Tương đồng, khác biệt trong diễn xướng hát đúm và quan họ Bắc Ninh


Hát đúm và quan họ Bắc Ninh là hai loại hình ca hát thuộc thể loại dân ca đối đáp nam nữ rất phổ biến của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Cả hai loại hình dân ca này đều có những nét độc đáo trên phương diện nghệ thuật âm nhạc, lời ca và gắn với những yếu tố văn hóa, phong tục độc đáo, đặc sắc. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ ra một số biểu hiện tương đồng, khác biệt trong diễn xướng hát đúm và quan họ Bắc Ninh, góp phần nêu bật đặc trưng của từng loại hình trong dòng chảy của thể loại dân ca nói chung và bổ sung tư liệu giảng dạy về mảng dân ca đối đáp nam nữ nói riêng.

1. Mục đích diễn xướng

Tương đồng, khác biệt về mục đích nghi lễ tín ngưỡng

Bất cứ một loại hình nghệ thuật ca hát dân gian nào cũng đều có một mục đích diễn xướng riêng. Chẳng hạn, hát chầu văn dùng âm nhạc và lời văn (ca từ) để ngợi ca, tôn vinh Mẫu (mẹ) và các vị nhân thần, thiên thần trong đạo Mẫu. Hát xoan thường diễn xướng vào mùa xuân tại các đình làng ở trung du với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân đa vật thịnh…

Theo cách hiểu thông thường nhất, hát đúm và quan họ mang mục đích giao duyên nam nữ, kết giao, gửi gắm tình cảm lứa đôi. Bên cạnh mục đích giao duyên, hát đúm và hát quan họ còn mang một mục đích khác, đó là nghi lễ tín ngưỡng mà diễn xướng hát đúm thờ ở Phú Thọ và hát quan họ thờ ở làng Viêm Xá, Bắc Ninh là hai trường hợp điển hình nhất. Học giả Đặng Hoành Loan, trong một bài nghiên cứu về hát xoan ở Phú Thọ có nêu: “Hát đúm có hai cách, một là hát đúm thờ, hai là hát đúm ném. Đúm thờ là những câu hát chúc vua, chúc làng. Khi hát, bốn cô đào đứng trước nhang án, tay cầm quạt để trước ngực. Khi hát không múa may, không trống phách” (1).

Qua nghiên cứu, chúng tôi được biết, ở Phú Thọ xưa đã từng tồn tại một hình thức ca hát mà người dân địa phương thường gọi là hát đúm thờ. Theo những nghệ nhân hát xoan như Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Lịch ở phường xoan An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ, ngoài phần hát giao duyên của các cô đào phường xoan với trai làng sở tại, còn có hát đúm thờ. Hát đúm thờ thường được diễn xướng trước hát đúm ném, mang mục đích nghi lễ thuần túy, hoàn toàn không mang mục đích giao duyên. Chẳng hạn, trước khi vào hát thờ thường có câu:

Đôi bên lẳng lặng như tờ

Lặng nghe tôi hát đúm thờ đại vương… (2)

Có nét tương đồng với hát đúm thờ trong hát xoan ở Phú Thọ, làng Viêm Xá, Bắc Ninh – nơi thờ thủy tổ quan họ cũng có hát quan họ thờ. Theo Lê Cẩm Ly, trong lễ hội đình làng Viêm Xá, ngoài hai hình thức hát hội và hát canh, quan họ còn được sử dụng dưới hình thức hát thờ. Hát thờ thường được tổ chức trong không gian thiêng (3).

Như vậy, bên cạnh mục đích giao duyên nam nữ thông thường, diễn xướng hát đúm và quan họ còn mang mục đích nghi lễ tín ngưỡng, nghi lễ phong tục. Ở trường hợp này, con người dùng những câu hát của mình để chúc tụng các vị thánh, thần hoàng làng và cầu mong các vị phù hộ cho cá nhân và cộng đồng nhân đa vật thịnh, mùa màng tốt tươi.

Nét khác biệt về mục đích diễn xướng gắn với yếu tố văn hóa

Trước hết, về hát đúm, trong diễn xướng truyền thống, người hát thường sử dụng những câu hát để bày tỏ tình cảm yêu đương thật sự với bạn hát, thậm chí họ đi hát là để tìm được người yêu. Trong quá trình ca hát, những chủ thể diễn xướng còn trêu ghẹo, thậm chí họ còn chửi khéo nhau… nhưng cuối cùng, cái đích mà họ tìm đến vẫn là luyến ái và hôn nhân. Có những cuộc hát diễn ra thâu đêm suốt sáng. Chẳng hạn, ở Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng, cố nghệ nhân Nguyễn Văn Long và nghệ nhân Lê Thị Đáng cùng rất nhiều cặp đôi hát đúm khác đã tìm hiểu, yêu rồi lấy nhau từ những cuộc hát. Tương tự như vậy, ở nhiều địa phương khác, nam nữ cũng thường sử dụng những câu hát đúm như một phương tiện để làm quen, kết tình để rồi từ đó nên vợ, nên chồng. Nhưng, đối với các liền anh, liền chị trong diễn xướng hát quan họ thì lại khác. Quan họ không lấy nhau. Đó là một tuyên ngôn rất nổi tiếng, đã từng tồn tại lâu đời trong không gian văn hóa quan họ Kinh Bắc. Theo truyền thống, những bọn quan họ khi đã kết bạn với nhau thì không bao giờ lấy nhau. Nhà nghiên cứu Hồng Thao: “Khi quan họ đã kết bạn với nhau thì họ quý trọng nhau, thân thiết với nhau như anh em ruột thịt và thường không lấy nhau. Họ quan niệm rằng: Quan họ kết bạn mà lấy nhau là không có đạo đức, có lấy nhau thì rồi rồi cuộc sống cũng không ra sao (làm ăn thất bát, tận đường con cái…)” (4). Như vậy, đi hát với mục đích kết bạn rồi thành người yêu, thành vợ, thành chồng là mục đích của những chủ thể diễn xướng hát đúm. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản so với mục đích diễn xướng của dân ca quan họ Bắc Ninh.

2. Phương thức diễn xướng

Về những điểm tương đồng

Theo truyền thống, một cuộc hát đúm hay một canh hát quan họ thường được chia làm ba chặng hoặc giai đoạn hát chính, đó là: chặng mở đầu, chặng giữa và chặng kết. Dựa trên quy định chung, một cuộc hát đúm hay một hát canh quan họ xưa thường được tiến hành theo một trình tự có đủ ba chặng hát. Trong hát đúm, chặng mở đầu là những bài có nội dung gặp gỡ chào hỏi, làm quen, hỏi thăm, mời trầu, mời nước… tiếp đến là chặng giữa với nội dung rất phong phú, đa dạng – thi thố tài năng, ứng, đối, đố, họa… và cuối cùng là chặng kết – nam nữ chia tay, giã bạn. Còn trong hát quan họ, chặng hát đầu gồm các bài thuộc giọng lề lối với các làn điệu như Hừ la, La rằng, Đường bạn, Tình tang, Cái hời, cái ả… sau đó là chặng giọng vặt rất phong phú, đa dạng, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của trai gái, cuối cùng là chặng giã bạn – trai gái chia tay lưu luyến.

Ngoài ra, có một điểm tương đồng nữa là, cả hát đúm và quan họ cổ thường không sử dụng bất cứ một nhạc cụ nào đệm theo. Ở đó chỉ có giọng hát của hai bên nam nữ trong những không gian khác nhau như: sân chùa, sân đình, trong nhà, trên sông, trên đồi…

Đối về nội dung và ý tứ trong lời ca là một điểm tương đồng rất phổ biến trong phương thức diễn xướng của hát đúm và hát quan họ. Thông thường, nội dung lời ca đối nhau về ý tứ. Trong lời ca hát đúm, ta gặp các cặp nội dung đối nhau như: trời – đất, nóng bức – mát mẻ, sông – núi, cá – chim… Chẳng hạn:

Nữ:

Thấy chàng là đấng nam nhi

Lặng nghe em kể tứ chi sự giời

Trên giời ba mươi sáu vị chàng ơi

Lặng nghe em kể Thiên Lôi, cầu vồng…

Nam:

Thấy nàng là đấng nữ nhi

Lặng nghe anh dẫn đất thì đầu đuôi

Đất sinh vạn vật cỏ cây

Đình chùa phật tự là nay đất gần… (5).

Tương tự như vậy, trong diễn xướng hát quan họ, đối lời và đối ý trong các bài bản lời ca cũng luôn được đặt ra cho bên nam và bên nữ. Chẳng hạn, bên hát trước (bên ra) hát lời Giăng già:

Giăng bao nhiêu tuổi giăng già

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?

Sương mai tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn đáy sông…

Thì bên đối sẽ hát lời Giăng non:

Giăng bao nhiêu tuổi giăng non

Núi bao nhiêu tuổi vẫn còn đương xinh

Vẳng nghe lời nói hữu tình

Chim lồng khôn nhẽ cất mình bay cao…(6).

Hoặc, khi đối ý, bên nam hát lời ca Bốn mùa thì bên nữ sẽ đối lại bài Bốn phương, bên nam hát Mười nhớ thì bên nữ đối Mười thương

Những điểm khác biệt nổi bật

Mặc dù lối hát đối đáp được thực hiện bởi hai giới nam và nữ nhưng hát đúm thường chỉ đối đáp giữa một nam với một nữ. Trong khi đó, ở diễn xướng hát quan họ, hai nam đối đáp với hai nữ theo lối đồng giọng, đồng âm, tức là từng đôi nam (hoặc đôi nữ) hát cùng một giai điệu. Chất giọng của từng đôi hát là khá hòa hợp, ăn ý về cách lấy hơi, cách rung giọng, nhấn giọng, nhả chữ hay những ánh mắt nhìn nhau trong khi hát để phối hợp với nhau trong suốt canh hát.

Điểm khác biệt đáng chú ý trong phương thức diễn xướng của hai loại hình dân ca, đó là: diễn xướng hát đúm chỉ dừng lại ở phương thức đối lời (đối nội dung), còn hát quan họ chủ yếu là phương thức đối làn điệu, tức đối giọng. Đối lời là cách người hát chỉ sử dụng một làn điệu rồi trên làn điệu đó, họ đặt rất nhiều lời ca khác nhau vào để hát nhằm đáp ứng yêu cầu về nội dung của từng chặng hát. Như vậy, làn điệu, tức yếu tố nghệ thuật âm nhạc không đặt ra đối với diễn xướng hát đúm, mặc dầu trên thực tế, có nhiều trường hợp, người hát vay mượn làn điệu của các loại hình dân ca khác để hát.

Còn trong hát quan họ, phương thức đối làn điệu (đối giọng) lại nghiêng hẳn về yếu tố nghệ thuật âm nhạc. Đối làn điệu là một phương thức rất đặc trưng của các loại hình dân ca nhiều làn điệu. Khi bên nam hoặc bên nữ hát trước bất kỳ làn điệu nào thì bên đối cũng phải hát làn điệu đó nhưng khác lời ca. Chẳng hạn, bên nam hát giọng Hừ la thì bên nữ cũng phải đối lại trên giọng Hừ la nhưng khác lời.

Có thể thấy, so với hát đúm, phương thức đối làn điệu trong quan họ Bắc Ninh đã vượt lên ở tầm cao hơn, trong đó, yếu tố nghệ thuật âm nhạc luôn được đề cao. Cần phải nói thêm rằng, hệ thống làn điệu trong dân ca quan họ luôn thuộc về riêng quan họ. Các liền anh liền, chị quan họ thường không vay mượn làn điệu của những loại hình dân ca khác mà họ sử dụng làn điệu dân ca của các vùng miền khác rồi nhào nặn, biến chúng thành những làn điệu của mình. Như vậy, khả năng quan họ hóa những làn điệu dân ca khác của người quan họ đã đạt tới đỉnh cao. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan đã có một nhận xét xác đáng: “Không dừng lại ở sự hiểu sâu sắc và vững vàng những sản phẩm riêng do cộng đồng mình sáng tạo ra và khả năng nhận dạng sản phẩm của những thể loại khác, họ còn có đủ bản lĩnh để thu nạp và đặc biệt là để đồng hóa bài bản của những thể loại khác và những vùng khác để biến thành vốn liếng mang sắc thái riêng của mình” (7).

Từ những so sánh bước đầu, chúng tôi cho rằng, hát đúm và dân ca quan họ Bắc Ninh có những điểm tương đồng và khác biệt trong mục đích và phương thức diễn xướng. Hát đúm so với quan họ Bắc Ninh có phần cởi mở, dân dã và đơn giản hơn. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa của tất cả mọi người, đặc biệt, là một phương tiện hữu dụng để giới trẻ đạt được mục đích bày tỏ tình cảm của mình với người khác giới, từ đó dẫn đến luyến ái, hôn nhân. Trong khi đó, ở diễn xướng hát quan họ, giữa các bọn quan họ có tục kết bạn chỉ mang mục đích duy trì tình bạn cao cả, đẹp đẽ và không đi đến hôn nhân. Không dừng lại ở phương thức đối lời (đối nội dung) như hát đúm (và nhiều loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu khác) phương thức đối làn điệu (đối giọng) trong diễn xướng hát quan họ đã vượt lên và trở thành một điểm sáng nổi bật nhất trong nghệ thuật hát đối đáp của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ.

_______________

1. Đặng Hoàng Loan, Xoan nghệ thuật hát thờ Vua Hùng, Thông báo Khoa học số 30, Viện Âm nhạc, 5-8-2001, tr.32.

2. Lời ca hát đúm thờ trong hát xoan Phú Thọ.

3. Lê Cẩm Ly, Chức năng của quan họ trong lễ hội đình làng Viêm Xá, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2, 2007, tr.63.

4. Hồng Thao, Dân ca quan họ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997, tr.23.

5. Lời ca hát đúm Thủy Nguyên, Hải Phòng.

6. Lời ca đối đáp trong dân ca quan họ Bắc Ninh, trong Giáo trình lý thuyết dân ca quan họ Bắc Ninh (Tài liệu lưu hành nội bộ), Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh, 2011, tr.14, 16.

7. Nguyễn Thụy Loan, Dân ca quan họ Bắc Ninh – một di sản độc đáo, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, 2006, tr.30.

Tác giả: Nguyễn Đỗ Hiệp

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *