1. Khái niệm truyền thông
Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm… chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, nhóm, cộng đồng và xã hội (1). Về bản chất, truyền thông là quá trình chia sẻ, trao đổi hai chiều, diễn ra liên tục giữa chủ thể và đối tượng truyền thông theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi có sự chênh lệch trong nhận thức, hiểu biết… giữa chủ thể và đối tượng truyền thông gắn với nhu cầu chia sẻ, trao đổi thì hoạt động truyền thông diễn ra. Quá trình truyền thông vì vậy chỉ kết thúc khi đã đạt được sự cân bằng trong nhận thức, hiểu biết… giữa chủ thể và đối tượng truyền thông. Về mục đích, truyền thông hướng đến những hiểu biết chung nhằm thay đổi thái độ, nhận thức, hành vi của đối tượng truyền thông và tạo định hướng giá trị cho công chúng.
Truyền thông là quá trình truyền tải thông tin, nhờ đó có sự giao tiếp mà con người hiểu biết lẫn nhau, trao đổi những kinh nghiệm sống và liên kết, hợp tác với nhau trong lao động sản xuất , chinh phục thiên nhiên, đấu tranh xã hội. Từ những hình thức truyền thông đơn giản, người ta đi đến những hình thức hiện đại và phức tạp hơn như truyền hình, vệ tinh nhân tạo, internet… Như vậy, có thể thấy rằng truyền thông là một khái niệm rộng, bao trùm tất cả các hoạt động báo chí, hoạt động PR, quảng cáo thông qua sách, báo, tạp chí… nhằm mục đích truyền tải thông tin và tác động đến xã hội thông qua tư tưởng nhận thức của người tiếp nhận.
Truyền thông đại chúng là hoạt động giao tiếp xã hội rộng rãi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà báo chí là hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất. Truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội đặc thù bao gồm 3 thành tố: hoạt động truyền thông, các nhà truyền thông và công chúng.
2. Khái niệm văn hóa
Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng lớn, liên quan đến mọi mặt của đời sống, do đó có khá nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo cách tiếp cận và góc độ nghiên cứu, nhưng hầu hết có quan điểm chung khi coi văn hóa là giá trị. Theo tác giả Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (2). Hồ Chí Minh cho rằng: “loài người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học… Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa” (3).
Văn hóa là sản phẩm của loài người, được hình thành và phát triển trong mối quan hệ thích nghi giữa con người với tự nhiên, xã hội, cũng chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự phát triển bền vững cho xã hội. Nghiên cứu văn hóa cần chú trọng toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất, tinh thần, luôn tiếp biến và quá trình này diễn ra nhanh chóng do các nguyên nhân chủ yếu gồm phát minh, khám phá, phổ biến và khuyếch tán. Quá trình truyền thông về biển đảo cần nhìn nhận và bám sát nền tảng văn hóa.
3. Văn hóa truyền thông về biển đảo
Có thể hiểu văn hóa truyền thông là những giá trị thông tin đọng lại trong nhận thức, tư tưởng của công chúng sau một quá trình truyền thông, là cách thức truyền tải nội dung một cách phù hợp. Đồng thời văn hóa truyền thông cũng để chỉ thuộc tính văn hóa, trình độ, phẩm chất của các sản phẩm truyền thông.
Hệ thống truyền thông đại chúng (báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình…) hiện đang có bước phát triển mới. Đến ngày 25-12-2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm (trung ương có 86 báo in và 507 tạp chí, địa phương có 113 báo in và 132 tạp chí); 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương; 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí…
Truyền thông về biển đảo là phải đưa tới cho công chúng những giá trị văn hóa về biển đảo, từ đó tạo dựng tư tưởng, thái độ và hành vi đúng. Biển với người Việt, không chỉ là nguồn sống mà còn là thành lũy bảo vệ đất nước. Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông. Bờ biển dài 3.260km, từ Móng Cái đến Cà Mau, cứ l00km2 thì có l km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất liền/1km bờ biển). Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km (gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2/330.000km2) trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Với vị trí quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông, vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Bãi biển Vũng Lắm, Phú Yên. Ảnh Hiền Anh
Ý thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề truyền thông về biển đảo, đặc biệt là từ năm 2011 trở lại đây.
Truyền thông về biển đảo tập trung vào các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, chủ quyền biển đảo bảo: vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách. Nếu không bảo vệ được chủ quyền thì chúng ta không có căn cứ để thực hiện khai thác nguồn lực biển.
Thứ hai, nguồn lực biển: biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Đảng ta đã khẳng định trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: “Thực hiện quá trình dân sự hóa trên biển, đảo gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển; thí điểm xây dựng các khu quốc phòng – kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo của tổ quốc”. Vì vậy, để khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực phát triển đất nước, Đảng và nhà nước đã tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo.
Báo chí đã truyền thông khá đồng đều tất cả các mảng đề tài này trên tất cả các loại hình, đặc biệt sau Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển.
Sau sự kiện giàn khoan 981 hạ đặt trái phép vào thềm lục địa của nước ta đã hướng tất cả phương tiện truyền thông về biển đảo phát huy giá trị. Trên công cụ tìm kiếm Google ngày 2-8-2014, khi gõ cụm từ “giàn khoan HD 981” trong 0,40 giây hiện ra khoảng 1.870.000 kết quả, đây là con số rất lớn, biểu thị sự quan tâm của nhân dân trong và bạn bè quốc tế về vấn đề biển đảo. Sự việc bắt nguồn từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia.
Trước những diễn biến ngày càng trở nên phức tạp về vấn đề biển đảo, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin kịp thời, chính xác, cụ thể về âm mưu và hành động của Trung Quốc trong chiến lược hiện thực hóa đường lưỡi bò trên biển Đông. Thông qua các kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài, bằng con đường ngoại giao, chúng ta đưa đến chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, kể cả Liên hiệp quốc những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để bạn bè quốc tế và nhân dân các nước hiểu đúng tình hình biển Đông, từ đó chia sẻ, ủng hộ Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã vào cuộc và làm tốt vai trò chức năng của mình trong công tác tuyên truyền về biển đảo. Trên truyền hình, các bản tin thời sự của các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đã liên tục cập nhật thông tin về biển đảo. Đã có hàng trăm phóng viên ra hiện trường để ghi hình giàn khoan và đưa tin, hàng trăm cơ quan báo chí đã vào cuộc, liên tục thực hiện các tác phẩm về đề tài biển đảo. Qua những việc làm cụ thể này, báo chí đã thực sự vào cuộc góp phần tuyên truyền, tạo sức ép dư luận góp phần quan trọng dẫn đến việc ngày 17-7-2014, Trung Quốc rút dàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
4. Nâng cao chất lượng truyền thông về biển đảo
Văn hóa truyền thông được đánh giá bằng hiệu ứng, hiệu quả xã hội của báo chí mang lại theo cơ chế tác động riêng của nó. Do đó, tiêu chí đánh giá văn hóa truyền thông của hoạt động báo chí căn cứ vào các yếu tố tham gia quá trình truyền thông.
Chủ thể truyền thông (người làm báo) là đối tượng phát ra tín hiệu truyền thông, xây dựng nội dung truyền thông, quyết định truyền thông cái gì, như thế nào, cho ai, bằng hình thức nào.
Trong truyền thông, báo chí giữ vai trò then chốt. Vì thế phải kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các Tổng Biên tập và những người đứng đầu các cơ quan chủ quản các tờ báo; phải chỉ đạo chặt chẽ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ những người làm báo. Với đặc trưng nghề nghiệp, nhà báo cần được trang bị một phông văn hóa chung rộng, chuẩn mực, nghiệp vụ vững vàng; có văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử tốt. Ảnh hưởng của báo chí đối với xã hội là cực kỳ lớn, thái độ của người cầm bút sẽ có giá trị chi phối và định hướng nhận thức, tư tưởng cũng như hành động của quần chúng nhân dân. Với nghề báo, sự đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp được đặt ra như một trong những yêu cầu đầu tiên, là tiêu chuẩn quan trọng quyết định mức độ văn hóa truyền thông của người làm báo.
Giá trị văn hóa của tác phẩm báo chí khi đăng tải, phát sóng là yếu tố cơ bản và quan trọng, kết nối giữa chủ thể truyền thông và người tiếp nhận. Thông qua các sản phẩm, báo chí có vai trò truyền bá những tiêu chuẩn và các giá trị tinh thần; xây dựng ý thức công dân, định hướng công chúng đến với chân – thiện – mỹ. Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của người làm báo qua cả cuộc đời tác nghiệp của họ, ở dấu ấn dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển xã hội.
Mỗi dân tộc có một văn hóa khác nhau và cách tiếp nhận văn hóa riêng. Vì thế, người làm truyền thông biển đảo không chỉ là người có văn hóa, am hiểu văn hóa biển đảo mà còn phải là người biết thích ứng và linh hoạt với hoàn cảnh. Một mặt, qua những hình thức truyền thông khác nhau, cải biến suy nghĩ của người tiếp nhận, mặt khác cũng phải dựa trên trình độ văn hóa của người tiếp nhận qua những thời kỳ khác nhau có những cách tiếp cận, tuyên truyền cho phù hợp.
Ví dụ trên truyền hình, nếu như trước đây, vấn đề biển đảo chỉ được phản ánh một cách khô cứng trong những bản tin thời sự chính luận, những bộ phim tài liệu khô khan thì hiện nay, rất nhiều các chương trình mới đã ra đời. Không chỉ gia tăng về số lượng, mà chất lượng cũng có rất nhiều cải tiến. Các chương trình Tạp chí Biên giới biển đảo, Ký sự biên cương đã có sức thu hút vô cùng lớn đối với công chúng do biết khai thác và phản ánh đậm chất văn hóa.
Công chúng truyền thông là toàn bộ các đối tượng chịu sự tác động của chủ thể truyền thông, thông qua thông điệp truyền thông của họ. Công chúng truyền thông biển đảo là toàn bộ người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Văn hóa truyền thông về biển đảo cũng đòi hỏi sự đồng bộ về nhận thức, trình độ văn hóa nhất định từ phía công chúng tiếp nhận mới có thể giải mã được một cách đúng đắn, trọn vẹn nội dung thông tin của tác phẩm báo chí. Quá trình truyền thông biển đảo là quá trình hai chiều, phản hồi của công chúng cho biết hiệu quả truyền thông. Nếu phản hồi của công chúng đúng đắn, mang tính xây dựng thì sẽ góp phần giúp cho cơ quan báo chí và người làm báo phát huy mặt tích cực, điều chỉnh sai sót, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về biển đảo
Nước ta là một quốc gia biển với 28 tỉnh duyên hải, khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ rải từ ven bờ ra khơi xa. Trong quá trình sinh sống và phát triển, người dân khu vực biển đảo nước ta đã sáng tạo và gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau một trữ lượng di sản văn hóa vô cùng quý giá, nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, phong phú về giá trị. Không thể phủ nhận những thành công trong công tác truyền thông biển đảo, tuy nhiên, để gây dựng một hệ thống phương tiện truyền thông biển đảo hiệu quả, vững mạnh cần bám sát yếu tố văn hóa, lấy văn hóa làm gốc. Khi truyền thông phát triển, định hướng cho người dân đúng, tất yếu họ có cơ sở hành động đúng.
_______________
1. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Truyền thông – lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2006.
2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
3. Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2006, tr.152.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : HỒ THỊ GIANG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn