Truyền thuyết về nhân vật tiền hiền đồng bằng sông cửu long

Việc tìm hiểu đặc trưng của truyền thuyết đã có nhiều ý kiến thống nhất về những đặc điểm nội dung, nghệ thuật thể loại. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về đặc trưng của truyền thuyết dân gian ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Đây là việc làm nhằm góp phần nhận thức rõ những đặc điểm mang tính địa phương trong sự thống nhất chung của thể loại, khi chúng còn bị chi phối bởi các yếu tố về lịch sử, văn hóa, xã hội của một vùng văn hóa. Tiểu vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng văn hóa Gia Định, có những sắc thái văn hóa tiêu biểu mang tính đặc trưng. Mặc dù đây được các nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử xem là vùng đất mới, nhưng lại chứa đựng cả một kho tàng truyền thuyết dân gian phong phú với sự hiện diện của nhiều biến thể khác nhau, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang đậm sắc thái địa phương.

Năm 2000, trong luận án tiến sĩ Đặc trưng thể loại truyền thuyết và quá trình văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Trần Thị An đã xem xét, nghiên cứu truyền thuyết với tư cách là một thể loại văn học dân gian trong sự đối sánh với các thể loại tự sự dân gian khác. Từ đó, tác giả xác định những đặc trưng của thể loại truyền thuyết ở hai phương diện nội dung, nghệ thuật. Những vấn đề lý luận về đặc trưng thể loại truyền thuyết được trình bày trong luận án của Trần Thị An là những tiền đề quan trọng giúp thực hiện việc khảo sát, phân tích, đánh giá những đặc điểm mang tính đặc trưng của truyền thuyết về các nhân vật tiền hiền ở một vùng miền cụ thể.

Việc xác định đặc điểm truyền thuyết về các nhân vật tiền hiền vùng ĐBSCL (trong bài viết này gọi tắt là truyền thuyết TL2A) được dựa trên việc khảo sát, phân tích đặc điểm cấu tạo cốt truyện, việc tổ chức các yếu tố tự sự của truyền thuyết.

Cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết thường bao gồm 3 lớp truyện:

Lớp truyện về nguồn gốc, đặc điểm nhân vật

Khảo sát 20 truyền thuyết có thể nhận thấy các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp, thành phần khác nhau trong xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Nguyễn Tú là người gốc Bình Định (Truyền thuyết Nguyễn Tú), Yến là một thuộc hạ của chàng Lía, quê ở Bình Định (Truyền thuyết ông Yến đánh cọp), Trần Trọng Khiêm quê ở Phú Thọ (Tiền hiền làng Hòa An). Không những vậy, họ còn là vị quan thanh liêm, chính trực (Truyền thuyết về ông Nguyễn Hiền Năng), những nhà sư (Truyền thuyết Tăng Ân đánh cọp), con nhà tướng (Chuyện ông Nguyễn Huỳnh Đức), người Khơme (Bà Danh Col ở Vàm Trư bắt heo rừng).

Nhìn chung, hệ thống nhân vật trong truyền thuyết TL2A đa dạng về nguồn gốc, thành phần xuất thân. Theo lời kể của tác giả dân gian thì đa số các nhân vật này đều có đặc điểm chung là rất giỏi võ thuật, có nhiều tài lạ, có sức khỏe phi thường hoặc thông minh, hay chữ. Có một số ít nhân vật có nhân dạng khác thường.

Về những nhân vật giỏi võ thuật phải kể đến Nguyễn Tú trong Tiền hiền làng Mỹ Trà; Trần Trọng Khiêm, nổi tiếng là người thông minh, hay chữ trong Tiền hiền làng Hòa An; người thì có tài bắt rắn như Lê Huy Nhạc trong Ông thày rắn ở Đồng Tháp Mười.

Có nhân vật được tác giả dân gian kể là có nhân dạng dị thường như ông Tăng Chủ trong Truyền thuyết ông Tăng Chủ đuổi cọp; tuy nhiên, nhân vật như vậy không nhiều. Còn lại, đa số các nhân vật được kể với nguồn gốc xuất thân, đặc điểm nhân dạng không có gì đặc biệt, tác giả dân gian chủ yếu chỉ tập trung kể về đặc điểm giỏi võ thuật, nhiều tài lạ của những nhân vật này.

Lớp truyện về sự nghiệp, hành trạng, công đức của nhân vật

Trong lớp truyện này, tác giả dân gian tập trung kể về các nhân vật tiền hiền có công đấu tranh chinh phục tự nhiên, khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL tươi đẹp, trù phú.

Ở các truyền thuyết Ông Yến đánh cọp, Sự tích ông Gốc, Chuyện ông Nguyễn Hùng Đức, Bà Danh Col ở Vàm Trư bắt heo rừng, Ông thày rắn ở Đồng Tháp Mười… tác giả dân gian tập trung kể lại việc các nhân vật đã tiêu diệt được các loài thú dữ ở Nam Bộ như cọp, cá sấu, heo rừng, rắn độc… để cho nhân dân yên tâm lao động, sinh hoạt. Chẳng hạn như sức khỏe, tài giết cọp phi thường của ông Trùm Thăng; sự kiện bắt heo rừng của bà Danh Col ở Vàm Trư Kiên Giang; tài bắt rắn, chữa trị rắn cắn của ông Lê Huy Nhạc…

Trong một số truyền thuyết kể về nhân vật có công diệt trừ thú dữ cho dân làng ở vùng ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy thỉnh thoảng mới có sự xuất hiện của một vài chi tiết kỳ ảo, hoang đường trong cốt truyện như nhân vật ông Yến trong Ông Yến đánh cọp. Bên cạnh những nhân vật chiến thắng, chinh phục được các loài thú dữ bằng võ nghệ, sức khỏe phi thường, truyền thuyết nhân vật TL2A còn có nhân vật có những phép lạ, có khả năng bắt, tiêu diệt được các loài thú dữ. Đó là trường hợp nhân vật Tà Phiếp ở tỉnh Kiên Giang trong Tà Phiếp tứ chiến linh xà, dùng phép lạ để bắt rắn.

Truyền thuyết về các nhân vật được nhân dân tôn vinh là bậc tiền hiền của làng, xã gồm có: Tiền hiền làng Mỹ Trà, Bà chúa hòn Tăng Thị Huệ, Ông tiền hiền làng Hòa An… Trong các truyền thuyết này, sự nghiệp của nhân vật thường nhiều công trạng hơn so với các nhân vật đấu tranh diệt trừ thú dữ. Nguyễn Tú trong Tiền hiền làng Mỹ Trà không chỉ tổ chức cho mọi người khẩn hoang, phá rừng, cất nhà, làm ruộng mà còn tổ chức cho dân làng chống lại thú dữ, bọn cướp, không cho chúng tự do hoành hành, cướp bóc của cải của nhân dân; Tăng Thị Huệ trong Bà chúa hòn Tăng Thị Huệ vốn là người giàu có, đã xuất tiền của cho những người dân trên đảo làm vốn chăn nuôi, trồng trọt, từ đó đã tạo cho đời sống nhân dân Hòn Rái ở Kiên Giang ngày càng trở nên sung túc; Trần Trọng Khiêm trong Truyền thuyết tiền hiền làng Hòa An vừa là người đứng ra tổ chức khai hoang, góp phần lập nên làng Hòa An ở tỉnh Đồng Tháp, là người có tài vẽ các kiểu công sự để giúp Thiên Hộ Dương chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược vào giữa TK XIX.

Nhìn chung, ở lớp truyện thứ hai của truyền thuyết, các nhân vật đều có nhiều công trạng, công đức đối với nhân dân, có công trong việc diệt trừ thú dữ, khai khẩn đất hoang, lập làng, lập chợ, tổ chức đánh cướp, giúp đỡ dân làng có đời sống ngày càng no ấm, sung túc, đại diện cho luật pháp của chính quyền bảo vệ nhân dân… Tất cả các nhân vật trong 20 truyền thuyết được khảo sát đều rất xứng đáng được nhân dân ca ngợi, tôn vinh.

Lớp truyện về đoạn kết của nhân vật

Khảo sát lớp truyện này của các truyền thuyết, có thể nhận thấy một vài điểm sau:

Thứ nhất, nhóm truyện kể về những người có công diệt trừ thú dữ, cứu giúp dân làng như ông Yến, ông Gốc, ông Trùm Thăng, ông Sáu Thìn, bà Danh Col… thì những nhân vật này thường được nhân dân ghi nhớ công ơn, lưu truyền hậu thế từ đời này sang đời khác, có nhân vật được được nhân dân lập miếu thờ. Khảo sát đoạn kết chúng tôi nhận thấy chỉ có 3 truyền thuyết có sự xuất hiện của những chi tiết kỳ ảo, hoang đường cùng với một môtip tạm gọi là sức mạnh của vong linh trong truyền thuyết, đóng vai trò đề cao nhân vật. Có một số truyện dân gian không kể về việc lập miếu thờ các nhân vật vừa nêu trên nhưng ở những vùng đất nơi nhân vật sống hay chết, dân gian đã lấy tên của họ để đặt tên cho vùng đất ấy, chẳng hạn như vùng đất nơi ông Gốc sinh sống được dân gian gọi là rừng ông Gốc. Bên cạnh đó, có một số truyện kể về các nhân vật có công trong việc đấu tranh chống các loài thú dữ lại được nhân dân lập miếu thờ như Tăng Ân (Tăng Ân đánh cọp), Tà Phiếp (Tà Phiếp tứ chiến linh xà)…

Thứ hai, đối với các nhân vật được nhân dân suy tôn là tiền hiền như Trần Trọng Khiêm, tiền hiền làng Hòa An; Nguyễn Tú, tiền hiền làng Mỹ Trà; Cả Huy, tiền hiền làng Tân Thành… thì ở đoạn kết của mỗi câu chuyện kể, các nhân vật đều được nhân dân tôn vinh, thờ phụng, cúng bái tại các miếu, đình làng. Trong lớp truyện này, hiếm thấy xuất hiện yếu tố thần kỳ, chủ yếu là các môtip biểu hiện cho sự tôn vinh, thương tiếc của nhân dân dành cho các nhân vật có công khẩn hoang, lập làng, diệt trừ thú dữ như dựng bia, lập đền thờ, miếu thờ. Đồng thời, môtip hiển linh, âm phủ có xuất hiện thưa thớt, chẳng hạn như Bà chúa hòn Tăng Thị Huệ, Truyền thuyết Nguyễn Hiền Năng. Đây là môtip báo ứng khá phổ biến trong thể loại truyền thuyết dân gian của người Việt.

Sơ đồ hóa cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết nhân vật TL2A như sau: nguồn gốc, đặc điểm, sự nghiệp, hành trạng, công đức, đoạn kết của nhân vật.

Nhìn chung, cấu tạo cốt truyện của các tác phẩm truyền thuyết đều tuân theo cấu tạo cốt truyện mang tính đặc trưng của thể loại truyền thuyết. Các truyện đều được mở đầu bằng việc giới thiệu nguồn gốc, đặc điểm của nhân vật, sau đó là kể về sự nghiệp, hành trạng, công đức của nhân vật đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, kết thúc là nhân vật được nhân dân ghi nhớ công ơn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng bia miệng hoặc được nhân dân lập miếu, đình để thờ phụng. Có một số ít tác phẩm ở đoạn kết có kể về sự hiển linh của nhân vật khi đã mất đi.

Truyền thuyết thể hiện tình cảm yêu mến, biết ơn của nhân dân đối với các nhân vật đã có công đấu tranh chinh phục tự nhiên, khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL. Tình cảm này được thể hiện qua việc nhân dân ca ngợi tài năng, công trạng của các nhân vật, tác giả dân gian xây dựng hình tượng các nhân vật ngay cả khi đã chết vẫn còn hiển linh để giúp đỡ, phù hộ cho nhân dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Nội dung chủ đạo trong các truyền thuyết này chính là sự thể hiện cảm hứng khẳng định, ca ngợi, tôn vinh các nhân vật vốn được xem là các bậc tiền hiền trong lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL.

Nội dung truyền thuyết không chỉ thể hiện cảm hứng ca ngợi, tôn vinh những con người sống gắn bó, hy sinh cho cộng đồng mà còn cho thấy quá trình khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng đất bằng phẳng, rộng rãi, phù sa màu mỡ của nhân dân.

Hệ thống nhân vật xuất hiện trong cuộc đấu tranh để chiến thắng kẻ thù, khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL gồm có rất nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, với những nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh, địa vị, tôn giáo khác nhau cùng tham gia. Họ là những lưu dân đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, người Việt, người Khơme, người theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, người nghèo, người giàu, nông dân, các bậc quan lại dưới triều Nguyễn, tất cả đều cùng tham gia vào công cuộc khai phá, xây dựng, bảo vệ vùng đất mới phía Nam này.

Việc tác giả dân gian ca ngợi các nhân vật trong truyền thuyết mà không có sự phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân… đã thể hiện tinh thần phóng khoáng, rộng mở, bao dung trong tính cách của người dân vùng đồng bằng Nam Bộ được thể hiện khá đậm nét trong những truyền thuyết nói trên.

Mặt khác, truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL góp phần bổ sung vào trang sử dân tộc những nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân nhưng vì những lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó mà tên tuổi của họ chưa xuất hiện trong lịch sử. Tiêu biểu là Nguyễn Hiền Năng. Trong sách sử không ghi lại công lao của ông, nhưng truyền thuyết dân gian lại không quên khẳng định, ca ngợi, tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của nhân vật này. Ngôi miếu thờ ông ở phía hữu ngạn sông Quan Lộ, Cà Mau là minh chứng đầy thuyết phục cho tấm lòng yêu mến, quý trọng của nhân dân dành cho nhân vật này. Cũng thông qua truyền thuyết này, người đời nay còn nhận ra một thực tế lịch sử dưới thời nhà Nguyễn là có khá nhiều người thuộc tầng lớp quan lại đã có sự gắn bó sâu sắc, sẵn sàng chết để bảo vệ nhân dân. Kiểu nhân vật sống, chết vì nhân dân, vì cộng đồng, được yêu mến, tôn vinh, mang tính đặc trưng của thể loại truyền thuyết nói chung, truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL nói riêng.

 Truyền thuyết về các nhân vật có công khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL tồn tại với nhiều dạng cấu tạo cốt truyện khác nhau, ở dạng kết cấu chuỗi, kết cấu đơn, cấp độ chi tiết. Tuy nhiên, không thấy có sự xuất hiện của môtip nhân vật thụ thai, sinh nở thần kỳ, không có nhân vật hiển linh, môtip hóa thân cũng chỉ xuất hiện một cách thưa thớt. Nhìn chung, các yếu tố thần kỳ ít tham gia vào cốt truyện. Giải thích cho vấn đề này, cần phải xem xét đến các yếu tố lịch sử hình thành vùng đất mới phía Nam. So với các vùng miền khác trong cả nước, ĐBSCL có lịch sử hình thành khá muộn, chỉ trong khoảng gần 400 năm trở lại đây. Đặc điểm này tất yếu sẽ có những tác động nhất định đến những đặc trưng của các thể loại văn học nói chung, truyền thuyết nói riêng. Chính do sự bồi tụ về thời gian cũng như sự lắng đọng của các lớp văn hóa chưa nhiều nên hệ thống truyền thuyết nhân vật ở vùng ĐBSCL nói riêng, thể loại truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL nói chung còn vắng bóng những yếu tố thần kỳ trong các tác phẩm.

Kết quả phân tích về đặc điểm cấu tạo cốt truyện, việc tổ chức các yếu tố tự sự của truyền thuyết về các nhân vật tiền hiền có công khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL đã cho những thông tin rất có ý nghĩa về đặc trưng thể loại truyền thuyết dân gian tại đây.

Trước hết, so với một số truyền thuyết vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ thì truyền thuyết về các nhân vật có công khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL có 3 điểm tương đồng rõ rệt. Thứ nhất, các tác phẩm truyền thuyết đều lấy sự kiện, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng, tác động đến cộng đồng làm cốt lõi nội dung của tác phẩm. Thứ hai, trong các tác phẩm truyền thuyết về các nhân vật tiền hiền vùng ĐBSCL, cảm hứng sáng tác chủ đạo là cảm hứng ca ngợi, tôn vinh các nhân vật tiền hiền có ảnh hưởng, tác động đến cộng đồng. Thứ ba, đa số các tác phẩm truyền thuyết đều có xu hướng thiêng hóa các nhân vật có vai trò tích cực đối với cộng đồng, dân tộc.

Bên cạnh đó, truyền thuyết về các nhân vật tiền hiền có công khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL vẫn có những nét đặc trưng riêng, tồn tại với nhiều dạng kết cấu khác nhau, truyền thống (gồm 3 phần: mở đầu, phát triển, kết thúc), cấp độ chi tiết (mẩu chuyện). So với truyền thuyết dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ thì một số truyền thuyết về các nhân vật có công khai phá, xây dựng vùng ĐBSCL còn có cấu tạo cốt truyện đơn giản, ít chi tiết; có truyền thuyết chỉ có một hoặc hai lớp truyện, nhiều truyền thuyết không có đầy đủ ba lớp truyện như trong các truyền thuyết truyền thống.

Với những đặc điểm mang tính đặc trưng này, bài viết muốn khẳng định truyền thuyết của người Việt đã có nhiều biến đổi khi được sáng tác, lưu truyền từ vùng ngoài vào vùng ĐBSCL. Đồng thời, khi vào đến vùng này, truyền thuyết có những đặc trưng riêng so với truyền thuyết dân gian ở các vùng miền khác trong cả nước, đặc biệt là so với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những nét đặc trưng này một mặt là do tác động bởi các yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, mặt khác là do tính độc đáo trong sáng tác nghệ thuật của tác giả dân gian ở mỗi vùng miền của Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : ĐÕ THỊ HỒNG HẠNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *