Cùng với quá trình toàn cầu hóa đưa đến những biến đổi về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, nhiều giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc đang dần bị mai một, có nguy cơ mất hẳn. Để gìn giữ các phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, mỗi cộng đồng có cách thức và công cụ riêng để bảo vệ và hương ước, quy ước trở thành một trong những công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi, quan hệ ứng xử, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Hương ước, quy ước là những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, xã hội do cộng đồng lập ra, nhằm điều chỉnh các hành vi, ứng xử của tập thể và các thành viên trong cộng đồng làng, gìn giữ và phát phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. “Hương ước tức là lệ làng thành văn bản, hay hương ước là công cụ tự điều khiển, tự điều chỉnh của làng xã” (1). “Hương ước (hương khoán, hương biên, hương lệ…) là văn bản ghi lại những tục lệ của làng, bao gồm các quy định về thế ứng xử, về các nghĩa vụ phải gánh vác, những việc được làm hay bị cấm đoán, nhằm buộc từng tổ chức, cá nhân vào đời sống cộng đồng” (2). Hương ước, quy ước có khoảng hơn 50 tên gọi khác nhau như khoán ước, cựu khoán, tục lệ, khoán lệ, ước lệ, sổ chính trị phong tục, ương ước, quy ước…
Ở nước ta, từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về hương ước, quy ước. Các công trình nghiên cứu về hương ước, quy ước trước những năm 90 TK XX chủ yếu là các công trình dịch thuật giới thiệu nội dung của các bản hương ước cổ truyền; các nghiên cứu hương ước, quy ước với vai trò là một thiết chế xã hội tự quản của cộng đồng, làng xã Việt Nam, tiêu biểu như: Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (Trần Từ)… Các nghiên cứu này đã khẳng định rõ vai trò của hương ước trong việc kết nối các thiết chế tổ chức, điều chỉnh mối quan hệ xã hội trong làng, làm cho thiết chế làng xã vận hành uyển chuyển; từ đó hương ước đóng vai trò là cương lĩnh tinh thần của từng cộng đồng cư dân Việt…
Các công trình nghiên cứu hương ước, quy ước dưới góc độ bảo tồn văn hóa dân tộc được thực hiện chủ yếu sau khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới với những biến đổi mạnh mẽ về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Bảo tồn và phát triển văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Nghiên cứu hương ước, quy ước trở thành nhu cầu không chỉ để phục vụ việc soạn thảo và thực hiện quy ước làng, mà còn để tiếp tục tìm hiểu về làng Việt cổ. Do vậy, các công trình nghiên cứu về hương ước, quy ước thời gian này khá đa dạng, tiêu biểu như Xây dựng quy ước làng văn hóa ở Hà Bắc (Sở VHTTTT Hà Bắc), Văn hóa hương ước – từ truyền thống đến hiện đại (Lê Thị Hiền), Truyền thống Việt Nam qua tư liệu hương ước (Bùi Xuân Đính)…Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này mới đánh giá, nhìn nhận hương ước, quy ước là một trong những thiết chế xã hội, là công cụ để thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ngày nay, nghiên cứu về hương ước, quy ước ít nhận được sự quan tâm. Vì vậy, ở bài viết này, tác giả đi sâu phân tích vai trò của hương ước, quy ước trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục ở nước ta hiện nay trên cơ sở nghiên cứu việc xây dựng, triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở các tỉnh Hải Dương, Thừa Thiên Huế và Long An.
1. Hương ước trong việc giáo dục văn hóa truyền thống
Giữ gìn, giáo dục văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng, phòng ngừa, bài trừ những thói hư, tật xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống là một trong những lý do các thôn, làng, bản xây dựng hương ước, quy ước của mình. Bản quy ước thôn văn hóa của thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 có ghi: “Các vị tiền nhân đã để lại cho con cháu đời sau những di sản vô cùng quý giá, đó là đạo đức, thuần phong mỹ tục, đấu tranh bất khuất, lao động cần cù sáng tạo để xây dựng làng đã trên 250 năm… để giữ gìn truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…” (3). Hương ước, quy ước trở thành phương tiện để truyền tải, giáo dục, khuyến khích và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng bản, tránh xa những thói hư tật xấu, loại bỏ những hủ tục tập quán không phù hợp, hướng tới xây dựng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, xã hội phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng của từng làng, từng dân tộc.
Qua nghiên cứu khảo sát, các bản hương ước, quy ước xây dựng thôn, làng, ấp bản hiện nay đều có những điều, khoản quy định rất cụ thể trong việc gìn giữ nền nếp gia phong của gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Bản quy ước làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội soạn thảo năm 2012, có 8 chương, 26 điều, trong đó có 2 chương quy định về nghi lễ truyền thống và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, 11 điều quy định việc thực hiện bảo tồn những nghi lễ truyền thống, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nếp sống trong quan hệ cộng đồng, bài trừ hủ tục lạc hậu… Bản quy ước thôn văn hóa của thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có 8 chương, 35 điều, trong đó có 2 chương, 22 điều quy định về văn hóa, xã hội, nghi thức tiệc tùng của thôn. Bản quy ước xây dựng đời sống văn hóa Ấp 2, xã Thạch Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có 2 chương, 14 điều thì có 1 chương, 12 điều quy định về văn hóa xã hội. Qua đó, cho thấy các quy định về văn hóa, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống chiếm phần lớn nội dung của các bản quy ước.
2. Hương ước, quy ước trong việc giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ
Đối với gia đình, các bản hương ước chú trọng đến việc giáo dục đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; giáo dục nề nếp gia phong, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình, con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội… Các bản hương ước, quy ước cũng rất chú trọng đến việc giáo dục truyền thống của dòng họ, khuyến khích tinh thần học tập, khoa cử của các dòng họ, con em trong làng. Một số làng có quy định miễn mọi đóng góp sưu thuế cho người đang đi học, và người đi học phải có trách nhiệm chuyên tâm vào việc học; nếu làng phát hiện ra người nào vừa đi học, vừa đi cày thì sẽ đình chỉ ngay việc nhiêu miễn để “răn cái lỗi không chăm học”(4). Các bản hương ước mà chúng tôi thu thập được đều có những điều, khoản quy định về khuyến khích, động viên, khen thưởng, ghi công lưu bút những người trong làng thi cử đỗ đạt cao “khen thưởng, ghi công những người đỗ đạt vị cử nhân, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; lưu bút tích những người đỗ học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo viên nhân dân, nghệ sĩ nhân dân hoặc những học vị tương đương và học sinh giỏi cấp quốc gia”(5).
Hương ước, quy ước đều hướng tới giáo dục con cháu những điều hay, lẽ phải, luân thường, đạo lý trong quan hệ gia đình, hàng xóm, láng giềng như: trong cuộc sống hàng ngày, ai nấy đều hiếu đễ với cha mẹ, chú bác, anh chị, tình nhà gắn bó; đối với xóm làng phải hòa thuận, cư xử đúng mực, đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những lúc gia đình gặp khó khăn. Hương ước, quy ước còn rất chú trọng đến việc giáo dục truyền thống uống nước, nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo đối với người cao tuổi như: “Các cụ đúng 75 tuổi, thôn tổ chức thăm hỏi chúc thọ; các cụ 80, 85, 90, 95 làng phối hợp cùng các chi hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà; 100 tuổi trở lên làng tổ chức mừng đại thọ, khi qua đời làng tổ chức đưa đám tang theo nghi lễ của làng”(6). Bên cạnh việc giáo dục con cháu về thuần phong, mỹ tục của làng, của dân tộc, các bản hương ước, quy ước còn lên án, răn đe, xử phạt những hành vi vi phạm quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, quy định của làng đặt ra như: Việc con cái bất hiếu với cha mẹ; những người lười biếng, không chịu làm ăn, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp hay làm những điều trái với luân thường, đạo lý làm người. Hương ước, quy ước trở thành thành bức tường vững chắc để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
3. Hương ước với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
Làng là nơi hình thành và gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Các di sản trong các làng xã Việt Nam rất phong phú và đa dạng bao gồm di sản văn hóa phi vật thể (các phong tục tập quán, âm nhạc, nghệ thuật, lễ hội, các làn điệu hát dân ca, trò chơi dân gian…), di sản văn hóa vật thể như: đình (thờ thành hoàng và là nơi sinh hoạt xã hội của cộng đồng làng), chùa (nơi thờ Phật), đền, miếu (nơi thờ chính của thần), văn chỉ (nơi tôn vinh việc học hành và những người học hành thành đạt), nhà thờ các dòng họ, nhà thờ và lăng mộ các doanh nhân… Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là những giá trị văn hóa tiêu biểu, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng quê. Vì thế, chúng được cộng đồng làng bảo vệ nghiêm ngặt, giữ gìn chu đáo.
Trong các bản hương ước, quy ước đều có những quy định về bảo vệ các di sản văn hóa của làng, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể như: đình, chùa, miếu và nghi thức tế, lễ trong lễ hội, lễ cúng của làng. Làng xã đề ra các quy định trong hương ước, nhằm ngăn ngừa và xử phạt (mức phạt thường nặng hơn so với các vi phạm bình thường) đối với các hành vi xâm phạm di tích như: chặt cây cối, làm mất vệ sinh, gây mất trật tự trong khu vực, lấy trộm cổ vật trong di tích… Các di vật quý được giữ gìn rất bí mật và cẩn thận, chẳng hạn, sắc phong chỉ có thủ từ và một số kỳ mục, chức dịch biết nơi cất giữ. Mỗi năm, trước dịp hội làng hay lệ tiệc chính, các đạo sắc được kiểm tra lại và đem ra phơi cho khỏi bụi mốc, ẩm, rách rồi cất vào ống sắc, hòm sắc cẩn thận. Việc chọn người thủ từ (trông giữ đình, đền), thủ tự (trông coi chùa, nếu chùa không có sư) ngoài tiêu chuẩn song toàn còn phải là người đứng đắn, trung thực, phúc hậu, có uy tín, được dân làng bầu ra. Trước đây, các làng đều cấp ruộng cho thủ từ, thủ tự cày cấy, lấy hoa lợi cho việc đèn hương ở di tích. Một số làng còn có lệ, người làm cai đám (chịu trách nhiệm lo việc tế lễ trong kỳ hội của năm) ngay sau khi nhận chức phải rước đồ thờ về tại nhà mình, trông giữ cẩn thận đến kỳ hội (hoặc kỳ tiệc lệ) năm sau mới rước ra đình để làng mở hội. Người có trách nhiệm mà để hư hại di tích, mất mát đồ vật thờ cúng thì bị dân làng lên án và bãi chức. Nên khi đình, đền, chùa xuống cấp dân làng phải đóng góp tiền để sửa chữa, bởi “đền, đình, miếu, chùa là gốc của các việc hương ẩm; ngôi thứ, lễ nghĩa ở đấy mà ra, phong tục hay dở cũng ở đấy mà nên, bởi vậy người ở trong làng ai cũng phải trân trọng gìn giữ”(7).
Ông bà, cha mẹ đều luôn giáo dục ý thức bảo vệ đền, đình, miếu, chùa; nhắc nhở con cháu phải tôn kính thần thánh, cả khi đi qua đình chùa, đền miếu. Người xưa luôn quan niệm, không chỉ đình, chùa, đền, miếu mà cả những di vật trong đó đều là của thánh thần, có tính thiêng, nếu làm hư hỏng, mất mát, làm hủy hoại hoặc lấy trộm thì không chỉ “phải tội” với thần linh mà còn bị thần linh trừng phạt bằng cách gây ốm đau, bệnh tật hoặc làm ăn sa sút, gây bất hoà trong gia đình… Chính vì thế, xưa kia, dân làng, từ già đến trẻ đều có ý thức bảo vệ đình chùa, đền miếu, làm cho các di tích này luôn mang tính thiêng liêng, huyền bí, không ai dám xâm phạm (8).
Ngày nay, các bản quy ước xây dựng thôn, làng văn văn hóa không có nhiều quy định trong việc gìn giữ, bảo tồn các di tích như các bản hương ước trước đây, nhưng việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích luôn được cộng đồng và người dân quan tâm, gìn giữ và phát triển trở thành những di sản văn hóa của mỗi làng. Gắn liền với việc bảo vệ cơ sở vật chất, không gian di tích, các bản hương ước còn chú trọng đến các nghi thức tế, lễ thể hiện lòng thành kính của nhân dân, cộng đồng với với những người có công với làng, với nước. “Hàng năm làng tổ chức lễ xuân tế (xuân kỳ), thu tế (thu báo) và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước… phù hợp với phong tục, tập quán, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng, tình cảm, tâm linh, tâm thực của quần chúng, phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống tốt đẹp của quê hương” (9).
Các bản hương ước, quy ước ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn có những quy định rất chặt chẽ trong việc tổ chức các nghi lễ cúng của làng. Bản quy ước của người Dao tại bản Dền Sáng, xã Dền Sáng, Bát Xát, Lào Cai quy định: “Hàng năm vào ngày 2 tháng giêng, trưởng các dòng tộc trong bản sẽ họp và cử ra một người làm chủ lễ, một người làm chủ rừng và 3 người giúp việc làm nhiệm vụ chế biến đồ lễ. Ngày lễ chính mỗi gia đình phải cử một người đại diện là nam giới tham gia, tuyệt đối nữ giới không được tham gia. Trong ba ngày làng tổ chức lễ cúng rừng, mọi người trong làng tuyệt đối không được đi làm nương, lấy củi, chặt cây rừng. Các gia đình đều phải có nghĩa vụ đóng góp cho làng tổ chức lễ cúng theo từng năm…”. Hay ở các bản người Thái vùng Tây Bắc, hàng năm dân bản đều tổ chức lễ cúng xên bản, xên mường để cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên; vùng người Tày, Nùng có lễ hội cầu mùa lồng tồng được tổ chức vào dịp đầu năm mới để cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Việc tổ chức, thực hành các nghi thức tế lễ các vị thần linh phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng. Thông qua hoạt động lễ hội truyền thống nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các thôn, làng, bản được duy trì và phát triển như: hát chèo, tuồng, dân ca, dao duyên đối đáp, hò… cùng các trò chơi dân gian truyền thống như: đua ngựa, đua thuyền, tung còn, bắn cung, kéo co… nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các làng quê đã được vinh danh trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quốc gia và nhân loại như: nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế…
4. Một số giải pháp phát huy vai trò hương ước đối với giáo dục văn hóa truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục
Để phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong việc giáo dục, gìn giữ văn hóa truyền thống của cộng đồng cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là công việc của cộng đồng, do người dân thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt, không nhất thiết thôn, làng nào cũng phải xây dựng hương ước, quy ước mà dựa trên nhu cầu của cộng đồng. Nội dung của hương ước, quy ước phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của từng địa phương, như vậy nội dung của hương ước, quy ước mới đi vào thực tiễn đời sống của cộng đồng, được mọi người thực hiện nghiêm túc. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, nhằm phát huy tính tự quản của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt vai trò của trưởng tộc, những người có uy tín cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người già, đặc biệt là cán bộ, đảng viên để làm gương cho mọi người noi theo, thực hiện, góp phần tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, ấp, bản.
Gắn kết việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa,… nhằm phát huy các nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý lễ hội, gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, bản, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Hương ước, quy ước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Do vậy việc xây dựng, triển khai thực hiện hương ước, quy ước cũng được nhìn nhận trở lại, có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đời sống thực tiễn, gắn với đặc thù phong tục tập quán của từng địa phương, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, bảo đảm dân chủ cơ sở và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình. Rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và sự chung sức của cả cộng đồng để hương ước, quy ước phát huy được vai trò là thiết chế xã hội quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của cộng đồng.
_______________
1. Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.20-21.
2. Bùi Xuân Đính, Cha ông ta bảo vệ di sản văn hóa, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 – 2003, tr. 67-71
3, 5. Bản quy ước văn hóa thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016.
4. Trần Thị Thu Hà, Vấn đề sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường tự nhiên qua một số hương ước tiêu biểu vùng châu thổ sông Hồng, Luận văn Thạc sĩ.
6 . Quy ước thôn văn hóa Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013.
7. Hương khóa xã Phù Xá Đoài, Tổng Phù Xá, huyện Kim Anh, huyện Phúc Yên năm 1906.
8. Dương Xuân Thoạn, Hương ước với việc xây dựng làng văn hóa ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
9. Bản quy ước làng văn hóa Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018
Tác giả : BÙI DUY CHIẾN
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám