi. Nhìn lại việc quảng bá du lịch nước ta trên các kênh truyền thông quốc tế hiện nay còn quá ít. Các quầy thông tin du lịch chỉ tập trung tại một vài điểm và thông tin thì còn sơ sài nên du khách nước ngoài rất ít thông tin về Việt Nam. Truyền thống về lịch sử của Malaysia không hẳn nhất thống và xuyên suốt như nước ta, ngành du lịch Malaysia đã biết lấy điểm mạnh của mình ra để thu hút du khách. Đó chính là sự đa dạng văn hóa, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo với các tộc người Malaysia (67%), người Hoa (25%), người Ấn (8%).

Những di sản thế giới của nước ta như Vịnh Hạ Long, như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha – Kẻ Bàng ít được du khách nước ngoài biết đến vì chúng đâu xuất hiện nhiều trong các video clip quảng cáo ở các kênh truyền thông quốc tế. Tại các địa điểm quan trọng như sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các tờ rơi chủ yếu là của các nhà hàng, khách sạn làm để quảng cáo cho bản thân họ. Những quyển sách, tờ gấp, tờ rơi miễn phí về các điểm du lịch Bắc, Trung, Nam còn ít và sơ sài. Thông tin đến với du khách chưa được khai thác triệt để qua các phương tiện thông tin đại chúng.

       Sự vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch các nước láng giềng trong khu vực không khỏi khiến chúng ta phải tự nhìn lại ngành du lịch của nước mình để rút ra những bài học nhằm phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng du lịch Việt Nam. Vấn đề của ngành du lịch nước ta có lẽ nằm chính ở sự khai thác du lịch nhưng khai thác chưa hiệu quả. Chúng ta cũng có những dự án dành cho ngành du lịch nhằm bảo tồn các khu phố cổ, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Tuy nhiên có thể nói sự phát triển và đầu tư du lịch của nước ta còn thiếu một định hướng thống nhất với những quy hoạch khoa học và bền vững.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Lê Quốc Thịnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *