Triển lãm tranh in kích thước nhỏ “Hanoi Miniprint”

Đỗ Hoàng Anh, Tĩnh (3 tranh) khắc đồng, tranh in đa lớp, 2021

Tranh in là thể loại đồ họa đặc thù bởi quá trình sáng tác mang tính gián tiếp, thông qua quy trình chế bản và in ấn. Trong dòng chảy của tranh in, xuất hiện các định dạng tranh nhất định và dần trở nên phổ biến. Định dạng tranh in được chia theo kích thước và hình thức của tác phẩm, theo mục đích sử dụng. Theo quy ước chung, tranh in có các dạng: tranh Ex-libris (nhãn sách) có kích thước phổ biến là dưới 5cm (rất hiếm trường hợp lớn hơn và cũng không quá 9cm), tranh in nhỏ – chiều dài cạnh không quá 25cm, tranh in khổ vừa có kích thước từ 25cm đến 100cm, tranh in khổ lớn – từ 100cm trở lên đến gần 600cm (tranh của nghệ sĩ Đức Christiane Baumgartner), tranh in sắp đặt có quy mô đến hàng chục m2.     

Định dạng triển lãm, cuộc thi tranh tranh in nhỏ – Tranh in mini (Mini Print) trên thế giới được tổ chức khá thường xuyên, theo định kỳ 1 năm, 2 năm (biennial), hay 3 năm (triennial). Châu Âu là những nơi khởi xướng và có nhiều triển lãm, cuộc thi tranh in mini quốc tế nhất, đặc biệt ở Áo, Ý, Bỉ, Đức, Ba Lan, Sec, các nước vùng Baltic, Tây Ban Nha, Gruzia, Azecbaizan… Tiếp đó là Châu Á với các sự kiện thường niên tại Kuanlan, Đài Loan hay Macao (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines… Các khu vực khác có Úc, Arghentina, Mexico… là những địa chỉ quan trọng trong hệ thống các triển lãm Mini Print quốc tế. Những đơn vị tổ chức triển lãm tranh in mini thường là các trường đại học, thư viện lớn, bảo tàng, các hiệp hội tranh in, viện nghiên cứu tranh in, … và các tập đoàn lớn. Trong đó có hai hình thức tham gia là miễn phí và đóng phí. 

Các cuộc thi, triển lãm tranh in mini được diễn ra đều đặn ở nhiều địa điểm, khác nhau về cách thức và quy mô. Đó không chỉ tạo môi trường tốt cho các họa sĩ đồ họa chia sẻ công việc, mà còn tạo điều kiện để nghệ thuật này được tiếp cận nhiều hơn với công chúng, các cá nhân và đơn vị sưu tập (Bảo tàng, Thư viện, Doanh nghiệp…). 

Tranh in mini có kích thước nhỏ nhưng chứa đựng đầy đủ những tư duy, tình cảm lớn của họa sĩ đồ họa. Sáng tác tranh in mini cũng là thách thức không nhỏ bởi nó đòi hỏi sự độc đáo về ý tưởng và kỹ năng, kỹ thuật điêu luyện trong thể hiện tác phẩm trên một diện tích rất hạn chế về khuôn khổ.

Nguyễn Nghĩa Phương, Đường xa, khắc cao su, 2021

Ở mỗi giai đoạn mỹ thuật Việt Nam hiện đại, tranh in đều có những dấu ấn đậm nét về đặc điểm phong cách, nội dung và kỹ thuật thể hiện. Từ năm 2000, thể loại tranh in Việt Nam có những bước tiến rất dài cả về lực lượng sáng tác, về bề rộng và chiều sâu nghệ thuật. Nhờ những nghiên cứu, thực hành và hoạt động triển lãm của nhiều cá nhân và nhóm họa sĩ, tranh in nước ta đã trở nên chuyên nghiệp hơn, hội tụ đầy đủ các thể loại, hình thức mà thế giới đã và đang có. 

Tuy nhiên, trước năm 2019, ở nước ta chưa hề có hình thức triển lãm chuyên đề theo định dạng tranh in mini (Miniprints). Từ thực tế ấy, Khoa Đồ họa – Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có ý tưởng xây dựng dạng triển lãm này, mong muốn được là nơi kết nối, hội tụ những sáng tác tranh in mini trên cả nước, tạo ra sân chơi mới và chuẩn bị cho các họa sĩ có những kinh nghiệm để tham gia vào các triển lãm quốc tế cùng định dạng. Qua đó thêm một con đường phát triển đồ họa nước nhà, đưa nghệ thuật tranh in đi vào cuộc sống nhiều hơn. 

Triển lãm Hanoi Miniprint lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10 năm 2019 do Khoa Đồ họa tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên một triển lãm chuyên đề tranh in mini mang tính toàn quốc xuất hiện. Với mục tiêu thúc đẩy thể loại đồ họa này ở Việt Nam, Triển lãm “Hanoi Miniprint 2019” đã thành công ngoài mong đợi với sự tham gia của 37 tác giả, 126 tác phẩm; với sự hỗ trợ của các đơn vị như: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Quỹ Kim Long, Công ty Hanoi T-Shirt. Các tác phẩm trong triển lãm thuộc những thể loại tranh in phổ biến hiện nay như: in nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên và in độc bản. Từ triển lãm này, một số tác phẩm đã tiếp tục tham gia triển lãm tại Bungary, Hàn Quốc, Cuộc thi và Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 – năm 2000 tại Hà Nội. 

Tiếp nối thành công của “Hanoi Miniprint 2019”, Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện triển lãm “Hanoi Miniprint 2021”. Triển lãm được tổ chức với sự phối hợp của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Quỹ Kim Long, và được tài trợ bởi Thanh Uy Art Gallery (một đơn vị duy nhất hiện nay ở Việt Nam sưu tập, trưng bày tranh in đồ họa và tham gia tài trợ các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, triển lãm thuộc lĩnh vực đồ họa tạo hình). Sự đồng hành này mang lại hệ sinh thái tích cực, cần thiết cho phát triển nghệ thuật đồ họa, kết nối các họa sĩ cả nước trong sáng tác và phổ biến, góp phần hình thành thị trường nghệ thuật đồ họa tại Việt Nam. 

Trần Mỹ Anh, Ranh giới (2 tranh), khắc gỗ, 2021

Sau khi phát động vào tháng 5, đến cuối tháng 10/2021 Ban tổ chức đã nhận được 126 tranh do 45 tác giả gửi tới. Qua lựa chọn, có 110 tranh in mini thuộc 72 tác phẩm độc lập và tranh bộ của 43 tác giả được trưng bày. 

Lần này các tác phẩm được thể hiện với nhiều kỹ thuật, chất liệu, phong cách đa dạng, phản ánh đúng thực tế phát triển của sáng tác tranh in những năm gần đây ở Việt Nam. Các kỹ thuật in nổi từ bản khắc gỗ, bản khắc cao su phát triển mạnh và tinh tế, có sự phong phú về kỹ thuật: từ kỳ công tỷ mỷ đến phóng khoáng, bay bổng, từ những kỹ thuật truyền thống đến kỹ thuật hiện đại. In lõm từ bản khắc kim loại, mika, hay bản ghép dán collagraph trở nên chuyên nghiệp và sâu sắc hơn. In đá, in độc bản được xuất hiện với các kỹ thuật in màu nước, in đồ nét, in phối chất từ các vật thể… Đồ họa Trúc Chỉ góp mặt với các tác phẩm mang vẻ đẹp riêng của sự tương tác giữa nghệ thuật in ấn và nghệ thuật sơ sợi. Phương pháp in đa kỹ thuật, có sự phối hợp từ 2 kỹ thuật trở lên, đã cho thấy xu thế của tranh in thế giới đã tác động đến phương pháp sáng tác của họa sĩ trong nước.

Khuôn khổ các tranh khá đa dạng, gồm những bức tranh nhỏ từ 4,5cm cho đến các tranh lớn hơn 20cm với đủ hình dạng vuông, tròn, chữ nhật, hay hình dạng tự do… cũng cho thấy sự cởi mở trong cách nhìn mang đặc trưng riêng về kích cỡ của loại tranh mini và về hình thức tranh in đồ họa của các họa sĩ hiện nay. Các hình thức khác nhau trong sử dụng ngôn ngữ đồ họa phản ánh tâm tư của các tác giả trong tìm tòi, sáng tạo cái mới. Chủ đề của các tác phẩm rất phong phú, từ phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… đến các tác phẩm mang đậm suy tư cá nhân về đời sống tình cảm, trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội trong mùa dịch COVID-19 đã và đang diễn ra. 

Trần Mỹ Anh, Ranh giới (2 tranh), khắc gỗ, 2021

Triển lãm “Hanoi Miniprint 2021” có sự khác biệt so với lần tổ chức năm 2019 bằng việc Ban tổ chức đã lựa chọn 3 Giải thưởng đồng hạng trao cho các tác phẩm nổi bật về chất lượng nghệ thuật tranh in: tính sáng tạo mới trong hình thức, kỹ thuật, về tính nhân văn, tính thời sự của nội dung. Các tác giả đạt giải đều là những gương mặt mới, đang tích cực sáng tác, tìm kiếm lối đi riêng để khẳng định phong cách của mình. Tác giả Đỗ Hoàng Anh (sinh năm 1998) được trao giải với bộ tác phẩm “Tĩnh” gồm các tranh khắc đồng rất tinh tế, kỹ lưỡng trong tạo hình và mới mẻ về cách nhìn, cách áp dụng các kỹ thuật mang tính sáng tạo cá nhân. Tác giả đưa những hình ảnh kiến trúc phong cách Đông Dương của Hà Nội vào không gian của những khối cầu tròn căng. Các hình cầu có kích thước đường kính từ 4cm đến 20cm. Ở đó tình cảm, ký ức về Hà Nội xưa được thể hiện chi tiết, tinh vi qua nét khắc trên bản đồng và các sắc độ chuyển biến mềm mại. Các hình cầu được xuất hiện dưới dạng tranh in đa lớp, mỗi tranh có độ nổi cao thấp khác nhau so với mặt nền, có phần nào đó mang tính chất tiểu sắp đặt. Toàn bộ hình thức của tác phẩm đem lại cái nhìn mới mẻ về nghệ thuật tranh in hiện nay. Nguyễn Thành Vinh (sinh năm 1988) lại cho người xem khía cạnh khác, và rất mới trong bối cảnh tranh in đồ họa Việt Nam. Bộ tác phẩm gồm 4 tranh (KT mỗi tranh 15 x 20cm) của anh được thể hiện một cách đầy cảm xúc. Mỗi nét khắc trên gỗ đều cho thấy hơi thở, cảm hứng của tác giả môt cách trực tiếp. Anh không chú trọng vào diễn tả hình thể mà hướng đến ngôn ngữ bay bổng của cảm xúc, của cái gọi là “dao pháp” trong khắc gỗ với những đường nét trừu tượng nhưng vẫn gợi cảm nhận nào đó về khoảnh khắc khi con người đứng trước thiên nhiên. Họa sĩ Vũ Văn Quyền (sinh năm 1982) được trao giải đồng hạng với tác phẩm tranh khắc gỗ công phu, tỷ mỉ, ở đó các hình thể xuất hiện bởi hàng ngàn chấm nhỏ được tạo bởi mũi nhọn của máy khắc chạy bằng mô tơ điện. Anh sử dụng mũi kim nhỏ đến 0,3mm để tạo hình những bóng dáng con người, không gian của thời buổi dịch COVID-19 chỉ trong khuôn khổ 20 x 15,5cm. Điều đó làm cho người xem thú vị và tò mò. Họa sĩ in tranh khắc gỗ bằng giấy ẩm, qua độ nén máy in, những phần nền giấy trắng nổi hằn khá rõ. Trong một diện tích nhỏ, sự đối lập đen – trắng, cao – thấp đã đem lại cảm nhận thị giác khó nắm bắt, tựa như ảo ảnh của hình tượng và không gian trong tranh. Đó cũng là một khía cạnh ghi dấu phong cách cá nhân họa sĩ và sự chinh phục thử thách mới trong sáng tác tranh khắc gỗ. 

Triển lãm “Hanoi Miniprint 2021” là bước đi nối tiếp, là ước muốn để hướng tới nâng tầm, xác lập thương hiệu triển lãm Hanoi Miniprint lên định dạng triển lãm lưỡng niên – Biennial có tính quốc tế tại Việt Nam. Qua đó góp phần định hình địa chỉ nghệ thuật đồ họa nói riêng, mỹ thuật nói chung của Việt Nam trong hệ thống các triển lãm quốc tế, tham gia phần đóng góp nhỏ bé của mình vào quá trình tạo dựng nền công nghiệp văn hóa nước nhà.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trân (1995), Nghệ thuật Đồ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 

2. Antony Griffiths (1996), Tranh in và nghệ thuật in ấn, giới thiệu về lịch sử và kỹ thuật, Nhà xuất bản Đại học California, Berkeley và Los Angeles.

3. Dwight W. Pogue (2012), Cuộc cách mạng trong tranh in, Nhà xuất bản Watson-Guptill, New York.

NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *