Trong xã hội đương đại, làng nghề truyền thống đang có nhiều cơ hội phát triển, đây là điều kiện quan trọng, góp phần to lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa từ các bên liên quan. Ở đây, có thể thấy rõ vai trò to lớn của cộng đồng, trong đó Hội/ Hiệp hội làng nghề là hạt nhân nòng cốt đối với việc bảo tồn lễ hội làng nghề – một biểu hiện sinh động của di sản văn hóa phi vật thể. Nghiên cứu trường hợp lễ hội truyền thống làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng cho thấy, Hội/Hiệp hội làng nghề đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc huy động tài chính, nhân lực, tham gia điều hành lễ hội…
1. Khái quát về văn hóa làng nghề và Hiệp hội làng nghề
Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, thành tố văn hóa của làng nghề bao gồm: văn hóa vật thể và phi vật thể. Về phương diện vật thể bao gồm: không gian cảnh quan làng nghề, trong đó có cấu trúc làng và nhà ở của những người thợ thủ công, di tích lịch sử – văn hóa, sản phẩm của nghề. Về phương diện phi vật thể, bao gồm: lễ hội, tín ngưỡng thờ tổ nghề, phong tục tập quán, bí quyết nghề… Trên cả hai phương diện, các thành tố văn hóa đều có những tác động không nhỏ đến quá trình tồn tại, phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề.
Đối với các làng nghề truyền thống, việc tổ chức lễ hội mang nhiều sắc thái riêng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ tổ nghề. Người dân tổ chức các nghi thức tế lễ để bày tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với tổ nghề, đồng thời mong tổ nghề sẽ phù hộ độ trì cho họ phát triển nghề tốt hơn nữa. Ngoài nghi lễ tế tổ nghề, dân làng còn tổ chức nghi lễ hiến xảo, dâng đồ khéo. Nghi lễ hiến xảo được tổ chức như một cuộc thi tài giữa các thợ thủ công. Theo quy định, người thợ sẽ thi tay nghề trước nơi thờ tổ nghề. Sản phẩm nào đạt đến tình độ kỹ xảo được cộng đồng chấp nhận và đánh giá cao. Kỹ thuật tạo sản phẩm có giá trị được xem là một kinh nghiệm phát triển nghề, tạo ra bài học cho cộng đồng cùng nghiên cứu và áp dụng tốt hơn. Một nghi lễ cũng khá đặc sắc trong lễ hội làng nghề đó là việc tổ chức lễ dâng đồ khéo. Để thực hiện nghi lễ này, các gia đình thợ thủ công sẽ phải chuyên tâm vào việc chuẩn bị riêng một sản phẩm. “Vào dịp lễ hội sản phẩm này sẽ được bày trước gian thờ chính để mọi người cùng biết đến và đánh giá. Việc đánh giá này sẽ rất công khai, minh bạch” (1). Cộng đồng sẽ quyết định sản phẩm nào vừa có tính thẩm mỹ, vừa có trình độ kỹ thuật cao. Dân làng cho rằng, dâng đồ khéo là việc làm cần thiết, đó là một hình thức báo cáo trước tổ nghề về trình độ của các thế hệ thợ thủ công và quá trình phát triển nghề. Vấn đề bảo tồn và phát huy để phục hồi các nghi lễ tốt đẹp đó là cần thiết trong xã hội hiện nay.
Ở nước ta, Hiệp hội làng nghề Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 22/2005/QĐ-BNV, ngày 3-2-2005 của Bộ Nội vụ. Hiệp hội có nhiệm vụ: tập hợp, đoàn kết các làng nghề, tổ chức kinh tế, văn hóa, nghệ nhân trong làng nghề, phố nghề, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, cơ quan nghiên cứu, đào tạo… để cùng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khôi phục và phát triển làng nghề, góp sức bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam; thực hiện liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị văn hóa của các mặt hàng của làng nghề; hỗ trợ nhau trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm (2).
2. Các hoạt động của Hội/Hiệp hội làng nghề trong lễ hội truyền thống hiện nay
Đôi nét về Hội/Hiệp hội làng nghề ở Vạn Phúc và Bát Tràng
Theo đại diện Hội làng nghề, Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được thành lập từ năm 1991, đến năm 2018 đổi tên thành Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc. Đến nay, Hội đã kết nạp 110 hội viên (trong đó có khoảng 15 hộ gia đình đã thành lập công ty),với 300 người tham gia sản xuất, buôn bán sản phẩm lụa (3). Đối với làng Bát Tràng, sau khi nghề gốm được khôi phục, năm 1995 thành lập Câu lạc bộ Làng nghề gốm Bát Tràng, đến năm 2020 đổi tên thành Hiệp hội làng nghề gốm Bát Tràng với 300 hội viên (hộ gia đình), trong đó có 120 hộ gia đình đã thành lập công ty, doanh nghiệp với gần 1.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm gốm.
Sản phẩm gốm Bát Tràng – Thương hiệu nức tiếng
Ảnh: Thanh Hà
Qua quá trình khảo sát, phân tích tư liệu thứ cấp do hai làng nghề cung cấp cho thấy, hai Hiệp hội làng nghề này được thành lập với mục đích và tôn chỉ cụ thể như: 1, Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội/Hiệp hội làng nghề; 2, Tập hợp, kết nạp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội/Hiệp hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội/Hiệp hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực; 3, Phổ biến, huấn luyện kiến thức và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, quy chế của Hội/Hiệp hội làng nghề; 4, Đại diện cho các hội viên tìm kiếm, đàm phán về thị trường nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đầu ra tại từng làng nghề; 5, Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật; 6, Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội/Hiệp hội theo quy định của pháp luật; 7, Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội/ Hiệp hội theo quy định; 8, Hội/Hiệp hội thực hiện chế độ thông tin báo cáo về tình hình tổ chức, kết quả hoạt động.
Hội/Hiệp hội làng nghề tham gia các hoạt động trong lễ hội truyền thống
Trong thực tế, Hội/ Hiệp hội làng nghề đã tham gia vào những hoạt động cụ thể của lễ hội truyền thống như:
Hội/ Hiệp hội huy động đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội từ phía các hội viên. Trong 3 năm gần đây, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc huy động được khoảng 20 triệu đồng mỗi năm từ phía các hội viên. Nguồn kinh phí này được trích lại một khoản để mua sắm đồ lễ dâng cúng và toàn bộ kinh phí chuyển cho Ban Tổ chức lễ hội. Tại làng gốm Bát Tràng, hằng năm, các hội viên đóng góp kinh phí gần 100 triệu đồng cho việc tổ chức lễ hội truyền thống. Hiệp hội này cũng quy định mỗi hội viên đóng góp 100.000 đồng và các doanh nghiệp lớn đóng góp nhiều hơn, cá biệt trường hợp năm 2019, có một số doanh nghiệp lớn đã công đức toàn bộ kinh phí trang trí và thuê trang thiết bị (rạp, sân khấu, âm thanh và trang phục văn nghệ) (4). Khi được hỏi, họ đều cho biết rằng, do tổ nghề và các vị thần làng phù hộ nên họ làm ăn tốt, đây cũng là dịp để họ tôn vinh, tưởng nhớ đến các vị thần linh, đồng thời cũng là dịp để người dân trong làng có điều kiện cùng tham gia cuộc vui của làng.
Bên cạnh đó, Hội/Hiệp hội còn cử đại diện tham gia vào Ban Tổ chức lễ hội. Ở làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề được cử làm Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, được giao nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động rước công cụ dệt và dâng trình đồ khéo lên tổ nghề. Ở làng Bát Tràng, Hiệp hội cử 50 thành viên tham gia lễ hội, trong đó Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội tham gia vào Ban Tổ chức, 48 người còn lại tham gia vào các tiểu ban (5). Chủ tịch Hiệp hội được cử làm Phó Ban Tổ chức lễ hội – Phụ trách các hoạt động hiến xảo, dâng đồ khéo, đấu giá các sản phẩm để gây quỹ cho Hiệp hội. Các thành viên được Hiệp hội cử ra có trách nhiệm trong việc đôn đốc các hội viên của mình ủng hộ tài chính cũng như tham gia tích cực vào từng hoạt động lễ hội được giao phó.
Hội/ Hiệp hội còn huy động các thành viên tham gia vào từng hoạt động như rước, tế và trò chơi, trò diễn… Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, Hiệp hội làng nghề huy động toàn bộ nhân lực vào các hoạt động của lễ hội, đặc biệt là việc tham gia vào nghi lễ tế và rước tổ nghề. Năm 2019, khi tổ chức lễ hội truyền thống, Hiệp hội đã huy động được khoảng 120 người tham gia trực tiếp vào việc tế, rước (nhiều gia đình huy động được 100% thành viên tham gia) (6). Tại làng gốm Bát Tràng, trong năm 2018 – 2019, Hiệp hội đã huy động khoảng gần 200 nhân lực tham gia trực tiếp vào các hoạt động của lễ hội truyền thống như: tế lễ, rước, an ninh trật tự, hậu cần… (7).
Có thể nói, các Hiệp hội làng nghề đã chủ động huy động nhân lực tham gia vào từng hoạt động của lễ hội, trong đó đặc biệt chú ý đến nhân lực cho hoạt động tế, rước, trình diễn hiến xảo, dâng đồ khéo, đấu giá sản phẩm gây quỹ cho Hiệp hội làng nghề…
3. Phát huy vai trò của Hội/Hiệp hội đối với lễ hội truyền thống tại làng nghề
Hội/Hiệp hội là một tổ chức xã hội tồn tại ở các làng nghề, về lâu dài sẽ có sự kết nối hiệu quả, tích cực với Hiệp hội Thủ công Việt Nam, từ đó tạo ra một mạng lưới liên kết chặt chẽ. Hiệp hội Thủ công Việt Nam sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các Hội/Hiệp hội làng nghề để đề xuất, giải quyết những vấn đề chung và riêng về nghề thủ công ở Việt Nam. Đối với lễ hội làng nghề, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản liên quan đến Hội/Hiệp hội tạo cơ sở pháp lý để tổ chức xã hội này có điều kiện tồn tại lâu bền, trên cơ sở đó xây dựng mạng lưới thống nhất từ trung ương đến địa phương. Việc làm này sẽ mang lại những lợi ích to lớn trong quá trình tổ chức, điều hành hoạt động của từng làng nghề cụ thể ở thành phố Hà Nội hiện nay. Bên cạnh đó, về mặt thể thức, văn bản này cần mở rộng đến các lĩnh vực khác liên quan đến thị trường và sản phẩm – hai điều kiện cốt yếu để một làng nghề có thể tồn tại bền vững trong điều kiện hiện nay.
Từ phía cộng đồng, cần phát huy vai trò của từng gia đình thợ thủ công, có các đại diện gia đình tham gia vào tổ chức Hội/Hiệp hội làng nghề. Hội/Hiệp hội làng nghề cần có phương cách để tuyên truyền, vận động và chỉ rõ quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm đối với các hộ kinh doanh ở làng nghề khi gia nhập vào tổ chức nghề nghiệp. Từ đó, những hộ kinh doanh, đặc biệt người thợ cần tích cực tham gia vào các hoạt động do Hội/Hiệp hội đề xuất, trong đó có sự đóng góp tài chính cho lễ hội truyền thống, tham gia vào các hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp.
4. Kết luận
Tác giả bài viết bước đầu nghiên cứu về vai trò của Hội/Hiệp hội làng nghề trong tổ chức lễ hội truyền thống thông qua hai làng nghề điển hình ở thành phố Hà Nội. Trên thực tế, từ góc độ quản lý di sản văn hóa phi vật thể, để lễ hội truyền thống của làng nghề phát triển được tốt hơn, cần phát huy vai trò của cộng đồng nói chung và tổ chức Hiệp hội làng nghề nói riêng, đặc biệt, cần nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm của các thợ thủ công tại từng làng nghề
N.T.P
_______________
1. Đinh Công Tuấn, Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2015, tr.83.
2. Bộ Nội vụ, Quyết định số 22/2005/QĐ-BNV, ngày 3-2-2005 về việc Thành lập Hiệp hội làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Hà Nội, 2005.
3, 4, 5, 6, 7. Tư liệu khảo sát được tác giả thực hiện vào tháng 1-2020 tại làng nghề lụa Vạn Phúc và làng nghề gốm Bát Tràng.
Văn hóa nông thôn chính là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam, nơi hội tụ những phẩm chất tốt đẹp mà con người đã tạo dựng, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giữa các gia đình với nhau đã trở thành một khía cạnh không thể thiếu, nó chính là sợi dây bền chặt để gắn kết con người, hình thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến nét đẹp giá trị văn hóa nông thôn là nói đến những gì tinh túy, bản chất nhất đã được chắt lọc, trao truyền từ thế hệ này sang thế khác, bao gồm cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, trở thành niềm tin, lẽ sống của mỗi người, có tác dụng điều chỉnh, thôi thức mọi thái độ, hành vi của con người đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý dân tộc.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nông thôn là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các cơ quan, chức năng, ban ngành địa phương và quần chúng nhân dân với nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Đứng trước sự vận động, biến đổi và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, có những người ở làng quê lên thành thị sinh sống, lập nghiệp, đã không giữ được hồn quê, bị thẩm thấu lối sống bon chen, ích kỷ, thiếu sự quan tâm với cộng đồng, chạy theo vật chất… Theo thời gian, nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp truyền thống của làng quê bị phôi phai, mai một, có nơi con người sống vồ vập, thậm chí thương mại hóa lễ hội, biến những nơi linh thiêng, trang nghiêm thành nơi “buôn thần bán thánh”; một số làng nghề truyền thống không được bảo tồn, phát huy đúng mức; không ít di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp, xâm hại…
Có thể nói, trong những năm gần đây, ý thức trở về nguồn cội, dân tộc, trở về với giá trị văn hóa đích thực được mỗi người dân chú tâm nhiều hơn, cũng là bởi văn hóa nông thôn đã thực sự trở thành chiếc nôi thân yêu nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người.
Thiết nghĩ, để bảo tồn, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước xu thế mở cửa, hội nhập cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa rất thiết thực, cụ thể, để mọi người, từ đội ngũ cán bộ các cấp, đến toàn thể nhân dân nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 đã xác định quan điểm: “Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ; đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, huy động đóng góp của nhân dân để phát triển văn hóa nông thôn” (1).
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần đi vào những vấn đề thực tiễn. Đó là các lễ hội truyền thống ở các làng, xã, thôn, bản phải được tổ chức chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, vui tươi, tiết kiệm, có tác dụng khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển; coi trọng các giá trị về phẩm chất đạo đức, lối sống của con người, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn; giáo dục, nhắc nhở con người giữ vững và phát huy truyền thống hiếu học, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu, những phong tục, tập quán rườm rà, cản trở sự tiến bộ, phát triển của xã hội… Những nội dung trên được thực hiện thông qua sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ các cấp gắn với việc xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp cần nhận thức rõ và có những kế hoạch quyết liệt để xây dựng chương trình hành động, tạo sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng và hành động giữa cán bộ và nhân dân. Vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở được biểu hiện trước hết ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức, phát động; gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, gần gũi với nhân dân; bám sát cơ sở, hoạt động ở từng thôn, bản, nắm bắt kịp thời những tình huống, sự việc xảy ra trong thực tiễn cuộc sống; tích cực việc tham mưu, đề xuất với người đứng đầu địa phương về những nội dung, hình thức, phương thức bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn… Muốn vậy, đội ngũ các cấp phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện về mọi mặt để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ kiến thức về văn hóa, tích cực, chủ động tham gia vào công tác hoạch định các hoạt động bảo tồn, tu bổ tôn tạo các di tích, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác định hướng cho nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bị cuốn vào vòng xoáy của thông tin xấu độc, văn hóa phẩm đồi truỵ, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tôn vinh, biểu dương đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo tồn, phát hay các giá trị văn hóa nông thôn. Thực tiễn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn ở nước ta cho thấy, đa phần các làng quê vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều lễ hội, di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa và các trò chơi dân gian ở làng quê đã được bảo vệ, phát huy hữu hiệu. Đó là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành địa phương và nhân dân trong thời gian qua. Hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cần phát huy tính dân chủ trong thảo luận, hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa nông thôn; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp; kịp thời bổ sung, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho việc bảo vệ, phát triển văn hóa nông thôn phù hợp với tình hình mới.
Văn hóa nói chung và văn hóa nông thôn nói riêng đã trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, ý chí và khát vọng hàng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, mỗi người đều phải ý thức sâu sắc về vai trò, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, để chúng ta luôn giữ được hồn cốt, bản sắc của dân tộc ở bất kỳ môi trường, điều kiện nào, góp phần xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững.
______________
1. Quyết định số 22/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, ngày 5-1-2010.
Tác giả: Nguyễn Thu Phượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%