Vài nét về diễn xướng quan họ – từ cổ truyền đến đương đại (tiếp theo số 437)

1. Diễn xướng quan họ cổ truyền

Hát canh

Hát canh trong nhà chứa của quan họ làng Viêm Xá không có gì khác biệt, đều tuân theo những quy định nghiêm ngặt của lối chơi chung. Tuy nhiên, khi tìm hiểu một canh hát quan họ cổ truyền thì giới nghiên cứu và những người quan tâm đều tìm đến cách hát của người Viêm Xá – nơi được tôn vinh là làng cổ của các làng quan họ và làng thủy tổ quan họ của vùng Kinh Bắc.

Quan họ làng Viêm Xá – Ảnh: Minh Quang
 

Khi làng Viêm Xá mở lễ hội, đám thứ trong năm, bao giờ cũng mời các làng quan họ, trước hết là làng kết nghĩa như Bịu, Đống Cao đến dự hội và giao lưu ca hát. Trong các hình thức hát quan họ, hát canh trong nhà chứa giữa các quan họ kết nghĩa là sinh hoạt trọng tâm, bài bản, lề lối nhất. Sau khi đón quan họ bạn vào đình hoặc đền làm lễ thờ, quan họ Viêm Xá thường mời quan họ kết bạn đi dự hội, hát hội, rồi sau đó mời về nhà chứa để hát canh. Hát canh thường tổ chức vào ban đêm, với hình thức đối đáp từng cặp đôi quan họ nam, nữ (tức hai nam, hai nữ của hai quan họ bạn), còn gọi là hát đối giọng. Đối giọng là bọn quan họ hát sau lấy bài có cùng giai điệu với bài ra của bọn quan họ hát trước nhưng khác lời để đối lại.

Do tính lề lối cao nên trình tự của một canh hát diễn ra ở các làng quan họ thường ổn định. Khi đối chiếu kết quả điền dã nhiều nhà nghiên cứu trước đây, chúng tôi nhận thấy trình tự của một canh hát quan họ hầu như không có sự thay đổi, mặc dù phong cách thể hiện của mỗi làng mỗi khác. Trình tự canh hát đó được diễn ra như sau:

Chặng mở đầu (chặng đầu tiên): các quan họ bao giờ cũng hát giọng lề lối (giọng cổ). Những bài lề lối này thường là 5 giọng: Hừ la, La rằng, Đường bạn, Tình tang, Cây gạo, Cái ả (trên tổng số khoảng 36 giọng như dân gian truyền tụng). Các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, những giọng quan họ cổ thường chậm dãi, nhiều tiếng đệm lót. Giọng La rằng trong chặng mở đầu này đóng vai trò điều chỉnh trường độ, cao độ của cả canh hát. Đây cũng là chặng hát bắt buộc mà các liền anh, liền chị phải thực hiện để có một canh hát đầy đủ và hoàn chỉnh.

Chặng thứ hai (chặng giữa): chiếm nhiều thời gian do có nhiều bài được ca xướng. Những bài hát ở chặng này là giọng Vặt hay còn gọi là giọng Lá, dễ đi vào lòng người về mặt chất lượng nghệ thuật âm nhạc. Các bài ca ở chặng này thường có nội dung ca ngợi tình yêu, tình bạn, tình người với khả năng xử lý ngôn từ, âm nhạc vừa sâu lắng, vừa bay bổng, tạo nên không gian âm nhạc chân mộc, say đắm.

Chặng kết (chặng cuối): sau những phút nghỉ, quan họ làng Viêm Xá sẽ mời khách xơi tiệc mặn, tiệc ngọt hoặc ăn trầu, uống nước, quan họ bạn ca những bài ca giã bạn để xin phép ra về. Đáp lại, quan họ sở tại cũng ca những bài ca giã bạn nhưng với nội dung “dùng dằng” muốn níu giữ những người bạn hát như: Người ơi người ở đừng về, Chia rẽ đôi nơi, Tạm biệt từ đây, Kẻ Bắc người Nam, Con nhện giăng mùng… Sau canh hát, trời đã về sáng, quan họ sở tại lưu luyến tiễn bạn ra đầu làng, nhiều khi còn đi xa hơn trong niềm luyến tiếc để rồi hẹn nhau ngày trở lại vào lễ hội, đình đám năm sau.

Hát nghi lễ quan họ

Trước tiên là hát cầu đảo. Khi tìm hiểu về hoạt động của nghệ nhân quan họ Viêm Xá trong lễ hội Vua Bà, sinh hoạt quan họ xuất hiện cả trong phần lễ và phần hội. Hát quan họ cầu đảo thuộc phần nghi lễ, thường diễn ra vào những năm thiên tai, hạn hán, với một số điểm đáng chú ý như:

Dân làng Viêm Xá làm lễ cầu đảo giải hạn – cầu mưa tại đền Vua Bà, không làm lễ tại đình giống nhiều làng khác. Điều đó chứng tỏ vai trò đấng tối cao của Đức Vua Bà không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực quan họ. Theo lời kể của dân làng, khi có hạn hán, làng thường mở đền làm lễ tới ba ngày ba đêm.

Khi hát cầu đảo (vào ban đêm), tất cả bọn quan họ trong làng được tập hợp ra đền. Đêm đó, thường có mõ rao cùng làng cuối xóm: “Trai gái 9 xóm đến đền ca thờ…”. Nội dung của các bài ca cầu đảo tập trung vào mục đích cầu mưa, đề cao công đức của Vua Bà. Đặc biệt, hát cầu đảo chỉ dùng các giọng lề lối như La rằng, Cây gạo, Hừ la..., trong đó giọng La rằng được sử dụng nhiều nhất.

Ví dụ bài La rằng hát vào lúc mở cửa đền:

Trước đền có một cây đa

Vương Mẫu hạ giới, thực bà chúa Tiên

Trăm năm hương hỏa lưu truyền

Dân vì hạn nắng mở đền cầu mưa.

Trong sinh hoạt cầu đảo, quan họ Viêm Xá còn có trò chơi cướp cầu nước trước đền Vua Bà. Quả cầu được làm bằng gỗ mịn, bóng, được quét sơn đỏ tượng trưng cho mặt trời. Để chơi, người làng đào hai lỗ vuông ở phía Đông và phía Tây của sân đền. Chủ lễ bước ra trước một chiếc bàn để giữa sân, trên đặt quả cầu làm lễ khấn Vua Bà rồi tung quả cầu về phía đám thanh niên. Đám thanh niên đều vận khố cởi trần xông vào cướp cầu để bỏ vào lỗ. Ai cũng muốn thắng nên cuộc chơi rất quyết liệt. Khi cuộc chơi kết thúc, quả cầu được thả vào lỗ ở phía Đông, nghĩa là mặt trời đã vào với đất, âm dương hòa hợp, trời sẽ mưa. Trong cuộc chơi như vậy, dân làng đến dự rất đông để tỏ lòng khát vọng mong trời đất, đức Vua Bà cho dân làng được mưa thuận gió hòa.

Thứ hai là hát lễ thờ. Vào ngày làng có đám, quan họ làng kết bạn sẽ được mời đến để gặp gỡ, giao lưu và hát quan họ. Trước khi vào cuộc hát, các liền anh, liền chị thường sắm lễ hương hoa trầu cau vào đình sở tại làm lễ. Sau khi đặt lễ cúng thần có sự đón tiếp và chứng kiến của bô lão, chức sắc trong làng, các quan họ thường hát đối đáp một số bài quan họ theo giọng La rằng để chúc cho dân làng phúc, lộc, thọ, bình an… Đặc biệt, chỉ làng Viêm Xá và các làng kết ước như Bịu, Đống Cao mới có hát lễ thờ dưới hình thức đối đáp nam nữ. Khi hát ở đình, các nghệ nhân cũng chỉ dùng giọng lề lối và quan tâm tới nội dung bài hát chứ không chú trọng đến tính chất mượt mà trong lời ca như hát canh. Kết thúc phần nghi lễ, quan họ hai làng chia nhau tham gia các sinh hoạt hội mà chủ yếu là ca hát, hoặc đến nhà chứa bọn quan họ sở tại để hát canh.

Thứ ba là hát mừng. Trong sinh hoạt làng xã cổ truyền, khi có sự kiện vui gắn bó với làng xóm, gia đình, cá nhân như ngày cưới, ngày lên lão, thi đỗ đạt, thăng quan tiến chức, sinh con trai… dân làng thường tổ chức nghi lễ cảm ơn trời đất, cùng bữa cơm linh đình, vui vẻ để mời họ hàng, bạn bè làng xóm ăn mừng. Trong những dịp vui như vậy, các canh hát thường không quá chặt chẽ theo lề lối mà chủ yếu là những bài ca giọng Vặt có nội dung vui vẻ, hân hoan, sâu nặng nghĩa tình làng xóm. Tuy nhiên, đối với Viêm Xá và các làng kết bạn, tính chất lề lối vẫn rõ hơn. Chẳng hạn, trước khi hát, bọn quan họ sắm lễ, sắm quà đến nhà gia chủ và kết hợp hát một vài câu La rằng có nội dung chúc mừng, phù hợp với nội dung sự kiện đang được tổ chức. Ví dụ, trong đám cưới ở Viêm Xá thường có câu hát mừng:

Chúc mừng tổ ấm gia tiên

Mừng cho anh chị kết duyên Châu Trần

Hôm nay ngày tốt tháng lành

Mừng cho anh chị thật là đẹp đôi

Miễn là trong cuộc hát có sự tham gia của cả nam, cả nữ, có hát đối đáp. Quan họ hát mừng cũng có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng và tuyệt đối tránh việc hát những bài quan họ có tính chất buồn, ai oán, nhất là những bài có nội dung than thân trách phận.

Hát hội

Làng nào trong vùng quan họ cũng tổ chức lễ hội, đó chính là thời điểm, thời khắc để hội tụ đầy đủ nhất những hình thức sinh hoạt văn hóa quan họ vốn có. Mặt khác, lễ hội cũng là dịp để các hình thức ca hát ấy được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo nhất. Tất cả hình thức ca hát quan họ đều có dịp phô diễn trong mối quan hệ giao lưu kết bạn với các bọn quan họ, giao lưu với người dự hội, phục vụ các nghi lễ, nghi thức của ngày hội theo yêu cầu của làng xã…, chẳng hạn:

Hát chúc, hát thờ trong các nghi lễ mở và đóng cửa đình, cửa chùa, cửa đền, (trong ngày khai hội, kết hội); trong các cuộc đón bọn quan họ bạn vào đình, đền, chùa… làm lễ, dâng hương thần, thánh sở tại trước khi dự hội, hát canh…

Hát trong hội trên bộ với những địa điểm rất đa dạng: trên núi (Viêm Xá có núi Kim Sơn), giữa hội (sân đình, sân đền), dọc bờ sông, trên triền đê, dưới bóng cây cổ thụ… Tất cả đều là hát đối đáp giao duyên, tình cảm bằng những bài giọng Vặt mà không nệ vào lề lối, niêm luật. Bên cạnh đó còn có hát dưới thuyền, thường diễn ra ở sông Cầu (sau làng), ở ao đình (trước cửa đình)… Có từ 2-4 chiếc thuyền thúng, mỗi thuyền chở 2 đôi quan họ nam nữ (một đôi quan họ sở tại, một đôi quan họ bạn), ngồi đối diện nhau trên thang thuyền, hát đối đáp rất vui và tình tứ… Sau khi hát và chơi ở trung tâm hội, bọn quan họ làng Viêm Xá mời quan họ bạn vào nhà chào hỏi cha mẹ, người thân rồi đến nhà chứa để chuẩn bị cho một canh hát “thâu đêm suốt sáng” rất lề lối, chặt chẽ.

Ở Viêm Xá, giờ phút chia tay giã hội diễn ra thông qua những bài hát thể hiện sự lưu luyến, tình cảm sâu nặng của cả người đi và người ở. Những câu hát dùng dằng luôn đọng mãi trong tâm khảm của những liền anh, liền chị quan họ kết nghĩa.

2. Diễn xướng quan họ đương đại

Hát canh

Hiện nay, hát canh trong sinh hoạt quan họ vùng Kinh Bắc đã có những thay đổi đáng kể:

Thứ nhất, thay đổi về không gian diễn xướng. Từ nhiều năm nay, nhà chứa không còn, thay vào đó là hát ở đình, đền, nhà văn hóa (trong nhà và ngoài sân). Một vài năm gần đây, dưới tác động của nhiều ý kiến cho rằng cần phải khôi phục nhà chứa, thì ở làng Viêm Xá, làng Bịu đã chọn mỗi làng một nhà để hát canh. Cụ thể, ở Viêm Xá là nhà cụ Khu (vốn là nhà chứa trước đây) và ở Bịu là nhà cụ Quỳnh. Tuy nhiên, nhà chứa hiện nay không phải nơi thường xuyên và cố định như trước đây.

Thứ hai, thay đổi về chủ thể thực hiện (xét cả phương diện tổ chức và con người). Hiện nay, việc thực hiện hát canh là câu lạc bộ quan họ (40-50 người) chứ không còn là bọn quan họ (10-12 người). Trước đây, ở Viêm Xá, mỗi bọn quan họ đều có một nhà chứa, rộng rãi, phù hợp với lượng người của mỗi bọn, nay nhà chứa không còn nữa. Vì vậy, sinh hoạt hát canh chỉ có thể diễn ra ở đình, đền, nhà văn hóa. Bên cạnh đó, chủ thể diễn xướng là nghệ nhân, có sự khác biệt về trình độ, sở thích và tâm thế vào cuộc chơi so với các liền anh, liền chị xưa. Nghệ thuật ca hát mà họ thể hiện nghiêng về xu hướng cách tân với cường độ và nhịp điệu âm nhạc nhanh hơn, ca từ bớt luyến láy hơn. Đặc biệt, việc sử dụng micro điện tử và tăng âm đã gần như phá hỏng các tiêu chí truyền thống quan trọng của giọng ca là vang – rền – nền – nẩy.

Thứ ba, thay đổi về mục đích diễn xướng. Trước đây, hát canh mang tính chất sinh hoạt nghệ thuật dân gian, đó là sinh hoạt để tự thỏa mãn, để giao duyên “xum vầy bè bạn”, còn hiện nay mục đích này đã mờ nhạt đi rất nhiều bởi sự lấn át của xu hướng sinh hoạt mang tính chất biểu diễn. Ở đó, các liền anh, liền chị trở thành diễn viên, cảm xúc và tâm thế tình cảm, nghệ thuật của người hát đã có sự thay đổi đáng kể.

Thứ tư, thay đổi về thời gian diễn xướng. Trước đây, các bọn quan họ ở Viêm Xá thường hát canh với bạn từ 2-3 ngày tùy vào quy mô lễ hội. Còn hiện nay, hát canh thường diễn ra trong một ngày (khi thì từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau hoặc trong ngày). Sự thay đổi này cũng làm cho mật độ hát và độ “say” của người hát giảm đi đáng kể.

Hát nghi lễ

Tuy vẫn thực hiện vào những năm làng gặp hạn, cây cối, đồng ruộng khô nẻ, nhưng hát quan họ cầu đảo ở Viêm Xá hiện nay đã đơn giản, ngắn gọn hơn nhiều. Cụ thể, vào tối ngày mồng 5 tháng Hai âm lịch (trước hội đền Vua Bà một ngày), bọn quan họ hai làng kết nghĩa Viêm Xá – Bịu vào đền làm lễ thờ thần và chia hai bên ngồi chiếu trước bàn thờ, quan họ sở tại mở màn bằng bài quan họ cổ theo điệu La rằng với nội dung:

Em ngồi em bấm lá Sen

Cơn mưa kéo đến đã đen cả giời (trời)

Cầu cho mưa thuận gió hòa

Cầu cho dân xã mọi nhà ấm no.

Sau khi hát khoảng 4-5 phút, quan họ vào hát thờ. Liên quan đến nội dung hát cầu đảo (cầu mưa), sáng ngày mồng 6 tháng hai âm lịch, trên sâu khấu được dựng lên ở sân vận động, dân làng cùng chính quyền thôn tổ chức khai mạc lễ hội. Trong màn lễ hội này, hoạt cảnh sân khấu về trò chơi cướp cầu được thực hiện, có cả diễn viên đóng vai Vua Bà. Sau khi quả cầu được đưa vào lỗ dân làng hò reo vui mừng, vì như vậy sẽ có mưa để đồng ruộng tốt tươi, được mùa.

Như vậy, trò chơi cướp cầu như một sự tiếp nối và hiện thực hóa lòng mong ước của dân làng về việc cầu mưa mà trong phần lễ các liền anh liền chị đã cầu đảo. Điểm khác ở đây là tục cướp cầu đã được nghệ thuật hóa trên sân khấu chứ không còn là một trò chơi dân dã trên mặt đất như xưa nữa (gần đây trò chơi đã được phục dựng nhưng ít được người dân quan tâm). Người dân đến để xem chứ không đóng vai trò tham gia cuộc chơi.

Hát thờ, như chúng tôi đã đề cập là sinh hoạt diễn xướng trong đền hoặc đình thường là vào lễ hội mùa xuân hoặc mùa thu do quan họ hai làng kết nghĩa, kết bạn thực hiện. Ở Viêm Xá, hát thờ ở đền Vua Bà ngày 6 tháng hai âm lịch gọi “quan họ ca sự tại đền” và ở đình vào ngày 6 tháng tám âm lịch gọi “quan họ ca sự tại đình”. Ngày nay, ở Viêm Xá vẫn giữ lề lối là hát thờ phải hát đối đáp nam nữ giữa hai bọn. Quan họ bạn hát trước, quan họ chủ hát sau và đều hát giọng Lề lối không hát giọng Vặt hoặc Giã bạn. Tuy nhiên, khi hát thờ, đôi lúc quan họ dùng micro điện tử với mục đích cho mọi người cả trong nhà lẫn ngoài sân, ngoài hội cùng nghe được. Như vậy, việc hành lễ đậm chất linh thiêng thành kính đã đượm màu giao lưu, biểu diễn; ngoài việc giao lưu cùng trời đất, thần thánh, còn giao lưu với người dự hội và bạn hát. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, các liền chị, liền anh nhiều khi thực hiện việc hát thờ chỉ như một thủ tục cần phải làm, nặng về hình thức mà nhẹ về tâm linh. Mặt khác, chủ thể của việc hành lễ hát thờ hiện nay do câu lạc bộ quan họ của hai làng kết nghĩa phối hợp tiến hành. Vì thành viên mỗi câu lạc bộ quan họ đông người nên thành phần tham gia hát cũng có phân công, sắp đặt trước. Hiện nay, nhiều làng quan họ khi sinh hoạt hát thờ tại đình thường hát tập thể mà không hát đối, riêng quan họ Viêm Xá do dùng hình thức hát đối nên nhiều khi khách thập phương cảm nhận như một canh hát quan họ đang được thực hiện. Thực chất, thời gian hát thờ ngắn hơn hát canh rất nhiều. Tuy nhiên, do không còn sinh hoạt nhà chứa mà trong một số trường hợp của những năm gần đây quan họ hát thờ xong sẽ hát canh luôn. Khi đã hát canh thì không thể thiếu những bài ca giọng Vặt mà trước đây không thể có trong sinh hoạt hát thờ. Hiện tượng thay đổi này cho thấy tính chất tâm linh trong hát thờ đã giảm đi và tính chất giải trí, thế tục đậm nét hơn.

Hát mừng ngày nay vẫn là sự tiếp nối của sinh hoạt hát mừng trước đây ở tính phóng khoáng không quá chặt chẽ của lề lối và phần lớn là hát những bài giọng Vặt có giai điệu mượt mà, dìu dặt, vui vẻ, nhằm tôn vinh không khí tưng bừng của những sự kiện như: đám cưới, đám khao, lên nhà mới, sinh con trai, đỗ đạt, thăng quan tiến chức… Ở Viêm Xá có đặc điểm là quan họ hát mừng rất ít có dịp thể hiện ở các sự kiện vui của các gia đình trong làng và thường thì ít gia đình mời quan họ đến hát. Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang cho biết: “Từ bé em đã thấy ở làng Viêm Xá khi các nhà có việc vui ít thấy mời người đến hát quan họ. Lúc đó em cũng không biết vì sao. Khi lớn lên em nhận ra rằng, có lẽ do cả làng là quan họ rồi nên rất ít nhà mời quan họ đến hát mà thường được các làng khác mời đi hát thì nhiều”.

Việc các gia đình ở làng khác mời quan họ đến hát ở nhà mình thường không thông qua các đội quan họ mà trực tiếp với các liền anh, liền chị khi họ thấy phù hợp với tính chất cuộc vui. Chẳng hạn, đối với đám cười, gia chủ thường mời quan họ trẻ hát kiểu ca nhạc quan họ (có nhạc đệm, thường là dùng đàn organ hoặc đĩa nhạc) hầu hết là những bài giọng vặt như: Song đào, Ngồi tựa mạn thuyền, Nguyệt gác mái đình, Buôn bấc buôn dầu, Mười nhớ, Cây trúc xinh…; thậm chí còn xen kẽ cả những tiết mục hát mới gồm những bài có âm hưởng dân ca như: Làng quan họ quê tôi, Gặp em trong chiều hội Lim, Trên quê hương quan họ…; còn hát trong đám khao, thượng thọ thì lại mời quan họ bậc trung niên đến hát canh, hát đối… Làng nào là làng quan họ thì có thể mời quan họ khách hát cùng anh hai, chị hai làng sở tại. Vùng quan họ gọi nôm hát kiểu này là “hát chiếu” (tức là đến đám rồi rải chiếu ngồi hát). Với hát mừng ở dạng truyền thống, nói chung vẫn mang dáng dấp của hát canh, hát đối nhưng lề lối đã thoáng hơn rất nhiều so với hát trong hội vì chủ yếu để “mua vui cho gia chủ là chính”. Có thể thấy, trong hát mừng hiện nay, màu sắc quan họ cổ truyền đã nhạt phai đi rất nhiều.

Hát hội

Hát hội từ trước đến nay chủ yếu gồm hát trên bộ và hát dưới thuyền. Tuy nhiên, như chúng tôi đã có dịp trình bày thì hát trong ngày hội còn có hát nghi lễ, hát canh. Hiện nay, các hình thức ca hát trong ngày hội ở vùng quan họ nói chung đã phong phú lên nhiều. Trong ngày hội, ngoài hình thức diễn xướng truyền thống còn có sự hiện diện của ca nhạc quan họ (hát có nhạc đệm) trên sân khấu, ca nhạc tổng hợp, trong đó có hát quan họ và hệ thống loa phóng thanh phát đi những bài hát, chương trình quan họ từ băng, đĩa… Nhìn chung, không khí của hát hội ngày nay khá ồn ào và tạp hơn so với không khí của hát hội xưa.

Hiện nay, mỗi dịp lễ hội, trong đền Vua Bà có hát canh, hát đối; còn ở sân đền, cổng đền thì hát ca nhạc quan họ. Người ta đã bắt đầu quen dần với các hình thức biểu diễn như hát đơn, hát đôi, hát tốp ca quan họ kiểu âm nhạc hiện đại. Trong số họ có người mặc trang phục quan họ, có người mặc quần áo thường ngày, đủ màu sắc. Những ca khúc quan họ truyền thống đã bị cuốn theo những ca khúc mới về mặt cường độ và tiết tấu âm nhạc.

Một điểm khác nữa là các dạng hát trên bộ như trên đồi, dưới gốc cây, đầu ngõ xóm của các đôi quan họ liền anh liền chị ngày nay đã giảm đi rất nhiều. Còn hát quan họ thuyền thì ở Viêm Xá không còn hát trên sông mà chỉ còn hát trên hồ trước sân vận động. Thường có từ 2-4 thuyền nối đuôi nhau lướt chậm vòng quanh hồ, người xem khá đông. Âm hưởng chủ đạo của hát hội vẫn là các bài ca quan họ giọng Vặt nhưng đã được đẩy tiết tấu lên rất khác với tiết tấu nhấn nhá, chậm rãi của quan họ xưa để phù hợp với nhạc đệm.

Ở khu vực hát quan họ mới – ca nhạc quan họ, số lượng người xem rất đông, đặc biệt là giới trẻ, còn ở khu vực hát quan họ lề lối – tức hát canh, hát đối người xem rất ít và phần lớn là người cao tuổi. Như vậy, có thể thấy, lễ hội quan họ nói chung đã phản ánh khá rõ xu hướng phát triển của quan họ trong tương lai. Nhu cầu của con người trong xã hội đương đại, đòi hỏi nghệ thuật truyền thống cần có sự cách tân không ngừng, bởi có một chân lý giản dị và không thể khác là “con người nào thì nghệ thuật ấy”.

Mặt khác, không gian lễ hội hiện nay hay nói rộng ra là không gian làng quê hiện nay – cái nôi truyền thống của lễ hội đã biến đổi rất nhiều. Sự biến đổi của không gian bao gồm cả không gian vật lý và không gian tinh thần theo xu hướng đô thị hóa, thị dân hóa, rõ ràng đã làm cho hát hội truyền thống trở nên “khó thở” hơn, chật hẹp hơn nếu không nhanh chóng thích nghi với không gian, môi trường mới.

(Còn tiếp)

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1962.

2. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Quan họ – nguồn gốc và quá rình phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

3. Trần Chính (Trần Minh Chính), Nghệ nhân quan họ làng Viêm Xá, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

Tác giả: Trần Minh Chính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Tác giả: Trần Minh Chính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *