Vai trò của gia đình đối với việc chống xuống cấp đạo đức hiện nay

Gia đình là môi trường quan trọng cho sự hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Mặc dù chưa phải là thiết chế duy nhất có vai trò, trách nhiệm trong giáo dục con người, nhưng gia đình vẫn luôn ảnh hưởng lâu dài và toàn diện đối với sự hình thành, hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục trong gia đình được xem là nền tảng giúp cho giáo dục nhà trường và xã hội phát huy một cách hiệu quả vai trò của mình. Do vậy, việc củng cố vững chắc gia đình chính là nhân tố quan trọng trong việc phát triển nhân cách, nền tảng của việc chống xuống cấp đạo đức, một trong những mối lo hàng đầu trong xã hội phát triển hiện nay.

1. Đạo đức và xuống cấp đạo đức

Về thuật ngữ đạo đức, có thể coi đó là một hình thái ý thức xã hội, là toàn bộ những quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội và quan hệ với tự nhiên và với cả bản thân mình (1).

Xuống cấp đạo đức thật ra không có trong hệ thống thuật ngữ khoa học, mà đó là một mệnh đề xuất hiện trong các văn bản chính trị của Đảng, Chính phủ, các phát biểu của các lãnh đạo Đảng và nhà nước, từ đó xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi được phổ cập trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày (2). Một khái niệm được các nhà triết học thời cổ đại sử dụng là thuật ngữ tha hóa, và xem đó là một hiện tượng tất nhiên, không thể tránh khỏi của con người trong lịch sử. Theo C.Mác, tha hóa là biểu hiện của những mâu thuẫn ở một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội. Ông cho rằng “việc thừa nhận sự tha hóa của lao động với tư cách là cơ sở của tất cả mọi hình thái tha hóa khác, trong đó có cả những hình thái tha hóa về tư tưởng đã cho phép hiểu được ý thức bị bóp méo, sai lầm là kết quả của những mâu thuẫn của đời sống xã hội hiện thực” (3).

Trong khoa học văn hóa, tha hóa được xem là “một loại thái độ của con người đối với thế giới và bản thân khi họ mất đi tính gốc gác ban đầu (nhân bản). Tha hóa là tình trạng trong đó hoạt động của con người và kết quả của những hoạt động ấy quay trở lại chống lại chính con người, trở thành xa lạ đối với anh ta… Có cả những nguyên nhân khách quan của tha hóa nhưng chúng chỉ tác động được thông qua ý muốn của bản thân con người” (4).

Sự tha hóa là đạo đức đã biến đổi so với chính nó, so với yêu cầu cần có trước đòi hỏi của thời đại. Do vậy trong bài viết này, xuống cấp đạo đức được quan niệm chính là sự tha hóa đạo đức, tức là quá trình đạo đức đi xuống từ cấp độ cao đến thấp. Đó chính là sự đứt gãy và phá vỡ những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống vốn có của dân tộc và phát sinh những hành vi đạo đức đi ngược với thuần phong mỹ tục, dẫn tới bạo ngược và nguy cơ làm tan rã, hủy hoại xã hội, bao gồm những biểu hiện như bệnh thành tích, thực dụng, đua đòi, vô trách nhiệm, đối phó, chụp giật, thiếu trách nhiệm, gian dối, ích kỷ, vô cảm, sống buông thả, trụy lạc, bạo lực, tham ô, bất hiếu, cướp của, giết người…

Theo Hoàng Tuấn Anh và cộng sự, có hai quy chuẩn để đối sánh cho thấy sự xuống cấp đạo đức, thứ nhất là đối sánh với những tinh hoa đạo đức đã ổn định và trở thành truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, đã thành chuẩn mực đạo đức của dân tộc; thứ hai là đối sánh với những yêu cầu của thời đại với con người đương đại, đó là thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay (5).

 


 Giao lưu với các gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu 2017Ảnh Hữu Luận 

2. Vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống

Tìm hiểu về vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách, lối sống, các tác giả M.Porot (6), L.N.Kogan và B.X.Pavlop (7), M. Tieche (8) đã chỉ ra, sự xã hội hóa đầu tiên của cá nhân, sự tiếp xúc ban đầu với hệ thống này hay hệ thống khác, những giá trị này hay giá trị khác của đời sống tinh thần xã hội, đạo đức nghệ thuật… đều được thực hiện trước hết trong môi trường văn hóa gia đình. Do đó, giáo dục các chuẩn mực đạo đức, tình yêu thương, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và tinh thần yêu lao động là vô cùng cần thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt là của cha mẹ đối với con cái. Theo L.N.Kogan và B.X.Pavlop, giáo dục định hướng văn hóa cho thế hệ trẻ không chỉ bằng lời răn dạy mà còn bằng chính tấm gương của những thành viên lớn tuổi cùng các hoạt động văn hóa gia đình, có liên quan tới mọi thành viên trong gia đình. Do đó, ảnh hưởng của gia đình đối với sự hình thành lối sống, nhân cách cá nhân được thể hiện mạnh mẽ, bền vững vì nó tác động thường xuyên hơn cả tới giai đoạn đầu tiên quan trọng nhất của sự hình thành nhân cách con người.

Theo Lê Ngọc Văn, gia đình Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nhân cách gốc cho con người Việt Nam hiện đại, từ giai đoạn ấu thơ đến khi qua đời (9). Cùng chia sẻ quan điểm này tác giả Lê Thi cho rằng, dù có sự khác biệt trong cách thể hiện chức năng giáo dục của mỗi dạng thức gia đình, song về cơ bản gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành tình cảm, tâm lý, hành vi đối xử, hành vi văn hóa của nhân cách con người. Do vậy, sự phát triển ổn định của xã hội không thể tách rời sự phát triển của con người và vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhân cách con người (10). Truyền thống văn hóa của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến con cái. Ngay từ khi lọt lòng, con cái đã được chăm sóc, nuôi dạy cùng với những người thân yêu trong gia đình. Trong giai đoạn ấu thơ, bắt đầu hình thành nhân cách, số thời gian con cái sống ở gia đình là rất lớn, do vậy, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của trẻ.

Trong mỗi gia đình, tùy theo điều kiện sống, nghề nghiệp, nhóm xã hội, trình độ học vấn, lứa tuổi, giới tính, ý thức đạo đức, định hướng giá trị… nói cách khác là tùy theo nếp sống riêng của mỗi gia đình mà các bậc cha mẹ sẽ chú trọng những phẩm chất đạo đức khác nhau của con cái và có biện pháp giáo dục khác nhau. Theo Mai Huy Bích, các gia đình bố mẹ có học vấn cao rất chú trọng dùng lời lẽ lý giải cho con cái hiểu yêu cầu về những phẩm chất đạo đức nào đó. Trong khi những gia đình bố mẹ có học vấn thấp ít khi chú ý giảng giải, nêu nguyên nhân vì sao cần một số phẩm chất nhất định. Tương tự, khi rèn con vào khuôn phép, cha mẹ có học vấn cao thường có khuynh hướng kiên nhẫn giảng giải và khoan dung với những kích động và cơn giận bột phát của trẻ con hơn những gia đình có học vấn thấp (11).

Sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp đạo đức, lối sống cho con cái, từ việc nhỏ nhất như: chào hỏi khi gặp gỡ, mời chào khi ăn uống, cách ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh… Những sự chỉ dạy này giúp con cái nhận thức được các chuẩn mực phải tuân thủ nếu muốn trở thành con ngoan, trò giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Sự coi trọng trong việc giáo dục lễ phép cho con cái đã dần hình thành nên nhân cách tốt ở trẻ. Không chỉ vậy, ngay khi dạy dỗ con cái, chính các bậc cha mẹ cũng trở nên hoàn thiện nhân cách của mình hơn. Việc trở thành tấm gương cho con về chuẩn mực đạo đức luân lý, giúp họ luôn có ý thức để giữ đúng vai trò trong gia đình, tránh rơi vào sự tha hóa hay sa ngã về đạo đức.

Trong quan hệ gia đình, việc chăm sóc cha mẹ là trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái. Đồng thời cha mẹ cũng có trách nhiệm giúp đỡ chỉ bảo con cháu trong giao tiếp, công việc hàng ngày để giáo dục về cách ứng xử, giao tiếp với những người khác trong gia đình và cộng đồng, giữ được nếp nhà, gia phong của gia đình. Một trong những nội dung quan trọng của gia đình là giáo dục đạo hiếu, trong đó chú trọng đến việc giáo dục thái độ biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, từ đó dẫn tới ý thức về tình cảm gắn bó, trách nhiệm phụng dưỡng.

Bên cạnh giáo dục đạo hiếu, việc giáo dục ý thức, thói quen lao động cũng là một trong những nội dung giáo dục quan trọng của gia đình. Thực tế đã chứng minh, lao động phù hợp với khả năng lứa tuổi và mang tính sáng tạo, được hướng dẫn đúng đắn là biện pháp giáo dục lành mạnh, hiệu nghiệm, thúc đẩy sự phát triển nhân cách của trẻ em. Ngay từ khi còn nhỏ, ông bà cha mẹ đã hướng dẫn con cháu ý thức làm việc với những bài học kinh nghiệm được truyền dạy qua các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, đó là là sự cần cù chăm chỉ, ý thức tiết kiệm, yêu lao động… Những nội dung giáo dục này góp phần xây dựng nên các giá trị, nhân cách cho nhiều thế hệ con em trong gia đình. Nói cách khác, thông qua việc vừa học vừa làm, trẻ em không chỉ học được kỹ năng lao động mà còn học được những cơ sở đạo đức ngay trong quá trình lao động (12). Ngược lại, việc trẻ em không phải vất vả tham gia lao động sản xuất, sẽ không biết quý trọng công sức và thành quả lao động của người khác, điều này dễ dẫn đến sự đua đòi, hư hỏng, làm những việc trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Ngoài việc giáo dục về đạo đức lối sống, văn hóa gia đình còn có vai trò quan trọng trong giáo dục văn hóa và định hướng nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, các gia đình nề nếp, cha mẹ có học vấn cao ảnh hưởng lớn tới con cái trong học tập (người lớn trong gia đình thường hay nói chuyện về các đề tài văn hóa, dẫn con đi xem phim, kịch, bảo tàng, triển lãm…). Trong khi những gia đình có học vấn thấp, họ gặp nhiều khó khăn, trong lối sống cũng ít khi có các hoạt động vui chơi, học tập, giải trí… nên vốn văn hóa chung nghèo nàn hơn. Ngoài ra, việc chú trọng đầu tư cho con học thêm và định hướng nghề nghiệp cũng có sự chênh lệch nhau khá lớn giữa những gia đình có mức sống khác nhau (13). Điều này cho thấy việc giáo dục văn hóa, định hướng học tập của con cái bị chi phối lớn bởi đặc trưng riêng của từng gia đình. Việc giáo dục ý thức học tập để có trình độ văn hóa cao sẽ giúp cho con cái biết tận dụng những điều kiện, cơ hội để phát triển sự nghiệp của cá nhân cũng như đóng góp hữu ích cho cộng đồng và xã hội.

Nếp sống trong mỗi gia đình có ý nghĩa quan trọng để duy trì chuẩn mực sống của mỗi cá nhân, được xem như là những khuôn phép trong quá trình giáo dục, xã hội hóa nhằm giáo dục các thế hệ tiếp nối giữ gìn truyền thống văn hóa cũng như góp phần làm ổn định gia đình. Trong bối cảnh biến động xã hội mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ gìn nền nếp gia đình có ý nghĩa quan trọng, là chỗ dựa tinh thần cho đến việc giáo dục con cháu trong ứng xử, giao tiếp, định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội có công ăn việc làm… đóng góp cho gia đình và xã hội.

Lối sống thiếu gương mẫu của ông bà cha mẹ có tương quan nhất định với hành vi phạm tội của con cái (14). Những gia đình thường xuyên xung đột trong nội bộ các thành viên, với xã hội bên ngoài: cha mẹ lười lao động, sống sa ngã, đồi trụy, rượu chè… có liên quan lớn tới sự hư hỏng của con cái. Theo các nhà nghiên cứu, so với nhóm con cái trong gia đình bất hạnh, thì con cái trong gia đình ly hôn ít bị bệnh tâm lý, ít phạm pháp hơn, quan hệ với một trong hai bố mẹ tốt hơn con cái thuộc gia đình bất hạnh (15). Khi được sống trong một gia đình nề nếp, có văn hóa, sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến trẻ em, khiến chúng dễ dàng tiếp nhận và thực hiện một cách tự nguyện. Đặc biệt đối với nhóm trẻ vị thành niên, đang phát triển mạnh mẽ về óc phê phán và nhận xét, dưới sự định hướng của cha mẹ kết hợp với truyền thống văn hóa gia đình sẽ tác động tích cực tới đời sống và hành vi đạo đức của các em. Trẻ vị thành niên dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em có một nền tảng đạo đức vững vàng là cần thiết để có thể đứng vững và trưởng thành. Ngược lại, khi gia đình không hòa thuận, ông bà, cha mẹ không sống đúng với vai trò của mình, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của trẻ… Thực tế xã hội này cho thấy việc xây dựng quan hệ gia đình lành mạnh, ổn định chính là biện pháp giáo dục con cái có hiệu quả.

Những nghịch cảnh trong xã hội hiện đại như: bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục ở trẻ em… cùng sự xuống cấp đạo đức đang gia tăng trong xã hội là những vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay. Vực dậy nền đạo đức đang trên đà xuống dốc là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cũng như cần sự góp sức của cả cộng đồng. Với ý nghĩa là môi trường gắn bó mật thiết với các cá nhân từ lúc sinh ra đến khi mất đi, vai trò của gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với việc chống xuống cấp đạo đức. Vì vậy, việc giáo dục gia đình trong lối sống, học tập và định hướng nghề nghiệp cho các thành viên đều là những hoạt động cần thiết để hình thành đạo đức, nhân cách theo đúng chuẩn mực cho mỗi cá nhân.

Kết quả của sự giáo dục trong gia đình cùng sức ảnh hưởng của văn hóa, nề nếp của từng gia đình được thể hiện ngay trong cách thức ứng xử lễ phép, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong bối cảnh xã hội nhiều cạm bẫy, mỗi gia đình cần phải xây dựng cho mình hàng rào phòng thủ vững chắc được kết lên từ chính tình yêu thương, sự giáo dục tận tâm của các bậc cha mẹ.

_______________

1. Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.

2, 5. Hoàng Tuấn Anh và cộng sự, Sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Đề tài cấp bộ, Bộ VHTTDL, 2015.

3. Từ điển triết học, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1986.

4. A. A. Ragugin, Từ điển Bách khoa văn hóa học, Viện VHNT Việt Nam xb, 2001.

6. Porot, Maurice, Trẻ em và những mối quan hệ gia đình, Nxb Puf, 1973.

7. Kogan, L.N; Pavlop, B.X, Văn hóa gia đình với tư cách là đối tượng nghiên cứu xã hội học, Nxb Sverlovsk, 1980.

8. Tieche, Maurice, Phương pháp giáo dục trẻ con, Nxb Đà Nẵng, 2000.

9. Lê Ngọc Văn, Gia đình Việt Nam với chức năng xã hội hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.

10. Lê Thi, Vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu về gia đình và phụ nữ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1997.

11, 12, 14, 15. Mai Huy Bích, Lối sống gia đình ngày nay, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1987, tr.67, 88, 85, 87.

13. Nguyễn Thị Minh Phương, Định hướng giáo dục cho con trong các gia đình nông thôn ngày nay, Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Học viện KHXH Việt Nam, Hà Nội, 2014.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : VŨ NGỌC NGHỊ

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *