Những đường nét giai điệu
trong tác phẩm được hình thành
theo nhiều cách khác nhau, có thể
dựa vào mô hình quãng, rải hợp
âm… nhưng phần lớn các nhà soạn
nhạc dựa vào điệu thức, thang âm
để cấu thành giai điệu. Có hai dạng
điệu thức được sử dụng phổ biến
hơn cả là điệu bảy âm trưởng, thứ
tự nhiên và điệu thức năm âm
(Nam ai). Hai dạng điệu này xuất
hiện trong nhiều thể loại âm nhạc
từ dân gian, cổ điển cho đến hiện
đại. Nhìn nhận dưới góc độ âm
nhạc học sẽ giúp người đọc phần
nào thấy được sự tương đồng và
khác biệt giữa hai điệu thức này.
1. Khái quát về điệu thứ tự nhiên và điệu Nam ai
Điệu thức thứ tự nhiên bảy âm xuất hiện từ thời Trung cổ ở châu Âu, có tên gọi là điệu Aeolian, nằm trong hệ thống của bảy điệu thức nhà thờ. Dòng nhạc hay sử dụng điệu thức này nhất, chính là âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên, từ thời kỳ âm nhạc Phục Hưng đến cuối TK XVIII, điệu Aeolian không được các nhạc sĩ theo dòng nhạc cổ điển sử dụng đúng với cấu trúc của nó. Phần lớn, khi sử dụng điệu thức này, các nhạc sĩ thường tăng bậc VI, VII (hoặc chỉ riêng bậc VII) lên nửa cung. Điệu thứ có bậc VI, VII tăng gọi là điệu thứ giai điệu; có bậc VII tăng gọi là thứ hòa thanh, điệu này được sử dụng với tần suất khá dày đặc. Bắt đầu từ thời kỳ âm nhạc lãng mạn, các nhạc sĩ mới khai thác một cách triệt để điệu thứ tự nhiên và sử dụng đúng cấu trúc của nó.
Có lẽ cùng trong giai đoạn này, ở Trung Quốc cũng có một điệu thức mà tính chất âm nhạc và cấu tạo khá giống với điệu thứ tự nhiên, nhưng chỉ có năm âm với tên gọi là điệu Vũ. Do ảnh hưởng và hệ quả của việc giao lưu văn hóa, khi vào Việt Nam ngoài tên gọi là điệu Vũ, còn có tên khác là Nam ai. Trên phương diện cấu trúc, điệu Vũ của Trung Quốc và Nam ai của Việt Nam giống nhau, tuy nhiên hiệu quả âm thanh vang trên nhạc cụ lại khác nhau. Sự khác nhau này là do tính chất, thể loại âm nhạc, do sự khác nhau về tần số dao động của âm thanh trong âm nhạc và nhạc cụ. Điệu Vũ được sử dụng nhiều trong dòng nhạc âm nhạc dân gian. Từ cuối TK XIX trở đi, do sự giao lưu về văn hóa, nghệ thuật, nên điệu Vũ cũng như cả năm điệu ngũ cung được nhiều nhạc sĩ phương Tây nghiên cứu, tiếp thu và đưa vào trong sáng tác các tác phẩm khí nhạc.
2. Cấu tạo của điệu thứ tự nhiên và điệu Nam ai
Điệu thứ tự nhiên
Điệu thứ tự nhiên có bảy âm, được bắt đầu từ nốt La, sắp xếp từ thấp đến cao theo quy luật/ mô hình: 1 cung (2 trưởng) – 0,5 cung (2 thứ) – 1 cung (2 trưởng) – 1 cung (2 trưởng) – 0,5 cung (2 thứ) – 1 cung (2 trưởng) – 1 cung (2 trưởng) (1).
Theo V.A.Vakhrameev: “Sự sắp xếp các âm thanh của điệu thức theo thứ tự độ cao (bắt đầu từ âm chủ đến âm chủ ở quãng tám tiếp theo) gọi là hàng âm của điệu thức hay gam” (2). Dựa vào quan điểm này, có thể thành lập điệu thức trên một nốt bất kỳ, tên gọi sẽ là: gam cộng với nốt được chọn, chẳng hạn: gam Mi thứ tự nhiên, gam Son thứ tự nhiên, gam Rê thứ tự nhiên… Cách gọi tên này không chỉ áp dụng riêng với mô hình điệu thứ tự nhiên, mà còn cho các mô hình của điệu thức khác.
Những âm hợp thành gam được gọi là bậc (ký hiệu bằng chữ số La Mã) theo thứ tự từ âm thấp nhất đến âm cao nhất. Ngoài ra, mỗi bậc của điệu thức còn có tên gọi riêng: “Bậc I – âm chủ, bậc II – âm dẫn đi xuống, bậc III -âm trung, bậc IV – âm hạ át, bậc V – âm át, bậcVI – âm hạ trung, bậc VII – âm dẫn đi lên” (3). Theo Lý thuyết âm nhạc cơ bản của V.A.Vakhrameev: Bậc I (âm chủ), bậc IV (hạ át) và bậc V (át) là những bậc/ âm chính có tính chất ổn định, do đó các tác phẩm âm nhạc thường kết thúc ở một trong ba âm/ bậc này; những âm còn lại là âm/ bậc phụ có tính không ổn định, xu hướng bị hút về các âm/ bậc ổn định (4). Ví dụ:
Quan sát ví dụ trên, có thể thấy mức độ không ổn định của các âm/ bậc nhiều hay ít phụ thuộc vào hai yếu tố: khoảng cách giữa các âm/ bậc ổn định và không ổn định, mức độ ổn định của âm/ bậc ổn định. Ở điệu thứ, sự hút dẫn mạnh nhất là bậc II về bậc III, bậc VI về bậc V do khoảng cách giữa chúng có nửa cung, những mối quan hệ hút dẫn còn lại có khoảng cách là một nguyên cung. Nhiều nhạc sĩ áp dụng nguyên tắc này để xây dựng những hợp âm thành lập từ các âm không ổn định và âm hóa, sau đó giải quyết theo sự hút dẫn về các âm hay hợp âm ổn định để tạo nên những mảng âm thanh đầy màu sắc.
Trên thực tế, có rất nhiều cách để xây dựng nên một nét giai điệu, tuy nhiên, nếu sử dụng chất liệu là điệu thức thì vô hình trung đã lựa chọn một thành tố khá quan trọng đó là quãng. Quãng được hình thành bởi sự chuyển động của các âm trong điệu thức. Quãng trong âm nhạc được chia thành hai loại: quãng thuận (thuận rất hoàn toàn, thuận hoàn toàn, thuận không hoàn toàn) và quãng nghịch. Khái niệm thuận, nghịch trong âm nhạc được hiểu, khi âm thanh vang lên, nếu hòa hợp, êm tai thì là thuận, ngược lại, là nghịch. Thuận rất hoàn toàn là quãng một đúng, tám đúng; thuận hoàn toàn gồm quãng bốn đúng, năm đúng; thuận không hoàn toàn là các quãng ba, sáu; còn lại là quãng nghịch gồm: quãng hai (trưởng, thứ), quãng bảy (trưởng, thứ), quãng bốn tăng, năm giảm (triton). Tất cả những quãng vừa đề cập được gọi là quãng cơ bản. Các quãng được thành lập trên tất cả bảy bậc của điệu thức hoàn toàn là quãng hòa thanh diatonic, tức là quãng chỉ chứa các âm trong điệu thức, không hề có âm bất thường (hóa, cromatic).
Cấu tạo của điệu Nam ai
Điệu Nam ai có năm âm, được sắp xếp từ âm thấp đến âm cao, theo cách biểu đạt của phương Tây chúng có quy luật/ mô hình: 1,5 cung (3 thứ) – 1 cung (2 trưởng) – 1 cung (2 trưởng) – 1,5 cung (3 thứ).
Dựa vào quy luật/ mô hình trên, có thể thành lập điệu Nam ai trên bất cứ âm/ bậc nào có trong điệu thức. Ví dụ, điệu thức được xây dựng bắt đầu từ âm La sẽ gọi là La Nam ai. Nhìn vào quy luật/ mô hình này, có thể thấy các âm hợp thành điệu Nam ai không có cấu trúc nối tiếp liền bậc quãng hai như điệu thứ tự nhiên của châu Âu. Nếu lấy âm/ bậc III làm điểm giữa để chia mô hình của điệu Nam ai thành hai vế, sẽ thấy rõ tính đối xứng của nó: vế thứ nhất từ bậc I đến bậc III với quãng nối tiếp là 3 thứ và 2 trưởng; vế thứ hai từ bậc III đến bậc V có quãng nối tiếp ngược lại với vế thứ nhất (2 trưởng và 3 thứ).
Trên phương diện âm nhạc học, xét về sự hút dẫn, âm ổn định và âm không ổn định giữa các bậc trong điệu thức và nhìn vào sơ đồ cấu tạo sẽ thấy cả năm âm của điệu Nam ai đều có mặt trong điệu thứ tự nhiên, chỉ khác là vị trí của các âm trong cấu trúc.
Điệu thứ tự nhiên
Điệu Nam ai
Như vậy, năm âm điệu Nam ai ứng với các âm điệu thứ tự nhiên ở những vị trí sau: I <=> I, II <=> III, III <=>IV, IV <=> V, V <=> VII. Dựa vào sự hút dẫn – phần điệu thức – trong Lý thuyết âm nhạc cơ bản của V.A.Vkhrameev, khi lấy bậc âm I, II, IV làm âm ổn định để tạo ra tính hút dẫn, sẽ có sơ đồ như sau:
Nhìn vào sơ đồ, trên phương diện âm nhạc học thì thấy giữa điệu Nam ai và điệu thứ tự nhiên cũng có sự giống nhau một cách tương đối. Nếu bỏ đi hai bậc II, VI trong điệu thứ tự nhiên thì sẽ được cấu trúc điệu Nam ai, và ngược lại, điệu Nam ai nếu thêm bậc II, bậc IV vào thì sẽ có cấu trúc của điệu thứ tự nhiên. Vì thế, ở một góc độ nào đó, có thể coi hai điệu này là hai dạng biến thể của nhau. Tuy nhiên, do có số lượng âm hợp thành ít hơn, khoảng cách giữa các âm không liền bậc (không nối tiếp theo quãng hai), nên tính hút dẫn của điệu Nam ai có phần mờ nhạt hơn so với điệu thứ tự nhiên. Mặt khác, số lượng quãng thuận chiếm đa số so với quãng nghịch, đặc biệt, trong thành phần cấu trúc không thấy sự xuất hiện của hai quãng triton (bốn tăng, năm giảm).
Diễn tấu bài Nam ai – Ảnh: Dương Anh
Một điều cần phải thừa nhận rằng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc… đều có một nền/ dòng âm nhạc với những đặc trưng riêng trong sự tương đồng với nền/ dòng âm nhạc của các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Với cách nhìn nhận như vậy sẽ tránh được tư tưởng cực đoan “mẹ hát con khen hay”, không thấy được những thành quả của việc giao lưu văn hóa, dẫn đến không đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Trường hợp điệu Vũ của Trung Hoa, khi vào nước ta đã được Việt hóa thành điệu Nam ai. Nhìn trên phương diện giao lưu văn hóa và đặc điểm âm nhạc thì điệu Nam ai, có sự tương đồng với điệu Vũ về thành phần âm, nhưng màu sắc âm thanh lại khác nhau; Nam ai có thể coi là biến thể của điệu thứ tự nhiên châu Âu, nhưng về tính chất hút dẫn giữa các âm không giống nhau. Tính chất âm nhạc phóng khoáng, man mác buồn, nó không bị gò bởi sức hút giữa các thành phần âm trong điệu thức, đây là một trong những đặc trưng riêng của điệu thức Nam ai. Từ nhiều thập niên của TK XX đến nay, các nhạc sĩ đã có sự chuyển đổi thẩm mỹ trong sáng tác, họ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của những quy tắc/ nguyên tắc cũ bằng cách làm giảm hoặc từ bỏ hệ thống âm nhạc có sức hút của điệu tính thông qua việc sử dụng điệu thức cổ, hay kết hợp giữa một điệu trưởng/ thứ với một dạng gam ngũ cung, hoặc sử dụng các điệu thức dân gian… để xây dựng nên xu hướng, trường phái âm nhạc mới. Điệu Nam ai của Việt Nam, có lẽ cũng là một địa chỉ đáng tin cậy, nhiều tiềm năng để các nhạc sĩ lưu tâm khai thác.
_________________
1, 2, 3, 4. V.A.Vakhrameev, Lý thuyết âm nhạc cơ bản (Vũ Tự Lân dịch), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1982, tr.107, 96, 97, 97.
Những quan niệm về lịch sử và kịch lịch sử
Tác giả: Nguyễn Dương Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn