Tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cách mạng

Bất cứ quốc gia và chế độ xã hội nào muốn tồn tại, phát triển bền vững và cường thịnh đều phải quan tâm tới việc chăm lo giáo dục cho thanh niên. Là rường cột của nước nhà, tương lai của dân tộc, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định, phát triển vững bền của đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, chịu sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó có giáo dục đạo đức cho thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức cho thanh niên sẽ góp phần hình thành lớp thanh niên vừa có đức vừa có tài cho sự nghiệp đổi mới đất nước.


1. Tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức cho thanh niên

Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (1). Trong Di chúc, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải coi nhiệm vụ “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (2). Từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc, Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”. Để thanh niên xứng đáng với vai trò, vị thế của mình trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, Người cho rằng: “Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (3).

Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 – 7 – 2008 khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trong những năm qua, Đảng ta hết sức quan tâm đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên, đặc biệt là về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai. Hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh niên ngày càng được hoàn thiện. Công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới đã tạo môi trường lành mạnh cho thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật. Nhờ đó, phần lớn thanh niên đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm, ước mơ, có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng đã có tác động đến ý thức chính trị, đạo đức, lối sống của thanh niên. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Một số thanh niên nhận thức mơ hồ về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Cá biệt có một số thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là về đạo đức cách mạng trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thế hệ trẻ chưa kịp thời và hiệu quả, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực và phù hợp với các đối tượng thanh niên. Hình thức giáo dục đạo đức, lối sống còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên tham gia.

Để khắc phục tình trạng trên, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24 – 3 – 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) khẳng định: “Trong thời gian tới, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật, có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế”. Vậy nên, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức cho thanh niên là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Qua đó, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn có thể nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho thanh niên, đồng thời giúp cho thanh niên định hướng, nhận thức được tầm quan trọng của việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức để phấn đấu trở thành con người vừa hồng, vừa chuyên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

2. Nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức cho thanh niên

Trung với nước, hiếu với dân

Theo Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu, chi phối các phẩm chất khác. Trung với nước là trung thành với lợi ích của đất nước, với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, quyết tâm phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đó là lòng yêu nước, tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc, là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân với đất nước. Người yêu cầu: “Thanh niên phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng… Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với tổ quốc, với Đảng, với giai cấp” (4). Trong thư gửi thanh niên ngày 2 – 9 – 1965, Người căn dặn thanh niên: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” (5). Đó chính là sự tin tưởng của Bác và của Đảng đối với thanh niên, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ thanh niên hôm nay cũng như mai sau.


 Chủ tịch Hổ Chí Minh và đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Ảnh tư liệu 

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Theo Người, cần là siêng năng, chăm chỉ, lao động có kế hoạch để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Kiệm là tiết kiệm không xa hoa, lãng phí của cải, tiền bạc trong sản xuất và đời sống. Liêm là trong sạch, không tham lam tiền bạc, của cải, địa vị, danh tiếng. Chính là thẳng thắn, đứng đắn. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, các đức tính này có quan hệ chặt chẽ với nhau và ai cũng phải thực hiện. Từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân, nhất là thanh niên phải là đối tượng cần giáo dục ưu tiên, thực hành trước để làm kiểu mẫu, cơ sở xây dựng những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chí công vô tư là công bằng, công tâm, không thiên vị, làm việc gì cũng luôn nghĩ đến người khác, nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của tập thể, tổ quốc, Đảng, nhân dân lên trên lợi ích riêng tư.

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là một biểu hiện sinh động phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam mới. Việc giáo dục những phẩm chất đạo đức này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, chạy theo vật chất, thích hưởng thụ đang tồn tại trong một bộ phận thanh niên hiện nay.

Lòng yêu thương con người, sống có tình có nghĩa

Yêu thương con người là phẩm chất cao đẹp nhất trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là tình cảm rộng lớn được thể hiện trong mối quan hệ hàng ngày với bạn bè, đồng chí, anh em. Nó đòi hỏi mỗi người phải chặt chẽ, nghiêm khắc với bản thân, rộng rãi, độ lượng, giàu lòng vị tha với người khác. Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng, mà rất cụ thể, sâu sắc, bao dung và luôn được giải quyết trên lập trường của giai cấp vô sản, trước hết dành cho những người nghèo khổ, bị mất quyền, áp bức, bóc lột, không phân biệt màu da, dân tộc.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu thương con người, sống có tình có nghĩa để giáo dục đạo đức cho thanh niên chính là để xây dựng nên thế hệ người Việt đoàn kết, nhân ái, thân thiện và luôn đấu tranh cho hòa bình, lẽ phải trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Tinh thần quốc tế trong sáng

Tinh thần quốc tế trong sáng là sự tôn trọng, yêu thương mọi dân tộc, nhân dân các nước trên thế giới, chống lại sự thù hằn dân tộc. Chủ nghĩa quốc tế trong sáng phải gắn liền, thống nhất với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nước lớn, biệt lập, kì thị chủng tộc là những khuynh hướng cản trở việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phá vỡ khối đoàn kết quốc tế, thậm chí dẫn đến tình trạng đối đầu giữa các quốc gia, dân tộc. Người khẳng định: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em!” (6).

Trong thời đại hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, cùng với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin, thanh niên chính là lực lượng tích cực nhất tham gia vào quá trình hợp tác quốc tế. Họ cần phải không ngừng trau dồi vốn kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ để có thể hội nhập một cách sâu, rộng, nhằm tiếp thu những giá trị tốt đẹp của văn hóa các nước, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam là một quốc gia hòa bình, mến khách ra toàn thế giới. Trong quá trình hội nhập, tăng cường giao lưu với bạn bè quốc tế, bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, chúng ta luôn phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trên tinh thần hòa nhập nhưng không hòa tan.

3. Phương thức vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức cho thanh niên

Thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như học tập các môn lý luận Mác – Lênin, khoa học xã hội, tổ chức những hoạt động hướng về truyền thống, tìm hiểu lịch sử dân tộc… Mục đích công tác này là giúp cho thanh niên nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống của dân tộc để từ đó nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, tin tưởng vào hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự lãnh đạo của Đảng để cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Để gánh vác trách nhiệm nặng nề đó, thanh niên “phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa; muốn thế Đoàn Thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa” (7). Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục” (8). Nghị quyết Trung ương 7 khóa X cũng khẳng định: “Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc để không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cao đẹp cho thanh niên”. Có lý tưởng cách mạng, tri thức khoa học, sức khỏe, thanh niên sẽ hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang của mình.

Thông qua các hoạt động thực tiễn

Trong phương pháp giáo dục đạo đức thanh niên, Hồ Chí Minh lưu ý rằng cần phải kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, giữa lý luận và thực tiễn. Người cho rằng: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội” (9). Học phải đi đôi với hành vì hành không chỉ là vận dụng những điều đã học mà còn là nguồn gốc của những tri thức mới, thực tiễn là nguồn gốc của nhận thức, tiêu chuẩn của chân lý. Đạo đức không chỉ là ý thức đạo đức mà quan trọng hơn phải biểu hiện thành tình cảm, niềm tin, hành vi đạo đức. Bởi vậy, quá trình giáo dục đạo đức cho thanh niên cần gắn với hoạt động thực tiễn của thanh niên, của tổ chức Đoàn.

Thông qua hình thức nêu gương

Hồ Chí Minh khẳng định: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (10). Trong cuộc sống, Người yêu cầu phải bằng tấm gương lao động, hiếu nghĩa, hy sinh vì nước, vì dân… để giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường. Người còn nhắc nhở thanh niên luôn trân trọng, lắng nghe, tìm hiểu, suy ngẫm gương người tốt, việc tốt, những sáng kiến, sáng tạo. “Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi” (11). Thông qua hình thức nêu gương, thanh niên sẽ biết về người tốt, việc tốt, những cách làm hay, hành động đẹp để từ đó học tập, noi theo.

Kết hợp quá trình giáo dục và tự giáo dục của thanh niên

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thanh niên tự tu dưỡng, rèn luyện mình trở thành người vừa có đạo đức tốt, vừa có trình độ văn hóa. Người nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình” (12).

Hồ Chí Minh rất coi trọng việc kết hợp cả hai mặt là giáo dục và tự giáo dục, không tuyệt đối hóa bất cứ hình thức giáo dục nào. Quá trình giáo dục sẽ đạt kết quả cao khi trở thành tự giáo dục, tự đào tạo, tự rèn luyện về trí tuệ và thể lực. Vì thế, nếu phát huy tốt tinh thần tự tu dưỡng, tự rèn luyện thì việc giáo dục mới thật sự có hiệu quả và chắc chắn. Để kết quả tự giáo dục đạt kết quả cao, thanh niên phải đặt lên hàng đầu yếu tố tự học làm cốt, phải biết tự động học tập. Tự học nghĩa là phải đọc sâu hiểu kỹ, suy nghĩ chín chắn, không tin một cách mù quáng từng điều trong sách vở, phải độc lập suy nghĩ… Tinh thần tự học còn được thể hiện ở thái độ học tập đúng, trước hết là xác định động cơ học tập đúng. Động cơ đúng sẽ giúp thanh niên có thái độ và phương pháp học tập đúng để cải tạo mình, cải tạo xã hội, thế giới, giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể.

Kết hợp giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật

Đạo đức và pháp luật là hình thái ý thức xã hội thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng lại kết hợp bổ sung cho nhau, có chức năng chung là điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo toàn, phát triển xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng pháp luật phải gắn liền với đạo đức, việc tuân thủ pháp luật cũng có nghĩa là thuận theo đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội. Nếu như pháp luật sử dụng hệ thống các quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi dựa vào sức mạnh của bạo lực, cưỡng chế buộc phải tuân theo, thì đạo đức lại sử dụng hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực làm thành khuôn mẫu để mỗi người thực hiện. Đồng thời, cần kết hợp với sức mạnh của dư luận, phong tục, tập quán xã hội nhằm động viên, khuyến khích hoặc lên án, ngăn cấm các hành vi trái với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vai trò và vị trí của thanh niên vì vậy càng cần được phát huy hơn nữa. Muốn vậy, các tổ chức và cá nhân phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thanh niên; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật cho thế hệ trẻ; tích cực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong giáo dục đạo đức bằng nhiều phương thức, phù hợp với từng đối tượng thanh niên.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.94.

2, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.622, 672.

3, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.19, 377, 420, 670.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.471.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.619.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.265.

11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.101.

12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.399.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN VIẾT ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *