Tư duy chính trị của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự

Đấu tranh tư tưởng, lý luận là một nhiệm vụ trọng tâm của người giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường quân đội. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, mang tính thuyết phục cao của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận cần đặc biệt chú ý đến tư duy chính trị của đội ngũ giảng viên, nhất là trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay.

Cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến đổi mau lẹ, hết sức phức tạp và khó lường. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giai cấp với bối cảnh nước ta đẩy mạnh hợp tác đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện, mang tính hai mặt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, chiến lược diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị” (1).

Để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quân đội ta phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Yêu cầu đó đặt ra cho công tác giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn trong quân đội trong giai đoạn mới là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Mỗi giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự phải có tư duy chính trị sắc bén, nhất là trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay để bảo vệ giá trị khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác giảng dạy, nghiên cứu và tiên phong trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận góp phần củng cố trận địa tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin khoa học, cách mạng cho đội ngũ học viên đang đào tạo ở các nhà trường quân đội.

Từ thực tiễn và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của tư duy chính trị người giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường quân đội hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ tri thức, nhất là tri thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Đây là giải pháp đầu tiên, mang tính quyết định hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bởi lẽ, tư duy chính trị của người giảng viên khoa học xã hội và nhân văn chỉ được hình thành vững chắc trên cơ sở trình độ tri thức vững chắc, trong đó lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được xem là nền tảng. V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau, bao giờ người ta vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị” (2).

Muốn vậy, ở các khoa khoa học xã hội và nhân văn quân sự cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, khai thác tác phẩm của các nhà kinh điển để giảng viên có điều kiện tiếp xúc, hiểu biết sâu sắc những luận điển gốc, tránh tình trạng tam sao, thất bản. Chỉ có đứng vững trên những luận điểm gốc chính xác mới có điều kiện để đấu tranh với những thủ thuật ngụy biện, chiết trung, ngộ biện… tràn lan hiện nay của các lực lượng phản động. Các bài giảng của giáo viên cần tiến hành thông qua bài chặt chẽ, bài bản, kết luận những nội dung khoa học của bài giảng một cách chuẩn hóa, tránh tình trạng hiểu sai dẫn đến truyền đạt sai kiến thức trong quá trình giảng dạy, nhất là đối với giảng viên trẻ, giảng viên mới. Tích cực đẩy mạnh các loại hình như sinh hoạt học thuật, tọa đàm ở cấp bộ môn, khoa và cao hơn là tích cực đưa giảng viên tham gia vào các hội thảo khoa học ở các cấp. Trong quá trình sinh hoạt học thuật, tọa đàm hay hội thảo khoa học cần coi trọng tính tranh luận, tranh biện, phản biện, tránh tình trạng xuôi chiều, áp đặt trong sinh hoạt khoa học. Thông qua các hình thức hoạt động trên đây sẽ giúp đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có độ dày về kiến thức toàn diện, chuyên sâu, từ đó là cơ sở, nền tảng để họ có đủ trình độ, bản lĩnh chính trị tham gia trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận đầy nóng bỏng, phức tạp hiện nay.

Thứ hai, tạo điều kiện để giảng viên tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động thực tiễn của đất nước, xã hội, quân đội. Triết học Mác – Lênin khẳng định thực tiễn là cơ sở, động lực của lý luận, tư duy. Tư duy chính trị được hình thành trên cơ sở thực tiễn chính trị của đất nước, quân đội và đơn vị. Nếu không bám sát thực tiễn chính trị đất nước, xã hội, quân đội, tư duy chính trị của người giảng viên khoa học xã hội và nhân văn dễ xa rời thực tiễn, mang tính lý luận suông, giáo điều, sách vở từ đó làm giảm hiệu quả, tính chiến đấu của nó trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bản thân các nhà kinh điển mácxít là những tấm gương mẫu mực về việc gắn bó quá trình sáng tạo lý luận với thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Những tác phẩm luận chiến xuất sắc như: Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Phê phán cương lĩnh Gôta, Chống Đuy rinh, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Bút ký triết học… là minh chứng sống động cho tinh thần đó.

Các nhà trường quân đội cần giao nhiệm vụ, thử thách giảng viên khoa học xã hội và nhân văn qua thực tiễn hoạt động ở các loại hình đa dạng, phong phú. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút giảng viên tham gia trực tiếp vào đấu tranh tư tưởng, lý luận như tham gia viết bài đấu tranh trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài quân đội, tham gia đấu tranh trên các blog, các trang mạng xã hội… để phê phán, bác bỏ trực diện với các quan điểm sai trái, phản khoa học. Hoạt động thực tiễn phong phú, sinh động góp phần củng cố cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn bản lĩnh chính trị, giúp cho họ có sự năng động, nhạy bén và khả năng miễn dịch trước những tác động nhiều mặt của những tư tưởng hàng ngày, hàng giờ đang xâm nhập vào đời sống chính trị đất nước, quân đội và đơn vị.

Thứ ba, phát huy vai trò nhân tố chủ quan của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong giữ vững tư duy chính trị trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận. Cấp ủy, chỉ huy các nhà trường, khoa giáo viên cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bản thân mỗi giảng viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ, củng cố năng lực, phẩm chất tư duy chính trị, xứng đáng là những “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.

Cụ thể, với mỗi giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong từng mặt công tác, hoạt động của mình đều phải thể hiện tư duy chính trị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Trong giảng dạy khoa học xã hội, nhân văn cho các đối tượng học viên ở nhà trường quân đội, người giảng viên cần cung cấp cho học viên những quan điểm ngoài mácxít, nhất là những quan điểm của các học giả tư sản hiện nay xung quanh vấn đề bài học. Từ đó khẳng định những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề nghiên cứu. Chỉ ra được cho học viên đâu là chân lý khoa học, đâu là các luận điệu, quan điểm sai trái, phản khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, mỗi giảng viên phải luôn luôn tỉnh táo trước những diễn biến chính trị phức tạp, có sự mẫn cảm chính trị sắc bén, tinh nhạy trong tiếp cận thông tin, sàng lọc để cung cấp cho người học một cách khách quan, khoa học, có tính đảng cao.

Mỗi giảng viên khoa học xã hội và nhân văn cần tích cực tự học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để có điều kiện tiếp cận và đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái từ nước ngoài và trên mạng internet hiện nay. Góp phần ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước, quân đội và đơn vị. Bên cạnh đó, cần có những hoạt động tuyên dương, vinh danh những người có tâm huyết, trách nhiệm trong đấu tranh tư tưởng, lý luận để cổ vũ, động viên đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.200.

2. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.57. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *