Vai trò của người cao tuổi trong việc giữ gìn và trao truyền các di sản văn hóa phi vật thể


Thực tế ở cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã chứng minh, người cao tuổi có vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp vào cuộc sống gia đình và cộng đồng. Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, người cao tuổi không chỉ là người nắm giữ những kỹ năng, bí quyết quan trọng mà còn là người trao truyền của cộng đồng. Thông qua nghiên cứu trường hợp làm thuyền độc mộc ở một số dân tộc vùng Tây Nguyên, bài viết làm rõ vai trò của người cao tuổi trong việc giữ gìn và trao truyền văn hóa phi vật thể thông qua các kỹ năng và kỹ thuật tạo tác con thuyền, trong những phong tục tập quan hay kiêng kỵ lên quan đến quá trình tìm cây, lấy gỗ, làm thuyền và sử dụng thuyền ở chính cộng đồng mình.

 

1. Mối quan hệ giữa di sản văn hóa phi vật thể và người cao tuổi

Theo UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng, kèm theo đó là công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, nhóm người, cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ, được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác (1). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (2).

Những người thực hành các di sản văn hóa phi vật thể có vai trò rất quan trọng. Người có trình độ cao được gọi là nghệ nhân. Sự hình thành kỹ năng, kỹ thuật và hiểu biết của nghệ nhân là một quá trình lâu dài, vừa có tính cá nhân, vừa có tính cộng đồng thực hành và cộng đồng mang/ chứa các truyền thống văn hóa dân gian mà cá nhân đó nắm giữ.

Trong số các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Việt Nam, nghề làm thuyền độc mộc, một loại thuyền được đục từ một thân cây gỗ lớn nguyên vẹn, là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Các nhà nghiên cứu coi thuyền độc mộc là một trong những loại hình thuyền cổ xưa nhất được sử dụng để đi lại của hầu hết cư dân vùng sông nước. Hiện nay ở Việt Nam, thuyền độc mộc vẫn còn được sử dụng ở một số tộc người sống ven sông, hồ thuộc khu vực Tây Nguyên như: người Mnông ở hồ Lắk (Đắk Lắk), người Gia rai ở ven sông Pô Kô (Gia Lai), người Bana ở ven sông Đăk Bla…

2. Các tri thức văn hóa phi vật thể liên quan đến thuyền độc mộc

Nguyên liệu và khai thác nguyên liệu để làm thuyền độc mộc

Thuyền độc mộc của các dân tộc Mnông, Gia rai, Bana thường có độ dài từ 5-8m, rộng từ 50-80cm, sâu lòng từ 25-35cm. Để có một con thuyền, công việc đầu tiên là tìm những cây lâu năm, thân thẳng, thuôn dài, đường kính lớn để làm thuyền. Đây là công việc đòi hỏi sự am hiểu địa bàn, phân bố cây và các phong tục tập quán, quy định của cộng đồng. Việc tìm gỗ làm thuyền thường diễn ra vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm, thời điểm thu hoạch xong, khí hậu khô ráo, vừa thuận lợi cho việc đi rừng tìm cây để làm thuyền, vừa tránh được các loại muỗi, vắt…

Khi các gia đình tự làm thuyền, chủ nhà thường nhờ anh em, họ hàng hoặc bạn bè lập nhóm 3-4 người đi tìm gỗ. Việc tìm gỗ diễn ra từ 1-2 ngày theo hình thức đổi công. Loại gỗ ưu tiên để làm thuyền độc mộc là gỗ sao, sau đó là gỗ hương, rơ mal, bằng lăng, săng lẻ, mít rừng, dầu rái hoặc bông gòn. Tuổi thọ của thuyền làm bằng gỗ sao có thể lên tới 20 năm, trong khi của thuyền làm bằng gỗ bông gòn chỉ được 1-2 năm. Sau khi tìm được cây gỗ như ý, chủ thuyền sẽ chặt những nhát rìu đầu tiên. Theo kinh nghiệm, cây gỗ khi chặt xuống phải nằm ngang sườn đồi, núi – nơi tương đối bằng phẳng và nhiều tán cây làm vật cản, tránh làm cây bị va đập mạnh vào đá hoặc lao xuống dốc (sẽ làm thân gỗ nứt, vỡ…) hay khe núi (được xem như là miệng thần rừng, sẽ đem đến điềm xui)… Người ta thường chặt sâu vào bên thân cây ở hướng cây đổ và chặt ít hơn ở hướng ngược lại.

Tạo tác thuyền độc mộc

Thuyền được làm thô ngay tại nơi hạ cây, trước khi được kéo về. Đầu tiên, người ta dùng rìu phạt mặt ngang trên thân gỗ để làm mặt phẳng tương đối của miệng, phạt bớt phần rác gỗ vòng ngoài của cây, đồng thời tạo hình dáng khởi đầu của 2 mạn và thân thuyền. Người Mnông đốt lửa 2-3 lần, sau mỗi lần, họ dùng rìu cạo lớp than để tạo lòng thuyền. Người Gia rai tạo lòng thuyền bằng rìu, sau đó, họ úp miệng thuyền rồi lưng thuyền trên 6 cây gỗ bắt chéo hình chữ X, cách mặt đất khoảng 40cm và đốt lửa ở dưới cho đến khi gỗ nóng chảy nhựa để căng mạn, tạo độ mở của lòng thuyền, cuối cùng dùng thanh ngang cố định độ rộng của mạn thuyền. Người Bana cũng tạo lòng thuyền bằng rìu, sau đó, nếu hơ lửa thì họ trát một lớp bùn dày từ 2-3cm ở cả trong lòng thuyền và ngoài mạn thuyền rồi dùng thanh ngang để cố định độ mở của lòng và miệng thuyền. Gần đây, người Bana không còn dùng lửa hơ thuyền nữa mà họ tạo lòng và độ mở của miệng thuyền cố định trước khi lắp thanh ngang (3).

Về kiểu dáng, thuyền độc mộc của người Mnông có đáy bằng, thành thuyền tạo với đáy thuyền một góc gần vuông, thu nhỏ về hai đầu tạo phần mũi và lái thuyền thành một khối gỗ gần vuông. Thuyền của người Gia rai lại thuôn tròn, lòng thuyền hình vòng cung, mũi và lái thuyền bằng và dẹt, gần như hình đuôi cá, hơi hếch lên cao so với thân thuyền. Thuyền của người Bana cũng thuôn tròn nhưng mũi và lái thu vào nhỏ và dày với thiết diện hình chữ nhật. Phần đầu, cuối thuyền (mũi và lái) có tạo hình đa dạng nhất. Cùng với kiểu dáng, việc tạo hình phần mũi và lái giúp cho thuyền có thể vận hành tốt trong các điều kiện thủy văn khác nhau (4).

Phong tục tập quán liên quan đến thuyền độc mộc

Trước đây, để việc tìm gỗ thuận lợi và an toàn, trước khi đi, người Mnông, Gia rai, Bana thường làm lễ tại nhà để cầu xin ông bà, các thần cho việc đi rừng tìm gỗ, đẽo thuyền được thuận lợi. Khi vào tới rừng, tìm được cây gỗ ưng ý, trước khi chặt, họ cũng có lễ vật dâng lên các thần để xin cây và tạ ơn. Lễ vật phổ biến là 1 con gà và 1 ghè rượu.

Người Mnông giết gà, lấy máu vẩy xung quanh gốc cây và cầu khẩn thần rừng, thần đất: “Xin thần rừng, thần đất cho phép lấy cây này. Xin các thần phù hộ cho việc chặt cây được an toàn và suốt quá trình làm thuyền không có việc gì xảy ra” (5). Người Mnông quan niệm, cây cổ thụ sẽ có thần linh trú ngụ, nếu chặt sẽ làm mất nơi trú ngụ của thần linh hoặc thần linh vẫn ở trong thuyền và làm hại đến gia chủ. Sau khi hạ cây, họ thường lấy máu chó (6) vẩy lên thân cây để thần linh rời bỏ đi nơi khác. Sau đó, người ta cũng lấy máu gà bôi vào gốc cây để tạ ơn thần rừng, thần cây đã phù hộ cho công việc được an toàn và cầu mong phù hộ cho việc làm thuyền được hoàn thành nhanh chóng.

Người Bana và Gia rai khi đi rừng phát rẫy làm nương hay chặt gỗ làm nhà, đẽo thuyền, săn bắt thú rừng… đều làm lễ cúng yang và các vị thần rừng (tuy nhiên, vào những năm 50 TK XX, một bộ phận người Bana và Gia rai theo đạo Công giáo không thực hành các nghi lễ cúng, thay vào đó, họ cầu nguyện mỗi khi khởi sự công việc). Sau khi tìm được cây gỗ vừa ý, họ đánh dấu để xác định quyền sở hữu (chặt một nhát rìu, lột một khoanh vỏ, buộc dây vào thân cây, dọn dẹp cây bụi quanh gốc cây, dùng cành cây tạo thành hình chữ thập cắm ở cạnh cây). Khi thuyền đẽo xong, chủ nhà là người đầu tiên bước lên và chèo thuyền từ bờ này sang bờ kia và quay lại, với ý nghĩa là thuyền đi rồi phải trở về bến, ước vọng cuộc sống gia đình bình an, làm ăn thuận lợi.

Với những gia đình người Mnông không tự làm được thuyền mà phải đi mua, người bán sẽ kéo thuyền mới đến giao cho người mua. Khi bàn giao, người mua mời người bán uống rượu. Hai bên vừa uống rượu vừa nói chuyện, nội dung câu chuyện có nhiều ý nghĩa tượng trưng: Người bán: tôi giao thuyền cho ông, ông phải giữ chắc cái thuyền này, mong thuyền của ông không bị mất, không bị ăn cắp, không bị ăn trộm. Người mua: thôi được rồi, đã giao cho tôi thì tôi sẽ có trách nhiệm giữ nó thật tốt. Mất mát tôi chịu, bể tôi cũng chịu.

Các dân tộc này cũng có một số kiêng kỵ trước, trong và sau khi đi rừng tìm gỗ đẽo thuyền. Họ tránh lấy gỗ ở rừng cấm, rừng thiêng của buôn dù với bất kỳ mục đích gì; kiêng đi rừng tìm gỗ nếu đêm trước mơ thấy gà trống, gà màu đỏ hay cô gái đẹp đi theo… Trong quá trình tìm cây đến trước khi chặt, các thành viên không được chẻ gỗ, nứa hoặc lồ ô vì sẽ làm cho cây gỗ tìm được dễ bị nứt toác khi chặt. Trên đường đi rừng, họ thường hay để ý tiếng kêu hoặc tiếng hót của một số loài chim và động vật. Đầu tiên phải căn cứ vào tiếng kêu của chim bồ chao (7), sau đó là tiếng kêu của chim bói cá hay của con mang (8) mà họ tiếp tục đi rừng hoặc quay lại.

3. Vai trò của người cao tuổi trong việc giữ gìn và trao truyền tri thức văn hóa liên quan đến thuyền độc mộc

Tri thức liên quan đến việc tìm nguyên liệu làm thuyền

Để có một con thuyền, công việc đầu tiên là tìm các cây gỗ cao, to mọc ở trong các cánh rừng nguyên sinh. Đây là công việc quan trọng, cần những người có kinh nghiệm đi rừng; sự am hiểu về địa bàn, sự phân bố, đặc tính của các loài cây và phong tục, tập quán của cộng đồng để cùng chủ thuyền đi rừng khai thác gỗ, đẽo thuyền. Do vậy, một gia đình cần làm thuyền thường rủ những người khác và đổi công với họ.

Trước tiên, người có kinh nghiệm cùng với gia chủ vào rừng tìm cây, hoặc chỉ dẫn cho gia chủ xác định khu vực rừng có loại gỗ tốt để làm thuyền. Thông thường, người ta chọn một điểm cao để có thể nhìn bao quát cả cánh rừng. Người tìm cây sẽ được chỉ dẫn nhận biết cây gỗ cần tìm qua màu sắc và hình dáng của những tán cây, những chiếc lá, rồi định vị và tìm đường đến nơi có cây. Họ cũng có thể tìm được cây ưng ý khi đi vào rừng tìm kiếm lâm sản, săn bắn hay trong khi đi chặt cây, làm thuyền giúp cho các gia đình khác… Cũng có nhiều trường hợp, sự hỗ trợ và chia sẻ thông tin về nguồn nguyên liệu được tập trung nơi các già làng, trưởng bản. Khi đã tìm được cây gỗ, việc đánh dấu như thế nào để người đến sau nhận biết là cây đã có chủ cũng được những người trước truyền lại cho người sau, thông qua những chuyến đi rừng cùng nhau.

Tri thức liên quan đến việc làm thuyền

Một tốp làm thuyền bao giờ cũng có người cao tuổi nhiều kinh nghiệm, làm thuyền rất giỏi. Quá trình học và làm thuyền của những người đàn ông các dân tộc Mnông, Gia rai, Bana đều thông qua hình thức “cầm tay chỉ việc”. Khi còn trẻ, họ thường tham gia vào các tốp làm thuyền, được những nghệ nhân có kinh nghiệm chỉ dẫn. Những công đoạn hay những chi tiết quan trọng nhất, quyết định sự cân đối và tiêu chuẩn kỹ thuật của con thuyền, vẫn do những người già và có kinh nghiệm đảm nhiệm.

Bộ phận khó tạo tác nhất vẫn là phần bụng thuyền và hai đầu thuyền. “Các ông già có kinh nghiệm làm thuyền sẽ tính cắt bỏ thế nào cho đầu thuyền cong vừa phải. Nếu muốn đuôi hoặc mũi thuyền cao hơn thì phải mở rộng mạn thuyền hơn.

Nhưng quan trọng nhất là hai đầu thuyền phải thẳng và cong vừa phải không khi xuống nước thuyền sẽ bị ngiêng, dễ lật” (9). Thậm chí, sau khi con thuyền đã thành hình, việc hơ thuyền qua lửa để tạo độ dẻo dai và độ mở cho lòng thuyền, người ta vẫn phải nhờ cậy đến những người cao tuổi có kinh nghiệm.

Tri thức về phong tục tập quán liên quan đến thuyền

Cho đến hiện nay, cộng đồng Mnông, Bana, Gia rai vẫn thường tương trợ nhau trong các hoạt động sản xuất, trong đó có việc làm thuyền, bằng hình thức đổi công. Những người già trong làng vẫn là những người tiếp nối những tập tục để kết nối mối quan hệ xã hội của cộng đồng. “Tôi nhớ là trước khi đi kiếm cây, ông già lớn tuổi trong làng sẽ uống ly rượu và chúc sức khỏe và gặp may mắn” (10). Thậm chí, đối với những cộng đồng dân tộc đã theo đạo Công giáo từ khoảng hơn 30 năm trở lại đây, những người già trong làng vẫn âm thầm thực hiện những nghi lễ đã thành thói quen trong nếp sống của họ (11).

_______________

1. Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.

2. Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

3, 4. Lê Anh Hòa, Kiểu dáng và tạo tác thuyền độc mộc ở Tây Nguyên, Tạp chí Đông Nam Á, số 12, 2016, tr.68-74.

5, 9, 10. Phỏng vấn tại thực địa.

6. Họ quan niệm chó là loại vật ăn bẩn nên máu chó được xem là loại máu bẩn, khi vẩy lên thân cây, nơi ở của thần linh bị ô uế, thần linh sẽ bỏ đi.

7. Người dân kể rằng, loài chim này thường sống ở bìa rừng, khi thấy có các sinh vật, nhất là loài thú lớn tầm nhìn của chúng di chuyển thì chúng kêu inh ỏi. Chúng kêu ở hướng khác nhau có ý nghĩa khác nhau khiến người ta có thể quay về hoặc đi tiếp.

8. Mang là một loại động vật thuộc dạng hươu, nai thuộc chi Muntiacus.

11. Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước Vai trò của người cao tuổi trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, mã số DTDL: XH-10/18.

 

Tác giả: Vũ Thị Hà – Võ Thị Mai Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *