Từ tiểu thuyết võ hiệp kim dung bàn về đặc trưng văn học đại chúng

Bàn về tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, các nghiên cứu chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề nhã, tục mà chưa xuất phát từ góc độ đa chiều về bản thân văn học đại chúng. Ở lịch sử văn học, nghệ thuật Trung Quốc, văn học đại chúng vừa lạ vừa quen; từ thập niên 70 TK XX đến nay đã có hơn 500 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí về tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bàn luận đến tính kinh điển hay phi kinh điển của nó. Tiểu thuyết Kim Dung đã làm một cuộc cách mạng văn học âm thầm, là điển hình mẫu mực của việc dung hòa giữa nhã với tục, từ đó có thể bàn đến một vài đặc trưng của văn học đại chúng.

Văn học đại chúng vừa là hoạt động tiêu thụ trực tiếp, vừa là hoạt động tiếp nhận, sáng tạo

Nhà phê bình người Mỹ, Clemen Greenberg cho rằng văn học đại chúng là sản phẩm của xã hội đại chúng mới. Trong quá trình công nghiệp hóa, một lượng lớn người nông thôn nhập cư vào thành thị, hình thành lớp cư dân mới của đô thị với những đòi hỏi thị hiếu thích hợp. Loại văn học tinh hoa, bác học rõ ràng là không phù hợp với lớp công chúng này. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội đại chúng hóa, một loại hình sáng tác văn học mới hình thành, gọi là văn học thông tục. Người nghệ sĩ với sự nhạy cảm, đã sáng tạo ra loại hình văn học nghệ thuật đại chúng để thỏa mãn thị hiếu, nhằm thay thế loại hình văn học nghệ thuật tinh hoa, vốn xa lạ với họ. Greenberg cho rằng, tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao phải có sức lôi cuốn hấp dẫn độc giả tham gia vào quá trình đồng sáng tạo tác phẩm. Nếu tác phẩm nghệ thuật không kích thích độc giả tham gia vào quá trình thưởng thức, sáng tạo thì đương nhiên đó không phải là tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Do đó, để trở thành một tài năng nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ có lao động vất vả mà điều quan trọng phải kích thích được quá trình đồng sáng tạo đó. Nếu độc giả không có năng lực thẩm mỹ, không có vốn sống, vốn văn hóa, văn học nghệ thuật sẽ không thể trực tiếp thưởng thức tác phẩm được.

Theo Greenberg, với văn học đại chúng, mỗi cá nhân đều có cảm quan nghệ thuật, năng lực thẩm mỹ khác nhau, không thể nhờ rèn luyện mà hình thành được. Vì thế, đối với văn học đại chúng, chỉ có sự tiếp nhận thụ động mà không hề có sự tham gia vào quá trình đồng sáng tạo. Sự tiếp nhận, tiêu thụ tác phẩm văn học đại chúng một cách thụ động như vậy là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là sự ngộ độc mãn tính do văn học đại chúng mang lại. Đối với văn học tinh hoa, bác học thì loại tiếp nhận thụ động này là một sự thực khó chấp nhận. Văn học nghệ thuật chân chính là một hình thái hoàn hảo của sáng tạo, tiếp nhận, đòi hỏi nỗ lực sáng tạo không chỉ của nghệ sĩ mà còn là sự đồng sáng tạo của người đọc.Với văn học đại chúng, điều trên là thứ xa xỉ. Nhưng từ trường hợp tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung thì hình như lý thuyết đó chưa hẳn xác đáng. Tiểu thuyết Kim Dung hướng đến đáp ứng nhu cầu thị hiếu một công chúng đa dạng, phức tạp về giai cấp, tư tưởng trong một xã hội công nghiệp hóa. Những ân oán tình thù trong tiểu thuyết của ông làm người ta say sưa mà quên đi những phức tạp, phiền muộn của cuộc sống hiện tại. Nhưng thế giới nghệ thuật của Kim Dung đâu phải chỉ có những niềm khoái lạc đơn giản đó. Ông còn đề cập đến những vấn đề lớn lao như sự hưng vong của quốc gia dân tộc, những lợi ích cá nhân, tập thể, những xung đột môn phái, mâu thuẫn giữa lý tưởng với hiện thực, tự do sinh tồn của cá nhân…, tất cả đều có mối quan hệ nhất định với nhau. Trong cấu trúc tiểu thuyết Kim Dung có nhiều xung đột giữa chính với tà, giữa ma với đạo pháp, giữa tình yêu trong sáng với mưu mô thâm hiểm, giữa thiện với ác, giữa anh hùng với tiểu nhân, giữa quân tử và ngụy quân tử, giữa trung thành với phản bội, giữa giàu với nghèo… tất cả đều được tác giả chọn làm chủ đề trung tâm trong các tiểu thuyết của mình.

Thế giới giang hồ của Kim Dung là một xã hội thu nhỏ không giống bất kỳ một tác phẩm văn học kinh điển nào. Tiểu thuyết đại chúng không vị nghệ thuật mà vị nhân sinh; vị nghệ thuật là chú trọng ở lời văn; vị nhân sinh là chú trọng ở hứng thú. Đối với tiểu thuyết Kim Dung, âm thanh náo động của ánh kiếm, ánh đao cũng đem lại cho độc giả sự sảng khoái, vui vẻ, sự rung động tình cảm, hứng thú với cuộc sống. Thế giới của Kim Dung hướng độc giả đến sự thưởng thức, sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là sự hưởng thụ thụ động như quan niệm của Clemen Greenberg đã nêu ra.

Văn học đại chúng không đơn thuần là một kiểu công nghệ sáng tác

Những người tôn sùng lý thuyết nghệ thuật tinh hoa rất coi nhẹ vai trò của kỹ xảo nghệ thuật trong thời đại công nghiệp hóa. Họ cho rằng nghệ thuật là trực giác, nó dẫn dắt nghệ thuật (cả sáng tạo, tiếp nhận) mà kỹ xảo chỉ là công cụ thao tác của nghệ sĩ. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung sử dụng kỹ xảo nghệ thuật để phát huy, kích thích cao độ tính hiếu kỳ của công chúng. Trong không gian càn khôn đại chuyển di rộng lớn của tiểu thuyết, tác giả lợi dụng đặc tính lai vô ảnh khứ vô tung của các nhân vật đại hiệp hành tẩu giang hồ để mở ra biên độ không gian hoạt động. Không gian đó biểu thị nhân tình thế thái phong phú, đa dạng, đầy màu sắc của cuộc sống thế gian. Còn trong thời gian đấu chuyển tinh di, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng đã miêu tả những ân oán nghìn năm đan xen chằng chịt từ kiếp trước đến đời nay, từ đó tái hiện sự đa dạng của cuộc sống thế gian với những quan hệ nhân vật vô cùng phức tạp. Sư đồ môn phái đấu đá kịch liệt, anh hùng với nhi nữ tình trường, tiểu nhân mưu mô gian trá với chính nhân quân tử,giang hồ hiểm ác đa đoan, cảnh đói rét bần với cảnh miếu đường cung cấm xa hoa… tất cả đều cuồn cuộn tuôn ra từ ngọn bút đầy biến ảo của tác giả. Những tình tiết tiểu thuyết cũng được Kim Dung dày công xây dựng, tạo nên sức lay động lòng người. Đó chính là chỗ khéo léo của Kim Dung khi ông nắm bắt được tâm lý đám đông. Mặc dù những mô thức nhân vật, tình tiết của tiểu thuyết có thể lược quy thành các công đoạn sáng tác, song có thể khẳng định đó còn là sự biểu hiện thế giới tâm hồn, kích thích sự đồng cảm của độc giả trước những gì được miêu tả. Trong tiểu thuyết Kim Dung, sự cường điệu, lý tưởng hóa những mối tình của các nhân vật là để biểu hiện thế giới tình cảm phức tạp của con người. Mỗi nhân vật, tình tiết, sự kiện của Kim Dung đều hàm chứa những sắc thái phức tạp của những rung động tình cảm, lay động tâm hồn con người. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung hoàn toàn không giống loại tác phẩm được sáng tác theo mô thức quy trình kỹ thuật của văn học đại chúng mà nó còn bao hàm sự biểu đạt chân thực tình cảm trong sáng tác, tiếp nhận.

Văn học đại chúng là sản phẩm của thời đại văn hóa công nghiệp

Xã hội tư bản hiện đại mang lý tính công cụ, nghệ thuật đại chúng là kết quả của văn hóa lý tính có tính chất công cụ đó. Mục đích của nghệ thuật chân chính là đấu tranh, chống lại tính chất công cụ của xã hội lý tính tư bản để bảo vệ sự tự do, độc lập, hạnh phúc cá nhân vốn bị xã hội công nghiệp bóp méo. Tuy nhiên, tư tưởng đấu tranh chống lại xã hội truyền thống của văn học nghệ thuật đại chúng không tồn tại. Mục đích của văn học đại chúng chỉ là cố gắng gắn kết hài hòa xã hội, dùng công cụ lý tính, lợi nhuận để nô dịch, che đậy những mâu thuẫn xã hội. Các nhà nghệ thuật đại chúng xứng danh là những kiến trúc sư có tay nghề, họ thông qua những kế hoạch mà sáng tác hàng loạt tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Vì vậy tác phẩm văn học đại chúng chỉ là sự lặp lại nhàm chán, hình thức hóa, thương mại hóa, hoàn toàn thiếu vắng trí tưởng tượng sáng tạo vốn là phần thiết yếu của bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào. Do đó, các tác phẩm văn học đại chúng không cần đến trí tưởng tượng, không cần để lại khoảng trống nghiền ngẫm cho độc giả tham gia quá trình sáng tạo, tiếp nhận, sáng tạo. Bị chế định bởi sáng tác có tính quy trình khép kín, do đó các nhà lý luận cho rằng văn học đại chúng không thể phơi bày những mâu thuẫn xung đột trong lòng xã hội, không đấu tranh, không phản kháng lại trật tự xã hội truyền thống mà chỉ ngợi ca những trò giải trí rẻ tiền, làm tê liệt tinh thần phê phán, chức năng dự báo, cảnh tỉnh của nghệ thuật.

Lý luận về văn học đại chúng ở trên của các nhà phê bình dường như có vẻ không thừa nhận, coi khinh giá trị của nó. Thực ra, văn học đại chúng không đồng nghĩa với sự nông cạn, hời hợt. Bởi lẽ, những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cuộc sống đời thường đều có ý nghĩa của nó. Đối với Kim Dung, thế giới giang hồ của ông cũng là một hình thức carnaval. Nhưng đằng sau sân khấu xã hội náo nhiệt đó của Kim Dung còn là những vấn đề chân với ngụy, thiện với ác, huynh đệ bằng hữu, đại nghĩa dân tộc, tình cảm, trách nhiệm với quốc gia… Tất cả những điều này đã phản ánh sâu sắc tâm thái, tình huống lịch sử xã hội, được biểu hiện dưới ngữ cảnh văn hóa truyền thống Trung Hoa. Những bộ tiểu thuyết như Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Thiên Long bát bộ, Lộc đỉnh ký, Bích huyết kiếm… dưới khúc ngoặt của những tình huống, bối cảnh lịch sử xã hội, văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống đã trở thành những tác phẩm kinh điển, không những là võ học đại bảo, mà còn là thành tựu kết tinh truyền thống văn hóa Trung Quốc. Những quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt đó được Kim Dung kết tập vào số phận  của các nhân vật, đẩy số phận của nhân vật đến đỉnh điểm của bi kịch, buộc nhân vật phải lựa chọn lối ứng xử mà bản thân họ nhiều khi cũng vô cùng hoang mang. Chính đặc điểm này đã làm cho tiểu thuyết Kim Dung có tính lịch sử xã hội mạnh mẽ, khắc họa sâu sắc mâu thuẫn xã hội, đồng thời thể hiện rõ tâm thái văn hóa của nhân dân trong những khúc ngoặt của lịch sử dân tộc. Như vậy, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tuyệt nhiên không hoàn toàn chỉ là một loại hình nghệ thuật giải trí đơn thuần, mà còn giá trị phơi bày hiện thực cuộc sống cũng như có tác dụng giáo dục rất lớn. Do đó, nói đến tiểu thuyết Kim Dung với tư cách là loại hình văn học đại chúng không thể chỉ nói đến tính chất giải trí, cường điệu, ảo tưởng mà còn phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề mâu thuẫn, đấu tranh xã hội.

Văn học đại chúng là sản phẩm tất yếu của lịch sử

Mỗi thời đại đều có một hình thức nghệ thuật tương ứng, phù hợp với lực lượng sản xuất của thời đại. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của báo chí, nhiếp ảnh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản đã đánh dấu sự xuất hiện của một loại hình văn học mới, văn học đại chúng. Do sự phát triển của các phương tiện in ấn, truyền thông mà việc sở hữu tác phẩm văn học thời truyền thông hiện đại trở nên dễ dàng, đã thay thế quyền sở hữu cá nhân thành quyền sở hữu công chúng. Việc này lại có liên quan đến thưởng thức nghệ thuật khi mọi công chúng đều có thể thưởng thức nghệ thuật chứ không phải chỉ là cá nhân có học thức. Văn học nghệ thuật đại chúng giúp công chúng có thể tùy theo sở thích, tâm lý mà lựa chọn thời gian, địa điểm để thưởng thức, không bị bó buộc trong hình thức thưởng thức như nghệ thuật tinh hoa. Nói tóm lại, văn học đại chúng là một sản phẩm tất yếu của lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu của một xã hội hiện đại phát triển. Nó là một tiến bộ nghệ thuật, một hình thức giải phóng tinh thần của xã hội, nhân loại. Tiền đề của văn học nghệ thuật đại chúng là tính hiện đại hóa truyền thông. Nó là biểu hiện của lực lượng sản xuất mới cũng như biểu hiện tiến bộ xã hội khi đã cải biến nghệ thuật tinh hoa thành hình thức nghệ thuật thông tục.

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là sản phẩm của thời đại tiêu dùng. Tác phẩm của Kim Dung lúc đầu xuất hiện dưới hình thức đăng nhiều kỳ trên báo, giúp nó phổ biến đến mọi ngõ ngách cuộc sống, cùng với công nghệ in ấn, xuất bản phát triển, khiến cho hàng vạn, hàng triệu bản in được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới. Internet được phổ biến càng khiến cho quá trình toàn cầu hóa tiểu thuyết Kim Dung trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện tượng yêu thích, hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung, nhất là khi tác phẩm được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh diễn ra không chỉ ở đại lục mà ở cả ngoài đại lục, những nơi định cư của người Hoa hải ngoại. Nguyên nhân quan trọng bậc nhất để Kim Dung trở thành nhà văn đại chúng chính là nhờ phương tiện in ấn, truyền thông hiện đại.

Văn học đại chúng là phương tiện giải phóng năng lực cảm thụ của công chúng

Công nghệ truyền thông chính là sự biểu hiện khả năng mở rộng của con người. Trình độ cao thấp của phương tiện sẽ quyết định trình độ ý thức phát triển của con người. Phạm vi mở rộng phương tiện truyền thông trở thành toàn bộ năng lực cảm thụ, trình độ ý thức sáng tạo mới của công chúng. Sự thay đổi của các phương tiện truyền thông từng ngày đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống con người. Từ giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đến giao lưu văn tự, đến máy móc in ấn, rồi đến thời đại internet quyết định hình thái phương thức tư tưởng, cảm thụ chủ đạo trong giao tiếp của con người. Phương tiện in ấn giới hạn nhận thức cảm thụ trực quan, là yếu tố cản trở ý thức phát triển con người. Nhưng phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay không giới hạn ở trực quan, nó bảo tồn tính đa dạng phương thức cảm thụ con người, khuyến khích sự phát triển nhận thức của con người.

Truyền thông là trình độ tiến bộ của loài người. Văn học đại chúng gắn với các phương thức truyền thông hiện đại đã đóng góp tiềm năng lớn cho sự phát triển nhân loại, đem đến một thế giới hoàn toàn khác, giải phóng các giác quan của con người như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Đó là tiền đề giải phóng sự cảm thụ một chiều. Tiểu thuyết Kim Dung không chỉ tồn tại với hình thức xuất bản như tác phẩm văn học kinh điển truyền thống mà còn được cải biên chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, truyền hình, từ nhiều góc độ đã tác động vào cảm quan thẩm mỹ của công chúng, hình thành thế giới thẩm mỹ đa dạng. Từ giác độ này mà xem xét thì tiểu thuyết Kim Dung còn biểu hiện sâu sắc hình thức, nội dung loại hình văn hóa võ hiệp vốn có truyền thống lâu đời của Trung Quốc, kích thích tối đa, giải phóng cảm xúc xơ cứng của con người hiện đại, mở rộng tầm nhìn của công chúng, kích thích trực tiếp nhận thức, tưởng tượng của họ, từ đó giải phóng cảm xúc nghệ thuật. Ngoài ra, tiểu thuyết Kim Dung còn thông qua hình tượng những anh hùng võ hiệp can đảm, khuyến thiện trừng ác để giải phóng tâm hồn chân chính công chúng, giúp họ vượt qua được những mệt mỏi, phức tạp của cuộc sống thường nhật. Ông đã đem đến cho công chúng nghệ thuật một cảnh giới siêu việt, niềm tin bất diệt chính nghĩa sẽ thắng gian tà, thức ngộ nhận thức của công chúng khỏi những cám dỗ thực dụng, ích kỷ hại nhân. Tiểu thuyết Kim Dung thực sự đã giúp công chúng thời hiện đại đốn ngộ chân tâm, giải phóng cái đẹp khỏi cái thực dụng trong thế giới hiện đại chật hẹp bị bao bọc bởi bê tông, cốt thép của những tòa nhà cao chọc trời. Đó là tinh túy cốt tử, tinh thần tự do của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

Văn học đại chúng là một loại thương phẩm

Wright Macdonald cho rằng đặc trưng rõ ràng nhất của văn học đại chúng là có một lượng lớn công chúng trực tiếp, sự thưởng thức của công chúng là mục đích sản sinh của các tác phẩm. Văn học đại chúng là một loại thương phẩm phi cá tính bởi mục đích chủ yếu của nó là nhằm đem lại lợi nhuận tối đa. Nếu văn học dân gian là tinh thần của nhân dân lao động thì văn học đại chúng được hình thành thông qua các quy trình công đoạn. Người ta thường lấy các công đoạn làm phim của Hollyood để dẫn chứng cho tính phi cá tính của tác phẩm nghệ thuật đại chúng được làm bởi nhiều khâu đoạn, do các nhân viên kỹ thuật thực hiện. Nghệ thuật đại chúng nói chung, văn học đại chúng nói riêng vì thế phù hợp với thị hiếu, tình cảm, trình độ thẩm mỹ mức độ thấp của đa số công chúng.

Về quan điểm văn học đại chúng là sản phẩm của quá trình thương mại, cần phải hiểu rằng sự tồn tại, phát triển của con người là ở hoạt động giao lưu. Có giao lưu là có trao đổi. Hàng hóa vật dụng được đem ra trao đổi tự bản thân nó đã có giá trị. Các sáng tác nghệ thuật cũng không tồn tại độc lập tự thân. Nó phải được tồn tại trong lòng công chúng nghệ thuật, tức thông qua hoạt động giao lưu với độc giả. Tính nghệ thuật với tính thương mại ở đây hoàn toàn không phải là một sự đối lập, tương phản, phủ định, mà là tiêu chuẩn so sánh giá trị cao thấp của tác phẩm. Với tiểu thuyết Kim Dung cũng có thể mạnh dạn nói đó là tiểu thuyết đại chúng, một loại thương phẩm được công chúng tiêu dùng ưa chuộng. Trước khi xuất bản thành sách, tiểu thuyết Kim Dung được đăng báo nhiều kỳ mục đích cũng không ngoài tăng ấn bản phát hành qua đó tăng lợi nhuận của tờ báo. Tiểu thuyết Kim Dung về mặt kết cấu đề cập đến những vấn đề được công chúng quan tâm, ưa thích, giúp tác giả trở thành một thương hiệu đảm bảo doanh thu của bất kỳ tờ báo nào. Tính thương mại vì thế là một đặc trưng của văn học đại chúng mà không phương hại đến giá trị, tính nghệ thuật của tiểu thuyết.

Từ đặc trưng của văn học đại chúng, trường hợp tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, có thể thấy rằng đây là một sản phẩm tất yếu của lịch sử, của thời đại tiêu dùng công nghiệp. Mục đích của nó là đáp ứng nhu cầu giải trí, nhu cầu thẩm mỹ của đại đa số công chúng, phản ánh những biến đổi tâm lý xã hội trong quá trình đứt gãy của hai hệ hình thẩm mỹ, khiến nhận thức, hình dung, cảm thụ của công chúng về văn học không còn giống như trước nữa. Giá trị của văn học đại chúng vì thế cần được đánh giá một cách khách quan từ nhiều góc độ chứ không đơn giản như hệ quy chiếu nhã với tục mà ta vẫn lấy làm tiêu chí so sánh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : TRẦN VĂN TRỌNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *