Tương đồng văn hóa việt nam – nhật bản


 

1. Phong tục tập quán

Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng, tạo thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, được thể hiện qua trang phục, nghệ thuật ẩm thực, nơi sinh sống. Bên cạnh phong tục tập quán riêng, chúng ta vẫn bắt gặp những điểm tương đồng trong văn hóa truyền thống của hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Trang phục truyền thống của người Việt và Nhật cơ bản giống nhau ở chất liệu và cách thức dệt vải. Chất liệu chủ yếu là lanh, lụa, gấm, bông, sợi với màu sắc quen thuộc như xanh, đỏ, hồng, tím, nâu, đen… Đây là dấu tích của văn minh nông nghiệp, nghề tầm tang canh cửi tự cung tự cấp. Quan niệm màu sắc trang phục của Việt Nam và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa. Điều này thể hiện rõ nét nhất trên màu sắc của trang phục truyền thống: màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, màu trắng của sự thánh thiện, màu đen dùng cho các nghi thức, lễ nghi trang trọng. Quan niệm ấy còn mang đậm dấu ấn cho đến tận ngày nay.

Nền văn minh đầu tiên của Việt Nam và Nhật Bản là nền văn minh lúa nước. Dấu ấn này thể hiện rất rõ trong văn hóa ẩm thực của cả hai dân tộc. Công thức chung cho bữa ăn hàng ngày của người dân là cơm, rau, cá với nhiều thức ăn bổ sung như lạc, vừng, đậu phụ và các loại thịt khác. Đây là hệ quả tất yếu của nền văn minh lúa nước, khác hoàn toàn với các quốc gia châu Âu, Phi, Mỹ.

             Ngày nay, bữa ăn kiểu truyền thống vẫn còn tồn tại trong khoảng 95% gia đình người Việt. Nhưng ở một số ít đô thị lớn, sự du nhập của yếu tố văn hóa ẩm thực phương Tây đã bắt đầu xuất hiện trong bữa ăn gia đình: thức ăn nhanh fastfood và văn hóa cocacola. Điều đó cũng thể hiện rất rõ trong xã hội hiện đại Nhật Bản. Bữa ăn sáng kiểu Nhật truyền thống đã phải nhường chỗ cho kiểu phương Tây trong hầu hết các gia đình Nhật Bản. Đấy chính là sự Âu hóa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là minh chứng cụ thể về sự du nhập văn minh phương Tây ở cả hai nước.

Một nét văn hóa chung khác không thể thiếu trong phong cách ẩm thực của cả hai nước là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình thông qua hình ảnh các thành viên ngồi quây quần bên mâm cơm. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân ở khu vực châu Á.

Thức uống truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản thường là chè (trà). Cây chè được du nhập vào Việt Nam, Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã trở thành hương hồn quốc tuý của hai dân tộc trong nghệ thuật ẩm thực và được nâng lên thành nghệ thuật thưởng trà. Sau trà là rượu gạo đóng vai trò là đồ uống chính trong sinh hoạt ẩm thực của người dân. Chén trà, bầu rượu là hình ảnh khá quen thuộc trong văn thơ dân gian hai nước và tạo thành một nét văn hóa riêng đặc sắc.

Đặc điểm chung nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản là cả hai nước đều có một nền văn hóa bản địa truyền thống với nghề nông nghiệp làm lúa nước, người dân sinh sống trong cộng đồng làng xã. Các làng, xóm ở nông thôn Việt Nam và Nhật Bản đều được hình thành bắt đầu từ một dòng họ hay một dòng tộc. Người dân sống định cư quây quần bên nhau, hình thành một cụm cư dân gọi là làng. Tại đó, người dân sống trong những ngôi nhà kiểu truyền thống và những người trong cùng một mái nhà gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống: ông bà, cha mẹ, con cái. Ngôi nhà truyền thống của hai dân tộc về cơ bản chịu ảnh hưởng của thuật phong thủy Trung Hoa, do đó người Việt và Nhật có khá nhiều điểm giống nhau trong kiến tạo nhà ở, hướng nhà, cấu trúc và chất liệu xây dựng chính. Đó là kiểu nhà: tường làm bằng đất, mái bằng rơm rạ, hoặc tre nứa, nhà chia làm nhiều gian, gian giữa làm gian thờ, một gian riêng để cất giữa đồ lương thực hoặc đồ quý.

Phong tục truyền thống của người Việt, Nhật đều rất chú trọng mô hình gia đình truyền thống, kiểu gia đình tam, tứ đại đồng đường, con cái sống chung với ông bà cha mẹ. Thành viên trong gia đình gắn kết, ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống. Kiểu gia đình này đã tồn tại đến tận bây giờ. Hôn nhân truyền thống hai nước đều chịu ảnh hưởng rất mạnh từ nền văn hóa Trung Hoa: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” cùng tư tưởng “muôn đăng hộ đối”. Trai gái không được tự do tìm hiểu nhau, tất cả thông qua bà mối hay cha mẹ. Hôn nhân của người Việt và Nhật thông thường qua ba bước chính sau: Chạm ngõ, hai bên gia đình đồng ý cho tổ chức lễ cưới sau đó ấn định ngày giờ cưới. Ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật đã được ấn định trong lễ chạm ngõ sang nhà gái và đây là lễ chính thức công nhận việc hôn nhân giữa hai bên. Lễ cưới, bước cuối cùng của việc chính thức hóa việc hôn nhân giữa đôi trai gái.

Từ xưa đến nay, hôn nhân truyền thống của người Nhật phần lớn là qua mai mối. Hiện tại, ở Nhật Bản vẫn còn song hành cả hai kiểu kết hôn: kekkon omimai – kết hôn qua mai mối, renai kekkon – kết hôn vì yêu. Hôn nhân theo kiểu truyền thống là kiểu được sắp xếp theo ý kiến của những người lớn tuổi. Ngày nay, kết hôn dạng này đang bị mai một dần, nhất là trong thời đại bùng nổ hiện tượng độc thân, không muốn lập gia đình của thanh niên Nhật Bản.

 

2. Phong tục tang ma, thờ cúng tổ tiên

Phong tục ma chay truyền thống của người Việt Nam và Nhật Bản về cơ bản là giống nhau. Người Việt, Nhật đều quan niệm có linh hồn, linh hồn của người chết có thể giao tiếp với người thân qua một thế giới khác gọi là thế giới tâm linh. Hàng năm con cái người đã khuất đều tưởng niệm họ vào ngày giỗ. Tuy nhiên cách thức cúng giỗ của từng nước rất khác nhau.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, Nhật đã có lịch sử rất lâu đời tuân theo tư tưởng đạo Khổng của Trung Hoa. Người ta thờ cúng ông bà tổ tiên và tổ chức giỗ trong vòng thời gian quy định. Người ta quan niệm rằng: sau đó người chết sẽ hóa thân sang một kiếp khác. Thông thường người con trai trưởng là người được trao trọng trách thờ cúng tổ tiên. Người đã khuất được thờ trên bàn thờ tổ tiên, đặt ở vị trí trang trọng nhất nhà. Ngày nay, tập tục này tuy có thay đổi ít nhiều, nhưng việc duy trì thờ cúng tổ tiên vẫn được tiếp tục. Đó chính là hành động tưởng nhớ hiếu kính của con cái, người sống đối với người đã khuất. Trách nhiệm sẽ được giao lại cho người con trai trưởng của họ từ đời này sang đời khác.

 

Cuối cùng, phải nói đến hệ thống các thần thánh được thờ trong đình, đền, chùa ở cả hai nước. Tục thờ thành hoàng làng đều có ở Việt Nam và Nhật Bản, thờ những con người đã có công sáng tạo, lập nên làng đó, hay đơn giản chỉ là những người có công với nước. Trong tiếng Việt được gọi là thờ thành hoàng làng, trong tiếng Nhật là thờ kami. Với nhân dân cả hai nước, họ đều là những vị thánh đem lại bình yên, hạnh phúc và phồn vinh cho người dân. Họ sẽ mãi được dân làng tôn vinh thờ phụng từ đời này sang đời khác.

Như vậy, dưới xét dưới góc độ quan niệm văn hóa truyền thống người Việt và Nhật đều có một cái nhìn chung đối với sự sống và cái chết, trong phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên. Tất cả những nét văn hóa đó đều chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa.

 

3. Ngày lễ tết trong năm

 

Lễ hội của Việt Nam và Nhật Bản diễn ra quanh năm, có thể phân ra làm ba loại chính: Lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử và lễ hội phong tục tập quán tín ngưỡng (1).

Lễ hội nông nghiệp ở hai nước đều rất phong phú và đa dạng. Trước hết có thể nói nó bắt nguồn từ văn minh lúa nước, gắn liền với tập quán sinh hoạt của người làm nông nghiệp. Một số lễ hội cùng được tổ chức ở hai nước như lễ hội cầu mùa (cầu cho mùa màng bội thu), lễ hội mùa hạ, lễ đón mừng cơm mới…

Lễ hội lịch sử: thường gắn với những di tích hay một sự kiện lịch sử và hàng năm lễ hội này được tổ chức ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam và Nhật Bản.

Lễ hội gắn liền với phong tục tập quán tín ngưỡng ở hai nước, mặc dù có nhiều điểm khác nhau, nhưng tựu trung đều được tổ chức theo mùa, theo những nghi lễ dân gian nhằm tưởng niệm một sự kiện nào đó đã xảy ra, hay là một hình thức cầu cúng của cư dân địa phương thể hiện tín ngưỡng của mình. Loại hình lễ hội này thường gắn liền với phong tục tập quán của từng nước nhưng do ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa nên tại hai nước đều có những ngày lễ được tổ chức giống nhau như ngày tết thiếu nhi (rằm tháng tám), ngày tết Hàn thực, ngày Ngưu Lang Chức Nữ, ngày người cao tuổi, ngày lễ lao động quốc tế, ngày lễ đón mừng năm mới với nhiều phong tục tập quán riêng.

 

4. Chữ viết, văn chương, hệ thống giáo dục

Trong tiếng Việt và tiếng Nhật yếu tố âm Hán và trong các từ ngoại lai từ tiếng Hán chiếm đa số nên có nhiều từ cách phát âm tương đối giống nhau (2). Ví dụ: chú ý trong tiếng Việt đọc là chú ý, tiếng Nhật đọc là chuui; ý kiến tiếng Việt ý kiến, tiếng Nhật là iken... Người Việt và Nhật mặc dù vay mượn chữ Hán, chịu nhiều ảnh hưởng từ văn minh Hán hóa nhưng cả hai đều dựa trên cơ sở nền tảng của ngôn ngữ dân tộc, từ đó tạo ra chữ viết của mình, điều này thể hiện rất rõ lòng tự tôn dân tộc.

Hai nước đều có một nền văn chương từ lâu đời, và qúa trình phát triển của văn học hai nước gần như đều theo một quy trình: văn chương truyền khẩu khi chưa có chữ viết, văn học viết khi chữ viết ra đời. Sau khi chữ viết ra đời, đặc biệt là việc chữ Hán trở thành văn tự chính thức ở cả hai nhà nước phong kiến, văn chương thành văn rất phát triển, chia thành hai thể loại chính: văn chương chữ Hán văn chương chữ viết dân tộc. Việt Nam có văn chương chữ Nôm, Nhật Bản là văn chương viết bằng chữ Hiragana. Đến nay qua hàng nghìn năm lịch sử, nền văn chương chữ Hán hai nước đã để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm có giá trị.

Hệ thống giáo dục truyền thống của hai nước trước đây đều theo mô hình của giáo dục Trung Hoa. Việt Nam trong lịch sử có một thời gian dài bị đô hộ bởi nhà nước phong kiến Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng mạnh từ Trung Quốc. Tại Nhật ngay từ thời kỳ Nara, nhà nước phong kiến đã cử đoàn lưu học sinh đầu tiên ra nước ngoài học tập để trở về phát triển và xây dựng đất nước với điểm đến Trung Hoa. Trong hệ thống giáo dục thời kỳ phong kiến, Tam tự kinh là bài học vỡ lòng để học trò bắt đầu làm quen với chữ Hán và chữ Hán cũng chính là thứ văn tự duy nhất được nhà nước phong kiến công nhận.

           Chế độ thi cử thời kỳ phong kiến cả hai nước cũng đều áp dụng theo mô hình Trung Hoa tức là có thi hương, thi hội, thi đình. Hệ thống kiểu này tồn tại ở Việt Nam và Nhật Bản đến hết thời kỳ phong kiến.

Phần lớn người dân Việt Nam theo đạo Phật, một số ít theo đạo Kito, đạo Hòa Hảo và nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác. Đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam và Nhật Bản bằng nhiều con đường khác nhau, khi đến Việt Nam và Nhật Bản, không còn giữ nguyên nghĩa như ban đầu mà đã bị bản địa hóa để thích ứng với hoàn cảnh. Đấy có thể nói là điểm tương đồng đầu tiên trong tín ngưỡng tôn giáo của người dân hai nước.

Điểm tương đồng thứ hai chính là sự hài hòa, chung sống hòa bình của các tín ngưỡng, tôn giáo trên một lãnh thổ và không có xung đột tôn giáo hay sắc tộc nào xảy ra trong thời gian gần đây.

 

5. Điêu khắc, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, thủ công truyền thống.

Dấu ấn tranh thủy mặc theo phong cách Trung Quốc còn in đậm trên tranh cuộn mangae Nhật Bản và tranh thủy mặc Việt Nam. Đấy chính là nét tương đồng văn hóa đầu tiên trong nghệ thuật hội họa của cả hai nước. Ngoài nghệ thuật, thư pháp của cả hai nước đều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa do trong thời kỳ phong kiến chữ Hán được coi là văn tự chính thống duy nhất được nhà nước công nhận. Tại Nhật Bản, thư pháp được nâng lên thành nghệ thuật, cùng với ikebana (nghệ thuật cắm hoa), bonsai (nghệ thuật vườn cảnh), chado (trà đạo) đã tạo thành nét riêng cho văn hóa Nhật. Tại Việt Nam mặc dù chưa đạt đến mức độ của Nhật Bản nhưng phong trào thư pháp cũng rất phát triển và được coi là một môn nghệ thuật truyền thống.

Âm nhạc giữa hai nước có rất nhiều điểm chung. Trước hết một số dụng cụ âm nhạc về cơ bản là giống nhau chỉ có cách gọi tên là khác nhau: Đàn tỳ bà (Việt Nam), samisen (Nhật Bản), hay sáo, trống. Những dụng cụ âm nhạc đó được ra đời bởi bàn tay tinh xảo của người dân lao động. Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống của họ, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

 

Nghệ thuật sân khấu truyền thống. Của Việt Nam là tuồng, chèo, rối nước, của Nhật Bản là tấu nói, noh và kyogen. Loại hình nghệ thuật này ở cả hai nước đều được ra đời từ lòng yêu lao động của con người, họ muốn qua lời ca, tiếng hát để xua đi những khó nhọc trong cuộc sống, gửi gắm vào đó khát vọng của tương lai. Đặc biệt múa rối nước là loại hình nghệ thuật truyền thống được người dân lao động rất ưa thích. Tại Việt Nam có tên gọi là múa rối nước, Nhật Bản là bunraku. Nơi khai sinh ra loại hình này ở Việt Nam là Nguyên Xá – Đông Hưng, Thái Bình. Tại Nhật Bản là tại Osaka một trong những vịnh lớn nhất của Nhật Bản. Do điều kiện sinh hoạt sông nước nên người dân hai vùng này đã làm ra loại hình độc đáo này để giải trí. Do đó múa rối nước ở hai quốc gia có rất nhiều nét tương đồng: Sân khấu nước và người diễn viên phải ngâm mình dưới nước để điều khiển rối. Các vở kịch rối dân gian luôn gắn liền với đặc trưng sinh hoạt của vùng. Cốt truyện thường mô tả cảnh sinh hoạt văn hóa nghề chài lưới, làm nông nghiệp. Một số vở rối nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản tiêu biểu như: Chú Tễu, Umashirotaro…

Nghề thủ công truyền thống của Việt Nam cũng như Nhật Bản có một lịch sử hết sức lâu đời với nhiều mặt hàng nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là sản phẩm gốm sứ, sơn mài, lụa, mây tre có mặt ở rất nhiều nước. Do người dân cả hai nước đều là những dân tộc cần cù chịu khó, khéo léo nên sản phẩm thủ công truyền thống của hai nước hết sức tinh xảo. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những làng gốm sứ hết sức nổi tiếng, ở Việt Nam là làng gốm Bát Tràng, gốm Chăm. Ở Nhật Bản, Kyoto là nơi có những làng sản xuất gốm đã đi vào huyền thoại.

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế văn hóa Việt Nam – Nhật Bản ngày càng trở nên mật thiết. Để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, chúng ta phải thực sự thấu hiểu văn hóa Nhật Bản, trên cơ sở đó tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt. Hy vọng cái nhìn khái quát sơ bộ về tương đồng văn hóa hai nước sẽ giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về văn hóa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay.

_______________

                1, 2. Cung Hữu Khánh, Vài nét về tương đồng văn hóa truyền thống của Việt Nam Nhật Bản, Đề tài cấp viện, 4-2006.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Lưu Thị Thu Thủy

4.5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *