Tư tưởng khoan dung văn hóa của hồ chí minh và giá trị hiện thời của nó



Khoan dung là một trong những giá trị tiêu biểu của văn hóa truyền thống Việt Nam, nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Văn hóa khoan dung truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát huy đặc sắc ở Hồ Chí Minh. Trên nền móng bản sắc văn hóa dân tộc, sự kết tinh những giá trị và tinh thần khoan dung Đông – Tây, tư tưởng khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là sự đúc kết kinh nghiệm, tri thức tu dưỡng bản thân để ứng xử khoan hòa với mọi người, với thiên nhiên, mà văn hóa còn thể hiện qua hoạt động thực tiễn phong phú của Người. Mọi suy nghĩ, hành động của Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần khoan dung một cách sâu sắc đối với văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới.

1. Một số nội dung cơ bản trong tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh

Thấu hiểu sâu sắc các giá trị văn hóa dân tộc, chủ nghĩa Mác – Lênin và tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng, ý nghĩa lớn lao của văn hóa. Mặt khác, do cội nguồn tư tưởng và hoạt động thực tiễn phong phú đa dạng mà tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh được nâng cao và phát triển với nội hàm nghĩa rộng rãi. Vì vậy, khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh thể hiện tính chất, giá trị trong những hoạt động văn hóa đa dạng của Người.

Từ nhận thức khoan dung về văn hóa, lại nhận thức được bản chất, vai trò to lớn của văn hóa trong đời sống xã hội, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chức năng và nhiệm vụ của văn hóa trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Với 54 dân tộc, Việt Nam có nền văn hóa đa dạng và phong phú, nhưng điều đó cũng gây khó khăn cho công tác xây dựng, phát triển văn hóa thống nhất dân tộc nói chung. Vì, ở mỗi nền văn hóa của các sắc tộc có những đặc trưng riêng bên cạnh điểm chung, thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Do vậy, theo Hồ Chí Minh văn hóa dân tộc cần phải có lập trường khoan dung để phát triển rực rỡ trên nền tảng bảo vệ, kế thừa, phát huy văn hóa các tộc người, các vùng miền văn hóa khác nhau trên đất nước ta. Với văn hóa của các dân tộc thiểu số, cái hay, cái đẹp phải được tôn trọng, phải được làm giàu thêm cùng với việc vun xới sắc thái riêng của họ. Mọi người Việt Nam đều học chữ phổ thông là tiếng Việt song song với việc sử dụng chữ viết và bảo tồn sắc thái văn hóa dân tộc mình; sưu tầm, khai thác, nâng cao các nội dung đặc trưng của văn hóa các dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, không thể có một nền văn hóa mang tính nhân văn trong một quốc gia đa dân tộc mà lại chỉ chú ý phát triển văn hóa của một tộc người, càng không thể có sự áp đặt văn hóa giữa tộc người này với tộc người khác trong một quốc gia đa dân tộc, cần phải tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng của các nền văn hóa.

Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh còn đồng thời nhận thức cần phải không ngừng mở rộng tiếp thu những tiến bộ của thế giới làm giàu cho Việt Nam. Hồ Chí Minh tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài mà vẫn giữ được tinh thần thuần túy Việt Nam, không đánh mất bản sắc của dân tộc mình sau khi đã thâu hóa những giá trị chung của nhân loại. Vì vậy, thái độ nhất quán của Người là “cái hay của tổ tiên ta thì ta học”. Hồ Chí Minh cũng khẳng định tính dân tộc của văn hóa để chống lại xu hướng đồng nhất hóa văn hóa nhân loại, áp đặt văn hóa làm mất đi quyền sáng tạo văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, văn hóa truyền thống của dân tộc là cái màng lọc để tiếp nhận các giá trị văn hóa từ bên ngoài tác động tới. Mặt khác, chúng ta thấy rằng, các nền văn hóa, các giá trị văn hóa, các học thuyết khác nhau đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định, cho nên cần có sự “lọc bỏ biện chứng” đối với các tư tưởng này, chỉ kế thừa những yếu tố tích cực, cải tạo nó cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, thiếu tiến bộ.


 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn ca múa dân gian Nhật Bản sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam (1963)

Ở Hồ Chí Minh nội dung tư tưởng khoan dung văn hóa còn được biểu hiện rõ nét ở thái độ trân trọng, cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác nhau của văn hóa nhân loại, là chấp nhận giao lưu, đối thoại, tìm ra cái chung, nhằm đạt tới sự hòa đồng, cùng phát triển. Và chính Hồ Chí Minh là tấm gương đặc sắc, biết làm giàu trí tuệ của mình bằng những di sản tinh thần quý báu của nhân loại. Người biết kế thừa các học thuyết của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới một cách có phê phán, chắt lọc, làm hành trang tư tưởng của mình.

Nội dung tư tưởng khoan dung văn hóa là đứng vững trên nền tảng lập trường văn hóa dân tộc mình để tiếp nhận cả từ phương Đông lẫn phương Tây. Từ lập trường này ở Hồ Chí Minh còn tác động tới tư tưởng khoan dung trong văn hóa chính trị. Nó là cơ sở tinh thần, tư tưởng, đạo đức của tư tưởng chính trị ở Người. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, khoan dung văn hóa là cơ sở chỉ đạo việc xử lý mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Tư tưởng khoan dung văn hóa ở Hồ Chí Minh là sự thừa nhận tôn trọng những nền văn hóa khác để cùng tồn tại, qua đấy tạo ra sự giao lưu, tiếp biến lẫn nhau làm cho văn hóa các dân tộc, nhân loại cùng phát triển phong phú và đa dạng: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”(1) là con đường đúng đắn để xây dựng nền văn hóa mới Việt nam.

Để thực hiện được mục tiêu vừa bảo vệ, phát triển nền văn hóa, vừa bảo vệ độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nêu lên nguyên tắc cơ bản, có tính định hướng, đó là cần sự giao tiếp bình đẳng giữa các giá trị, cần tiếp thu có chọn lọc, có khước từ, có chối bỏ nhưng không kỳ thị, không đóng cửa và tránh bắt chước hoặc trở thành nô lệ về văn hóa. Văn hóa của các dân tộc khác cần được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của mình. Theo Hồ Chí Minh, càng thấm nhuần yếu tố văn hóa hiện đại thì càng cần phải coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, phải rút ra từ quá khứ những giá trị cần thiết cho sự phát triển văn hóa mới.

Cũng cần khẳng định, nội dung tư tưởng khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh còn xa lạ với mọi thói kỳ thị văn hóa. Chẳng hạn trong khi chống Pháp, Người vẫn yêu mến và đề cao văn hóa Pháp. Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rạch ròi giữa công dân Pháp với thực dân Pháp với văn hóa Pháp. Do phân biệt rõ thực dân Pháp với dân tộc Pháp và văn hóa Pháp nên người khẳng định, “chúng tôi không ghét thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng, bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh”(2). Chính điều này đã giúp Hồ Chí Minh có cách ứng xử khoan dung với văn hóa pháp, cũng như việc Người xem Đại cách mạng tư sản Pháp là một mốc lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại, “nhờ cuộc Đại cách mạng đó mà tư tưởng dân chủ truyền bá khắp châu Âu”(3).

Trong một thế giới có sự giao lưu, tồn tại giữa cái chung và cái riêng, cái đồng nhất và cái dị biệt, khoan dung văn hóa với Hồ Chí Minh là chấp nhận đối thoại về giá trị, tìm ra cái chung, cái nhân loại. Là một nhà ngoại giao biết thương lượng, có đầu óc thực tế, Hồ Chí Minh biết tìm ra mẫu số chung cho mọi cuộc đối thoại. Trong đối thoại với đối phương để đi đến thỏa hiệp, nhân nhượng mà các bên có thể chấp nhận được, Hồ Chí Minh luôn biết mềm dẻo, ôn hòa trong việc tìm ra cái chung, cái đồng nhất, bảo lưu cái khác biệt

Bên cạnh đó, khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh còn thể hiện ở lối sống chan hòa với thiên nhiên. Người không thích nói “chế ngự thiên nhiên”, “cải tạo tự nhiên” mà chủ trương sống hài hòa với thiên nhiên, phảng phất lối sống của một triết nhân Lão học ngày xưa, hết mực giản dị, xóa bỏ mọi nghi thức.

Có thể khẳng định rằng, nội dung tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh là sự thống nhất của cả tâm, đức và trí – một tinh thần khoan dung được xây dựng trên tầm cao văn hóa cổ – kim – đông – tây, kết hợp được tình cảm với lý trí, nhận thức với hành động, yêu thương với đấu tranh, một bước phát triển mới về chất của tinh thần khoan dung văn hóa Việt Nam.

2. Giá trị tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay giá trị của khoan dung văn hóa được ghi nhận và có tác động không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. Khoan dung văn hóa như một cách thức để phát huy hơn nữa giá trị nhân đạo của khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong cuộc sống, đồng thời, nó góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống, đạo đức chung mang tính nhân loại. Vì vậy, tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh với ý nghĩa lịch sử và thời đại vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.

Trước hết, Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới đang đứng trước sự bùng nổ công nghệ thông tin, quá trình đô thị hóa, sự di dân, hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa, du lịch,… mở ra cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, đồng thời cái tốt, cái xấu, cái tiêu cực từ bên ngoài cũng theo đó mà xâm nhập vào nước ta. Trước tình hình ấy, chúng ta phải tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa hiện đại thế giới, đồng thời phải đấu tranh chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại, uốn nắn kịp thời khuynh hướng sùng ngoại, mất gốc, lai căng, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân ái, khoan dung vốn đã trở thành truyền thống, thành giá trị đạo đức và văn hóa quý báu của dân tộc.

Đứng trước xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. Tuy nhiên, quá trình đó không phải chỉ diễn ra theo chiều thuận, mà có cả chiều nghịch. Do vậy, chúng ta phải trở về với học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là hai mặt của một quá trình, hai mặt đó luôn luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, bất cứ một sự lệch lạc nào cũng đưa đến những tổn hại cho việc xây dựng nền văn hóa mới.

Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn liền với lãnh đạo, nâng cao nhận thức, tư tưởng, nâng cao những hiểu biết về văn hóa, khoa học hiện đại của quần chúng nhân dân, để quần chúng phân biệt được những gì thực sự là chân, thiện, mỹ với những cái giả, cái ác, cái xấu; nhận cái hay, bỏ cái dở. Các cấp các ngành cần đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, tôn tạo những di tích văn hóa lịch sử và cách mạng, suy tôn các anh hùng liệt sĩ, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, đề cao văn hóa làng xã, văn hóa dân tộc. Đây là những hình thức để tạo ra rào chắn nhằm chống lại sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai. Vận dụng tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Mính, chúng ta cần thiết bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cần xử lý tốt quan hệ giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội, không để cho lợi ích kinh tế trước mắt làm ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cần có giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng văn hóa đại chúng, văn hóa nghe – nhìn của phương Tây, hòng làm cho thế hệ trẻ ngày càng rời xa cốt cách, tâm hồn dân tộc, chạy theo các phản giá trị, để tự diễn biến về văn hóa đi đến tự diễn biến về chính trị.

Kế thừa tư tưởng khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh cần tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, vun trồng những giá trị nội sinh của dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và thời đại ngày nay đang là yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Điều đó đòi hỏi tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng nhằm xây dựng, từng bước hoàn thiện nền văn hóa mới. Việc mở rộng giao lưu, hội nhập với văn hóa nước ngoài là “điều kiện để chúng ta tiếp xúc rộng rãi với các thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam”(4). Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập văn hóa là hòa nhập mà không hòa tan, hội nhập nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo của riêng mình, vẫn giữ được bản sắc, cốt cách của dân tộc, đó là “những giá trị bền vững những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”(5). Cần mạnh dạn xóa bỏ những phong tục, tập quán, cải tiến những cái không còn phù hợp, tỏ thái độ dứt khoát đối với những sản phẩm, những luồng văn hóa độc hại từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam, làm tha hóa đạo đức và làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Tư tưởng khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh còn có giá trị to lớn trong việc định hướng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới. Trước hết, chúng ta phải khẳng định nguyên tắc giao lưu và hợp tác với các dân tộc trên cơ sở bình đẳng, cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng, hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau. Hiện nay, khi mà một số cường quốc mưu toan biến toàn cầu hóa thành diễn đàn khuyếch trương mô hình của mình, phổ biến các giá trị bên ngoài, áp đặt mô hình xa lạ lên các nước đang phát triển. Chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tích cực, tiến bộ, nhưng cương quyết vạch trần các chiêu bài nhân quyền, dân chủ từ phương Tây, giữ vững định hướng phát triển của đất nước.

Cũng cần khẳng định thêm rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa, cần có cách tiếp cận khoa học và xử lý kịp thời, đúng đắn về các vấn đề như lợi ích, chủ quyền quốc gia, độc lập tự chủ, hợp tác và đấu tranh, hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sản dân tộc… Chúng ta phải thể hiện đúng tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh, hòa nhập nhưng không hòa tan, không đánh mất mình. Mở cửa giao lưu, tiếp thu những tinh hoa của các dân tộc khác nhưng kiên quyết đấu tranh, nói không với những giá trị không phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống của dân tộc. Đó chính là đạo lý khoan dung, là biện chứng của cái phổ biến và cái đặc thù, cái nội sinh và cái ngoại lai dựa trên cơ sở phương pháp luận khoa học của Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về văn hóa, đạo đức khoan dung vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới, nên đã có sức thuyết phục, thu hút toàn nhân loại trong thời gian dài. Nhiều khía cạnh trong tư tưởng khoan dung của Người nói chung, khoan dung văn hóa nói riêng được thế giới đánh giá cao, vì nó có tác dụng đối với sự phát triển hợp quy luật của lịch sử. Tư tưởng khoan dung văn hóa của Hồ Chí Minh bao chứa nhiều nội dung lớn, phản ánh yêu cầu, nhiệm vụ lớn lao của thời đại, đang soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh những thời cơ phát triển thì đồng thời các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị khoan dung đang đứng trước những thách thức to lớn. Vì vậy, việc phát huy truyền thống khoan dung Việt Nam nói chung, tư tưởng khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng sẽ góp phần khẳng định và phát triển bản sắc của văn hóa Việt Nam trước những nguy cơ đánh mất bản sắc mà toàn cầu hóa văn hóa có thể đưa lại, đồng thời làm nội lực để Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.173.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.65.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr.464.

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chin Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.45.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : ĐỖ DUY TÚ

1/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *