Khi nói đến đồ trang sức, người ta thường nghĩ đến những sản phẩm cao cấp, đắt tiền, sang trọng với các chất liệu quý như bạch kim, vàng bạc đá quý, kim cương, ruby, shappia… Trong khi đó, chất liệu để làm đồ trang sức vô cùng phong phú, ngoài những dòng chất liệu quý còn có chất liệu như da, gỗ, bào ngư, sơn mài, gốm… gọi chung là chất liệu tổng hợp. Ngày nay, dòng chất liệu này đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sử dụng trang sức của mọi lứa tuổi cũng như nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Trong kho tàng chất liệu tổng hợp đó, gốm là một chất liệu mang đến cho trang sức một vẻ đẹp riêng độc đáo, mới lạ bởi sự khác biệt của vật liệu. Gốm hiện hữu và phục vụ đời sống con người từ rất lâu đời cùng với sự hình thành của các làng nghề truyền thống. Các làng nghề gốm trải dài trên khắp chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Mỗi làng nghề đều có những chất liệu đất và nguyên liệu mà hình thành các loại sản phẩm nổi tiếng khác nhau như: sứ Hải Dương, sành trắng Móng Cái, Bát Tràng, sành gốm Biên Hòa (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương), sành Hương Canh (Thổ Hà). Trong đó, làng nghề Bát Tràng là nơi sản xuất đủ các loại hình sản phẩm với màu sắc và kích cỡ đa dạng, đặc biệt là các đồ trang sức gốm.
Từ những sản phẩm đầu tiên với chức năng như đun nấu, chứa đựng, ngày nay, gốm đa dạng hơn với đủ thể loại: gốm gia dụng như những nồi bằng gốm, chén, bát, đĩa bằng sành sứ; gốm kiến trúc như các loại gạch xây, gạch chạm thủng, gạch chạm nổi, ngói lợp, tấm lát nền…; gốm mỹ thuật như sản phẩm trang trí cho kiến trúc, tượng gốm, tranh gốm và gốm kỹ thuật như gốm cách điện dùng trong kỹ thuật điện và điện tử, chế tạo máy… Cách thức sản xuất đồ gốm hiện nay rất đa dạng, bao gồm mọi quy trình và kỹ thuật đã từng trải qua trong lịch sử. Có thể làm bằng tay với kỹ thuật rất thô sơ như khi làm đồ đất nung, đồ sành hay sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên những dây chuyền tự động hoàn toàn.
Vòng cổ gốm sứ Bát Tràng – Ảnh: Thu Hồng
Trong các sản phẩm về gốm, trang sức gốm đã xuất hiện từ rất lâu. Nhiều hiện vật được tìm thấy như vòng cổ với những hạt chuỗi bằng đất nung, có hình dáng là những viên bi tròn, có lỗ xuyên tâm để xỏ dây. Hay những chiếc khuyên tai 3 mấu, khuyên tai có hình thoi lõm, hình thoi tròn gắn móc, hình trái lê, hình quả, hình hoa, trang trí hoa văn trổ lỗ ở mặt ngoài, nhưng được nặn bằng đất nung khá thô sơ. Ngoài ra, còn có những chiếc vòng tay đất nung làm từ đất sét pha trộn với cát, mặt ngoài của vòng phủ một lớp đất sét mịn nên rất nhẵn, có màu đỏ nhạt, hình dáng to thô, mặt cắt hình tam giác cân có 2 cạnh hơi lõm. Có lẽ vào thời điểm đó, trong quá trình làm gốm gia dụng, một số trường hợp được vẽ đất để làm vòng, làm khuyên, rồi cũng nung để ra sản phẩm. Trang sức gốm chưa được ưa thích và sử dụng nhiều như các loại trang sức chất liệu khác vào cùng thời kỳ đó. Đồng thời, quan niệm về đeo đồ trang sức để làm đẹp cũng chưa được chú trọng.
Cùng với thời gian, đồ trang sức trở nên phong phú hơn, đặc biệt đối với đồ trang sức gốm. Những sản phẩm được tạo hình trang trí trở nên độc đáo hơn, mới lạ hơn, để phù hợp với nhiều môi trường sử dụng khác nhau. Các công ty, doanh nghiệp, xưởng sản xuất hay các nghệ nhân, ngoài việc sản xuất đồ gốm, cũng đi sâu hơn trong việc chế tác trang sức gốm làm đẹp cho con người. Được bày bán tại các cửa hàng hay làng nghề truyền thống, trang sức gốm nổi bật với những hạt vòng xâu chuỗi được khắc gọt chạm trổ hoa văn hay những vòng cổ với màu sắc nổi bật của men màu gốm… Trong một cuộc triển lãm năm 2014, Công ty Minh Long kết hợp với Công ty trang sức PNJ đã tung ra thị trường bộ trang sức cưới bằng sứ cho phái nữ, đây là một kiệt tác của nghệ thuật làm gốm Bình Dương. Bộ trang sức lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của người phụ nữ, qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, các sản phẩm từ đất – thứ nguyên liệu dung dị đã trở nên bóng đẹp không khác gì ngọc bích. Bộ trang sức đã trở thành tâm điểm chú ý của các công ty trang sức và cũng mang lại cái nhìn mới về trang sức gốm.
Từ nguyên liệu đất có hai loại: đất trắng và đất đỏ cùng các màu vẽ, men màu, gốm đã mang lại cho trang sức những vẻ đẹp riêng mà nhiều chất liệu khác không có được. Có rất nhiều loại màu vẽ và men tráng lên xương đất như màu xanh coban, đỏ, cam…Men có men ngọc, men trắng, men nâu, men lam, men rạn, men gio có màu trắng đục…
Vòng cổ gốm xanh lá mạ – Ảnh: Thu Hồng
Nói đến men ngọc có một lớp men màu xanh, dịu trong suốt. Có người còn gọi men ngọc là men đá bởi lớp men phủ trên gốm thường dày và có độ trong. Khi dùng men này, hoa văn trang trí khắc chìm xuống xương đất rồi phủ men láng cả nền lẫn họa tiết, tạo thành một lớp vân gốm ẩn dưới màu men óng ánh, tạo được sự tinh tế cho sản phẩm và mang lại cảm giác sâu lắng đối với người thưởng thức. Gốm men lục, men trắng đục, men trắng bên ngoài men nâu, cách thức đều tương tự men ngọc. Men nâu, men phủ trên nền gốm màu vàng ngả, phần lớn thường nứt trong hoặc dưới men, làm thành những vân dạng tự nhiên trải đều khắp, khiến cho chất liệu men càng thêm quý. Đường nét trang trí đều được khắc chìm và tô màu nâu đá hay son thắm. Màu nâu của hoa văn điểm trên màu ngà của da gốm tạo nên một sắc độ hài hòa, gợi được ý niệm về sự ấm áp và chắc chắn. Tất cả các hoa văn trang trí đều dùng màu xanh lam để tô vẽ trên xương đất trắng, mỏng mịn, mang lại hiệu quả trong trẻo, chuyển nhiều sắc độ đậm nhạt hơn. Nét vẽ thanh thoát, nhẹ nhàng, bay bướm với nhiều đề tài về thiên nhiên, con người, hình học, vốn cổ… được cách điệu mang tính trang trí cao. Hay là họa tiết kết hợp giữa nét lam và in nổi không men hoặc vẽ nhiều màu trên men, tạo thêm sự phong phú cho tạo hình của sản phẩm. Men lam xẫm, lục, xanh lá cây hay men vàng trên chất liệu sành xốp nung độ lửa trung, hoa văn trang trí khắc chìm hoặc in nổi rồi phủ màu men cùng với màu nền, mang cho gốm sự khỏe khoắn vững chãi, đồng thời tạo nên nhiều sự lựa chọn về chất liệu khi sử dụng chế tác đồ trang sức.
Về phương pháp tạo hình gốm, tùy thuộc vào từng thể loại sản phẩm mà có các quy trình thích hợp. Đối với sản phẩm trang sức chủ yếu vẫn là tạo hình dẻo (tạo hình trên đất khô và đất ướt) sử dụng trên đất trắng, đất đỏ… Tạo hình trên đất khô thì sử dụng các mảnh gốm hình vuông, hình chữ nhật có độ dày 5-7mm đã sơ nung (nguyên liệu như một dạng phấn) để tạo hình bằng cách vẽ nét khắc chìm, cắt gọt hình dáng, hình khối, hoa văn trang trí. Vì nguyên liệu là những mảnh gốm đã sơ nung nên rất bở và dễ vỡ, do vậy yêu cầu sự cẩn trọng khi tạo hình dáng sản phẩm. Tạo hình trên đất ướt là sử dụng đất ướt để nặn đắp nổi, uốn, ấn chải hay dập hình dáng sản phẩm, sau đó cắt, gọt, khắc chi tiết hoa văn trang trí theo ý tưởng. Khi đất khô thì gọt rũa làm sạch cho sản phẩm sắc nét rồi sang công đoạn vẽ màu và làm men. Về vẽ màu, thường dùng nguyên liệu là đất sành trắng, dùng màu vẽ hoa văn trang trí lên trên bề mặt gốm, sau đó nhúng men trong để sản phẩm được bóng đẹp và sâu lắng. Về làm men, đối với gốm để làm trang sức là những sản phẩm nhỏ nên chủ yếu dùng bút dập men hoặc nhúng men màu, men thủy tinh trên nguyên liệu là đất sành trắng. Đó cũng chính là thể loại gốm hay sử dụng trong chế tác đồ trang sức nhất. Đối với nguyên liệu là đất đỏ, chủ yếu chỉ tạo hình dáng hình khối sản phẩm hoặc điểm màu vẽ, không sử dụng được men màu, men thủy tinh. Khi hoàn thành xong công đoạn làm men nên mài phần men dính ở phần đáy sản phẩm để tránh trong quá trình nung men chảy dính vào khay, sẽ không lấy được sản phẩm. Tiếp đến là công đoạn vào lò và nung đốt sản phẩm: vì trang sức là sản phẩm nhỏ nên thường được đặt vào các khe kẽ hở của các sản phẩm lớn khác, vừa tiện lợi vừa giảm nhiều chi phí.
Khi có thành phẩm về gốm thì tiến hành làm các chi tiết khác để hoàn thiện sản phẩm trang sức. Sử dụng các vật liệu có sẵn như dây đeo, móc nối, các loại hạt… để gắn kết, tạo kiểu dáng cho các loại vòng đeo cổ, vòng đeo tay hay hoa tai… Ngoài ra, hiện nay xu hướng sử dụng gốm kết hợp với kim loại và đá quý đang rất được ưa chuộng. Những hình gốm nhiều màu sắc như những viên đá lung linh kết hợp với các chi tiết trang trí kim loại trên bề mặt hay xung quanh gốm đã mang đến cho sản phẩm giá trị thẩm mỹ cao, không khác gì những đồ trang sức cao cấp.
Tuy sản phẩm trang sức gốm đã được sản xuất và sử dụng nhiều hơn trước đây, song các công ty, cơ sở sản xuất gốm vẫn không chú trọng nhiều bởi lợi nhuận chưa cao nên chủ yếu vẫn tập trung sản xuất đồ gốm là chính. Mặt khác, các mẫu sản phẩm trang sức gốm trên thị trường hiện nay chưa thật sự phong phú nên cũng chưa hấp dẫn nhiều đối tượng sử dụng. Ngoài ra, trang sức gốm không xuất khẩu được sang các thị trường khác trên thế giới như thế mạnh của các đồ gốm sứ nước ta. Đó là điều thiếu hụt rất lớn trong việc khai thác và phát triển tiềm năng của gốm đối với trang sức. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư của các công ty doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cần có những nhà thiết kế chuyên nghiệp đưa ra những hướng đi mới cho dòng sản phẩm trang sức gốm. Đồng thời, cần đưa nhiều hình ảnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội thảo, triển lãm về gốm để mọi người biết đến và sử dụng trang sức gốm để làm đẹp, cũng như lưu giữ một ngành nghề truyền thống có giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
Tác giả: Trần Thị Thu Hồng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng