Triển lãm mỹ thuật việt nam 2015 những cái nhìn từ bên trong

55 năm sau lần đầu tiên mang tên Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (năm 1960), triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm lại được chuyển đổi sang cái tên này. Đây được xem là “một động thái thể hiện mặt bằng sự phát triển và khẳng định vị thế của triển lãm này đối với đời sống mỹ thuật của cả nước, đại diện cho quốc gia” ý kiến của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), đơn vị trực tiếp thực hiện công tác tổ chức sự kiện này. Chỉ có 1/10 trong tổng số hơn 4.000 sáng tác gửi tham gia triển lãm này được chọn trưng bày đã cho thấy công việc “cầm cân nảy mực”nặng nề của các thành viên Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) (1). Bên cạnh đó, sau cả một quá trình từ khi lọc sáng tác vòng loại qua ảnh cho đến xem sáng tác thực và chấm chọn giải, chắc chắn mỗi thành viên HĐNT đều có được sự nhìn nhận bao quát, sâu sắc hơn về một sự kiện mỹ thuật lớn nhất cả nước sau giai đoạn 5 năm và qua đó, thấy được những vấn đề của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Vị thế của triển lãm trong đời sống mỹ thuật hiện nay

Trước khi có chính sách đổi mới, đời sống mỹ thuật có rất ít các kỳ, cuộc triển lãm mỹ thuật, cá nhân, nhóm hoặc tập thể và hầu hết đều phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Hội mỹ thuật từ trung ương đến địa phương. Chính vì thế, các kỳ triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, điêu khắc toàn quốc, triển lãm hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam đều là niềm mong mỏi lớn của toàn giới mỹ thuật bởi đó thực sự là cuộc biểu dương sức sáng tạo và giúp hé mở những hy vọng về các tài năng mới, lực lượng kế cận của mỹ thuật nước nhà.

Nhưng kể từ khi mỹ thuật bung mở hoạt động với chính sách đổi mới, các nghệ sĩ trong nước có nhiều hơn sự lựa chọn nơi giới thiệu tác phẩm của mình. Có thể kể đến sự xuất hiện của ngày càng nhiều những địa chỉ gallery trong và ngoài nước quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam, các đại sứ quán và trung tâm văn hóa nước ngoài hỗ trợ thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật song phương và đa phương, các đại diện những phiên triển lãm quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm nghệ sĩ và sáng tác mới, và đặc biệt là những nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc tự tổ chức các triển lãm cá nhân hoặc nhóm của mình. Đây là những lý do khách quan khiến cho Triển lãm mỹ thuật toàn quốc không còn là nơi hội tụ của toàn bộ giới mỹ thuật. Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, “từ năm 1995 trở lại đây, triển lãm này có sự thay đổi lớn, số nghệ sĩ thành danh ít tham gia hơn, thay vì những thế hệ trẻ hơn” đồng thời theo ông, “số lượng tác giả trẻ trong triển lãm lần này khá đông, nhưng lại vắng mặt nhiều những người đang nổi đình đám ngoài xã hội”. Nhà điêu khắc Vương Học Báo cũng đồng quan điểm trên, khi ông “đánh giá đây là một cuộc hội tụ lớn của giới nghệ thuật Việt Nam, tuy nhiên chưa thật đầy đủ vì còn thiếu nhiều nghệ sĩ không tham gia”. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín thẳng thắn đề cập: “Dư luận luôn cho rằng Triển lãm mỹ thuật Việt Nam hôm nay và Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trước kia không phản ánh đúng tình hình mỹ thuật Việt Nam tại thời điểm triển lãm. Tôi nghĩ điều này cũng chẳng có gì sai, vì một hình thức triển lãm như thế này không bao giờ thể hiện được một cách toàn diện và đầy đủ, nhưng nó cũng nói được một phần nào tình hình mỹ thuật hiện nay. Do nhiều lý do khác nhau, có một bộ phận không nhỏ các họa sĩ trong giới không tham gia. Đó có thể là các họa sĩ đã giành được các giải thưởng cao, các họa sĩ đã xác định được tên tuổi của mình tránh một cuộc thi thố vô ích, các họa sĩ không cùng chính kiến với hình thức triển lãm…”. Họa sĩ Lê Trọng Lân cũng đề cập đến thực tế “rất nhiều họa sĩ có uy tín, có tài năng không thích tham gia vào cuộc triển lãm này” trong các ý kiến của mình.


 A di đà phật, khắc gỗ, Nguyễn Khắc HânHCV – Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Ảnh do BTC cung cấp 

Đa số các thành viên HĐNT, khi được hỏi, đều nghiêm túc đề cập đến sự thay đổi mô hình triển lãm toàn quốc, như một cách để khắc phục các nguyên do chủ quan khiến cho nó dường như đang mất dần vị thế từng đã có trong đời sống mỹ thuật đất nước. Theo họa sĩ Lê Văn Sửu, có ba vấn đề cần phải được khắc phục: thứ nhất là không gian trưng bày cho cùng lúc hàng trăm tác phẩm mỹ thuật đa dạng về chất liệu, kích thước, hình thức, thứ hai là trị giá giải thưởng. Ông nhấn mạnh “phải trân trọng nơi trưng bày, nếu ta trưng bày tác phẩm ở nơi cực kỳ trang trọng và giải thưởng vô cùng lớn thì tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ khác” và cho rằng “… kinh phí giải thưởng phải cho cao chứ giải thưởng 50 triệu cho một giải Vàng thì quá ít. Giải thưởng phải xứng đáng, là một giá trị mà không phải ai cũng có được. Ở các nước, giải thưởng có thể giúp người được giải đổi đời. Giải thưởng mà không đem lại điều gì đáng kể thì còn nghĩa gì, phải thay đổi”. Vấn đề thứ ba là “chúng ta phải chấp nhận không phân biệt vùng miền, chúng ta chỉ chấp nhận tác phẩm có chất lượng tốt, còn số lượng ít cũng được, sau 1, 2 cuộc thì sẽ có chất lượng”. Cùng liên quan đến trị giá giải thưởng, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh còn làm một phép so sánh: “Giải Vàng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 là 50 triệu, khu resort Flamingo đầu tư cho mỗi tác giả được 70 triệu, ở TP HCM, mỗi tác giả nhuận bút 30 triệu, tại sao ở (cấp) nhà nước, 5 năm mới làm 1 lần lại thấp? Giải thưởng đâu phải chỉ cần bằng khen, phải kèm theo tiền”. Không gian triển lãm và trị giá giải thưởng cần phải được thay đổi cũng là ý kiến chung của họa sĩ Lê Trọng Lân, Lê Anh Vân, Lương Xuân Đoàn, nhà điêu khắc Phan Gia Hương, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Nghĩa Phương.

Hai nguyên nhân chủ quan khác cũng được các thành viên HĐNT chỉ ra là cần phải có sự thay đổi trong phương thức chọn và duyệt tác phẩm, kèm theo đó là sự thay đổi trong cách thức thành lập HĐNT. Về việc chọn tác phẩm tham dự triển lãm, hai họa sĩ Nguyễn Trung Tín và Đào Quốc Huy đều chung ý kiến nên có hai phương thức chọn song song là để tác giả tự gửi và đồng thời có bộ phận (có thể nói là các giám tuyển) quan sát, phát hiện nghệ sĩ, tác phẩm ấn tượng, tiêu biểu trong giai đoạn 5 năm và mời họ giới thiệu tại triển lãm. Về việc duyệt và chấm chọn giải, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cho rằng cần phải có sự phân định rạch ròi và mô hình HĐNT phải linh hoạt: “Cần có hội đồng chuyên môn cho mỗi loại hình nghệ thuật. Riêng với đồ họa là điều rõ ràng… Ngày nay đã khác, đồ họa đã phong phú hơn rất nhiều và số lượng tác phẩm cũng lớn (nhiều hơn cả điêu khắc). Vậy nên cần một cách đánh giá riêng, tương ứng và phù hợp với đặc thù của loại hình này. Với các loại hình đương đại cũng nên có hội đồng riêng và trong trường hợp ít tác phẩm tham gia thì nên bố trí thời gian xét duyệt và thẩm định phù hợp, không nhất thiết phải theo cơ chế các bước như đối với các loại hình có nhiều tác phẩm”. Không đề cập trực diện đến việc thay đổi mô hình HĐNT song với thực trạng là một hội đồng chấm chọn tác phẩm thuộc nhiều hình thức nghệ thuật như năm nay và năm 2010, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chỉ ra sự bất cập: “HĐNT của ta tương đối đơn giản và ít thay đổi theo từng triển lãm khác nhau. Nếu có nhiều mâu thuẫn thì quá may mắn cho sự phát triển nghệ thuật. Đây là việc cần làm trong tương lai, ví dụ hầu hết thành viên hội đồng ít hiểu biết về các nghệ thuật đương đại (nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, video art, body art – ĐMT), không thể dùng kiến thức hội họa, điêu khắc TK XX mà đánh giá những cái đó”. Thậm chí, họa sĩ Vũ Đình Tuấn còn chỉ ra một trong ba nguyên do khiến cho có rất ít sáng tác thuộc các hình thức nghệ thuật đương đại được gửi đến tham gia triển lãm là “sự do dự, hoài nghi, thiếu tin cậy của các tác giả về cách tổ chức của chúng ta”.

Thực tế chi phí cho một đề án triển lãm với một HĐNT lên đến 20 thành viên, chấm chọn hơn 4.000 sáng tác, vận chuyển hơn 400 sáng tác đủ mọi hình thức, quy mô, chất liệu từ 40 tỉnh thành về Hà Nội để trưng bày trong phần lớn diện tích của Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam rộng hàng ngàn m2,… là rất lớn. Tuy nhiên, tác động tích cực của nó đến đời sống mỹ thuật nói riêng, đời sống văn hóa của nhân dân nói chung vẫn còn được nhìn nhận là khiêm tốn. Bên lề Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Quốc Trung đã đề cập đến việc cần phải thay đổi mô hình triển lãm cồng kềnh, tốn kém mà thiếu hiệu quả này: “Cách làm triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (MTTQ) như hiện nay là không còn phù hợp với tình hình trong nước cũng như hoạt động mỹ thuật trên thế giới. Thực tế, trong triển lãm MTTQ 2010 có không ít tác phẩm tốt nhưng với số lượng dày đặc các tác phẩm bày cạnh nhau thì những tác phẩm tốt sẽ bị thiệt thòi” (2). Đến kỳ triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cũng nhấn mạnh: “Ở nhiều nước họ vẫn áp dụng mô hình nhiều điểm triển lãm cho sự kiện triển lãm quốc gia hay quốc tế. Chúng ta nên xem xét cách này khi chưa có một không gian đủ rộng và chuyên nghiệp cho triển lãm nghệ thuật thị giác. Thời gian trưng bày một triển lãm mỹ thuật có quy mô quốc gia mà chỉ diễn ra trong 20 ngày (thực tế triển lãm lần này là từ chiều ngày 9 đến hết ngày 23 – 12 – 2015, 14 ngày – ĐMT) là rất lãng phí, bởi chúng ta tốn quá nhiều công sức và vật chất nhưng thời gian triển lãm ngắn sẽ làm giảm nhiều mức độ lan tỏa của nó trong xã hội. Do đó, hiệu quả xã hội sẽ rất thấp”.

Chất lượng nghệ thuật luôn là một dấu hỏi?

Đến với triển lãm mỹ thuật Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay, người xem chủ yếu vẫn là người trong giới, như các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, chủ gallery, nhà sưu tập, thêm gia đình, bè bạn của họ, sinh viên của một số trường nghệ thuật và một lượng rất nhỏ công chúng quan tâm đến nghệ thuật. Chính vì thế, hai yếu tố chính luôn khiến khán giả quan tâm và bình luận là chất lượng nghệ thuật của triển lãm và tương quan về chất lượng nghệ thuật của các sáng tác được trao giải với triển lãm nói riêng và với thực tế sự phát triển của mỹ thuật nói chung.

Về chất lượng nghệ thuật chung của triển lãm, các thành viên HĐNT là những người có cái nhìn từ bên trong rõ ràng hơn ai hết, bởi họ không chỉ được biết toàn bộ hơn 4.000 sáng tác (qua ảnh) mà còn xem xét chúng kỹ lưỡng để quyết định loại hay chọn vào vòng trưng bày. Họa sĩ Lê Anh Vân, người lần thứ hai giữ trọng trách Chủ tịch HĐNT (3), nhận xét: “… Các tác phẩm khá đồng đều, ấn tượng tốt, nhưng do đó mà thấy trội lên hẳn, bứt phá hẳn thì chưa thấy được”. Chung ấn tượng ấy, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, “trong 5 năm qua, mỹ thuật đương đại Việt, cái mới cái khác vẫn chưa nhiều, vẫn còn cách tư duy nghệ thuật cũ khi phản ánh hiện thực… Người trẻ hăm hở, khả năng nghề nghiệp tốt lên, sử dụng công nghệ hiện đại rất thuần thục nhưng ngôn ngữ hội họa, đồ họa, nghệ thuật chưa cao. Những sự thay đổi đến rất chậm mặc dù nhìn sâu vào từng tác giả, đã có tín hiệu xuất hiện những cách nhìn hay, với tư duy khác, phát lộ năng lượng sáng tạo mới trong nghệ thuật nhưng vẫn thiếu những bứt phá khác biệt”.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương cũng chỉ ra những vấn đề lớn của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, nhìn từ các sáng tác tham gia triển lãm lần này. Qua việc xem xét hơn 500 sáng tác gửi đến dự giải thuộc loại hình điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, anh nhận thấy “các tác phẩm có chất lượng không đồng đều, nhiều tác phẩm vẫn là những sáng tác với hình thức ít thay đổi như một số tác phẩm chất liệu gỗ; một số tác phẩm sử dụng hình thức cũng như chất liệu còn hơi tùy tiện; một số tác phẩm trừu tượng hoặc bán trừu tượng mang ngôn ngữ trang trí, còn nặng những biểu hiện chung chung, mờ nhạt về hình thái cũng như ý tưởng tạo hình”. Tất nhiên, theo anh cũng có “xuất hiện nhiều tác phẩm có những tìm tòi mới về hình thức thể hiện cũng như phương thức sử dụng chất liệu rất đáng quan tâm”.

Mặc dù cho rằng hai sáng tác video art được giải (4) đạt chất lượng tốt nhưng họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhận định chung về chất lượng của các sáng tác video art và nghệ thuật trình diễn như sau: “Tôi không có cảm nhận đặc biệt nào với các tác phẩm tham dự ở 2 loại hình nghệ thuật này. Phần lớn là không thực sự chuyên nghiệp. Ngôn ngữ trình diễn tẻ nhạt. Video dù có được hiếm hoi sự xuất sắc, nhưng nhìn chung chúng ta chưa có tác giả, tác phẩm chuyên nghiệp để tâm huyết với lĩnh vực này, do vậy không có lực lượng sáng tác tốt”. Ở một góc nhìn khác, họa sĩ Lê Văn Sửu cho rằng, thực tế số lượng tác phẩm nghệ thuật đương đại trong sự kiện này không nhiều và không đặc sắc đã “phản ánh đúng thực trạng, cũng như nhiệt huyết theo đuổi cũng bắt đầu nhạt nhòa sau một thời gian rầm rộ”. Chung nhận định này, họa sĩ Vi Kiến Thành còn chỉ ra nguyên do khiến cho hầu hết các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại nổi tiếng ở trong nước không tham gia triển lãm: “số lượng tác phẩm thuộc nghệ thuật đương đại năm nay tham gia ít, chưa thực sự có tiếng nói riêng, bản thân các nghệ sĩ cũng vẫn còn mặc cảm, e dè chưa tham gia triển lãm do có quan niệm đây là một sân chơi truyền thống”.

Duy nhất lĩnh vực đồ họa trong kỳ triển lãm lần này nhận được rất nhiều đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Từ kỳ triển lãm năm 2000 đến nay, lần đầu tiên có một Huy chương Vàng dành cho tác phẩm đồ họa. Không những vậy, triển lãm lần này còn cho thấy sự phong phú, đang dạng của các hình thức kỹ thuật, cho thấy sự phát triển của nghệ thuật đồ họa hiện đại Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nhận xét: “Hình thức tranh thật sự đổi mới, có nhiều cách tân, học tập từ các nền hội họa thế giới và khu vực, tạo một sự mới mẻ cho người xem”. Theo ông, trong tương quan với các lĩnh vực mỹ thuật khác, “đồ họa có bước phát triển dài, ngày một tự tin hơn khi đứng cạnh các chất liệu hội họa như sơn dầu, sơn mài, lụa… Trong sự bình lặng của hội họa, sự phát triển của đồ họa khá ấn tượng, làm cho giới mỹ thuật phải đặt câu hỏi về các loại hình khác”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Đồ họa đương đại vượt hẳn lên, sâu sắc về ý tưởng, đa dạng về cách nhìn, tinh tế về kỹ thuật biểu hiện ngôn ngữ gây ấn tượng mạnh hơn hội họa”.

Không phải ngẫu nhiên mà khi được hỏi về các sáng tác cụ thể gây ấn tượng hơn cả, 5 thành viên HĐNT đã hoặc nhắc đến sáng tác hoặc của những họa sĩ tuy cao niên song vẫn có tác phẩm mới gửi triển lãm, thậm chí giành giải cao, như các sáng tác của họa sĩ Phan Kế An (92 tuổi), họa sĩ Trần Huy Oánh (78 tuổi, giành Huy chương Bạc), Kim Bạch (77 tuổi, giành giải Khuyến khích), hay sáng tác của chính các thành viên HĐNT hoặc nhắc đến sáng tác của một số tác giả gây ấn tượng mạnh song rất tiếc, có lẽ không đủ số phiếu của HĐNT để lọt vào vòng giải thưởng…

Bên cạnh đó, các thành viên HĐNT cũng đưa ra một số nguyên do khiến cho chất lượng nghệ thuật nói chung của triển lãm chưa thể làm chính các thành viên HĐNT cảm thấy hài lòng, hứng khởi. Có thể đó là các nguyên do vĩ mô như do nền tảng chung là sự phát triển của mỹ thuật chưa nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, mỹ thuật chưa có thị trường nội địa đủ mạnh để đem lại nguồn lực mới cho sự sáng tạo, nhiều họa sĩ thành danh, tài năng chuyên biệt về tranh sơn mài, điêu khắc, đồ họa, nghệ thuật đương đại,… đều không tham dự. Song cũng có thể do các nguyên nhân chủ quan hơn như đề cập của họa sĩ Phan Cẩm Thượng: “Vấn đề nằm ở sự lựa chọn còn có những tiêu chí cứng nhắc (về mặt nội dung – sợ đụng chạm, sợ phê phán, sợ nêu ra những tiêu cực xã hội)” dù theo ông, nhìn toàn cảnh, hơn 4.000 sáng tác gửi đến triển lãm “có thể thấy sự quan tâm đến đời sống xã hội và đa phương về ngôn ngữ nghệ thuật”. Cũng liên quan đến vấn đề lựa chọn sáng tác trong triển lãm, họa sĩ Nguyễn Trung Tín cũng chỉ ra một số bất cập ngay tại triển lãm này và cần khắc phục: “Nên lấy tiêu chí chất lượng nghệ thuật là chính, giảm bớt phần nội dung, vì hiện nay nhiều tác giả vẫn gửi tranh theo nội dung, lấy đề tài làm thế mạnh tham gia triển lãm” và “phải đưa triển lãm thành một hoạt động nghệ thuật thật sự dân chủ, công bằng, đảm bảo tính bình đẳng cho tất cả mọi người tham gia”.

Thay lời kết

Đã khép lại triển lãm mỹ thuật lớn nhất của cả nước trong một định kỳ 5 năm, và lần nào cũng vậy, những dư âm nó để lại tiếp tục khiến người ta kỳ vọng hơn vào những kỳ cuộc tiếp theo. Năm nay, điều đáng kỳ vọng chính là sự thẳng thắn của các thành viên HĐNT trong nhận định về triển lãm ở đa dạng góc độ. Họ đã bước đầu không còn e ngại hay nhìn nhau để đưa ra các ý kiến chung chung vô thưởng vô phạt nữa. Những quan điểm phê bình mang tinh thần xây dựng cả về chất lượng nghệ thuật, cung cách tổ chức mô hình triển lãm toàn quốc trong bối cảnh phát triển mới của xã hội và đời sống nghệ thuật của những thành viên làm nên sự kiện này, cùng với việc giảm số lượng sáng tác trưng bày (4) đã cho thấy có sự thay đổi mạnh mẽ bước đầu về chất của một định chế triển lãm vốn được xem như một cuộc diễu binh lớn của giới mỹ thuật (họa sĩ Đào Quốc Huy). Đến lúc không thể tiếp tục ảo vọng về một nền mỹ thuật tiên tiến, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới, như nhiều nhận định sáo mòn trước kia. May mắn là đã đến lúc chính những người cần cân nảy mực cho một kỳ cuộc triển lãm lớn nhất thẳng thắn chỉ ra sự tụt hậu, chững lại, sự không chuyên nghiệp, sự thể không được xác định vị trí trên bản đồ mỹ thuật thế giới, mà chỉ có trên bản đồ châu lục (họa sĩ Vũ Đình Tuấn). Chỉ có những cái nhìn phản biện từ chính bên trong như vậy mới giúp mỹ thuật Việt Nam thêm cơ hội phát triển thực sự.

_______________

1. HĐNT gồm 20 người, chia theo hai chuyên ngành, hội đồng Hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn và video art (11 người), hội đồng Điêu khắc và sắp đặt (9 người). Hội đồng thứ nhất do họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học MTVN, làm Chủ tịch. 10 thành viên còn lại gồm: họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MYNATL, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội MTVN, họa sĩ Đào Quốc Huy, trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH MTVN, họa sĩ Lê Trọng Lân, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Hội họa Hội MTVN, họa sĩ Nguyễn Ngọc Long, trưởng khoa Hội họa – ĐHMTVN, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Đồ họa Hội MTVN, họa sĩ Lê Văn Sửu, hiệu trưởng ĐHMTVN, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, chủ tịch HĐNT, Hội Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, giảng viên khoa Đồ họa, ĐHMTVN, họa sĩ  Phan Cẩm Thượng. Hội đồng thứ hai do ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ VHTTDL, làm Chủ tịch và 8 thành viên còn lại gồm: họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Cục phó Cục MTNATL, các nhà điêu khắc Vương Học Báo, Nguyễn Phú Cường, Phan Gia Hương – phó chủ tịch Hội MTVN, Lê Lạng Lương, phó trưởng khoa Điêu khắc – ĐHMTVN, Lưu Danh Thanh, chủ tịch HĐNT ngành Điêu khắc – Hội MTVN, Nguyễn Xuân Tiên, phó hiệu trưởng Đại học mỹ thuật TPHCM, Phan Văn Tiến, giám đốc Bảo tàng MTVN.

2. Phạm Quốc Trung, Suy nghĩ bên lề Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 319, tháng 1- 2011, tr.85 – 88.

3. Năm 2010, tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, ông được bầu làm Chủ tịch HĐNT ngành Hội họa – Đồ họa.

4. Triển lãm có 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng, trong đó, 1 HCĐ dành cho sáng tác video art tiêu đề Đức tin (tác giả Võ Việt Dũng, tỉnh Khánh Hòa), 20 giải Khuyến khích, trong đó có 1 giải dành cho video art của họa sĩ Triệu Minh Hải (Hà Nội) tiêu đề Trong vùng hỗn độn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : ĐÀO MAI TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *