Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ – giá trị lịch sử và hiện thực


Trong kho tàng di sản văn hóa và tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về dân
chủ giữ một vai trò, vị trí quan trọng
trong hệ tư tưởng và chi phối mọi hoạt
động của Người. Quan điểm dân chủ của
Hồ Chí Minh bắt nguồn từ khát vọng
hàng ngàn đời của dân tộc Việt Nam,
đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn
hóa của nhân loại và được vận dụng một
cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử tới xã hội Việt Nam giữa TK XIX, cả dân tộc rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phong kiến thực dân. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã đặt ở đây một thể chế chính trị gần giống nước Pháp – một chính thể cộng hòa nghị viện, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với địa bàn ở xa chính quốc. Mọi quyền hành (lập pháp, lập quy, hành pháp và tư pháp) đều nằm trong tay viên Toàn quyền Đông Dương. Hệ thống vua quan người bản xứ đều trở thành công cụ thống trị của thực dân Pháp. Hình thức tổ chức quyền lực của Pháp ở Việt Nam không có một cơ sở hiến định. Đó là chính quyền thuộc địa bất hợp hiến, không có cơ sở từ một hiến pháp dân chủ, chính quyền cai trị theo một lề lối tùy tiện, độc đoán, bất công. Về hành chính là “cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu được hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt vời, còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng” (1); “không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có… không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài” (2). Về văn hóa thì “phải sống trong cảnh ngu dốt, tối tăm vì… không có quyền tự do học tập”. Về kinh tế, người dân Việt Nam “phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong những lao tác nặng nhọc nhất và bạc bẽo nhất để kiếm sống một cách chật vật và hầu như chỉ bằng sức của họ thôi, để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền. Một bên là những người Pháp và người nước ngoài: họ tự dành cho mình tất cả các tài nguyên của đất nước, chiếm đoạt toàn bộ xuất nhập khẩu và tất cả các ngành nghề béo bở nhất, bóc lột trâng tráo trong cảnh dốt nát và nghèo khốn của nhân dân” (3). Về công lý, “Người Âu nào đã giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ thì ra tòa chẳng qua là chuyện hình thức” (4).

 Tình cảnh đó đặt ra cho Hồ Chí Minh một nỗi niềm day dứt: làm thế nào đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân? Ngày 5-6-1911, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngọn lửa nhỏ Liên Xô, năm 1923, Hồ Chí Minh đã giải thích quyết định của mình: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… và từ thuở ấy tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” (5) và “tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài” để “xem xét nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào” (6).

Ra đi với khát vọng dân chủ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đặt chân đến nhiều nước, tìm hiểu nhiều cuộc cách mạng, đối chiếu, so sánh các chế độ (dân chủ tư sản, chế độ xã hội chủ nghĩa với chế độ nô lệ thuộc địa) và tìm hiểu nội dung, bản chất của các trào lưu tư tưởng (dân chủ tư sản, chủ nghĩa Tam Dân, Chủ nghĩa Mác-Lênin…).

Người nhận thấy tư tưởng nho giáo, phật giáo tuy có những yếu tố duy tâm, lạc hậu, phản động như tư tưởng đẳng cấp, khinh lao động chân tay, khinh phụ nữ… nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, đó là lý tưởng về một “thế giới đại đồng”, triết lý nhân sinh: tu thân dưỡng tính, đề cao văn hóa, lễ giáo… Hồ Chí Minh lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng. Người cho rằng những điều hay trong đó thì chúng ta nên học.

Đối với tư tưởng dân chủ tư sản, Người nhận thấy đã đạt được một sự tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại là ủng hộ các quyền tự do của công dân, phê phán quan hệ đẳng cấp phong kiến và chế độ chuyên chế, tán thành sự bình đẳng của con người bất luận nguồn gốc xuất thân… và đã thực hiện được cuộc cách mạng tư sản đánh đổ chế độ phong kiến vươn lên tự do. Tuy nhiên, Người cũng sớm nhận ra mặt hạn chế của tư tưởng dân chủ tư sản. Đằng sau những lời hoa mỹ về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của Tuyên ngôn độc lập 1776 là sự bất bình đẳng, nghèo đói, nạn phân biệt chủng tộc và biết bao sự tàn bạo bất công khác, nhất là đối với người da đen. Người đã vạch trần tính chất giả dối đó bằng một loạt các bài viết như: Tâm địa thực dân, Bình đẳng, Công cuộc khai hóa giết người, Đường Cách mệnh, đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp… Người coi cuộc cách mạng tư sản Pháp và Mỹ là “những cuộc cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” (7) và chính quyền vẫn ở trong tay một số ít người. Từ đó, Hồ Chí Minh đi tới kết luận: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (8).

Với Chủ nghĩa Mác Lênin, Người nhận thấy rằng đây là chủ nghĩa khoa học nhất, chân chính nhất và cách mạng nhất. Theo Chủ nghĩa Mác Lênin, dân chủ chỉ được thực hiện đầy đủ trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội mà thực chất là sự tham gia ngày càng rộng rãi và bình đẳng, thiết thực của nhân dân vào công việc quản lý của nhà nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức bất công, được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được thể chế hóa bằng pháp luật cũng như được pháp luật bảo đảm (9). Đặc biệt, Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã mang lại cho nước Nga một nền dân chủ chân chính, dân chủ thực sự cho toàn thể nhân dân lao động. Được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm trên thực tế, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(10). Hồ Chí Minh đã tiếp thu triệt để tư tưởng dân chủ của Chủ nghĩa Mác Lênin thông qua lý luận khoa học của các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản và thông qua cả sự trải nghiệm của bản thân trong những năm sống trên tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười từ đó Người đã đưa ra những quan điểm về dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là “dân là chủ” và “dân làm chủ nhà nước”. Quan điểm này được Người trình bày khái quát trong phần đầu của bài báo Dân Vận viết ngày 15-10-1949 như sau:

“Nước ta là nước dân chủ,

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (11).

Có thể nói, đây là Tuyên ngôn về quyền lực chính trị và bản chất của chế độ chính trị dân chủ nhân dân của nước ta. Đây là quan điểm hết sức quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã khẳng định bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Sau Cách mạng Tháng Tám, với việc thiết lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhân dân ta đã từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ. Người phản ánh sự đổi đời ấy trong một phạm trù hết sức chính xác: làm chủngười chủ. Thông qua đó, Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh đến tính chủ động của nhân dân lao động trong việc quyết định vận mệnh của mình. Đồng thời, Người đánh giá cao vai trò của dân chủ, vai trò của nhân dân, coi đây chìa khóa vạn năng để giải quyết các khó khăn trên con đường phát triển, “khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Hồ Chí Minh cho rằng dân chủ gắn với lợi ích. Làm chủ là để thực hiện lợi ích của mình. Người dạy rằng: nước ta là nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Dân chủ tách rời lợi ích là dân chủ hình thức. Nhân dân có nhiều lợi ích: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Dân chủ phải gắn với quyền hạn. Mọi người dân đều có quyền làm, quyền nói. Không quy định rõ quyền của người dân thì không thể nói gì đến dân chủ. Có quyền hạn thì người dân mới có điều kiện thực hiện lợi ích của mình. Về chính trị, dân phải có quyền bầu cử, ứng cử, bãi miễn… Về kinh tế, phải có quyền “làm chủ tư liệu sản xuất” từ đó có quyền “làm chủ việc quản lý kinh tế”, “làm chủ việc phân phối sản phẩm”… Về văn hóa, phải có quyền được tự do học tập…

Tuy nhiên, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Theo Hồ Chí Minh, ngày nay tất cả mọi người đều phải nhận rõ mình là người chủ nước nhà. Đã có quyền hạn làm chủ thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Đó là nghĩa vụ xây dựng nước nhà, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và tuân theo pháp luật… Quyền hạn đi đôi với nghĩa vụ thì dân chủ phải đi đôi với kỷ luật. Sống trong một xã hội dân chủ, ai cũng phải tuân theo những quy tắc chung của xã hội được xây dựng nên một cách dân chủ. Xã hội dân chủ là một xã hội có trật tự kỷ cương đảm bảo cho mọi người cùng có quyền tự do, dân chủ như nhau.

Hồ Chí Minh cho rằng dân chủ không chỉ là của dân, vì dân mà còn phải do dân. Người nói dân chủ là dựa vào lực lượng của quần chúng, đi đường lối của quần chúng, bởi: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người luôn nhắc nhở cán bộ phải biết phát huy tính chủ động sáng tạo của quần chúng để giải quyết mọi vấn đề của thực tiễn cách mạng.

Dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác Lênin, Người tiến thêm một bước triệt để hơn trong quan điểm dân chủ của mình: gắn dân chủ với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới. Bởi chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, tất cả bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no.

Những quan điểm dân chủ của Người vừa sâu sắc, vừa toàn diện liên quan tới mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội. Những quan điểm này nhất quán, xuyên suốt từ những năm 1919-1969 và được thể chế hóa thông qua các chính sách trong các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Người. Hồ Chí Minh đã nêu cao tấm gương sáng trong việc thực hành dân chủ. Khát vọng tìm đường cứu nước, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân của Người đã được thực hiện.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ là tài sản quý báu mà Đảng ta đã, đang kế thừa để phát huy nhằm xây dựng đất nước. Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, có không ít những cá nhân và thế lực phản động vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ chính quyền. Sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng gây mất ổn định chính trị, phá hoại chế độ dân chủ nhân dân. Trong khi đó, quyền dân chủ của nhân dân ở một số nơi bị vi phạm trên một số lĩnh vực. Việc thực hành dân chủ ở một số nơi còn mang tính hình thức, có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn rất nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp chưa được ngăn chặn, gây bức xúc cho xã hội. Tình hình trên cho thấy cần phải phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa bằng cách vận dụng sáng tạo những quan điểm dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Dân chủ chỉ có được khi đảm bảo tất cả các quyền lực thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, đồng thời phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Muốn làm được điều đó, bên cạnh các hoạt động đổi mới của Nhà nước thì phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân, làm sao để nhân dân thực sự thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội, hoạt động tư pháp làm sao để nhân dân thực sự tham gia quản lý xã hội. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất lãnh đạo và năng lực công tác. Kiên quyết xử lý đúng pháp luật, kịp thời công khai những đơn vị, cá nhân tham nhũng, đồng thời bảo vệ những người dân đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, thường xuyên lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Trong công tác sinh hoạt Đảng, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt trong các chi bộ cơ sở. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, tránh vi phạm dân chủ. Tuy nhiên, để phát huy tốt dân chủ thì cũng phải nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng một nước Việt Nam: độc lập dân tộc, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

________________

1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11, 35, 12, 11-12, 461.

6. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.

7, 8, 10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.274, 270, 280.

9. Ban Dân vận Trung ương, Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và vấn đề xây dựng quy chế dân chủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.12.

11. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.698

Tác giả: Cù Thị Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *