Vài kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân gian


Âm nhạc dân gian là quốc hồn, quốc túy của một dân tộc, một đất nước, được tổ tiên sáng tạo, phát huy, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hôm nay, tất cả các giá trị của văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng, đều đứng trước những thử thách lớn, đó là nguy cơ mai một và biến mất. Việc nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa dân gian đã có từ xa xưa trong lịch sử, trong đó, các nhà cầm quyền có những mục đích chính trị khác nhau, gắn với các bối cảnh xã hội khác nhau. Cho đến nay, việc nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy âm nhạc dân gian nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần trong đời sống xã hội, vẫn còn là điểm nóng, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nghiên cứu, nghệ nhân và văn nghệ sĩ.

 

     1. Vị thế của người sưu tầm khi khảo sát điền dã

     Đối với công việc sưu tầm, nghiên cứu, tôi còn nhớ lời của cố GS. Nguyễn Từ Chi (người từng công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật): Khi điền dã, phỏng vấn các nghệ nhân, chúng ta nên đóng vai một kẻ dốt để khai thác thông tin. Lúc này, người cung cấp tư liệu sẽ sẵn sàng giúp đỡ cho những kẻ dốt và thiếu hiểu biết này, hơn là khoa trương cái gì cũng biết với họ, hóa ra không biết gì cả và không được sự hợp tác của người cung cấp thông tin và tư liệu.

     Tôi còn nhớ những năm trước, có nhóm sinh viên lên tận Tây Nguyên để phỏng vấn các già làng về âm nhạc dân gian. Có em hỏi già làng rằng: Ở làng mình có âm nhạc dân gian không? Có dân ca hay không? Có nhạc khí hay không? Già làng người H’rê lắc đầu không hiểu các em nói gì và xem như chuyến đi của nhóm sinh viên thất bại, không mang lại kết quả.

     Thiết nghĩ, nếu người thày và nhóm sinh viên này chuẩn bị cho công việc điền dã chu đáo, kỹ lưỡng thì sẽ không về tay trắng. Có lẽ ít ra cũng phải chuẩn bị như sau: Đọc trước những tài liệu âm nhạc vùng này, tìm hiểu một số đặc điểm, phong tục địa phương hoặc có thể thông qua quen biết, người dẫn đường để nhờ sự giúp đỡ… Thực ra từ “dân ca”, “nhạc khí” là những thuật ngữ của các nhà nghiên cứu nên đâu phải ai cũng hiểu để chia sẻ. Trong trường hợp này, sinh viên nên hỏi già làng: Ở làng ta có nhiều ka chôi không? Ở làng ta có nhiều chinhv’rook không? (ka chôi là hình thức hát đối đáp của người H’rê ở Tây Nguyên tương đương với hát a yai; nhạc khí chinh của người H’rê đồng dạng với nhạc khí công môn; đàn v’rook của người H’rê đồng dạng với đàn chhay điêu của người Khơme). Các câu hỏi phỏng vấn nên chuẩn bị trước, tuy nhiên việc này cũng phải rất cần sự linh động từ thực tiễn mà khai thác ứng đối cho phù hợp. Không nên hỏi liên tục các câu hỏi, khiến người được hỏi chưa kịp trả lời và bị rối. Có một nghệ nhân sắc bùa cao tuổi ở quê tôi (xã ven biển Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) từng phản ứng với trường hợp trên là bảo cán bộ hỏi gì mà như công an điều tra…

     Người làm công việc khảo sát điền dã nên chủ động làm quen và sống gần gũi với dân, nhất là các nghệ nhân, mới có thể hy vọng khai thác được những thông tin tốt, khách quan và có độ tin cậy cao. Chúng ta cũng nên lưu lại địa chỉ, số điện thoại của họ để có thể gọi hỏi thăm và tìm hiểu thông tin.

     2. Tiếp thu những thành quả nghiên cứu trên thế giới, nhưng phải gìn giữ các giá trị cổ truyền

     Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới phẳng, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đã làm nên điều kỳ diệu này. Chúng ta tiếp thu có chọn lọc những thành quả nghiên cứu ở nước ngoài, song phải vận dụng sáng tạo để phù hợp với tập quán và bản sắc âm nhạc của từng tộc người.

     Câu chuyện cải tiến chiếc sáo mèo của một nghệ sĩ vùng Tây Bắc cách đây khoảng hai mươi năm là một ví dụ. Chiếc sáo mèo (Mông) với âm chất nghe rè rè, chính là một đặc trưng độc đáo trong âm nhạc của người Mông phía Bắc Việt Nam, thế nhưng việc cải tiến này sẽ làm mất đi cái âm thanh nghe rè rè vốn rất đỗi quen thuộc và thân thương của đồng bào Mông. Đến việc phân loại nhạc cụ truyền thống, từ xưa ông cha ta đã phân thành 8 loại, dựa vào chất liệu, nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên, như: kim, mộc, thổ, trúc, ti, cách, bào, thạch – tức là: kim loại, gỗ, đất, tre, tơ, da, vỏ quả bầu và đá. Những chất liệu khác nhau có sẵn trong trời đất này đã làm phong phú dàn bát âm, lại cũng phù hợp với quan niệm vũ trụ bốn phương tám hướng trong bát quái. Tuy nhiên, cách phân loại này đến nay ít người sử dụng, vì một nhạc cụ có thể được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau.

     Ví dụ như cây đàn truô nguk – loại nhạc cụ dây kéo (cung vĩ) của người Khơme Nam Bộ, thân đàn được làm bằng gáo dừa; cần đàn và trục đàn được làm bằng gỗ cứng (tức mộc); ngựa đàn và cung vĩ được làm bằng tre (tức họ trúc); dây đàn xưa được làm bằng sợi tơ se (tức ti), nay được làm bằng kim loại. Như vậy nhạc cụ truô nguk của người Khơme đã có ít nhất ba chất liệu để chế tác nó: gỗ, tre và tơ.

     Hoặc cây đàn chhay điêu của người Khơme Nam Bộ, cũng có ít nhất ba chất liệu để cấu thành, đó là vỏ quả bầu (tức bầu), hay còn gọi là bầu cà om để làm thân đàn; cần đàn được làm bằng gỗ tốt (tức mộc); dây đàn được làm bằng thép (tức kim loại)…

     Ngày nay, người ta vận dụng phương pháp phân loại nhạc cụ của hai nhà âm nhạc học Thụy Điển E.M.Hornbstel và C.Sachr là dựa vào nguồn vật chất chuyển động tạo ra âm thanh, từ nguồn này chia các nhạc cụ thành 4 họ: thân vang, màng rung, hơi và dây. Sau đó dựa vào phương thức kích âm để chia họ thành từng chi. Đây là tiêu chí phân loại nhạc khí trên thế giới, được Hội đồng Âm nhạc quốc tế (thuộc UNESCO) thông qua để sử dụng phân loại cho tất cả các nhạc cụ trên hành tinh này. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta tiếp thu nhưng phải biết lưu giữ, trân trọng những quan niệm và sáng tạo của tổ tiên như một giá trị văn hóa.

     3. Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khảo sát, điền dã

     Nên động viên, khuyến khích người học dành nhiều thời gian cho các chuyến đi khảo sát thực địa, tự sưu tầm, ký âm các bài bản dân ca, nhạc cụ và dàn nhạc. Việc làm này, giúp người học vận dụng được kiến thức đã học, trải nghiệm thực tế… và nhanh chóng trưởng thành trong chuyên môn. Sinh viên cũng nên lưu ý rằng, những bài bản âm nhạc dân gian (bao gồm: bài bản dân ca, bài bản của các nhạc cụ và dàn nhạc) phải là sản phẩm thuần túy của âm nhạc dân gian, không dùng những sáng tác, cải biên của các nhạc sĩ và các tác giả.

     Dân ca được cấu thành bởi hai yếu tố cơ bản: lời ca và giai điệu. Phần lời của bài dân ca, chúng tôi đề nghị nên cố gắng ghi chép thật cẩn thận ở một quy trình riêng, thông qua máy ghi âm, ghi hình, hoặc camera chất lượng cao. Sau khi phần ký âm giai điệu được hoàn thành, phần lời ca sẽ được ráp vào với giai điệu của nó, bên cạnh lời Việt (dịch nghĩa) để cùng tương thích. Nên đưa thêm phần lời ca bằng tiếng Anh vào nhằm góp phần quảng bá âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam ra thế giới, thông qua con đường du lịch, lãnh sự quán, hoặc các trường đại học có liên kết với Đại học Trà Vinh, cũng như các đại học khác…

     4. Nghiên cứu chức năng của âm nhạc dân gian

     Chú trọng nghiên cứu đối sánh để tìm ra (hoặc phát hiện) các chức năng xã hội, cũng như các giá trị của văn hóa âm nhạc. Vấn đề này rất quan trọng, vì lâu nay các đề tài nghiên cứu thường chỉ dừng lại ở mức sưu tầm, thu thập tư liệu và sau đó là đưa ra một số giải pháp bảo tồn, phát huy nên mục đích nghiên cứu âm nhạc tộc người nói chung trong giai đoạn hiện nay là cần phải quán triệt được cái chung và làm nổi bật cái riêng của từng tộc người. Nhà nhân học nổi tiếng Bronislaw Malinowski cũng cho rằng, nhiệm vụ trước hết là nghiên cứu chức năng của các hiện tượng văn hóa (ở đây là văn hóa âm nhạc), mối liên hệ tương tác và sự chế định lẫn nhau giữa chúng. Điều này giúp người nghiên cứu nhận ra các vùng âm nhạc, các không gian âm nhạc, cũng như các vấn đề trong lý thuyết khuếch tán văn hóa…

     5. Nghiên cứu sự biến đổi của âm nhạc dân gian

     Sự biến đổi của âm nhạc dân gian có liên quan đến môi trường xã hội và không gian văn hóa. Những biến đổi trong chức năng và bài bản âm nhạc được diễn ra khá sâu sắc trong quá trình này. Hiện nay, do xu thế bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, nên các thể loại âm nhạc dân gian gần mai một lại được khuyến khích khôi phục. Nhiều trường hợp diễn ra đối với âm nhạc dân gian, đó là từ chức năng biểu diễn đến chức năng trưng bày, hoặc từ biểu diễn trong cộng đồng đến biểu diễn ngoài cộng đồng…

     Như trên, chúng tôi đã trình bày rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay, các giá trị của âm nhạc dân gian đang đứng trước thử thách rất lớn, đó là nguy cơ mai một và biến mất. Điều này trong thực tế khi chúng tôi khảo sát điền dã và nghiên cứu âm nhạc của tộc người Co, tộc người Cadong (Xơ Đăng) và tộc người H’rê ở Đông Trường Sơn đã chứng minh rất rõ. Bên cạnh những hình thức dân ca tự sự, đối đáp còn duy trì trong các cộng đồng, thì các bài dân ca trước đây được sử dụng trong các nghi tục: lễ cưới, lễ tang… đều hiếm thấy sử dụng. Trong sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam của Viện Dân tộc học (Nxb Khoa học Xã hội, 1984) có viết về âm nhạc dân gian của người H’rê như sau: “Ling la tựa cây sáo trúc, Ra vai kết cấu theo lối khèn bè”; “Tại một số vùng cao, người H’rê có điệu múa Rung ching mlinh có 8 chiêng giữ nhịp”. Trong suốt quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi đều lưu ý về những nhạc cụ này, thế nhưng vẫn không tìm thấy hoặc nghe kể lại. Chẳng hạn, chúng tôi đã nhiều lần cùng phối hợp với các cơ quan: Viện Âm nhạc Việt Nam (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Đà Nẵng và một số nhóm nghiên cứu ở các nước (như nhóm nghiên cứu Dân tộc nhạc học, do Giáo sư Nhật Bản Tamura Jumi phụ trách…) và gần đây nhất vào tháng 6-2018, chúng tôi phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và ký âm dân ca, nhạc cụ ở làng Teng của người H’rê thuộc miền Tây Quảng Ngãi. Thế nhưng, đều không thấy dấu vết Ling la, Ra vai và điệu múa Rung ching mlinh có 8 chiêng giữ nhịp đâu cả. Điều này cho thấy, các nhạc cụ và điệu múa trên có khả năng đã biến mất trong đời sống cộng đồng H’rê ở Đông Trường Sơn.

     Quay trở lại với âm nhạc dân gian của người Khơme Nam Bộ về vấn đề này, chúng tôi thấy dàn nhạc skô – thum trình diễn trong lễ tang, cũng có nguy cơ biến mất. Dàn nhạc này, có biên chế đầy đủ gồm 8 loại nhạc cụ như sau: skô – thum, cặp skô day, pay o, truô u, truô sô, khưm tôch và tà khê. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay dàn nhạc skô – thum chỉ còn tồn tại duy nhất trong cộng đồng Khơme ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

     Như vậy, nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân gian không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần trong đời sống xã hội mà còn giúp những người quan tâm đến âm nhạc truyền thống thấy được sự giống và khác nhau so với âm nhạc trong thời hội nhập, khi có quá nhiều xu hướng âm nhạc trên thế giới xâm nhập như hiện nay. Đồng thời, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn âm nhạc dân gian trong các nhà trường cũng cần phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường khảo sát điền dã, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho người học.

 

Tác giả: Nguyễn Thế Truyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *