Từ quỷ vương đến người nghe thuyết pháp trong sử thi ramayana và kinh lăng già


Đã hơn 2000 năm trôi qua, nhưng sử thi Ramayana, cuốn sách thần thánh của người Hindu, với những giá trị đạo đức lớn lao, vẫn trường tồn cùng thời gian. Đúng như người Ấn Độ đã khẳng định: “Chừng nào sông chưa cạn núi chưa mòn, thì sử thi Ramayana còn làm say mê lòng người đọc và cứu vớt họ ra khỏi vòng tội lỗi”. Một thế giới thần linh huyền ảo, một thế giới loài người đã hành trình qua từng thời kỳ lịch sử, đan cài trong nhau tạo nên sức hấp dẫn, quyến rũ lạ thường của bản trường ca vĩ đại này.

Thế giới nhân vật trong Ramayana là đền đài các nhân vật lý tưởng, toàn thiện toàn mỹ của đạo đức đẳng cấp. Đồng thời còn là bài học giáo huấn, là sự giáo hóa dân chúng thông qua các loại chúng yêu ma, quỷ quái – hiện thân dục vọng thấp hèn, mù quáng của con người.

Giáo lý Hindu đã hóa thân vào hệ thống nhân vật của sử thi Ramayana. Hình tượng đức vua Rama anh minh: “…hùng mạnh vô song, tính cách không tì vết như trăng rằm, là niềm vui sướng cho những ai được nom thấy chàng” (1) và quỷ vương Ravana 10 đầu – thần chết của thần chết – là phát ngôn của quan niệm Ấn Độ cổ: vòng tuần hoàn của sinh tử, nghiệp báo luân hồi qua các kiếp.

Rama là ánh sáng, là biểu tượng của cái thiện. Ravana là bóng tối, tượng trưng cho cái ác. Cuộc quyết chiến Rama – Ravana là cuộc đấu tranh giữa thiện – ác, là sự khẳng định chiến thắng cuối cùng thuộc về cái thiện: “Rama kiêu hùng vừa niệm kinh Vêda vừa cắm nó lên chiếc cung của chàng. Ngay tức thì, đất rung chuyển, tất cả muôn loài đều kinh khiếp. Rama trong cơn thịnh nộ, phóng nó vào Ravana, và hắn ngã nhào xuống khỏi xe đánh rầm một tiếng” (2).

Nếu Rama được xây dựng như một biểu tượng đạo đức đẳng cấp, là sự hoàn thiện Dharma trong hình tượng đức vua lý tưởng, thì tương phản với chàng là hình ảnh vua quỷ Ravana, hiện thân của ham muốn tội lỗi và dục vọng mù quáng.

Đặt vấn đề so sánh: từ nhân vật quỷ vương trong sử thi Ramayana đến nhân vật người nghe thuyết pháp trong kinh Lăng Già của Phật giáo Đại thừa, chúng tôi muốn minh chứng cho mối quan hệ giữa Hindu giáo và Phật giáo; cho sự ảnh hưởng của văn hóa trong văn học. Và đặt biệt là, chủ đề chính của sử thi Ramayana: số phận các nhân vật là hậu quả, là nghiệp báo của tiền kiếp được lý giải như thế nào? Nghiệp báo – luân hồi (karma – samsara) hay nhân – quả, là giáo lý cơ bản của cả Hindu giáo và Phật giáo đã được minh họa sinh động qua vua quỷ Ravana, nhân vật phản diện trong sử thi Ramayana và chúa quỷ Ravana, người nghe Đức Phật thuyết pháp trong chương 1, kinh Lăng Già (Đại thừa kinh)

So sánh đối chiếu vua quỷ Ravana (sử thi Ramayana) và người nghe pháp Ravana (kinh Lăng Già), chúng tôi tìm hiểu trong một quá trình: từ một tiểu thần phạm tội trong truyền thuyết đến kiếp tái sinh là quỷ 10 đầu trong sử thi Ramayana và cuối cùng là người nghe Đức Phật thuyết pháp trong kinh Lăng Già.

Từ trong truyền thuyết…

Nền văn hóa Ấn vĩ đại ẩn chứa tiềm tàng trong nó một kho tàng của những huyền thoại, truyền thuyết lịch sử. Nguồn gốc xuất thân của vua quỷ Ravana được kể rằng: từ trong tiền kiếp xa xưa, hắn là kẻ phạm một trong ba tội lỗi bị nguyền rủa. Đó là tội xâm phạm trinh tiết của Sita, khi nàng là hóa thân của Vadavati – nữ tu thần thánh. Và ở một kiếp luân hồi khác trong thời Veda cổ đại, Ravana là người gác cổng ngôi nhà vĩnh cửu của thần Vishnu. Vì ngăn cản không cho anh em Kumara vào nên anh ta bị nguyền rủa, chịu hình phạt đầy xuống hạ giới sống. Mặc dù là cháu trai của thần sáng tạo Brahma nhưng Ravana cũng không thoát khỏi hình phạt quả báo qua ba kiếp.

Ravana đã lựa chọn ba lần tái sinh là quỷ để rút ngắn thời gian ở hạ giới thay vì bảy lần tái sinh như một vị thần. Cả ba kiếp làm quỷ, Ravana đều bị thần Vishnu và các hóa thân của thần giết chết.

Với những truyền thuyết về Ravana, bài học giáo hóa đưa ra thông điệp: chúng sinh phải chịu luân hồi qua nhiều kiếp bởi những tội lỗi gây ra trong tiền kiếp; nghiệp báo của những kẻ phạm tội chỉ có thể hóa giải bằng việc chấp nhận sự trừng phạt. Nếu không, ở các kiếp luân hồi tiếp theo, nỗi đau khổ và tội lỗi sẽ gấp muôn lần.

Đến nhân vật sử thi

Ravana trong Ramayana là kiếp tái sinh làm quỷ lần thứ hai. Hắn là vua của loài quỷ Rakshasa. Chúa quỷ Ravana là kẻ tàn ác hung bạo, là nỗi khiếp sợ của muôn loài, là kẻ thù của chư thần. Và hắn đã bị hóa thân thứ bảy của thần Vishnu hóa kiếp.

 Ravana xuất hiện trong sử thi với hình dáng của chúa quỷ 10 đầu, 20 tay, thân hình cao to sừng sững như trái núi. Hắn được thần Brahma ban cho một ân huệ, không bị giết chết bởi bất cứ thế lực thần linh nào, trừ con người: “Y là một trang hảo hán hùng mạnh, tôi có nghe nói ngay cả Indra và các vị thần khác cũng không thể khuất phục được y” (3).

Với vai trò thần bảo vệ Dharma, Vishnu đã hóa thân xuống hạ giới trong hình hài hoàng tử Rama. Và chính con người trần thế này đã kết thúc kiếp quỷ của Ravana.

Ravana đã khơi mào cuộc chiến bằng thủ đoạn bắt cóc nàng Sita về đảo Lanka. Lời nguyền từ cuộc sống tiền kiếp của Sita về sự sụp đổ của Ravana đã hé lộ trong sử thi. Anh em Rama phải vào sinh ra tử, tìm đến vương quốc quỷ để đem nàng Sita trở về. Trong cuộc quyết đấu long trời lở đất, cuối cùng, Rama đã kết thúc số kiếp của Ravana.

Quan niệm về cái ác, về dục vọng bản năng khó thể kiểm soát của Hindu giáo, được nhân cách hóa trong thân phận của quỷ vương. Tính cách muôn hình vạn trạng của ác quỷ, dục vọng che mờ lý trí, dùng thủ đoạn cướp vợ người khác, ham muốn cưỡng đoạt tình yêu thánh thiện của Sita…

Và người nghe thuyết pháp

Ở kinh Lăng Già của Phật giáo Đại thừa,vua quỷ Ravana có nhiều thay đổi trong xây dựng tính cách nhân vật cũng như cách đánh giá. Căn cứ vào hoàn cảnh ra đời, niên đại xuất hiện của hai tác phẩm (sử thi, khoảngTK IV trước CN và kinh Lăng Già, khoảng TK V), chúng tôi xác định: nhân vật quỷ vương Ravana là sự kế thừa, là quá trình nối dài nguyên mẫu từ trong thần thoại, truyền thuyết đến sử thi và từ sử thi đến Đại thừa kinh.

Về văn bản kinh Lăng Già, chúng tôi chọn bản dịch đầu tiên từ nguyên bản Sanskrit của Daisetz Teitaro Suzuki và bản dịch tiếng Việt của tỳ kheo Thích Chơn Thiện và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn để khảo sát.

Đại thừa kinh gồm 9 chương, thể hiện ý nghĩa thâm sâu của giáo lý Phật giáo qua những chủ đề chính của các bộ kinh: Diệu pháp liên hoa, Quán thế âm thị hiện phổ môn, Hoa nghiêm, Bát nhã Balamậtđa, Duy ma cật, Thắng man, Vô lượng thọ, Bát Niết bàn.

Nhân vật quỷ vương Ravana chỉ xuất hiện trong chương 1. Với đề mục Chúa thành Lăng Già xin được chỉ dạy, chương này hoàn toàn độc lập, không liên quan với 8 chương sau – là các chương bàn về những tư tưởng chủ yếu của triết học Phật giáo Đại thừa.

Tên chương, cấu trúc chương 1 cho thấy nghệ thuật thuyết pháp của Đức Phật và thính chúng đã đạt kết quả thực chứng trong nội tâm thâm sâu nhất của mình sau khi nghe Phật thuyết pháp.

Các tôn giáo bản địa cũng như tôn giáo du nhập của Ấn Độ đều hướng đến sự hoàn thiện tâm linh và giấc mơ giải thoát, nhưng con đường thực hiện khác nhau. Hindu giáo (sử thi Ramayana) dùng tư duy hữu ngã để phân biệt nhìn nhận. Phật giáo (kinh Lăng Già) dùng thái độ từ bi, vô phân biệt để quán sát, đi đến nhận biết: trong mỗi con người đều ẩn tàng những phẩm hạnh cao quý. Vấn đề cần thiết của việc truyền bá là khơi mở và làm trỗi dậy bản ngã thiện mỹ trong mỗi con người.

Theo Hindu giáo, tính hướng thiện của bát bộ quỷ chúng không nhiều. Bởi chúng phần lớn là kẻ ác, quỷ ma ít có khả năng chuyển hóa tâm tính và khó có thể hướng thượng. Hindu giáo với tư duy hữu ngã, xoay quanh tự ngã, luôn xem thế giới tồn tại trong hai thái cực thiện-ác, tốt-xấu… đối lập nhau.

Ngược lại, Phật giáo với tuệ giác vô phân biệt và rời xa tự ngã nên nhìn thấy ở chúng sinh mầm hạt thiện và sự hướng thượng. Do vậy, dưới nhãn quan Phật giáo, không có kẻ ác mà chỉ có những chúng sanh chưa hiển lộ tánh thiện mà thôi. Vì thế, bát bộ quỷ chúng đều có thể là thính chúng trong pháp hội của Phật và khả thành Phật. Từ quan điểm này, Phật giáo Đại thừa đã du nhập yêu quỷ, ác thần, bán thần trong truyền thuyết, thần thoại Ấn Độ; biến họ thành những vị hộ trì Phật pháp, thực hiện những hành nghiệp lành trên hành trình giác ngộ.

Trái ngược với hình ảnh ác quỷ trong sử thi Ramayana, Ravana ở chương I kinh Lăng Già xuất hiện với tâm thế của một thính chúng (người nghe thuyết pháp). Với mong muốn, ham cầu Phật pháp sẽ đem lại ích lợi cho bản thân cùng nhiều loại chúng khác.

Trong kinh tạng Pali, thính chúng thường hạn chế về chủng loại. Thông thường người nghe pháp là tỷ kheo (tăng hoặc ni). Đến kinh tạng Sanskrit, thính chúng tham dự pháp hội mở rộng ở nhiều chủng loại chúng sinh. Đặc biệt là có sự tham gia của bát bộ quỷ chúng. Theo truyền thống tôn giáo phương Đông, chúng là những quái vật đáng sợ với bởi đặc tính hung bạo, ác độc. Thế nhưng, Phật giáo Đại thừa lại có cái nhìn hoàn toàn khác về những chúng này.

Minh chứng thuyết phục nhất cho sự truyền bá lòng đại từ bi của Đức Phật là các hội thuyết pháp với sự tham gia của đông đảo thính chúng, từ chư phật đến bát bộ chúng và bát bộ quỷ chúng.

Với quan niệm trên, sự xuất hiện của Ravana trong kinh Lăng Già hướng đến mục đích hiển bày lý tưởng Phật giáo. Đó là trí tuệ lớn và tình yêu vĩ đại: “Bằng trí tuệ và tình yêu, thế giới này được nhận thức như là hoa đốm giữa hư không, vượt ngoài tính chất sinh khởi và hủy hoại, vượt ngoài quan niệm hiện hữu và không hiện hữu” (4).

Mở đầu chương I của Đại thừa kinh là sự xuất hiện gây ấn tượng của vua quỷ Ravana và đoàn tùy tùng xin được cung thỉnh Đức Phật đến thuyết pháp tại thành Lanka: “Ravana, chúa của loài Rakshasa cùng với đoàn tùy tùng cưỡi thiên xa có kết hoa đến chỗ Thế Tôn… họ gảy đàn bằng que ngọc bích… họ hát lên nhiều cung điệu như Sharhya, Rishabha…” (5). Và thái độ cung kính đảnh lễ của chúa thành Lăng Già: “Con đã đến đây, con tên là Ravana, vua mười đầu của loài Rakshasa, xin ngài nhận con cùng với thành Lăng Già và tất cả mọi dân chúng của thành” (6).

Với những câu hỏi của vua quỷ, Đức Phật đã thuyết giảng bằng một âm thanh tuyệt hảo, bằng hàng trăm cách thức thuyết phục. Sau bài giảng của Đức Phật, quỷ vương đã cảm nhận được sự đột biến trong tâm, để hiểu rằng: thế giới chỉ là tâm thức của chính mình, tự thấy mình được an trú trong Phật kiến và đạt đến sự tu tập của một vị đại tu hành.

 Sau Pháp hội, thực chứng được tự nội thâm sâu nhất của mình, Ravana không còn là ác quỷ, mà là một hành giả với sự thức tỉnh nội tâm; với chí nguyện tham cầu học hỏi các pháp, đưa đến sự an lạc giải thoát tuyệt đối cho mình và nhiều chúng khác.

Nếu vua quỷ 10 đầu Ravana là hình ảnh tượng trưng của cái ác, muôn hình vạn trạng và thiên biến vạn hóa trong Ramayana thì ở kinh Lăng Già, Ravana đã kết thúc 3 kiếp tái sinh làm ác quỷ. Để lúc này, trở thành thính chúng có nguyện vọng: “Con xin đem thân phụng sự chư Phật và các vị nam tử của chư Phật; con không tiếc một thứ gì để phụng sự chư Phật; hỡi đấng Đại Mâu ni, xin hãy từ bi thương xót con” (7).

Vậy nên, sự hiện diện của Ravana trong Đại thừa kinh, không chỉ mang ý nghĩa xiển dương tư tưởng đặc sắc của Phật giáo Đại thừa mà còn là thông điệp về tinh thần vô phân biệt. Sẽ không có sự phân biệt, ưu ái riêng cho bất kỳ một chúng sanh nào trong lộ trình chuyển từ phàm sang thánh.

So sánh ảnh hưởng từ nhân vật quỷ vương Ravana, cùng xuất hiện trong hai tác phẩm,sử thi Ramayana – văn học Hindu giáo và kinh Lăng Già– văn học Phật giáo, để minh chứng cho sự tương tác giữa Hindu giáo và Phật giáo. Thuyết nghiệp báo nhân quả, yếu tố chính của cả Hindu giáo và Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong việc xây dựng nhân vật.

Nhân vật chúa quỷ Ravana từ sử thi Ramayana và kinh Lăng Già đã gửi đến thông điệp: mầm mống của cái ác, của dục vọng bản năng đều có sẵn trong tự thân của mỗi người. Nhưng nếu biết chấp nhận sự trừng phạt, hóa giải tội lỗi, hoàn thiện bản ngã qua các kiếp luân hồi (Hindu giáo) hay trở thành thính chúng nghe giảng Phật pháp để phá chấp, dừng lại mọi tham vọng và quán chiếu tự thân (Phật giáo). Và đây cũng chính là tinh thần của Hindu giáo và Phật giáo Đại thừa.

_____________

1. Ramayana, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.93

2, 3. Ramayana, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.219, 229.

4. Lăng Già A bạt đà la bảo kinh, Đại 16, tr.480.

5, 6, 7. Lăng Già Đại thừa kinh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.74, 75, 77.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : THÍCH NHUẬN ĐÀM

1/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *