Vai trò của hệ thống nhà văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở


Đời sống văn hóa là khái niệm chỉ sự tổng hòa các điều kiện vật chất, tinh thần, hoàn cảnh, các sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa… được con người nhận thức và thực thi một cách tự giác, có định hướng nhằm xây dựng một đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân trên các địa bàn dân cư. Chất lượng của đời sống văn hóa cao hay thấp đều phụ thuộc vào năng lực sáng tạo của con người để tạo ra các sản phẩm văn hóa.

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là điều kiện thiết yếu để bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội; là bước đi ban đầu mang tính hiện thực, trực tiếp để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa cộng đồng; góp phần tạo điều kiện cần thiết để nhân dân phát huy và thực hiện quyền làm chủ của mình trong sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, xây dựng lối sống văn minh, lịch sự, giữ gìn trật tự, kỷ cương; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa xã hội, đảm bảo ổn định chính trị.

Đảng ta đã khẳng định: Chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa của dân, do dân, vì dân. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có ý nghĩa như bước đi ban đầu của toàn bộ sự nghiệp văn hóa. Sự nghiệp văn hóa phải do chính nhân dân xây dựng, nhân dân phải là chủ thể sáng tạo văn hóa chứ không phải là chủ thể tiêu thụ văn hóa.

Từ lâu nước ta đã có những thiết chế văn hóa để xây dựng đời sống văn hóa mới như: Nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, bảo tàng, công viên văn hóa… Những thiết chế đó đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa”.

Nhà văn hóa (NVH) là một thiết chế văn hóa hàng ngày đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Vì vậy, NVH có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại địa phương.

Thứ nhất, NVH đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống nhà văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể để có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng, bảo vệ tổ quốc, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Những điều này sẽ không có được nếu hệ thống NVH yếu kém, thiếu thốn, lạc hậu, tạm bợ. Thực tế đã cho thấy, nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, như hát xoan, hát bội, đờn ca tài tử, quan họ… đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những NVH, trung tâm văn hóa giản dị của xã, thôn… mà không nhất thiết phải là ở các nhà hát, sân khấu lớn với trang thiết bị hiện đại.

Thứ hai, hệ thống NVH giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đây cũng là nơi để nhân dân “tăng thêm sức đề kháng” đối với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước… trong tình hình nước ta vẫn phải cảnh giác, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thứ ba, NVH chính là nơi để nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm cảnh quan đô thị… Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Mỗi công dân tốt, mỗi gia đình văn hóa ngay tại địa phương chính là một viên gạch để xây dựng ngôi nhà tổ quốc. Điều này đã, đang và sẽ được chứng minh từ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa khi bà con nhân dân chủ yếu chỉ gần gũi với già làng, trưởng bản, cán bộ xã…

Thứ tư, các NVH đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững. Cơ sở vật chất của hệ thống NVH là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, lối sống và nhất là phong tục, tập quán của từng vùng, miền, dân tộc. Con người không chỉ có nhu cầu ăn, mặc, đi lại… mà đang ngày càng hướng tới lối sống lành mạnh, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các NVH hiện trong hệ thống thiết chế văn hóa đang góp phần phát huy tác dụng này.


  Nhà văn hóa ở xã Nghĩa Phong, tỉnh Nam Định. Ảnh Quang Ngọc 

Thứ năm, hệ thống các NVH có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới có tiêu chí: NVH và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL, tỷ lệ thôn có NVH và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ VHTTDL là 100%. Tiêu chí này, một mặt góp phần xây dựng nông thôn mới; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn. Thiết chế văn hóa của nông thôn hiện đại không chỉ có cây đa, bến nước, sân đình mà còn có nhiều cơ sở vật chất khác cũng như đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và nhất là tha thiết với di sản văn hóa của dân tộc.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống các NVH là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Xây dựng hệ thống NVH các cấp trở thành một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Mỗi người dân, mỗi thôn, xóm… là một minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ và trường tồn trong điều kiện thiết chế văn hóa đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Thứ bảy, nói đến vai trò của hệ thống các NVH không thể không kể đến sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác quản lý hoạt động NVH. Công tác quản lý phải được tiến hành trên tinh thần dân chủ, xã hội hóa, lấy tư tưởng mỹ học Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam làm kim chỉ nam. Lực lượng cán bộ, cơ quan quản lý hoạt động NVH giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng, có đạo đức sẽ giúp định hướng và tổ chức các hoạt động văn hóa một cách sáng tạo, hiệu quả; đồng thời, đề xuất các cơ quan cấp trên giúp đỡ, tạo điều kiện phát huy tốt vai trò của các công trình thiết chế văn hóa trên phạm vi cả nước.

Trong nhiều năm qua, hệ thống các NVH trong cả nước đã được chú trọng đầu tư. Cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ. Phong trào xây dựng các NVH, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở ngày càng được tiến hành rộng khắp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thu được nhiều thành tựu; ngày càng phát triển sâu rộng trên khắp các vùng, miền của đất nước; được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được các ngành, các đoàn thể hưởng ứng; được các tầng lớp nhân dân đồng tình thực hiện. Do đó, phong trào đã có tác động tích cực, sâu sắc, toàn diện đến nhiều lĩnh vực của đời sống, thực sự trở thành giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào người tốt việc tốt cũng đã góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách con người trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao, là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước; cũng là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

 Bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống các NVH và công tác quản lý NVH ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. NVH ở nhiều nơi trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Nhiều NVH được xây dựng nhưng tần suất sử dụng rất ít, hoặc sử dụng sai mục đích. Không ít NVH còn bị bỏ hoang, xuống cấp. Nhiều địa phương, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo chưa có đủ quỹ đất như quy định cũng như thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ để xây dựng hệ thống NVH. Ở nhiều NVH, hoạt động văn hóa còn quá nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung rất nhiều lao động nhưng chưa có NVH để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống NVH phục vụ công cuộc xây dựng đất nước và nhân dân trong thời kỳ mới đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Các cấp quản lý phải chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức quản lý NVH, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, tổ chức hoạt động, trong đó có sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân; quy hoạch, đào tạo và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động NVH. Mỗi địa phương, cơ sở phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an sinh xã hội; phát huy hiệu quả của thiết chế NVH, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp và biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH BÌNH

4/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *