Trọng dụng hiền tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Đề cao vai trò của hiền tài

Trong lịch sử Việt Nam, còn ghi lại rất nhiều câu chuyện lịch sử về các vị quân vương biết trọng dụng hiền tài, biết đánh giá cao vai trò của họ đối với đất nước, do đó, chính sách cầu hiền luôn được chú trọng: “Trị nước cần ở được người hiền, mà sự được người hiền tất do người tiến cử. Thế cho nên các vị đế vương đều lấy việc đó làm cần thiết ưu tiên. Thời thịnh đời xưa các quan tại triều, thường có ý nhường người hiền tài lên cấp trên mình, cho nên dưới dân gian không có người hiền nào bỏ sót, công việc quốc gia không việc nào bỏ bê, trở nên một nền thái bình thịnh trị… Nhân tài trên đời vốn không phải hiếm, nhưng cách cầu tài đâu phải chỉ một lối nào. Hoặc có người có tài kinh luân thao lược” (1). Từ đó, chủ trương chiêu nạp hiền nhân quân tử trong thiên hạ, yêu cầu: “các quan chức đều nên lưu tâm thành thực tiến cử hiền tài; các bậc hiền tài hãy còn hàn vi ở nơi thôn xóm, hãy nên tự tiến, đừng lấy sự đem ngọc bán rau làm hổ thẹn, khiến trẫm phải than thở về nổi thiếu nhân tài” (2).

Phát huy truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy các bậc hiền tài “là nguyên khí quốc gia”. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân tài, chủ trương vận dụng tài năng của họ vào trong công cuộc phục vụ quốc gia. Mặc dù chủ trương “lấy dân làm gốc”, nhưng Bác luôn xác định: để hướng sức mạnh của nhân dân vào thực hiện các mục tiêu cách mạng, phải có đội ngũ tiên phong về phẩm chất và năng lực trên cơ sở được trang bị hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, hiểu biết tiến trình khách quan, nắm vững đường lối cách mạng, nghệ thuật đấu tranh lãnh đạo, đó chính là lực lượng nhân tài của đất nước. Bác từng khẳng định: “nếu chỉ có tính tích cực của quần chúng mà không có những người trung hiền để tổ chức và dìu dắt họ, thì tính tích cực của quần chúng sẽ không được bền vững và tiến lên” (3); để phát huy lực lượng to lớn của nhân dân, thực hiện các mục tiêu xã hội, cần phải có một đội quân tiên phong, họ chính là những hiền tài của đất nước, có đầy đủ các phẩm chất đạo đức, năng lực hành động, lý tưởng cách mạng, khoa học, hiểu biết thực tế, nắm vững đường lối, chính sách của nhà nước, biết lãnh đạo và dẫn dắt nhân dân đấu tranh giành những quyền lợi chính đáng cho mình.

2. Phương pháp thu nạp hiền tài

Xác định vị trí của hiền tài trong xã hội, Bác nhận thấy việc chiêu nạp nhân tài là điều phải được quan tâm, do đó, Bác đề xuất nhiều phương pháp chiêu nạp nhân tài một cách hiệu quả nhất. Người nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều” (4), những người hiền tài không ở đâu xa, họ ngay trong xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần phải nghe đến, nhìn khắp, làm cho những bậc tài đức có thể xuất thân, lộ diện. Để trọng dụng những người hiền tài, Bác yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài, có thể làm được những việc ích nước lợi dân báo cáo cho Chính phủ; trong báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của từng người, để tiện cho Chính phủ sắp xếp công việc phù hợp với tài năng. Bác kêu gọi trong tất cả đồng bào Việt Nam, ai có tài năng và sáng kiến về công việc, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ, các kế hoạch và ý kiến này sẽ được Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu có thể thực hành được thì thực hành ngay. Bác còn chỉ rõ, Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân. Anh em trong Chính phủ, ai là người có tài năng, có đức hạnh, giúp đỡ cho dân, cho nước, thì sẽ được quốc dân hoan nghênh. Chúng ta quý trọng những người khoa học tiến bộ đời nay và biết ơn những người khoa học tiến bộ đời xưa, vì họ có công to với xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng nên biết nhiều nhà khoa học tiến bộ đã gan dạ chống lại thế lực phản động và đã bị hy sinh, chế độ xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân của chúng ta thật sự quý trọng những người khoa học tiến bộ.

3. Phương pháp trọng dụng hiền tài

 Đề bạt người có tài

Kết hợp hai luồng tư tưởng văn hóa Đông Tây, Bác đã vận dụng phương pháp “Tri kỷ, tri tha nhân”, đồng thời lấy quan điểm toàn diện và dựa vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi người để đưa ra cách nhìn nhận đánh giá, cũng như sử dụng nhân tài một cách đúng đắn nhất. Bác chỉ rõ rằng: Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Tầng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hóa khác nhau, tính tình cá nhân cũng không giống hệt. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ. Phải tự biết người, biết mình, vì không tự biết mình thì khó mà biết người, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình.

Bác cho rằng, để phát huy được tài năng của người cán bộ thì phải cất nhắc họ. Không vì lòng yêu ghét, thân thích, nể nang mà phải theo công việc, tài năng để tiến cử. Trước khi cất nhắc phải xem xét rõ công tác của họ, cách sinh hoạt, cách viết, cách nói, việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không; chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào, xem xét số đông trong việc đánh giá họ; phải biết ưu điểm và khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay, biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc hiền tài một cách đúng mực. Bác nhắc nhở cất nhắc hiền tài, không nên làm như “giã gạo”, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên, như thế là hại cả đời họ. Ngược lại, phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc, sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên can họ cố gắng, vun trồng lòng tự tin, tự trọng, lựa chọn đúng hiền tài còn cần phải dạy bảo lý luận cho họ, vì “chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù” (5); không được bỏ rơi, xa cách hiền tài, ngược lại chúng ta phải thật thà đoàn kết, nâng đỡ, thân thiết và gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.

Tôn trọng hiền tài

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chiêu nạp được hiền tài là một việc khó, nhưng vận dụng và phát huy tài năng của họ càng khó hơn. Do đó, lúc sử dụng hiền tài, người lãnh đạo phải biết tôn trọng họ, thật sự vận dụng tài năng của họ trong các công việc quốc dân, đồng thời có chế độ đãi ngộ đúng đắn đối với họ,Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ” (6).

Bác cũng chỉ rõ rằng: Hiền tài có rất nhiều người với những tầng lớp khác nhau, do đó mà có sự khác nhau về trình độ, văn hóa, kể cả tính cách cũng khác biệt. Vì vậy, phải hiểu biết khéo léo dùng họ, cất nhắc, thương yêu và phê bình. Người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự trọng của đồng chí mình, “cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc” (7). Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa, kể cả tư tưởng của con người, vì vậy, khi đánh giá hiền tài không nên bất biến. Một người trước kia có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi; cũng có người đến nay chưa bị sai lầm, nhưng không chắc sau này không phạm sai lầm; quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Do đó, muốn hiền tài làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc, bằng cách: phải khiến cho hiền tài cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có quyền “tùy cơ ứng biến”… Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa, đồng thời phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công, để vun trồng tính phụ trách, can đảm làm việc của họ. Nếu có hiền tài không yên tâm làm việc, thì phải xét rõ sự lãnh đạo không đúng để thuyết phục và khuyên ngăn họ, nếu vì công tác không hợp với năng lực, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm.

4. Yêu cầu đối với hiền tài

Bác một mặt khẳng định vai trò của hiền tài, mặt khác lại đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt nhằm vận dụng và phát huy cao nhất tài năng của họ vào xã hội, vì mục đích phục vụ xã tắc, bách tính. Người yêu cầu nhân tài phải rèn luyện và tu dưỡng theo những chuẩn mực cần có của người lãnh đạo để xứng đáng với vai trò dẫn dắt nhân dân. So với các vị tiền bối, Bác đặt ra yêu cầu cao đối với lực lượng nhân tài, tức họ phải vì nước vì dân mà tận tâm tận lực phục vụ.

Bác từng kêu gọi những hiền nhân trong xã hội “Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng” (8), hy vọng họ đem hết tài năng, kinh nghiệm trong việc kiến thiết nước nhà, xây dựng xã hội bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người dân. Đồng thời Bác cũng chỉ rõ, những người tài muốn xứng đáng với sự kỳ vọng của Chính phủ, của nhân dân thì phải xác định được rằng: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của tổ quốc, của giai cấp” (9); phải tận tâm tận lực phục vụ Tổ quốc, nhân dân, còn đối với bản thân thì không có bất kỳ một yêu cầu nào về “danh” và “lợi”. Phải tự biết người, biết mình, phải đi đầu, làm gương trong công cuộc trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh; phải “tiên ưu hậu lạc”, đối với mình thì không tự mãn, kiêu ngạo, phải siêng năng tiết kiệm, không ngừng học hỏi cầu tiến bộ; đối với đồng chí thì thân ái, không che đậy những điều xấu, học hỏi lẫn nhau cái hay và sửa chữa cái dở, không tranh giành, ghen ghét đố kỵ, hiếu danh, hiếu vị; đối với công việc thì phải suy xét, suy nghĩ kỹ; đối với nhân dân thì phải hiểu nguyện vọng, tâm lý, sự cực khổ của dân, tôn kính dân, làm cho dân tin, biết học sáng kiến của dân, làm gương cho dân và giải thích cho dân rõ các chủ trương chính sách của Nhà nước; đối với đoàn thể thì phải bỏ tự do cá nhân, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh và tuyệt đối trung thành với đoàn thể.

Có thể thấy, những quan điểm trong việc yêu cầu hiền tài của Hồ Chí Minh, đối với xã hội ngày nay, không những không “lỗi thời” mà còn là một trong những nội dung quan trọng cần được vận dụng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mới. Trong giai đoạn hiện nay, để thu hút nhân tài cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc thu hút, trọng dụng nhân tài; xem việc phát hiện những cá nhân xuất sắc, thu hút và trọng dụng họ là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan của Đảng và Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hai là, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế tuyển dụng, sử dụng nhân tài; xây dựng môi trường làm việc phù hợp, thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với nhân tài.

Bốn là, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đức, tài cho hiền tài; xây dựng tác phong làm việc đúng đắn, phù hợp để họ xứng đáng là những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

Năm là, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hút, trọng dụng người có tài năng. Thường xuyên đánh giá kết quả làm việc của nhân tài, kịp thời biểu dương những nhân tài có nhiều cống hiến, khích lệ họ phát huy tài năng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

_______________

1, 2. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, quyển1, Nxb Khoa học xã hội, 1978, tr.57b, 58b.

3, 5, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.289, 513, 280.

4,8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.317, 259.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.320.

9. Hồ Chí Minh, Về đạo đức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.335.

Tác giả: Nguyễn Thị Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *