Tuyên truyền giáo dục về tấm gương đạo đức bác hồ


Bảo tàng Hồ Chí Minh (BTHCM), công trình văn hóa tưởng niệm về người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, khánh thành ngày 19-5-1990. Được Đảng và nhân dân giao phó nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh, BTHCM là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, đưa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước giành thắng lợi.

 Với trách nhiệm đó, sau ngày khánh thành bảo tàng, trên cơ sở nội dung trưng bày, BTHCM đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm phát huy tốt nhất giá trị văn hóa Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tuyên truyền như: hướng dẫn khách tham quan tại bảo tàng; xây dựng và tổ chức các cuộc triển lãm tại bảo tàng và các địa phương; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức các cuộc nói chuyện về Bác Hồ theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, trường học, các địa phương; giới thiệu theo chuyên đề nội dung trưng bày của BTHCM trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam và báo chí,..

Trong tất cả các hình thức nói trên, BTHCM chú trọng công tác hướng dẫn khách tham quan: giới thiệu nội dung trưng bày tiểu sử sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc theo chuyên đề; kết hợp giới thiệu các tài liệu hiện vật, hình ảnh với các câu chuyện kể về Bác Hồ; giới thiệu tư liệu qua phim tài liệu của bảo tàng… Hình thức giới thiệu này là sự kết hợp giữa trực quan sinh động và tư duy trừu tượng, nhằm chuyển tải tới khách tham quan những thông tin đầy đủ và sinh động về cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các tài liệu, hiện vật, phim ảnh trong BTHCM có một sức cuốn hút đặc biệt, tự bản thân tài liệu, hiện vật đã có thể nói lên biết bao điều thiêng liêng về người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, ẩn chứa trong đó không chỉ giá trị về lịch sử mà còn cả một nền văn hóa của tương lai. Tuy nhiên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đó sẽ trở nên phong phú, sinh động và có ý nghĩa giáo dục hơn nếu người tham quan được tiếp nhận thông tin qua lời giới thiệu truyền cảm và sâu sắc của người cán bộ thuyết minh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, BTHCM đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, trở thành một địa chỉ văn hóa tin cậy của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Với tinh thần ấy, từ nhiều năm nay, BTHCM đã không ngừng quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuyết minh có kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp làm việc đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ thuyết minh phải nghiên cứu và hiểu biết sâu về cuộc đời, sự nghiệp cao đẹp của Bác Hồ, đồng thời phải luôn luôn trau dồi, rèn luyện đạo đức theo tấm gương của Bác. Trước khi tuyên truyền giới thiệu với khách tham quan về tấm gương đạo đức Bác Hồ, thì chính những cán bộ tuyên truyền phải học tập và và làm theo tấm gương của Người.

Đoàn kết, cố gắng, nỗ lực làm việc là nhiệm vụ cũng là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ cán bộ bảo tàng trong nhiều năm qua. BTHCM đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy, hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu, học tập về tư tưởng, đạo đức Bác Hồ của các cán bộ, học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học, sĩ quan lực lượng vũ trang;…

Thăm BTHCM, được nghe giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp và đạo đức cao đẹp của Bác Hồ, khách tham quan đã để lại những dòng cảm tưởng rất xúc động. Qua đó, chúng tôi thấy, với nhân dân Việt Nam, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thật tự nhiên, thiết thực trong cuộc sống, trong mỗi việc làm của từng người, từng tập thể. Mọi người dân Việt Nam, nhất là các tầng lớp thanh niên đến với Bác Hồ không chỉ vì lòng kính yêu mà cao hơn thế, đó là tinh thần học tập, mong muốn vận dụng những giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc hằng ngày của họ, để góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

Để góp phần thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, BTHCM tiếp tục củng cố và phát huy các hình thức tuyên truyền giáo dục đã có từ trước đến nay và tiếp tục xây dựng, mở rộng hơn nữa các hoạt động tuyên truyền khác như tăng cường việc nghiên cứu và xuất bản sách về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng triển lãm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giới thiệu nội dung triển lãm trên các phương tiện thông tin đại chúng và đem triển lãm đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa; tổ chức các cuộc thi thuyết minh tại bảo tàng, thi kể chuyện Bác Hồ,…

Những hình thức tuyên truyền nói trên đều thiết thực phục vụ cho cuộc vận động, gồm gần 200 tài liệu và hiện vật, khách tham quan được tận mắt chứng kiến những kỷ vật của Bác Hồ, được nghe những câu chuyện về tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác, nghe giới thiệu những nội dung chính về chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Nội dung của triển lãm cũng đã thể hiện sâu sắc những vấn đề thuộc về những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên. Đó là học tập và tu dưỡng đạo đức suốt đời; nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống; nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; tự phê bình và phê bình. Triển lãm giới thiệu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những lời nói, việc làm của Người thông qua những tài liệu bút tích và những hình ảnh sinh động nhất trong cuộc sống của Người.

Học tập lời dạy của Bác Hồ là nói và viết nhằm mục đích gì, viết cho ai đọc, nói cho ai nghe và nói và viết như thế nào; viết và nói phải ngắn gọn, dễ hiểu để cho đồng bào ta ai cũng hiểu được và dễ làm theo, cán bộ thuyết minh BTHCM đã coi đó là tiêu chí phấn đấu của mình trong công tác tuyên truyền. Giới thiệu tấm gương đạo đức Bác Hồ là giới thiệu những điều giản dị và hết sức gần gũi trong cuộc sống của chúng ta mà Bác Hồ là tấm gương sáng. Khi được nghe giới thiệu, được tận mắt nhìn thấy những việc Bác làm, những điều Bác nói, thì mỗi người sẽ cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn, sống tốt hơn, có ích cho mình và cho cả mọi người. Mỗi người biết tự rèn luyện, hoàn thiện mình sẽ làm cho cả xã hội ta tốt đẹp hơn.

Phục vụ cho cuộc vận động, BTHCM đã đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan trong đó có khoảng 1/3 số người đã tham quan, nghe giới thiệu triển lãm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe giới thiệu nội dung triển lãm, trưng bày của BTHCM, nhiều Đảng bộ của Tổng công ty dệt may, Tổng cục Hậu cần, Hàng không Việt Nam, Công đoàn giáo dục các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội… đã tiếp tục tổ chức các đợt học tập tiếp theo cho các chi bộ của đơn vị mình. Phối hợp với cán bộ của BTHCM, nhiều đơn vị đã tổ chức xây dựng nội dung bản thu hoạch, điều tra xã hội trong các đợt học tập, qua đó đánh giá được ? thức học tập và trình độ nhận thức của mỗi cán bộ đảng viên qua đợt học tập này. Học sinh, sinh viên của các trường đại học quân sự và dân sự như: Bách khoa, Xã hội và Nhân văn, Đại học Thăng Long, Kế toán Tài Chính, Học viện Quân y, Học viện Ngân hàng, Trung học Cảnh sát, Phòng cháy chữa cháy, Học viện Phòng không không quân, trường Sĩ quan Lục quân, Học viện Hậu cần, Học viện Chính trị quân sự, Học viện An ninh… đã tăng cường các buổi học thực tế tại BTHCM. Các em học sinh của các trường phổ thông trung học được tổ chức tham quan BTHCM và đều có bản thu hoạch cá nhân.

          Thăm BTHCM, đặc biệt là được nghe giới thiệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều người đã để lại những suy nghĩ cảm xúc của mình như những lời hứa quyết tâm. Đó là lời hứa của sinh viên K51, Đại học Bách Khoa: Sau khi được nghe giới thiệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta tự nguyện xin hứa cố gắng sống và học tập làm sao cho xứng đáng với những gì mà Bác Hồ và các anh hùng của dân tộc đã hy sinh cho nền độc lập của nước nhà (ngày 8-4-2007).

          Tuổi trẻ Việt Nam tự hào vì có Bác Hồ và nguyện đi theo con đường mà Bác đã chọn. Hãy nghe lời tâm sự của một sinh viên đại diện cho Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Chúng tôi tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu. Cũng rất tự hào khi tôi đang là một sinh viên tiếp bước cha anh học tập tư tưởng đạo đức của Người; trí tuệ của Người luôn tỏa sáng trong trái tim mỗi người Việt Nam, tư tưởng của Người là kim chỉ nam cho hành động của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ chúng cháu luôn nguyện cố gắng hết sức mình để thực hiện di nguyện của Người đưa đất nước đến một tầm nhìn mới trí tuệ, tuổi trẻ, lòng quyết tâm, Việt Nam sẽ thành công (ngày 14-3-2007). Hồ Chí Minh một con người vĩ đại mà tầm nhìn và tình yêu của Người đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới thật thắm thiết nghĩa tình, cuộc đời và sự nghiệp của Người là một cuốn sách hay và không có trang cuối.

Các em học sinh trường phổ thông trung học Đinh Tiên Hoàng hứa: Chúng em rất cảm phục cuộc đời và lối sống của Bác. Bác Hồ là tấm gương sống để chúng em làm theo và học tập, rèn luyện đạo đức theo gương Bác Hồ.

Những người lính của Học viện Chính trị quân sự tỉnh Bắc Ninh HT 5C 1115 viết: Một danh nhân văn hóa thế giới, một vị lãnh tụ,… một cha già của lực lượng vũ trang. Với những đức tính cao cả của Người đã để lại cho chúng tôi những suy nghĩ về thế hệ của đất nước này còn phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Một chiến sĩ công an từ miền Nam ra thăm miền Bắc, đến BTHCM, anh rất xúc động khi đứng trước bức ảnh Bác Hồ đang nói chuyện với lực lượng công an nhân dân Việt Nam tại Đại hội thi đua (ngày 12-10-1966). Anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình: Là những người con từ miền Nam ra thăm Bác, chúng tôi rất tự hào và xúc động về sự hy sinh to lớn của Bác. Chúng tôi nguyện sống chiến đấu và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Nguyễn Đăng – Công An Tiền Giang).

Đã gần 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. BTHCM mở cửa đón khách tham quan gần 20 năm, đã đón tiếp gần 20 triệu lượt người từ trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập. BTHCM đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng; tư tưởng, đạo đức Bác Hồ vào cuộc sống. Do vậy, phục vụ cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sẽ là kế hoạch lâu dài của BTHCM. Đặc biệt năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu nội dung di chúc của Người, những tinh hoa văn hóa kết tinh trong bản di chúc lịch sử, cùng với những thành tựu trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo lời căn dặn của Bác sẽ là nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

         Từ trong nỗi đau buồn của chúng ta trước sự ra đi của Bác, chúng ta đã tạo ra một nguồn nghị lực mới để có thể thực hiện đúng theo con đường do Người vạch ra. Người sẽ không những sống mãi trong lòng chúng ta mà trong cả sự cố gắng của chúng ta đối với việc thực hiện lời dạy của Người. Do vậy: “Chúng ta hãy học và làm cho các thế hệ mới hiểu rõ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như một thiên anh hùng ca, trong cuộc đời Người đã diễn ra những giờ phút vĩ đại nhất của lịch sử một dân tộc chiến đấu cho tự do. Và trong cuộc đời của Người đã được tập trung tất cả những phẩm giá cao quý nhất của con người…­­”.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Phạm Thúy Ngân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *