Vai trò của cổ mẫu trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật

Carl Jung (1875 – 1961), nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, người sáng lập tâm lý học phân tích là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới với tư cách một người đề xuất và giới thiệu nhiều khái niệm mới trong khoa học tâm lý. Rất nhiều những thuật ngữ như hướng nội, hướng ngoại, vô thực tập thể, phức cảm, cổ mẫu… đã được những người bình thường biết đến và trở thành những khái niệm cơ bản mỗi khi ai đó muốn đề cập đến lý thuyết tâm lý học phân tích của ông. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin trình bày một vài điểm căn bản về khái niệm cổ mẫu, vốn được coi như hạt nhân của tâm lý học phân tích, trên cơ sở công trình của những người đi trước.

1. Cổ mẫu

Từ cổ mẫu trong tiếng Anh là archetype, xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại trước CN dùng để chỉ một hình thức gốc, những ý tưởng (idea) hay hình thức (form) mà từ đó các bản sao của nó được thực hiện và nhân bản. Jung đưa ra một định nghĩa ngắn gọn cho khái niệm cổ mẫu như sau “cổ mẫu có nghĩa là một typos (dấu ấn), một tập hợp xác định các đặc tính cổ xưa, về hình thức cũng như về ý nghĩa, các motip huyền thoại” (1).

Về cổ mẫu, có ba đặc điểm chính mà chúng ta cần phải xem xét để thấu hiểu.

Cổ mẫu và bản năng

Theo Jung, cổ mẫu và bản năng có sự gắn bó chặt chẽ. “Có đủ lý do để cho rằng các cổ mẫu là những hình ảnh vô thức của chính các bản năng, hay nói theo cách khác, đó là những hình thức của các hành vi bản năng…” (2).

Ông tiếp tục triển khai để làm sáng tỏ mối quan hệ này: “Các cổ mẫu là hệ thống những khuynh hướng hành động, đồng thời là những hình ảnh và cảm xúc. Chúng được di truyền trong cấu trúc của bộ não – thực sự chúng chính là mặt tâm thần của nó. Về một mặt các cổ mẫu thể hiện sự bảo thủ bản năng rất mạnh, mặt khác đồng thời nó lại là phương tiện hữu hiệu để nhận biết được sự thích nghi bản năng. Do đó chúng là một phần rất sâu thẳm của tâm thần… một phần mà nhờ đó tâm thần được gắn với tự nhiên” (3). Hay “trong phạm vi mà các cổ mẫu can thiệp vào việc định hình những nội dung ý thức thông qua sự điều tiết, biến đổi và thúc đẩy chúng, chúng hoạt động như những bản năng” (4).

Về cuối đời, Jung tiếp tục định nghĩa về mối liên hệ giữa cổ mẫu và bản năng như sau: “đối với tôi, cổ mẫu có nghĩa là một hình ảnh của một chuỗi những sự kiện có thể, một dòng năng lượng tâm thần thường xuyên. Trong phạm vi này chúng được so sánh với khuôn mẫu sinh học của hành vi” (5).

Nhằm đúc kết mối quan hệ giữa cổ mẫu với bản năng ông trình bày ngắn gọn bằng cách so sánh bản năng và cổ mẫu với quang phổ: “tác động của bản năng, nếu có thể nói như vậy được, là nằm ở phần hồng ngoại của quang phổ, trong khi đó những hình ảnh bản năng nằm ở phần tử ngoại. Việc nhận biết và đồng hóa bản năng không bao giờ diễn ra ở phần hồng ngoại, tức là hấp thụ chúng vào khu vực bản năng mà chỉ thông qua sự hòa nhập các hình ảnh thực hiện sự báo hiệu, đánh thức bản năng mặc dù theo một hình thức hoàn toàn khác với những gì chúng ta gặp ở cấp độ sinh học” (6).

Cổ mẫu và hình ảnh cổ mẫu

 Một đặc trưng hấp dẫn, quan trọng thứ hai mà chúng ta cần nói đến chính là sự khác biệt giữa cổ mẫu và hình ảnh cổ mẫu (archetypal image). Trong khi cổ mẫu là những yếu tố cấu trúc nguyên thủy của tâm thần con người thì hình ảnh cổ mẫu lại là hình thức hay sự biểu hiện của một cổ mẫu trong ý thức.

Tác giả Walker trong cuốn Jung và những người theo Jung bàn về thần thoại đã đúc kết một cách súc tích sự khác biệt giữa cổ mẫu và hình ảnh cổ mẫu trên bốn mặt sau: cổ mẫu có thể di truyền nhưng hình ảnh cổ mẫu thì không; cổ mẫu, do tính siêu nghiệm (theo nghĩa của Kant) là không thể biểu hiện; có một cổ mẫu duy nhất cho mỗi trạng thái của con người nhưng có “một số lượng vô hạn những biểu hiện thực tế” cho cổ mẫu; cổ mẫu là những điều kiện hơn là những nguyên nhân.

Trên cơ sở những nhận xét tinh tế của Walker có thể thấy Jung đã phân biệt tương đối rõ sự khác nhau căn bản giữa cổ mẫu và hình ảnh cổ mẫu, dù rằng đôi khi ông dùng từ cổ mẫu để nói đến hình ảnh cổ mẫu.

Cổ mẫu và cá nhân hóa

Trong số những chức năng mà cổ mẫu đóng góp trong việc hình thành tâm lý con người, có lẽ chức năng quan trọng nhất là thực hiện và điều tiết quá trình phát triển tâm lý cá nhân, hay còn được gọi là quá trình cá nhân hóa (individuation).

Theo quan điểm của Jung, sự phát triển ý thức cá nhân là kết quả của sự phân biệt khỏi tâm thần tập thể (collective psyche) diễn ra trong một quá trình lâu dài từ khởi thủy loài người cho đến nay. Jung viết về cá nhân hóa như sau: “nói chung, đó là một quá trình mà con người cá nhân được hình thành và phân biệt; cụ thể là sự phát triển của cá nhân tâm lý đó với tư cách một con người tách khỏi tâm lý tập thể và chung”. Sự phát triển đó, chắc chắn sẽ mang lại cho cá nhân cảm nhận về ý nghĩa cuộc sống của riêng mình, một cá tính chỉ riêng anh ta có, lại chỉ có thể thực hiện được nếu được dẫn dắt và định hướng bởi những cổ mẫu. Con đường cá nhân hóa như vậy chính là con đường của sự gặp gỡ, vượt qua và đạt tới được các cổ mẫu.

Cổ mẫu thứ nhất trong quá trình cá nhân hóa mà cái tôi gặp phải là shadow. Mỗi cái tôi luôn để lại sau nó một shadow hay còn gọi là hình bóng. Đó là mặt bị che dấu của cái tôi, cả tốt lẫn xấu mà cái tôi hoặc là dồn nén hoặc là không bao giờ biết được. Quá trình từ bỏ sự đồng nhất với chiếc mặt nạ (persona) để nhận biết shadow là bước đầu tiên trong việc chấp nhận chính mình của cá nhân. Một khi đã vượt qua được shadow; hình ảnh cổ mẫu thứ hai mà cái tôi gặp phải là anima hoặc animus. Theo Jung, con người sinh ra mang bản chất lưỡng tính về tâm lý. Trong mỗi người đàn ông đều có một hình ảnh phụ nữ vĩnh cửu, một cổ mẫu mà ông gọi là anima và hình ảnh tương ứng về một người đàn ông vĩnh cữu trong tâm lý phụ nữ được gọi là animus. Chính yếu tố nữ tính ở người đàn ông và nam tính ở người phụ nữ này là cơ sở cho những phóng chiếu tâm lý và kết quả của nó là những cuộc hôn nhân. Nếu coi shadow như một người gác cổng thì anima và animus có thể coi là cánh cửa vào thế giới bên trong mà nhờ nó ý thức bắt đầu xuất hiện: “sự nhận biết anima sẽ làm xuất hiện ở người đàn ông một bộ ba trong đó một phần ba là siêu nghiệm: chủ thể nam tính, chủ thể đối lập nữ tính và anima siêu nghiệm. Với một người phụ nữ, tình trạng là ngược lại” (7). Mức độ ý thức ở đây thể hiện ở cái tôi ý thức với tính chủ quan cá nhân; một người khác với ý thức và tính chủ quan cá nhân và hình ảnh cổ mẫu về anima hoặc animus” (8).

Hình ảnh cổ mẫu cuối cùng mà cái tôi đạt tới, qua đó quá trình cá nhân hóa được hoàn thành chính là self (bản ngã). Quá trình gặp gỡ với anima hay animus sẽ đưa đến sự xuất hiện ở người đàn ông hay người phụ nữ một cảm giác tăng lên về quyền lực. Chúng ta sẽ bắt gặp ở người đàn ông hình ảnh một ông già thông thái và ở phụ nữ là hình ảnh một người mẹ vĩnh cửu. Tất cả những hình ảnh đó sẽ đưa tới một hình ảnh cuối cùng là biểu hiện của một cổ mẫu về sự thống nhất và tổng thể, đó là hình ảnh chúa mà Jung coi là biểu tượng của self và hình ảnh chúa này không thể tách rời khỏi self, hay như Jung thường nói đơn giản đó là “chúa ở trong ta”. Với việc đạt tới hình ảnh này, quá trình cá nhân hóa cũng đi tới giai đoạn cuối cùng của nó: từ ý thức, qua vô thức cá nhân và đạt tới vô thức tập thể.

2. Vai trò của cổ mẫu trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật

Chúng ta đã biết con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa nghệ thuật do đó việc nghiên cứu lĩnh vực này sẽ toàn diện, sâu sắc hơn nếu như tìm hiểu được những suy nghĩ, tâm lý của con người, hay rộng hơn là thế giới bên trong con người, quyết định những kết quả được tạo ra của sự phát triển tâm lý con người như kinh tế, chính trị và văn hóa nghệ thuật. Lợi thế của tâm lý học nói chung và tâm lý học phân tích nói riêng trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật so với các khoa học khác chính là ở chỗ nó tập trung nghiên cứu vào chủ thể sáng tạo hơn là kết quả của sự sáng tạo đó. Cổ mẫu là một công cụ hữu hiệu, nếu có thể nói như vậy, của Jung cũng như những người khác trong việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật bởi vì chính nhờ có nó đã giúp chúng ta khai mở được nhiều lĩnh vực ẩn tàng vốn chưa được hiểu biết và lý giải thấu đáo lâu nay. Ở đây tôi xin thử nêu lên một số những tác dụng chính của cổ mẫu trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật: cổ mẫu giúp giải thích sự giống nhau và lặp lại của nhiều hình ảnh văn hóa nghệ thuật của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Có thể lấy ví dụ về hình ảnh một vị thần sáng tạo thế giới trong các nền văn hóa khác nhau như Hy Lạp với thần Zeus, Ai Cập với thần Ra, Trung Quốc với Nữ Oa, Việt Nam với thần Trụ trời… đều có sự tương đồng với nhau dù được sinh ra từ những nền văn hóa khác nhau và dường như không có quan hệ trực tiếp để dẫn đến sự vay mượn. Đây là một đặc điểm chung, mang tính cổ mẫu về một đấng sáng tạo thế giới phổ biến trong các thần thoại, bởi thần thoại là sản phẩm chung của mọi dân tộc và nói như Jung người nguyên thủy không phát minh ra thần thoại mà họ trải nghiệm nó; cổ mẫu giúp giải thích nguồn gốc và hiện tượng tôn giáo. Theo Jung, tôn giáo chỉ là sự khai triển của những cổ mẫu trong các nền văn hóa với hệ thống những biểu tượng đặc trưng cho mối quan hệ của con người với giới tự nhiên mà con người đã mất đi trong quá trình phát triển xã hội, nhất là trong giai đoạn nhà nước. Tôn giáo đó là con đường, hay cách thức để gắn bó con người trở lại với quá khứ của mình theo đúng nghĩa đen của từ này (từ tôn giáo tiếng Latin là religia nghĩa là linking back – sự liên kết trở lại). Hay như sau này Jung nói “bản chất của mọi thần thoại, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa là cổ mẫu” (9); cổ mẫu giúp giải thích những sức mạnh mà con người thuộc các nền văn minh và văn hóa có được như một hằng số chung. Những sức mạnh lớn nhất của con người là cơ sở cho sự tồn tại trong trường kỳ lịch sử đều xuất phát từ cổ mẫu. Có thể lấy một ví dụ cụ thể là kim tự tháp Ai Cập. Chúng ta sẽ rất khó lý giải được tại sao con người lại xây dựng được những công trình vĩ đại như kim tự tháp trong điều kiện hết sức lạc hậu của thời cổ đại. Dưới những cách nhìn thông thường kim tự tháp do các vị vua Ai Cập cưỡng bức hàng vạn hay hàng chục vạn người dân Ai Cập phải thực hiện với những hình phạt hết sức nặng nề dành cho những người nào không chịu tuân theo, nhưng ở đây chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao những vị vua Ai Cập đó lại muốn có được những kim tự tháp đó. Động lực chính của việc xây kim tự tháp phải chăng chính là khát vọng bất tử, khát vọng đạt tới cái bản ngã của mình mà các tôn giáo hay thần thoại luôn vẽ ra trước mắt con người như một thiên đường đang chờ đợi con người phía sau cái chết. Sự bất tử, sự vĩnh cửu gắn liền với khát vọng này có thể thấy được từ việc nghiên cứu cổ mẫu self mà Jung đã có hẳn một cuốn sách về nó, Aion: Những nghiên cứu về hiện tượng của self. Và có lẽ không phải chỉ những vị pharaoh Ai Cập mà ngay cả những người xây dựng kim tự tháp cũng tin vào sự bất tử và hạnh phúc trên thiên đường, nó là cơ sở để họ cảm thấy công sức họ bỏ ra để xây kim tự tháp không phải là vô nghĩa, hoặc là bị áp bức thuần túy.

Dĩ nhiên chúng ta còn có thể áp dụng cổ mẫu trong nghiên cứu nhiều mặt, nhiều vấn đề khác nữa của văn hóa nghệ thuật vì đây là một vấn đề rất rộng, với nhiều chiều kích và phức tạp. Ba điểm được trình bày trên chỉ là những điểm nổi bật, quan trọng nhất theo quan điểm của tôi. Nhưng sẽ có nhiều điểm khác, vấn đề khác mà việc nghiên cứu bằng cổ mẫu tỏ ra hữu ích, chẳng hạn như vấn đề “cá nhân hóa” con người trong xã hội, một trọng tâm của tâm lý học phân tích, hay cổ mẫu và văn học nghệ thuật, hay cụ thể hơn là cổ mẫu anima/ animus và tình dục/ tình yêu mà trong phạm vi bài viết này người viết không thể đề cập hết được.

Trên đây là những nét chính về những đặc điểm cơ bản của cổ mẫu và vai trò của nó trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Dĩ nhiên đây chỉ là những nét phác thảo ban đầu có tính chất giới thiệu về một khái niệm còn mới lạ, không những khó hiểu, phức tạp mà vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục bàn luận và nghiên cứu. Vì vậy trong bài viết này còn bỏ ngỏ một số vấn đề mà người viết mong muốn sẽ có cơ hội được trở lại bàn luận sâu hơn trong một dịp khác.

______________

1. Carl Gustav Jung, Analytical Psychology: Its theory and practice, Vintage Book, 1968, tr.41.

2. Robin Roberson, A Beginner’s Guide to Jungian psychology, Red Wheel Weiser, 1992, tr.38.

3. Daryl Sharp, Jung Lexicon, Inner City Books, 1991, tr.25.

4, 7, 8, 9. Murray Stein, Jung’s Map of the soul, Open Court, 1998, tr.99, 144, 144, 101.

5. Steven Walker, Jung and the Jungians on Myth, Sage, 1995, tr.5.

6. Daryl Sharp, Jung Lexicon, Inner City Books, 1991, tr.26.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : BÙI LƯU PHI KHANH

3.7/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *