Tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới, đổi mới toàn diện cả kinh tế và xã hội, có ý nghĩa như cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và sâu sắc. Quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam được khởi đầu từ nhân dân, từ sự tìm tòi, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các cơ sở hợp tác xã nông nghiệp, ở các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở những tìm tòi, sáng tạo đó, Đảng đã tổng kết, khái quát thành các chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể, áp dụng rộng rãi trong toàn xã hội. Trong đó, tư duy về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những nội dung mới về đổi mới tư duy kinh tế của Đảng.

     1. Yêu cầu khách quan hình thành tư duy về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới

     Đầu tư nước ngoài là hiện tượng kinh tế quốc tế, xuất hiện trong thời kỳ chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đây chính là biểu hiện của “xuất khẩu tư bản” (một trong 5 đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền mà V.I.Lênin chỉ ra). Hiện tượng này bắt nguồn từ tình trạng “thừa tương đối” về tư bản của các nước tư bản chủ nghĩa có trình độ phát triển cao (như: Hà Lan, Anh, Đức, Mỹ…) vào TK XIX và đầu TK XX. Sớm nhận thức sâu sắc vai trò của đầu tư nước ngoài, khi đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) năm 1921, V.I.Lênin cho rằng, cần phải thông qua một số hình thức của kinh tế tư bản nhà nước (như tô nhượng, cho tư bản thuê tài sản của nhà nước, công ty hợp doanh…) nhằm thu hút vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của tư bản nước ngoài để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

     Ngay khi nước ta giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho sự đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình” (1). Sau đó, ngày 16-7-1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước thật thà công tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình” (2).

     Bước vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 TK XX, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và xu thế hợp tác quốc tế, nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa bắt đầu lâm vào khủng hoảng do việc duy trì quá lâu cơ chế khép kín, tập trung, quan liêu, bao cấp. Một số nước đã tìm hướng đi mới để thoát khỏi khủng hoảng. Điển hình, Trung Quốc là quốc gia đi lên từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: 1979 – 1985, bắt đầu giai đoạn thăm dò nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài; 1986 – 1991, phát triển ổn định; 1992 đến nay, từng bước điều chỉnh, tiến tới phù hợp và hiệu quả.

     Trước đổi mới, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là của Liên Xô. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn này theo hình thức viện trợ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tính chính trị, hiệu quả hợp tác, đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội chưa được đề cập đến. Khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khủng hoảng, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với Việt Nam bị cắt giảm mạnh. Nền kinh tế xã hội Việt Nam lâm vào khủng hoảng.

     Trước tình hình đó, Đảng ta nhận thấy, đổi mới toàn diện đất nước là tất yếu khách quan, là vấn đề sống còn và việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn đối với Đảng ta tại thời điểm đó.

     2. Tư duy lãnh đạo về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới

     Những ý tưởng đầu tiên đến từ đầu năm 1977, Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu đã truyền đạt chủ trương soạn thảo một văn bản pháp luật tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trực tiếp làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tổ biên soạn Điều lệ Đầu tư trực tiếp nước ngoài được thành lập. Ngày 19-4-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 115-CP ban hành Điều lệ Đầu tư nước ngoài (gọi tắt là Điều lệ Đầu tư năm 1977). Đây là văn kiện đầu tiên của nhà nước Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế đối ngoại nước ta, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại.

     Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), Đảng nêu rõ: “Công bố chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố luật đầu tư, cần có các chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào nước ta để hợp tác kinh doanh” (3). Tại thời điểm đó, chủ trương này của Đảng là sự đột phá lớn về mặt tư duy, khẳng định sự thay đổi cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, công bố chính sách mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

     Sau Đại hội VI, một văn bản có giá trị và ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam là việc Quốc hội ban hành Luật đầu tư nước ngoài tháng 12-1987. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên sau khi Việt Nam thống nhất nhằm kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, có tính chất mở đường cho quá trình cụ thể hóa chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam những năm tiếp theo.

     Đến Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng nhiệm vụ 3 năm tới đã nhấn mạnh: “Trong mấy năm trước mắt, chúng ta tranh thủ mở cửa với những bước đi vừa sức, đồng thời chuẩn bị ráo riết những tiền đề và điều kiện để mở cửa lớn trong những năm sau, quyết không để lỡ thời cơ lịch sử. Quan trọng nhất là sự chuẩn bị các phương án kinh tế, ban hành hệ thống luật lệ, chính sách đi kèm theo luật đầu tư, xây dựng một số cơ sở hạ tầng cần thiết ban đầu, đào tạo đội ngũ cán bộ có những hiểu biết về kinh tế đối ngoại” (4).

     Hội nghị Trung ương 7 khóa VI (8-1989) khẳng định thêm: Việt Nam “sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế với tất cả các nước, các công ty nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi và không có điều kiện chính trị ràng buộc, nhưng phải chủ động phòng ngừa, tránh bị lệ thuộc, hạn chế đến mức thấp nhất cái giá phải trả” (5).

     Hội nghị Trung ương 8 khóa VI (3-1990) diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu có những biến động lớn, đã nêu quan điểm: “Quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác với nước ta trong hoàn cảnh mới thúc đẩy nhân dân ta phải nỗ lực vươn lên giải quyết các vấn đề của mình với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, khắc phục tư tưởng ỷ lại; chủ động hơn trong quan hệ quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác, tham gia tích cực vào sự phân công lao động quốc tế” (6).

     Cụ thể hóa những chủ trương trên, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VIII ngày 30-6-1990 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, làm cho môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những năm tiếp theo thêm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, thể hiện chính sách mở cửa của Việt Nam trên cơ sở tạo hành lang pháp lý ngày càng rõ ràng và hoàn thiện.

Như vậy, tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm đầu đổi mới là quá trình Đảng tìm tòi, từng bước hình thành những chủ trương, chính sách cụ thể. Tư duy đó được kiểm nghiệm trong thực tiễn chỉ đạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam thời kỳ này, bổ sung thường xuyên qua các Hội nghị Trung ương. Tuy chỉ là những nét phác thảo cơ bản nhưng là hướng đi đúng đắn, làm cơ sở cho quá trình bổ sung và phát triển tư duy của Đảng ở những giai đoạn tiếp theo.

     3. Thành tựu, hạn chế trong tư duy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là vấn đề rất mới và rất khó đối với tư duy lãnh đạo của Đảng trong những năm đầu đổi mới. Dù nó không phải là vấn đề lý luận và thực tiễn mới đối với thế giới nhưng là bước đột phá trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, trước khi Đảng từng bước hình thành tư duy về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chưa có mô hình nào được xây dựng ở các nước xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn thăm dò và từng bước triển khai. Do đó, đây là tư duy đổi mới chủ động, sáng tạo và kiên định của Đảng trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước.

     Tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài không phải là vấn đề lý luận mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định, nhưng là quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong và ngoài nước, kiên quyết thay đổi tư duy lỗi thời, lạc hậu, vận dụng lý luận về xây dựng mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn đất nước một cách đúng đắn, phù hợp. Quá trình đổi mới có thành công phụ thuộc trước hết vào quá trình đổi mới tư duy. Việc sớm hình thành và từng bước bổ sung, phát triển tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chứng minh sự trưởng thành của Đảng trong lãnh đạo cách mạng.

     Chủ trương, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do Đảng ban hành trong những năm đầu đổi mới đã tạo niềm tin và hành lang pháp lý cho những nhà đầu tư nước ngoài từng bước tiếp cận và hợp tác với nước ta. Đó là sự cụ thể hóa đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng trong công cuộc đổi mới.

     Trong những năm đầu tiên, khi Luật Đầu tư nước ngoài mới ban hành, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam còn rất ít. Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ 1988 đến tháng 5-1990, chỉ có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD (7). Kết quả này tuy không cao nhưng đã góp phần mở rộng cánh cửa hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Đây là tiền đề để Đảng đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong những năm tiếp theo, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và tăng trưởng nhanh hơn. Tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới là những viên gạch mở đường để Đảng bổ sung, phát triển, tạo thành giai đoạn hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài sôi động ở những năm 1991 – 1997. Bắt đầu đến năm 1991, một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, chỉ trong vòng 7 năm, đã có hơn 2200 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với hơn 16 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 12 tỷ USD vốn thực hiện. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt hơn 3 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (8).

     Tuy nhiên, là vấn đề mới, Đảng mới chỉ xác định những chủ trương, chính sách cơ bản làm nền tảng chứ chưa có những nội dung cụ thể, chi tiết, khung pháp lý rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước. Năng lực, kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn đối với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Yêu cầu mở cửa nhưng phải giữ vững tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, lấy yếu tố bên trong là quyết định dẫn đến việc hình thành và phát triển tư duy của Đảng phải tiến hành từng bước một cách thận trọng. Đặc biệt, do điều kiện khách quan của lịch sử, đất nước bị bao vây, cấm vận, viện trợ giảm sút mạnh, sự khác biệt hệ thống chính trị, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại khi hợp tác với Việt Nam.

     4. Bài học kinh nghiệm rút ra từ tư duy của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm đầu đổi mới

     Có thể thấy, tư duy lãnh đạo của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm đầu đổi mới là thành công lớn của Đảng trong quá trình khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Từ kết quả bước đầu đó để lại những kinh nghiệm cho quá trình phát triển, hoàn thiện tư duy lãnh đạo về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đảng sau này, cụ thể:

     Một là, Đảng đã thường xuyên nghiên cứu thực tiễn, bổ sung, phát triển tư duy lãnh đạo phù hợp với sự phát triển của thực tiễn đất nước. Thực tiễn là thước đo của chân lý. Hiệu quả kinh tế – xã hội là thước đo đánh giá tính đúng đắn của chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài qua các thời kỳ. Trên cơ sở kết quả thu hút đầu tư, Đảng từng bước bổ sung, phát triển chủ trương, chính sách, tạo ra môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

     Hai là, nhất quán tư duy đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở giữ vững tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Kết hợp sức mạnh bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước là bài học xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế mà quốc gia nào cũng phải tham gia. Tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực này mang lại là yêu cầu tất yếu với Việt Nam, tuy nhiên, nguồn lực bên trong là quyết định. Do vậy, phải luôn đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Muốn vậy phải có hệ thống chính sách đủ hiệu lực, kinh tế nhà nước vững mạnh, giữ vai trò chủ đạo và thu hút đầu tư theo định hướng của Việt Nam, có nền công nghiệp phụ trợ đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư.

     Ba là, nâng cao năng lực chỉ đạo thực tiễn, khai thác mọi khả năng, cơ hội mới để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hệ thống chủ trương, chính sách chỉ phát huy hiệu quả khi được cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo thực tiễn. Phải phát huy mọi tiềm lực, nguồn lực sẵn có của đất nước để thu hút đầu tư. Tiếp nhận đầu tư những ngành có giá trị gia tăng cao, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kiên quyết chống nguy cơ xâm lăng qua đầu tư kinh tế, hoặc đầu tư công nghệ lạc hậu, đặc biệt, phải đẩy mạnh đầu tư theo hướng thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước tăng trưởng nhanh chóng, vững chắc.

     Chính vì rút ra được bài học kinh nghiệm này nên từ năm 1988 đến tháng 8-2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút hơn 2600 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 333 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt hơn 183 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông (9)… Những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) đã có những đóng góp lớn, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và kinh doanh có hiệu quả cao.

     Bốn là, kiên quyết khắc phục tư duy lạc hậu, bảo thủ, trì trệ trong lãnh đạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tư duy, nhận thức luôn phải theo kịp sự vận động, phát triển của thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn. Phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá tư duy lãnh đạo từng thời kỳ cụ thể. Thường xuyên nghiên cứu thực tiễn mô hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các nước trên thế giới và khu vực để vận dụng vào xây dựng mô hình phù hợp điều kiện kinh tế Việt Nam. Kiên quyết đẩy lùi tư duy phụ thuộc hoặc từ chối nguồn đầu tư từ bên ngoài. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Đảng phải có tư duy đi tắt đón đầu, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc cùng thế giới.

     Tóm lại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là yêu cầu tất yếu khách quan trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với quá trình đổi mới trên từng lĩnh vực, Đảng hình thành tư duy lãnh đạo về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, từng bước bổ sung, phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

_____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.470.

2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.170 – 171

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng-Toàn tập, tập 47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.767.

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tập 49, tr.936, 1107.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tập 50, tr.74.

7, 8, 9. Báo ảnh Việt Nam, 30 năm thu hút FDI: Nhìn lại để bước tiếp, ngày 17-10-2018

 

Tác giả: Trần Chiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *